Câu chuyện sống vui của “kình ngư không chân”

Nguyễn Hồng Lợi là cái tên không xa lạ với cộng đồng người khuyết tật, thậm chí anh… hơi bị nổi tiếng vì những thành tích trong lĩnh vực thể thao.

Lợi thường được giới truyền thông săn đón mỗi khi cần tìm kiếm một tấm gương vượt lên số phận của những người khuyết tật. Nhưng khi gặp Lợi, người ta không có cảm giác mình đang trò chuyện với một người khuyết tật, mà đó là một người đang sống và làm chủ đời mình một cách thật lạc quan, không phụ thuộc hay khai thác lòng thương hại của ai cả.

Một công việc Lợi từng hay làm, đưa đón các em ở làng Hòa Bình, Từ Dũ, đi học.

Chàng trai của nghị lực và lạc quan

Số phận có thể áp đặt sự bất hạnh xuống cuộc đời bạn từ khi mới sinh ra, nhưng điều đó sẽ không là mãi mãi. Nguyễn Hồng Lợi là một minh chứng.

Nguyễn Hồng Lợi lúc nhỏ, trong một lần cùng người thân đi tắm biển.

Những bất công của ông trời, của số phận dành cho cậu bé Lợi từ lúc mới sinh ra đã ngày càng lùi dần lùi dần theo năm tháng, theo độ tuổi và sự trưởng thành của anh. Người khác có thể sẽ tủi thân và âu sầu suốt vì những biệt danh, tên gọi người ta gán ghép cho mình, nhưng Lợi thì tỉnh như không khi bị gọi là “thằng cụt”.

Với Lợi, thể thao không chỉ là sự đam mê. Nó còn là nơi để thử thách bản thân.

Điều này phản ánh phần nào tính cách của Lợi: quyết đoán, hài hước trong mọi chuyện, sẵn sàng “đi với bụt mặc áo cà sa đi với ma mặc áo giấy”. Nhiều khi anh phải “xù lông” lên để bảo vệ mình là vì vậy. Có cảm giác như Lợi không bao giờ ngồi không, và không có thời gian nào để buồn. Nhà thiết kế Tường Nghĩa “tố” bạn trai mình: “Từ khi quen anh ấy, không lúc nào mình có thể ở yên được. Lúc nào mình cũng phải cười vì anh ấy pha trò suốt ngày”. Lợi hài hước lắm, anh chọc ghẹo người thân, bạn bè suốt. Thậm chí cả trong lúc thi đấu Ironman căng thẳng, thời gian đo từng giây một mà anh vẫn tranh thủ chọc cho được những người đang thi đấu, chỉ để được chia sẻ với mọi người một nụ cười sảng khoái. Một sự lạc quan thoải mái thật sự toát ra từ chàng thanh niên này, như chuyện Lợi chưa bao giờ nghĩ mình là người khiếm khuyết. Và luôn sống tốt nhất có thể để chứng minh rằng người khuyết tật cần và đáng được đối xử công bằng nhất có thể. Lợi rất tự tin và sòng phẳng, xen chút nhạy cảm với tất cả những ai tìm đến, quan tâm mình. Lợi nói, “Nhiều người hay có thói quen xấu là ăn hiếp, lạm dụng người khuyết tật, vì cho rằng đây là những người yếm thế, hay mặc cảm, không có tiếng nói trong xã hội. Mà thực tế là như vậy thật, tôi đã phải trải qua rất nhiều tình huống như thế. Tôi đã phản ứng rất mạnh để tự bảo vệ mình, bảo vệ và góp phần thay đổi cái nhìn cho những người đồng cảnh ngộ.”

Kẻ ưa thử thách bản thân

Lợi ngang lắm, Lợi từng trốn trường, trốn làng đi chơi (Lợi từng học và sống ở làng Hòa Bình, Từ Dũ một thời gian rất dài). Từng lang thang khắp chợ Cầu Muối, cầu Ông Lãnh, đi theo đám trẻ bụi đời. Tôi hỏi đùa Lợi vậy rồi có… “hút chích” gì không, Lợi đáp ngay, “người ta có, chúng bạn có, thậm chí có lúc chung quanh mình đều có. Nhưng tôi thì không. Tôi hiểu rất rõ điều gì tốt và không tốt cho mình. Đâu có nghĩa bạn lang thang bụi đời góc phố là sẽ hư đâu. Đó là những trải nghiệm sống quý báu mà từ đó, mình xác định vững chắc hơn suy nghĩ và chọn lựa sống của mình. Chứ nếu muốn sa ngã, đâu thiếu gì… dịp”. Lợi cười tỉnh queo khi kể về những kỷ niệm đi bụi của mình.

