Cầu sông Hàn, một thời xôn xao khắp xứ

Là cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hàn được xây dựng ở Đà Nẵng sau 1975, có thể nói đây là cây cầu nổi tiếng nhất với người dân Đà Nẵng, khi mọi sự chú ý đều dồn vào nó từ lúc mới hình thành dự án.

Kết thúc Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng – DIFF 2019 cũng là lúc cư dân mạng xã hội chia sẻ nhau những tấm hình ấn tượng chụp cảnh khán giả đi xem pháo hoa bên ngoài khán đài, mà một trong tấm ảnh điển hình nhất là cây cầu sông Hàn chật kín người đứng xem bắn pháo hoa. Mùa DIFF 2019, cây cầu sông Hàn là nơi thường xuyên được chặn xe để người dân, du khách có thể tản bộ lên cầu ngắm pháo hoa.

Cầu sông Hàn đêm chung kết Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng – DIFF 2019. Ảnh: Nguyễn Đỉnh.

Thật ra,  nào chỉ dịp này, vào tất cả những dịp lễ tết, khi thành phố bắn pháo hoa, thì nơi đây là điểm tập trung trên sông lý tưởng nhất để người đi bộ lên ngắm pháo hoa bắn từ khu vực cảng Đà Nẵng cũ. Bởi đơn giản, dù Đà Nẵng có bao nhiêu cây cầu đi nữa thì đây vẫn là cây cầu nằm ở vị trí trung tâm của thành phố nối hai bờ Đông – Tây, là lối ra biển thuận tiện, gần nhất của người dân xứ Đà bên này quận Hải Châu qua với các bãi biển Phạm Văn Đồng, T20, Mỹ Khê… bên kia.

Cầu sông Hàn về đêm, nhìn từ trên cao, phía bờ sông đường Bạch Đằng.

Trước đó, người Đà Nẵng nếu muốn qua quận 3 (tức quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn bây giờ), ra biển Mỹ Khê, T20… chỉ có cách đi phà hoặc ngược về hướng thượng nguồn băng qua cầu Nguyễn Văn Trỗi. Sự cách trở đi lại này đã khiến cây cầu là cả sự mong đợi của người dân xứ Đà. Người ta ngóng theo tiến độ từng ngày khi thời gian khánh thành được ấn định đúng vào dịp kỷ niệm giải phóng Đà Nẵng, năm 2000. (cầu khởi công ngày 2/9/1998, khánh thành 29/3/ 2000, là cây cầu quay đầu tiên do kỹ sư, công nhân Việt Nam tự thiết kế và thi công).

Cầu sông Hàn ban ngày, nhìn từ phía bờ sông đường Trần Hưng Đạo. Hình chụp năm 2008.

Dân gian khi ấy có lúc hay đùa, gọi đây là cầu “chị quyên” hay cầu “dì quyên”. Bởi cây cầu được xây nên từ một phần góp vốn rất đáng kể của người Đà Nẵng ở tại thành phố này, những người Quảng xa xứ, yêu Đà Nẵng, kể cả hải ngoại. Chi phí xây cầu hết hơn 100 tỉ đồng, thì đã có 27,5 tỉ đồng là từ tiền quyên góp của những người dân gần xa. Đến nay, đây cũng là cây cầu đầu tiên và duy nhất ở Đà Nẵng xây dựng có phần từ nguồn huy động vốn trong dân chúng như thế.

Nằm vị trí trung tâm nhất so với các cây cầu khác, ban ngày cầu sông Hàn hấp dẫn du khách khi đây là nơi đẹp nhất để ngắm nhìn cảnh dòng sông chảy qua trung tâm thành phố. Ban đêm, chỉ cần thả bộ dọc bờ sông hai đầu cầu, người ta cũng đã thỏa thích ngắm được cây cầu rộn ràng sắc màu từ thân, trụ tới dây văng ở nhịp chính của cầu, dòng xe cộ qua lại liên tục trên cầu, du thuyền dập dìu dưới chân cầu càng tăng thêm độ nhộn nhịp và rực rỡ của một Đà thành về đêm. Khuya hơn một chút, khi sắp nửa đêm, là lúc sự tò mò về cây cầu lên đỉnh điểm khi nó bắt đầu quay.

Cầu sông Hàn sau đêm thả hoa đăng của Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng được tổ chức lần đầu tiên, năm 2008.

Điều này từng là nỗi tò mò háo hức của cư dân Đà Nẵng những năm đầu mới khánh thành cầu. Thành ra, một thời gian dài, đêm về khuya, hai bên đầu cầu và bờ sông Hàn phía đường Bạch Đằng luôn có một lượng du khách háo hức tụ tập đứng chờ xem cầu quay. Có một chuyện khá vui như thế này, ca sĩ Mỹ Tâm, trong một lần vể diễn quê nhà, đã giới thiệu cho nhóm múa từ Sài Gòn ra sau đêm diễn đi tham quan cầu sông Hàn chờ cầu quay. Cả vũ đoàn say sưa đợi cầu quay, khi cầu gác nhịp giữa lên 2 trụ giữa lòng sông một lúc lâu, cả nhóm múa mới nhớ ra tới lúc mình cần phải về khách sạn bên kia sông. Dĩ nhiên không thể về ngay được, lại không rành đường sá nên không biết việc phải đi vòng lên cầu Nguyễn Văn Trỗi, thế là nhóm đành ngồi đợi khi cầu hết quay, thông xe trở lại. (Thuở ấy giao thông 2 bờ khá cách trở, nếu không qua sông bằng cầu sông Hàn thì phải đi thêm một đoạn xa nữa mới tới cầu Nguyễn Văn Trỗi, Trần Thị Lý cũ). Đây là trường hợp thi thoảng xảy ra với du khách, khi mải mê xem cầu quay mà vô tình bị kẹt lại bờ bên kia, nhưng mọi người đều xem đây là kỷ niệm vui để nhớ khi đến với cây cầu này.

Cầu sông Hàn đang quay lúc nửa đêm. Nguồn: Internet

Bạn nghĩ xem, cả xứ Việt, thời xa xưa từng có rất nhiều cầu quay, thậm chí hình ảnh cầu quay đã vào thơ ca từ lâu, nhưng nay cây cầu quay được chỉ có ở Đà Thành, là minh họa của một cây cầu miền Trung cho câu hát quen thuộc ở miền Tây: “Trách chi câu thề khi nào cầu quay nó hết quay, thì qua với bậu, mới đứt dây can thường…”

Bây giờ, khi cảng trong nội đô đã dời đi, việc quay cầu cho tàu bè thông thuyền qua lại không còn cần thiết như xưa nữa, việc quay nhịp giữa cầu chỉ còn tính hình thức. Những năm gần đây, cầu chỉ quay vào các tối cuối tuần, và sớm hơn xưa, từ 23h đến 24h, chủ yếu để phục vụ khách du lịch, không phải thức quá khuya để ngắm cầu quay. Gần 20 năm qua, người Đà Nẵng không còn tò mò chuyện quay cầu và có khi quên mất nó là cây cầu quay. Cầu sông Hàn tuy có hạ nhiệt nhưng muốn tận mắt xem cây cầu quay đầu tiên và duy nhất của Việt Nam hoạt động ra sao vẫn là nỗi tò mò của không ít khách ở xa đến…

Sơn Trà

Cùng chuyên mục