Café Chanh vang danh Hội An

Dân Hội An từ lớp tuổi của tôi đổ lên chắc không ai không nhớ đến café Chanh, một trong những quán café có tiếng tăm ở Hội An từ thế kỷ trước.

Quán do cô Chanh, còn gọi là cô Ba, mở từ năm 1969 trong hẻm Đình Ông Voi, đối diện với một tiệm phở nổi tiếng không kém, đó là phở Liễu.

Thoạt tiên chỉ là một quán café cóc, chỉ có mình cô Ba đứng bán. Café được pha chế theo kiểu café vợt – một kiểu tựa như café bít-tất, nhưng thay vì dùng một chiếc tất để lọc café, cô Ba dùng vải mùng bọc vài lớp quanh một khung sắt nhỏ có tay cầm, cho café vào trong vợt để vào trong ấm nhôm rồi đổ nước sôi vào cho café tan ra ngoài ấm nhôm.

“Hậu duệ” của café Chanh thời du lịch Hội An

Khách đến uống chỉ cần hâm nóng lên rồi rót ra ly là có ngay ly café nóng hổi. Cách này còn một tên gọi là café kho. Đặc biệt chủ quán còn cho vào mỗi ly café bốc khói một đầu tăm bơ Bretel, những giọt váng bơ nổi lăn tăn trên mặt ly café bốc mùi thơm ngan ngát đầy quyến rũ khi uống. Ngày bán vài chục ly đắp đổi.

Đời đôi khi sự rủi ro của người này lại là cơ hội của người khác. Không tốt không xấu, không hay không dở, chẳng qua do duyên đưa đẩy mà tới. Café Tiêu – nguyên là một quán café nổi tiếng và đắt khách, hầu hết khách hàng nơi đây là viên chức, sĩ quan làm việc cho chế độ miền Nam. Bỗng dưng có kẻ bỏ mìn hẹn giờ vào thùng cà-rem, mang vào để trong quán rồi trốn ra ngoài, đến giờ hẹn mìn nổ thiệt hại khá lớn.

Khách hàng hoảng sợ không dám đến uống nữa, nên điểm ngồi mới được họ chọn là café Chanh. Khách mỗi ngày một đông nên cô Sương – thường được gọi là cô Năm – nghỉ nghề may về phụ chị mình bán cho đến ngày cả hai cô nghỉ do lớn tuổi.

Dù có nhiều thay đổi về phẩm và chất, nhưng vóc dáng của một café Chanh vang danh vẫn vương vấn đâu đây

Thời đó những khách hàng là con nhà lính đâu phải lúc nào cũng sẵn tiền trong túi, uống café ghi sổ cuối tháng lãnh lương ra trả là chuyện thường tình. Nhưng hơn thế nữa, khách hàng sau khi uống còn có thể mượn thêm một ít tiền tiêu vặt rồi ghi sổ luôn một lần cho tiện. Có lẽ đây cũng là một chiêu giữ khách của hai cô chủ quán trẻ đẹp…

Sau 1975, quán tiếp tục mở cửa. Lớp khách cũ thưa dần, lớp khách mới lại đến. Quán có thêm người phục vụ mới, Hiền bạn học với tôi và Phước chị ruột của Hiền. Hai chị em phụ bán, đồng thời bán thêm thuốc lá và bánh ông Xường.

Quán bây giờ đã nhộn nhịp và chuyên nghiệp hơn trước rất nhiều

Có một buổi chiều bánh còn nhiều chị Phước mời một ông khách mua giùm, khách thách chị ăn hết bánh ông Xường trong thẩu khoảng hai chục cái sẽ trả tiền toàn bộ bánh, nếu ăn không hết thì chỉ cần cho ông ta hôn một cái lên má là xong. Cả quán cười ồ, chị Phước nhận lời. Những ai từng ăn bánh ông Xường chắc vẫn còn nhớ cái cảm giác chờn chợn giữa cổ họng khi ăn đến cái thứ ba.

Không ai ngờ chị Phước cứ từ từ ăn lần lượt từng cái đến hết bánh trong thẩu. Khách tái mặt móc tiền ra trả, không rẻ chút nào nếu biết rằng giá tiền hai cái bánh tương đương ba ly café đen nóng. Còn chị Phước bị hành đến mức cả chục năm sau đó nghe nhắc đến bánh ông Xường vẫn còn tím môi, xanh mặt.

Nhưng cũng như nhiều quán café đặc trưng khác tại Hội An, Chanh vẫn còn giữ được nét nhẹ nhàng, dù khách đã đông hơn trước 

Một thời gian sau chủ cũ lấy lại địa điểm. Café Chanh dời ra mặt đường Lê Lợi, đầu con hẻm đi vào hãng rượu S.I.C.A. Sau này là cafe ông Hạo. Khoảng đầu thập niên 1980, một người cô của cô Ba, cô Năm cho hai người dời quán café xuống địa điểm bây giờ vừa bán vừa giữ nhà luôn cho bà.

