Cầu Trần Thị Lý, chút thiệt thòi với “người em song sinh”

Đà Nẵng trong những năm từ 1998 đến 2013 là đại công trường xây cầu. Cả nước chưa có địa phương nào khánh thành một lúc 2 cây cầu lớn mà lại là những cây cầu có kiểu dáng độc nhất vô nhị như cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý.

Cầu Trần Thị Lý trong dịp khánh thành, cuối tháng 3/2013.

Cầu Trần Thị Lý cùng khánh thành với cầu Rồng ngày 29/3/2013 sau khi được xây mới hoàn toàn từ vị trí cây cầu cũ, nhưng xem ra dư luận lại đổ xô sự quan tâm về “người anh em song sinh” kia hơn. Cầu Trần Thị Lý chịu thiệt thòi đáng kể trong sự quan tâm của dư luận.

Cây cầu vượt dòng Hàn giang đầu tiên của xứ Đà

Cầu Trần Thị Lý cũ đang được phá dỡ.

Nói về bề dày lịch sử, thì cây cầu này có lịch sử dày dặn hơn rất nhiều. Đây là cây cầu vượt sông Hàn đầu tiên của Đà Nẵng, có từ thời Pháp thuộc. Lịch sử cây cầu bắt đầu từ 1951, khi người Pháp xây dựng, có tên  De Lattre de Tassigny mà dân gian quen gọi là cầu Đờ – lát, sau đó đổi thành Trịnh Minh Thế thời Việt Nam cộng hòa.

Cầu Trần Thị Lý cách cầu Nguyễn Văn Trỗi chỉ 20m về phía thượng lưu.

Vốn là cầu đường sắt từ lúc khởi thủy, cây cầu là nỗi tò mò thắc mắc cả tuổi thơ tôi mỗi khi đi qua cầu Nguyễn Văn Trỗi nhìn sang. Vì chưa bao giờ tôi thấy có tàu chạy ở đấy (Sau này tôi mới biết, lúc ấy tuyến đường sắt này đã ngưng hoạt động từ lâu). Từ năm 1993, cầu đổi tên là Trần Thị Lý cho đến bây giờ, khi cầu được sửa chữa lại thành cầu đường bộ, đường sắt băng qua cầu được phá bỏ hoàn toàn và thay vào đó là con đường dẫn vào hai đầu cầu. Cùng với cầu Nguyễn Văn Trỗi bên cạnh, cầu Trần Thị Lý trở thành một trong hai cây cầu cõng toàn bộ nhu cầu đi lại của người dân xứ Đà ở 2 bên bờ Hàn giang (cho tới khi cầu sông Hàn khánh thành, chia sẻ gánh nặng này). Với những ai đã ngán leo dốc cầu Nguyễn Văn Trỗi, nhất là đi xe đạp, thì lưu thông qua cầu Trần Thị Lý giải pháp rất hợp lý vì cầu có độ cao thông thuyền rất thấp.

Cầu Trần Thị Lý, ảnh chụp tháng 2/ 2011.

Cái đẹp và sự “thiệt thòi”

Từ khi khánh thành đến nay, chưa thấy dư luận nào chê cầu Trần Thị Lý xấu cả, ai cũng thừa nhận cây cầu trông rất hiện đại mà lại không kém phần duyên dáng. Trụ nghiêng độc đáo cao 145m và những sợi dây văng như dải lụa vắt qua sông, tưởng tượng hơn thì như cánh chim hay cánh buồm xuôi dòng Hàn giang. Nhưng vì sự đẹp đẽ mà ít sóng gió dư luận đó, khiến cây cầu bị lép vế hơn so với người anh em song sinh.

Những sợi dây văng uyển chuyển tạo thêm điểm nhấn độc đáo cho cây cầu.

