Thấy dzậy nhưng không phải dzậy…!

Ai tiếp xúc vài lần với Lê Cát Trọng Lý cũng nhận xét cô bé này dễ gần, dễ thương, dễ mến. Điều này đúng, nhưng chưa đủ, vì Lý còn một diện mạo khác, mà ở đó lý trí là chủ đạo – ngay cả khi chơi. Phải quan sát Lý thật kĩ thì mới thấy trong bộ ba “danh lợi tình”, cái làm cho Lý chú tâm nhiều nhất là “danh”, dù bản thân ít khi nào tỏ ra mình đang chạy theo nó. Còn “lợi” với “tình”, nhiều khi Lý để cho nó ơ hờ đi qua, chẳng níu kéo hay luyến tiếc.

Vài người thiệt thân và thiệt hiểu cá tính của Lý thì nói rằng Lý sống đúng như cái tên của mình, “trọng lý” hơn “trọng tình”. Lý có sự ham thích, mến mộ và tu tập theo tinh thần “kim cang” (cứng cỏi, lý trí, khổ luyện…), trì chú kiểu Phật giáo Tây Tạng, nên rất quyết liệt.

Tự nói về mình: “Lý có tật xấu là thích… oai”.

Các chữ số…

13: Là số tuổi mà gia đình và bạn bè còn nhớ được về cái năm Lý viết những ca khúc đầu tiên. Đôi lúc người quen của cha (trong giới ca hát) đến nhà chơi, nghe Lý hát những ca từ rất lạ và hồn nhiên, họ khá bất ngờ. Năm đó, Lý cũng lén gia đình đi học chơi guitar, nghe đồn phải gởi đàn ở nhà thầy, về nhà, những lúc không có ai thì lấy đàn của cha tập tành.

Phần lớn những ca khúc mà Lý viết lúc nhỏ chỉ được kí âm bằng miệng, hát vài ngày hoặc vài tuần rồi quên; có khi nó chỉ là những giai điệu hoặc âm điệu trong cổ, chưa thể hát thành lời.

Cha của Lý là ca sĩ Lê Băng Thanh, được xem là có tài nhưng không gặp thời, nên rất ngại con cái đi theo nghiệp của mình. Mẹ của Lý dạy văn; chị của Lý là Lê Cát Tiên, cũng một thời ca hát tại Đà Nẵng, có nhiều thành tích.

Con số 13 như vận vào người, Lý thuộc kiểu người lận đận hoặc dễ thay đổi. Từ 13 tuổi đến nay, đường học hành luôn bị rẽ ngang. Từng ở trong đội tuyển thi sử, rồi lại đăng ký học khoa tiếng Nga, rồi dự định học về tài chính, rồi thi vào khoa violon, chuyển qua khoa viola… Cái nào cũng dang dở.

Khoảng 75: Là số ca khúc mà Lý còn giữ lại được cho đến ngày hôm nay, một số viết năm 19 tuổi, một số năm 21, phần nhiều là năm 23. Nhất là khi chuẩn bị làm chuyến du ca xuyên Việt, Lý đã viết liên tục, đổi mới và kết hợp nhiều phong cách khác nhau.

Người ta nói Lý hát thơ cũng đúng, vì cái lối chơi ngẫu hứng, dễ thay đổi tiết tấu, nhịp điệu… đã làm cho phần lớn ca khúc gần như không có ký âm ổn định được. Nó chỉ giống như một bài thơ trên giấy, chẳng có kẽ nhạc, Lý ôm đàn tự hát tự phân và tự phiêu, đôi khi mỗi đêm mỗi khác. Khi đi biểu diễn với ban nhạc, các nhạc công cũng phải nghe theo cách “hòa âm, phối khí” này, khi nào tập ổn định tương đối, phần ai nấy ghi chú theo cách của mình, chẳng thể theo tổng phổ được.

Nếu nhìn ở góc độ văn học, cái cách mà Lý đặt tên cho ca khúc của mình cũng phần nào cho thấy sự ưu tư và tâm sự của tác giả. Nào Chênh vênh, Trời ơi, Lẩn thẩn, Thu lu, Nghèo, Độc đạo, Hương lạc, Như là, Thương, Chưa ai… Có nhiều khi nó vận vào người.

Khoảng 7: Được cho là số cây đàn guitar mà Lý từng sở hữu. Tại chuyến du ca Vui, Lý cũng có chơi hai cây guitar mới, một cây tự mua ở Singapore với giá hơn 3.000 USD, một cây do bạn tặng, cũng có giá tương tự. Lý còn một số nhạc cụ khác như viola, violon, piano…

Nhìn Lý loay hoay với một nhóm nhạc cụ trên sân khấu, ít ai biết rằng cực chẳng đã Lý mới thuê, còn lại thì thích mua và sở hữu nó. Lý cho rằng, thay vì bỏ 10.000 USD để mua một cây đàn, thì cũng với số tiền này, mua một số nhạc cụ vừa tầm với mình, khi mình làm bạn với nó đủ lâu, mình sẽ chơi tự tin hơn.