Anh L.B.T. cũng bắt đầu khởi nghiệp tại quán café này. Thời này bổng dưng có lệnh cấm uống café trong giờ hành chính. Tôi đi làm ca đêm, về ngủ đến 9 giờ sáng mới dậy. Lò dò ra ngồi uống ly café bị ai đó đi qua phát hiện, làm giấy triệu tập lên phường Minh An định phạt đi vác đá ném xuống sông làm bờ kè Cẩm Hà.

Tôi lên phường giải thích, cãi tới cãi lui, họ đuối lý bảo về cơ sở sản xuất làm giấy xác nhận đi làm ca đêm. Anh Vương Tử Uyển đang là chủ nhiệm cơ sở nghe chuyện, bảo mi làm đơn đi tau ký xong đem lên ném vô mặt tụi nó cho bỏ ghét.

Café sữa ở đây thuộc loại thơm ngon nhất Hội An. Bám riết cô Năm mới chịu cho biết bí quyết là dùng sữa lon cũ cỡ một hai kỳ, nghĩa là sản xuất trước đó khoảng 3 đến 6 tháng, sữa cô đặc lại nên vị ngọt đậm đà hơn. Café trước khi chế vào sữa phải đun sôi để sữa đủ chín, dậy mùi sữa pha vào mùi café đem lại cảm giác sảng khoái khi ngửi, thích đá thì bỏ vào sau. Nghĩ lại bây giờ uống ly café sữa pha bằng phin, lúc café xuống đầy thì đã nguội ngắt thấy không ngon là phải…

Khách hàng thời kỳ thập niên 1980 đa dạng hơn. Không hẹn mà nên, gần như họ uống theo ca. Từ 3 giờ sáng là những người thu đổi phế liệu đồng thời bán cà-rem đến uống sớm chờ đến giờ nhận cà-rem Bửu An.

Đến 4 giờ sáng là những người chở cá, bắp… lục tục vào uống cho tỉnh ngủ trước khi đi bán ở xa. Sau một lúc là đến mấy ông lớn tuổi khó ngủ lò dò đến, đông đủ các gương mặt tiếng tăm ở Hội An một thời.

Cánh thợ may có ông Châu Toàn, ông Hoàn Mỹ, Ông Sum vét-tông, ông Nguyễn Tạo… Ông Sử Triệu Sum may áo vét-tông cực đẹp, nhưng quần tây thì phải mang qua ông Nguyễn Tạo mới đúng chất. Nhiều người hay đùa may một bộ vét-tông phải đi hai hiệu may của hai ông thì mới ra Ăng-lê được.

Qua đến 5 giờ sáng khách bắt đầu đông hơn, cánh thợ gò hàn, công nhân của những cơ sở sản xuất cũng tranh thủ ghé uống ly café cho kịp giờ đi làm. Cánh buôn bán ở chợ Hội An thì trễ hơn, do phải dọn hàng sớm, rồi chờ vợ xuống đổi ca mới được lên uống.

Mỗi giờ mỗi khách, mỗi người mỗi góc, mỗi ghế. Trăm lần như chục bước vào quán bất kỳ giờ nào cũng có thể đoán biết là ai đang ngồi bàn nào, góc nào, ngồi với ai…

Những họa sĩ, nghệ sĩ tiếng tăm như Lưu Công Nhân, Kazik… một thời cũng đã là khách ruột của quán khi họ về sống hoặc làm việc làm việc ở đây.

Thời đó cá độ bóng đá, nhưng không lớn và không có nhiều kèo như bây giờ. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ có vài kèo để những con chiên của túc cầu giáo bắt cá với nhau ở những giải lớn. Có rất nhiều quán café là tụ điểm cá độ, nhưng đến 4 giờ chiều các tay ghi độ ở các nơi lại tập trung bên hông quán để chia kèo với nhau. Vô tình họ đã biến café Chanh trở thành một “trung tâm cá độ” bóng đá đầu tiên trên đất này.

Thôi thì không thiếu một gương mặt nào của giới cá độ bóng đá Hội An, từ các bô lão như ông T.M., đến các trung niên như M., C., C.C., cho đến các gương mặt trẻ kế thừa như T.Đ., L…. Rồi café có thêm những khách hàng mê bóng đá chiều chiều ghé lại bắt một giá để lấy cảm giác cho khuya xem.

Tất cả các danh thủ, các trận đấu từ đâu đâu bên trời tây được họ mang ra mổ xẻ, bình luận, ra giá huyên náo cả một mùa giải cũng để lại nhiều kỷ niệm đáng nhớ của Hội An một thời.

Hội An 7/2016

Trương Nguyên Ngã

Trích từ sách Hội An – Loanh quanh chuyện phố (sắp xuất bản)

Cùng chuyên mục