Có lẽ, sự kém “ăn khách” hơn, còn do vị trí cầu Trần Thị Lý cũng khá “cách trở” so với cầu Rồng, nghĩa là khá xa với trung tâm sầm uất của Đà Nẵng, dù hai cây cầu này chỉ cách nhau tầm 1km. Đoạn đường Bạch Đằng nối dài từ chân cầu Rồng đến chân cầu Nguyễn Văn Trỗi – Trần Thị Lý khi ấy thi công rề rà không liên tục. Nay thì con đường dọc sông Hàn này đã được hoàn tất, nối tiếp đường Bạch Đằng vào chân cầu Nguyễn Văn Trỗi và Trần Thị Lý. Vỉa hè, bờ sông đoạn từ cầu Rồng đến cầu Trần Thị Lý cũng đã xây dựng chỉnh trang đẹp đẽ. Sắp tới, tuyến phố này sẽ là nơi tổ chức chợ đêm Đà Nẵng. Hy vọng sự sầm uất của một chợ đêm chính của Đà Nẵng giúp cho bước chân du khách không chỉ có loanh quanh khu vực cầu Rồng, Cổ viện Chàm mà sẽ sải bước về hướng 2 cây cầu đẹp đẽ này. Bởi với phong cách thiết kế, kiểu dáng lạ, nó đáng được người ta quan tâm đến nhiều hơn. Dù gì, thì đây cũng là cây cầu dây văng trụ nghiêng độc đáo nhất Việt Nam. Hệ thống đèn chiếu sáng thông minh ban đêm còn khiến vẻ độc đáo của cây cầu này được tôn lên rất nhiều.

Cầu Trần Thị Lý, chụp trong đêm khánh thành cầu, tháng 3/2013, nhìn từ bờ Đông sông Hàn, đoạn gần cầu Rồng.

Thật ra, nếu soi kỹ, cầu Rồng dù ăn khách hơn và vị trí gần trung tâm thành phố hơn, nhưng cầu Trần Thị Lý lại ẩn chứa một sự tò mò bí ẩn hơn, đặc biệt ở trên đỉnh trụ cầu. Trong lòng trụ cầu nghiêng khá rộng này, có thang máy đưa lên đỉnh. Theo thiết kế ban đầu, trên đỉnh là nơi để đưa du khách tham quan lên nhìn không gian chung quanh. Đây cũng là điểm độc đáo chỉ duy nhất cây cầu này sở hữu ở Việt Nam. Từ khi cầu được khánh thành đến nay, đây là điều tôi tò mò nhất ở cây cầu này.

Cây trụ nghiêng có thang máy lên đỉnh cầu gây tò mò lẫn… chóng mặt vì độ cao nghiêng.

Khá nhiều đơn vị du lịch cũng tỏ ra thích thú và hào hứng chờ được thị sát để đưa vào tour. Tuy nhiên từ khi đưa vào sử dụng đến nay, lòng trụ cầu này và thang máy chỉ thỉnh thoảng được dùng cho công việc duy tu bảo dưỡng cầu. Dự tính phục vụ khách tham quan không hiểu sao vẫn là quy hoạch treo. Bằng cảm quan, một trong những lý do có thể phỏng đoán rằng, với phân luồng giao thông hiện tại, việc cho khách du lịch tham quan và đi thang máy lên đỉnh là một điều dễ gây uy hiếp an toàn giao thông khi không có lối cho người đi bộ băng ngang cầu để tiếp cận trụ chính ở giữa  cầu.

Cầu Trần Thị Lý được khởi công vào tháng 4/2010, chiều dài toàn cầu 759,6m; rộng 35,5m gồm 6 làn xe, vỉa hè rộng 3m; vượt nhịp chính dài 230m.

Điểm đặc biệt của cầu Trần Thị Lý là cầu dây văng một trụ tháp cao 127m và nghiêng 12 độ về phía nhịp biên nhưng không có thiết kế dạng ngàm cứng như các cầu dây văng thông thường mà được liên kết cứng với dầm mặt cầu và tựa trên trụ S5 thông qua gối cầu hình chỏm cầu với sức chịu tải lên đến 25.000 tấn và tải trọng tới hạn là 32.000 tấn, là gối có tải trọng lớn nhất thế giới tính đến thời điểm khánh thành cầu.

Bài & ảnh: Sơn Trà

 

 

 

Cùng chuyên mục