Gặp Phạm Văn Hạng ở giữa đàng
Cách đây vài năm, trên một chuyến xe đường dài Đà Nẵng – Đà Lạt, khi ngang qua địa phận Quy Nhơn, bất chợt xe dừng lại ven đường đón khách. Từ trong bóng đêm, chúng tôi nhìn thấy, một người khách bước lên với trang phục áo mũ thùng thình, dị kỳ như một kiếm khách trong phim Nhật Bản. Nhìn kỹ, ai nấy đều thốt: nhà điêu khắc Phạm văn Hạng!
Dù từng biết Phạm Văn Hạng là một nghệ sĩ năng động, quanh năm bận rộn với các công trình nghệ thuật, nay Sài Gòn, mai Đà Lạt, kia nọ Đà Nẵng, Hà Nội, Vũng Tàu… , nhưng chuyện tình cờ gặp ông trên một chuyến xe đò ven đường tỉnh lẻ thì thật là đáng kính nể, bởi sức sống, sự đam mê lao lực của ông (ở độ tuổi ngoài 70) dành cho công việc không phải mấy ai làm được.
Ngồi vào xe, nhận ra những anh em văn nghệ quen biết, vậy là ông Hạng cười nói huyên thiên đủ mọi chuyện trên trời dưới đất. Nhưng chung quy, dường như bao giờ cũng thế, câu chuyện của Phạm Văn Hạng luôn gắn liền với đề tài giai thoại buồn vui xứ Quảng.
***
Là người con của làng biển Nam Ô (Đà Nẵng), Phạm văn Hạng từng nổi tiếng đình đám từ 1970 với xì-căng-đan về bức tranh S.O.S Việt Nam (sau Trịnh Công Sơn đổi thành Chứng tích) bằng những chất liệu tổng hợp: vỏ đạn, mảnh bom, những vòng rào kẽm gai, xương sọ và những đoạn ruột người đầy máu me (đã ngâm phoọc-môn)… xuất hiện ở triển lãm Quốc Tế Hồng Thập Tự tại Sài Gòn, song, phải tận đến những năm đầu thập niên 80, tôi mới chính thức được gặp và làm quen ông.
Trong những câu chuyện đàn đúm, trà lá thường ngày, Phạm Văn Hạng luôn say sưa bàn luận về những nhân vật tài danh xứ Quảng: Ông Ích Khiêm, Trần Cao Vân, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Khôi… Đặc biệt, ông Hạng rất yêu quý nhà văn – nhà Quảng Nam học Nguyễn Văn Xuân (1921-2007). Nhiều năm trước (khi nhà văn Nguyễn Văn Xuân còn khỏe), những lần tụ tập, hai ông thường chia sẻ nhau nhiều câu chuyện thú vị, trong đó đến nay tôi vẫn ấn tượng nhất về câu chuyện “Trên chó, dưới chó, tất cả đều chó…” nói về Ông Ích Khiêm (*). Biết nhà văn Nguyễn Văn Xuân sinh thời có ước vọng khi mất được chôn gần phần mộ Ông Ích Khiêm, tất nhiên, không thế vận động giúp được điều này, ông Hạng đã tự nguyện đứng ra lo liệu thiết kế và xây dựng phần mộ cho nhà văn đúng với tính cách Nguyễn Văn Xuân.
Phạm Văn Hạng cho biết, cái cá tính Quảng Nam ăn sâu vào máu, đôi khi cũng làm khổ ông. Vì để có hợp đồng nuôi được nghề, nhiều khi phải nhận nhiều ý kiến đóng góp của những người đặt hàng, mà mình cứ tranh cãi không phải lúc nào cũng thuyết phục được họ. Tuy nhiên, ông nói: “Người ta góp ý ít ít thì mình cũng ráng, nhưng chỗ nào góp ý quá nhiều không còn sự độc sáng của cá tính tác giả, đành từ chối”.
Phạm Văn Hạng kể, một lần, ông được ông Nguyễn Đức Bình, Giám đốc Học viện quốc gia Hồ Chí Minh theo sự đồng thuận cấp cao mời ra Hà Nội để nghiên cứu thực hiện tượng Cụ Hồ đặt trước Học viện. Đây là một chủ đề khiến ông Hạng rất suy nghĩ, cân nhắc, vì không dễ đạt về nghệ thuật cùng những dư luận khen chê.. Tại sao hình tượng Hồ Chí Minh đã dựng rất nhiều nơi, nay tại Học viện này lại cũng dựng tuợng Hồ Chí Minh? Sao không thể là tượng Nguyễn Ái Quốc? Trong khi tạo hình nghệ thuật Nguyễn Ái Quốc dễ đẹp lại mang tính đương đại và ước mơ của mỗi nguời? Cứ thế , ông Hạng không giấu được trăn trở, suy tư nên đã bày tỏ nỗi lòng với các ông Vũ Kỳ, Nguyễn Đức Bình… Tuy nhiên, câu chuyện thay đổi biểu tượng lớn này không ai dám quyết, mà phải trình bày đến từng vị chức sắc như các ông Tố Hữu, Đào Duy Tùng, Hoàng Tùng…, cuối cùng phải đến giáp diện với ông Lê Đức Thọ.
Sẽ phải trình bày và bảo lưu ý tưởng ra sao với ông Lê Đức Thọ, người một thời từng được quốc tế ca ngợi, từng được trao tặng giải Nobel Hòa bình cùng Henry Kissinger vào năm 1973, nhưng đã từ chối nhận giải? Ông Hạng suy nghĩ, đã vào hang cọp, không thể liều thí mạng, nhưng cái “máu Quảng Nam” lại trào lên, ông quyết phải trung thành ý tuởng, phải hết lòng trung kiên bản chất nghệ sĩ… Thế nhưng, ngay khi nghe Phạm Văn Hạng vừa trình bày xong câu chuyện, ông Lê Đức Thọ bước lên bục ôm hôn ông Hạng và nói: “Đây mới là nghệ sĩ!” trước sự chứng kiến cả hội đồng giáo sư trong học viện. Có những người đồng hương như: nhà báo Huỳnh Sơn Phước, các ông Huỳnh Nghĩa, Hoàng Tuấn Anh…đang nội trú học chính trị nghe biết những điều này.