Vượt lên những giới hạn bản thân, cũng là cách Lợi vượt lên số phận.

Lợi không muốn mình được đối xử đặc biệt mà phải thật sòng phẳng. Lợi không cho bản thân mình ở yên, không chọn lối suy nghĩ bi quan yếm thế. “Có lẽ, tôi khá khác với một số người khuyết tật khác. Nếu tôi làm được, tôi sẽ được hưởng thành quả tôi đã bỏ công sức ra. Chỗ đứng hiện tại là do tôi nỗ lực mà có, chứ không phải vì bất cứ sự ưu ái, thiên vị nào cả.”

Chàng trai hay đặt ra những câu hỏi và tự mình trải nghiệm để tìm câu trả lời đó đã kinh qua khá nhiều công việc tưởng chừng khó có thể thực hiện được với một người chỉ có một cánh tay lành lặn. Nhưng Lợi đã trở thành vận động viên chuyên nghiệp rồi làm huấn luyện viên bơi lội, vẽ kiểu áo dài, thiết kế thời trang áo dài, rồi cả làm diễn viên…

Bộ sưu tập những chiếc huy chương của “chàng cụt”.

Chỉ chuyện bơi thôi, cũng đủ thấy nỗ lực thay đổi số phận của Lợi. Lợi kể, hồi nhỏ, nhà anh ven sông Sài Gòn, phía quận 2. Ngày ngày theo người thân qua sông trên những con đò ngang nhỏ xíu, nhìn con sông mênh mông, con đò đầy người mà không khỏi âu lo.Lợi nghĩ, người bình thường rớt xuống nước bơi đã khó, giữa sông rộng vầy còn khó sống hơn. Mà không chân một tay như mình thì làm kiểu gì để sinh tồn đây. Đó là lý do vì sao Lợi vượt qua rất nhiều định kiến và ngờ vực, quyết chí đi học bơi. Để rồi từ kẻ học bơi duy nhất không giống ai ở Sài Gòn đến vận động viên bơi lội khuyết tật, rồi huấn luyện viên, đạt nhiều thành tích thể thao đáng kể. Học trò anh, cũng có những người đạt thành tích rất tốt trong các cuộc thi đấu thể thao cho người khuyết tật. Lợi còn khoe, ngày xưa mình từng là thầy dạy bơi cho Khánh Vân (đương kim Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam-PV) đó! Nhưng quãng thời gian để từ người ai nhìn vào cũng không tin là có thể học bơi được, cho đến khi làm huấn luyện viên, là một chặng đường dài vượt qua biết bao trở ngại mà chỉ có ý chí kiên định đến lì lợm của mình, Lợi mới làm nổi.

Nguyễn Hồng Lợi trên sân khấu của Gala Đại sứ áo dài Việt Nam.

Khi tham gia cuộc thi Ironman 70.3 Việt Nam 2018 tổ chức ở Đà Nẵng năm ngoái, có người đã gọi anh là “người sắt”. Sự xuất hiện của Lợi, không nằm ngoài dự đoán của nhà tổ chức, là người truyền cảm hứng tích cực cho những người tham dự cuộc thi thể thao vốn không dành cho những người có thể lực trung bình này. Còn Lợi, thì… đơn giản lắm. Một dịp thử thách giới hạn bản thân khi “lâu nay tôi chỉ bơi hồ chưa bao giờ bơi biển, mà là nội dung bơi biển 2km. Tôi muốn coi cảm giác thế nào dù những cơn sóng to hơn dự kiến quả là điều bất ngờ thật.

Lợi là người rất lạc quan và hài hước.

Người đang hạnh phúc

 Lợi đang yêu, anh có một tình yêu rất đẹp với nhà thiết kế áo dài Tường Nghĩa. Người ta hay nói những cuộc gặp gỡ là sự sắp đặt của số phận. Có lẽ là vậy thật. Hồi đó, Lợi gặp bạn gái mình ở một sự kiện áo dài, mà cô là một trong những người trong ban tổ chức còn anh là khách mời tham dự.

Lợi và bạn gái, người đã đến và đang lo toan cho cuộc sống của anh.