Cái lãi vật chất lớn nhất của Lý trong chuyến du ca Vui vừa qua là đã sắm được một số dụng cụ âm nhạc; đã quay được vô số phim tư liệu để sau này có thể làm DVD; đã thu âm được nhiều ca khúc; đã chụp vô số hình tư liệu… Tất cả đều do cái ý thích quán xuyến và “sở hữu” công việc đến từng chi tiết của Lý.

Khoảng 12.000: Là con số mà có lúc những người hâm mộ Lý đã tập họp được trên một mạng xã hội. Điều này giải thích tại sao album Lê Cát Trọng Lý đã bán khá chạy khi ra mắt, chính thức gần 6.000 đĩa (số liệu vào tháng 10/2011) và đĩa lậu thì tối thiểu 20 ngàn đĩa. Có được con số về đĩa lậu này là từ hai nguồn, thứ nhất, số đĩa lậu lúc nào cũng nhiều gấp 4-5 lần số đĩa thật, có như vậy giới làm lậu mới “đầu tư”; thứ hai, một nhà “dập đĩa” lậu ở Hóc Môn vui vẻ cho biết, chỉ yêu cầu giấu tên.

3: Là số tối thiểu về những người ghét Lý ra mặt, ở đây có một nữ nhà thơ tại Đà Nẵng, một đạo diễn sự kiện nổi tiếng tại Sài Gòn và một cây guitar phiêu lãng – cả 3 đều có dịp cộng tác, “chơi cùng” Lý trong một thời gian, dài ngắn khác nhau. Những người bực mình vì cách mà Lý “trọng lý hơn trọng tình” thì rất nhiều, không thể kể hết ra đây.

Những con người…

Gia đình: Lý rõ ràng chịu ảnh hưởng cả điều tốt lẫn xấu từ chính gia đình của mình, cái này người ta nói là di truyền và ảnh hưởng, khó tránh né cho được. Còn nhớ khi Lý ra mắt album tại một quán bar ở Sài Gòn cách đây khoảng 2 năm, cha của Lý (ca sĩ Lê Băng Thanh) từ Đà Nẵng vào dự, ông đã rất xúc động và vui vì thấy con mình có được ngày hôm nay. Ông đã hát góp vui, một bài khá khác phong cách và “gu” âm nhạc mà Lý chọn lựa (điều này khá bình thường), nhưng Lý vẫn thoáng chút bối rối. Hôm đó, vì nhiều lý do, cha của Lý hát không hay lắm, đôi lúc còn mất nhịp, lạc tông, nên Lý thêm phần ngượng ngùng. Buổi ra mắt hôm đó có phần lạc điệu và lạc đề khoảng 20 phút là vì vậy.

Khi chuyến du ca bắt đầu, Lý còn nhờ chị mình là (ca sĩ) Lê Cát Tiên làm người phát ngôn trong suốt hành trình. Tiên quả là người lanh lợi, thông minh trong chuyện ăn nói, pha trộn đủ sự dễ gần, lạnh lùng và có đôi chút trịch thượng, nên không phải ai nghe cũng dễ cảm thông và thích thú. Giữa nghe Tiên và Lý nói chuyện, phần đông vẫn thích Lý hơn, dù có thể Lý chưa đủ sự sắc sảo như chị của mình, nhưng cái cách Lý nói tỏ ra hồn nhiên hơn.

Chỉ qua hai trường hợp này, đủ biết Lý muốn thật sự là mình, thì lực cản và sức ì của gia đình không phải là nhỏ. Ngay cả muốn bỏ khoa tiếng Nga để vào Sài Gòn học nhạc viện, Lý cũng phải thuyết phục và xin cha nhiều lần mới được.

Hoàng Minh Triết: Đây là người có những ảnh hưởng căn bản và sâu sắc đến Lý, cả về âm nhạc và tâm linh. Người mà Lý thường gọi “chú Triết”, ông sống tại Đà Nẵng, gần đây có vào Sài Gòn để mở lớp dạy guitar, chủ yếu là dạy nâng cao và đi vào nhạc cảm của tiếng đàn. Ông sống khá lặng lẽ, đôi lúc cũng đến cùng Lý trong một vài sự kiện quy mô nhỏ, nhưng cũng chỉ im lặng hoặc cười nhẹ, chẳng nói gì. Trong giới giang hồ đồn rằng ông tu theo mật tông Tây Tạng, chịu ảnh hưởng tinh thần kim cang, điều này ít nhiều đã truyền cảm hứng sang cho Lý. Trên mạng, nếu gõ cụm từ “thầy của Lê Cát Trọng Lý”, có thể thấy vài clip quay lén cảnh ông đang chơi flamenco.

