Các cụm công nghiệp ở Điện Bàn: Vẫn trong thế khó…

Tình hình phát triển cụm công nghiệp ở thị xã Điện Bàn trong 6 tháng đầu năm nay đã có dấu hiệu chững lại. Đây cũng là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm tại Kỳ họp thứ 10, HĐND thị xã Điện Bàn khóa XI, khai mạc vào sáng 18.7.

Điện Bàn đang nỗ lực đẩy mạnh hoàn chỉnh hạ tầng đô thị. Ảnh: Q.T
Điện Bàn đang nỗ lực đẩy mạnh hoàn chỉnh hạ tầng đô thị. Ảnh: Q.T

Theo số liệu UBND thị xã Điện Bàn cung cấp, giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm của địa phương đạt 8.065 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ nhưng mới chỉ đạt 47,25% so với kế hoạch. Sản xuất công nghiệp của thị xã vẫn phụ thuộc khá lớn vào Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc với giá trị sản xuất là 6.129 tỷ đồng, tăng 12,73% trong khi giá trị sản xuất công nghiệp ở các cụm công nghiệp (CCN) chỉ ước đạt hơn 940 tỷ đồng (giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước).

Từ đầu năm đến nay có thêm 6 dự án ở các CCN trên địa bàn được phê duyệt chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, mức độ sản xuất của một số CCN giảm mạnh như CCN Thương Tín giảm 21,6% (do Công ty TNHH thép Việt Pháp ngừng hoạt động) hay CCN Trảng Nhật 2 giảm đến 26%… Ông Đặng Hữu Lên – Bí thư Thị ủy Điện Bàn nhìn nhận: “Giá trị sản xuất công nghiệp tuy duy trì được tốc độ tăng trưởng nhưng sản xuất công nghiệp địa phương lại không tăng, giá trị sản xuất công nghiệp tại các CCN giảm so với cùng kỳ”.

Sản xuất công nghiệp ở Điện Bàn vẫn phụ thuộc khá lớn vào KCN Điện Nam - Điện Ngọc.
Sản xuất công nghiệp ở Điện Bàn vẫn phụ thuộc khá lớn vào KCN Điện Nam – Điện Ngọc.

Với 9 CCN và 1 CCN làng nghề Đông Khương, con số 38 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn tương đối khiêm tốn, trong khi lâu nay đã có nhiều phản ánh từ người dân về việc đất đai tại một số CCN không sử dụng trong thời gian dài gây lãng phí tài nguyên. Ông Nguyễn Văn Tiếp – Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Quảng Nam cho hay: “Hiện nay có một số doanh nghiệp rất muốn đầu tư vào CCN làng nghề Đông Khương nhưng hạ tầng chưa đồng bộ khiến họ còn ngần ngại”. Việc phát triển công nghiệp song hành với bảo vệ môi trường tại địa phương cũng đang gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như qua phản ánh của người dân khối Cẩm Sa (phường Điện Nam Bắc) thời gian qua thường xuyên xảy ra tình trạng lén lút đổ rác thải vào ban đêm ra khu vực đường dân sinh và nghĩa trang địa phương.

Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn Nguyễn Minh Hiếu cho biết: “Những tháng đầu năm, thị trường, giá cả bất động sản tại địa phương có biến động lớn, tạo ra cơn “sốt đất” gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng làm chậm tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn”. Từ đầu năm đến nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản ở Điện Bàn chỉ đạt 21% kế hoạch năm 2019. Trong 6 tháng cuối năm, chính quyền địa phương sẽ tập trung tạo mặt bằng sạch và phát triển hạ tầng thiết yếu để thu hút đầu tư tại các CCN, nhất là tại các CCN chủ lực như Thương Tín, An Lưu, Nam Dương, Trảng Nhật…

Điện Bàn cũng đang tập trung nguồn lực từng bước đầu tư, chỉnh trang hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn để 5 xã dọc quốc lộ 1 trở thành khu đô thị Điện Thắng và khu đô thị Phương An vào năm 2020. Với “đại công trường” trải rộng hầu khắp các địa phương, chính quyền thị xã cũng đang xúc tiến đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng ở 17 dự án với tổng 1.226 hộ bị ảnh hưởng tập trung ở các dự án trọng điểm như đường ĐT607, ĐT609, vệt cây xanh các dự án ven biển, khu đô thị thuộc khu đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc…

Quốc Tuấn

Theo Quảng Nam Online

Cùng chuyên mục