Nghĩa cười kể rằng: “Lúc đó, đang tập chương trình anh Lợi ngồi cạnh một cái bàn, vị trí che khuất nên mình không biết rõ anh ấy thế nào, chỉ ấn tượng là một anh chàng điển trai nhanh nhạy. Rồi khi chương trình diễn ra, cô cũng không mấy bận tâm lắm đến anh chàng này vì mải bận bịu với công việc. Mà Lợi lúc ấy mang chân giả, mặc áo dài nên không ai biết được vóc dáng đặc biệt của anh. Rồi sau đó, khi gặp lại, mình thấy à, anh ấy không chân. Chỉ vậy thôi. Không nghĩ gì thêm. Vậy mà từ những buổi hẹn hò đầu tiên rồi bén duyên”. Nghĩa cười nhìn bạn trai mà tố “ôi anh đừng tưởng ông ấy hiền, ông ấy cũng quen nhiều cô lắm đấy“. Lợi cười.

Nguyễn Hồng Lợi trong cửa tiệm áo dài của mình.

Từ khi có bạn gái, cuộc sống anh như sang một trang khác. Nghĩa vừa là người yêu, vừa trợ lý, vừa quản lý, bạn thân và là cộng sự của anh. Cô hoạch định lại công việc, cuộc đời anh chàng vốn quen rong chơi và không mấy bận tâm đến tương lai. Hai năm nay, cuộc sống Lợi khác đi nhiều, từ sự vén khéo của Tường Nghĩa. Trước kia, Lợi làm rất nhiều, ai cũng tưởng là anh có tiền, nhưng thực sự thì không giữ được. Và lúc nào cũng nghèo. Lợi nói: “Thì cũng dễ hiểu thôi. Tính mình đàn ông đâu có năng nhặt chặt bị được, rồi lại nghĩ người như mình chắc chẳng ai yêu, chẳng ai lấy làm chồng đâu nên xác nhận là độc thân suốt đời rồi. Nên cứ thế mà vui, mà rong chơi thôi. Có dè đâu gặp cô này. Rồi thương, rồi ủ mưu ràng buộc nhau suốt đời.”  Để yêu nhau và đến với nhau, họ cũng phải chuẩn bị tâm lý rất kỹ càng cho chính mình và người thân. “Em phải chuẩn bị tinh thần nhiều lắm khi chia sẻ với gia đình chuyện tình mình. Anh cũng hiểu đấy, làm sao để ba mẹ đồng ý cho cô con gái út trao thân gửi phận cho một người như vậy. Rồi những áp lực và định kiến vô tình với một người khuyết tật như anh ấy. May mắn, anh Lợi được bố mẹ em thương nhiều lắm!” – Nghĩa kể

Lợi đang hạnh phúc. Những ai quen biết anh đều bày tỏ sự ngưỡng mộ về tình yêu của anh.

Một trưa Sài Gòn ngồi cà phê cùng Lợi – Nghĩa, chàng trai tưởng “độc thân mãn kiếp” kia giờ đang hoan hỉ với dự tính một cái kết đẹp cho chuyện tình mình, một đám cưới ở thì tương lai gần. Lợi nhanh nhẹn nhảy vèo lên chiếc xe máy 3 bánh khá độc lạ của mình, có cái cần số và chân thắng được chế lại cho phù hợp. Họ đang đưa nhau về lại Thủ Đức. Nơi đó, họ đang có shop thời trang áo dài và những phụ kiện hand made, một cửa tiệm nho nhỏ thôi, được trang trí từ những thứ nhặt nhạnh và sửa chữa lại, được đặt ké trong khuôn viên của một trung tâm bảo trợ xã hội của người bạn.

Nghĩa ngồi sau xe, cô ôm eo người bạn trai “nhỏ con” của mình rất tự nhiên như một sự trông cậy và tin tưởng. Nắng trưa Sài Gòn nhảy nhót trên tàng cây như reo vui theo đôi tình nhân ấy. Tôi tin là một người như Lợi sẽ luôn hạnh phúc…

Nguyễn Hồng Lợi sinh ra bị teo cánh tay phải và không có hai chân, thường được báo chí ví von là kình ngư không chân vì những thành tích trong lĩnh vực bơi lội với rất nhiều giải thưởng. Lợi từng đoạt Huy chương đồng Asean Para Games 26 năm 2014.

L.M.Hạ – Ảnh: FBNV

Theo 24hsongxanh.vn

 

Link nguồn: https://24hsongxanh.vn/cau-chuyen-song-vui-cua-kinh-ngu-khong-chan/

Cùng chuyên mục