Hồ Công Khanh: Không phải là người đọc sách nhiều và bài bản (nếu so với giới văn chương hoặc học thuật), nhưng có thể nói, Lý thuộc nhóm đọc sách nhiều của giới trẻ (7X, 8X) làm âm nhạc ở Việt Nam. Khi còn ở Đà Nẵng, ngoài những sách để nuôi dưỡng tinh thần và tâm linh, qua nhà thư pháp Hồ Công Khanh, Lý còn tìm đọc một số sách văn chương và triết học mà trước 1975 coi là kinh điển của giới trí thức. Hồ Công Khanh, có thể bây giờ đã khác, nhưng lúc Lý còn đi hát ở quán Nếp hay hát kiểu du mục tại Đà Nẵng, anh đã luôn ủng hộ và động viên Lý rất nhiều. Những bài báo viết về Lý đầu tiên, phần nhiều qua “cửa ngõ” của nhà thư pháp này, ông chẳng PR gì, chỉ rủ họ đi xem cùng, thấy thích thì viết.

Nguyễn Nho Trường Sa: Nếu tìm một nhạc công – đúng hơn, một nghệ sĩ chơi đàn guitar – phiêu với Lý nhất, tính tới thời điểm này, thì không ai qua Nguyễn Nho Trường Sa. Thế nhưng, trong chuyến du ca Vui vừa rồi, Sa không có mặt, vì cãi lộn với Lý trong việc tập luyện trước đó. Sa lãng đãng, thường đến tập trễ hoặc về sớm, Lý bực nên nói “thôi”. Từ đó đến nay, cả hai chẳng còn gặp nhau (?), thậm chí nghe một hai người nói, Sa còn viết một ca khúc để trách cứ Lý về chuyện “trọng lý mà không trọng tình”. Sa sống ở Đà Nẵng, chơi với Lý từ lâu, thuộc dòng dõi Nguyễn Nho danh giá của làng La Qua, tỉnh Quảng Nam.

Sa Huỳnh: Một trong hai ca khúc (của người khác) mà Lý hát trong chuyến du ca Vui là bài Lúng ta lúng túng của Sa Huỳnh. Ca khúc này từng giúp Lý tạo ấn tượng ban đầu khi đi ca hát, cùng với bài Chênh vênh. Cách tư duy về ca từ của Sa Huỳnh rõ ràng đã tạo cho Lý ấn tượng mạnh, thậm chí, cùng với Phạm Duy, đây là người để lại ảnh hưởng trong việc sáng tác, cách chơi chữ của Lý. Sa Huỳnh có vẻ là người kín đáo và khép nép, ít khi thấy xuất hiện cùng Lý ở đây đó.

Nguyễn Tiến Chỉnh: Tại Sài Gòn trước 1975, Tiến Chỉnh là một trong những người mày mò tập chơi guitar bass đầu tiên, cuộc đời ông “thiết thân” hoặc “chơi chung” với nhiều tên tuổi trong làng nhạc, từ Trịnh Công Sơn, Thanh Tùng, Phạm Trọng Cầu, Tuấn Ngọc, Đức Huy… cho tới Mai Khôi, Lê Cát Trọng Lý. Ngay lần đầu tiên, khi Lý đến quán bar của Tiến Chỉnh (Chu bar ở quận 1) và có hát chơi một hai bài, Tiến Chỉnh đã đánh giá cô bé này có thể đi xa. Vì có “mắt xanh” như vậy, nên ông đã chủ động thân thiết và động viên Lý rất nhiều, ông hay nói với bạn bè trong giới âm nhạc và nghiên cứu rằng, về tinh thần âm nhạc, Lý có nhiều nét của Joan Baez và Trịnh Công Sơn… Ngay chuyến du ca Vui vừa rồi, ông cũng chấp nhập tái xuất giang hồ để chơi bass sau gần 25 năm gác kiếm. Khi tái xuất, ông mới biết mình quá già, chẳng còn theo kịp lớp trẻ nữa, nên chơi khá vất vả, đôi lúc bị Lý cự. Sau chuyến xuyên Việt này, ông vẫn thường quan tâm tới Lý, nhưng hình như Lý có điều gì đó thay đổi, nên chưa một lần trở lại quán Chu để thăm ông (?).

Nguyễn Tường Bách: Nhà nghiên cứu và dịch giả sách Phật giáo này là người mà Lý khá mến mộ. Lý đã từng cùng ông và những người khác hành hương về Tây Tạng, để đến vùng núi thiêng đảnh lễ. Một phần về cách nghĩ, cách hành xử và cách dùng ngôn ngữ của Lý sau này có nguồn gốc từ mối quan hệ (chủ yếu thông qua sách vở, kinh sách). Lý có mấy ca khúc dùng đến thơ hoặc chú của Tây Tạng.

Về sự ưu tư này, với cách kết hợp ý tưởng bản thân với một tư tưởng có tính nguồn cội, cách viết ca khúc của Lý gợi ta nghĩ đến cách hát của một ngôi sao nhạc pop của Mông Cổ, sống chủ yếu ở Bắc Kinh là Sa Ding Ding (Tát Đỉnh Đỉnh), người đã hát lên những tư tưởng cổ xưa bằng giọng điệu mới.

*

Chính vì những con số và những con người như vừa nêu ở trên, dù mới là một góc nhỏ, thì không cách gì chúng ta có thể phác họa được nhân diện “một tay chơi” như Lê Cát Trọng Lý. Nên nói như người Nam bộ, thấy dzậy nhưng không phải dzậy.

ĐẠI LỰC

Cùng chuyên mục