Năm 1994, trong dịp tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng tiếp đón Thủ tuóng Võ Văn Kiệt thăm xem Đài Tuởng Niệm đang xây dựng do Phạm Văn Hạng là tác giả, Thủ tướng đã ngỏ lời mời ông Hạng về Thành phố Hồ Chí Minh phác thảo tượng đài Chiến Thắng. Đáp lời sau vài lần giao tế, một hôm ông Kiệt hỏi nhắc lại qua nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “lão Hạng suy nghĩ đến đâu rồi?”. Kế đến, một cuộc hẹn của ông Kiệt dành cho Trịnh Công Sơn và Phạm Văn Hạng diễn ra tại nhà riêng số 16 Tú Xương. Trong bữa cơm thân mật, khi ăn phát hiện cá bống kho tộ rất ngon, ông Hạng gắp lần thứ hai để xác định và hỏi: “Cá nhà anh Sáu không có xương?”, ông Kiệt trả lời: “Người phục vụ thương nên lấy xương ra trước khi kho, lão nhìn kĩ thế?”, và ông nói tiếp: “suy nghĩ tượng đài Chiến thắng đến đâu rồi?”. Đã chuẩn bị từ trước vài tháng, chỉ chờ có dịp là mở van, ông Hạng đáp: “Thưa anh! Anh xây dựng tượng đài chiến thắng vào lúc nầy cho ai xem?”. Ông Kiệt nhìn thẳng, nét mặt nghiêm nghị nói: “ông nói cái gì lạ thế..?”, tay ông đẩy ly rượu đến phía trước. Pham Văn Hạng đáp nhanh: “Xây dựng tượng đài chiến thắng cho người chiến thắng đến xem, còn người thất bại sẽ quay lưng. Nơi đó có tang thương ly tán, sao anh không nghĩ đến BIỂU TƯỢNG THỐNG NHẤT? “. Câu chuyện đang vui bỗng trở nên trầm mặc. Bàn chân Trịnh Công Sơn đạp vào chân Phạm Văn Hạng mấy lần. Bữa ăn kết thúc vội vàng. Ông Kiệt nói như mệnh lệnh, câu chuyện này chưa kể ra ngoài. Từ đó cả sự nặng nề trong tâm tưởng kéo dài gần hai trăm ngày, bỗng anh Sơn nhắn gọi ông Hạng đến nhà : “Ông Sáu nhắn Phạm Văn Hạng đến”. Tôi hỏi, đi cùng anh? “Không, Hạng đi một mình”, anh Sơn đáp. …Buổi hẹn lần này, ông Hạng cho biết, ông Kiệt đã đứng đón từ đầu cửa, quàng vai thân tình đưa vào phòng khách uống trà tâm tình vui vẻ, và đề nghị tôi đến gặp ông Trần Bạch Đằng,Trần Văn Giàu…, riêng ông phải gặp những vị quyền cao hơn ông, bởi việc quá lớn không phải chỉ có thành phố mà phải thông qua nhiều cửa. Ý tưởng Biểu tượng Thống Nhất đánh động lòng người một chặng đường, nhưng rồi dừng lại ở đó, sau khi ông Võ Văn Kiệt đi xa vĩnh viễn…
Thời ông Phan Văn Khải làm thủ tướng, có đối tác muốn trao tặng tượng Quang Trung Hoàng Đế cho bảo tàng Quang Trung tại Bình Định, Phạm Văn Hạng được chủ đầu tư mời trọng thị . Phác thảo được hội đồng nghệ thuật đánh giá cao và đối tác đề nghị tác giả trực tiếp báo cáo với thủ tướng tại Hà Nội. Ông Phan Văn Khải khen ngợi và đề nghị kỹ thuật đúc đồng cố gắng đạt kết quả tốt . Khi về Bình Định đối tác đề nghị Phạm Văn Hạng chỉnh sửa gương mặt Quang Trung Hoàng Đế có vài nét hao hao giống người quyền lực đương thời. Nửa đêm Phạm Văn Hạng quyết cắt chân dung của bức tượng mang về và trả lời không thể làm những điều ngược lại với lương tâm người sáng tạo. Văn nghệ sĩ, lãnh đạo tỉnh Bình Định còn nhắc nhở trong tâm tưởng.
***
Hiện Phạm Văn Hạng cư trú chính thức cùng gia định tại làng hoa Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài Vườn tượng ở Đà Nẵng, từ năm 2005,Vườn tượng của Phạm Văn Hạng tại Đà Lạt cũng được ra đời. Nơi đây, bên cạnh các pho tượng chân dung của những nhà văn hoá tài danh của đất nước như họa sĩ Bùi Xuân Phái, nhà văn Nguyễn Tuân, các nhạc sĩ Đoàn Chẩn – Từ Linh, Trịnh Công Sơn, Văn Cao… , khách tham quan sẽ rất bất ngờ khi gặp 4 tập thơ bằng đồng nặng 250 kg trông rất… cổ quái với kích thước 50cmx 60cm mỗi tập, trong đó lưu lại 29 bài thơ ngắn của chính Phạm Văn Hạng bằng 4 ngôn ngữ Việt, Anh, Pháp và Hoa (đạt kỷ lục là cuốn sách nặng nhất Việt Nam). Đây có lẽ là tập thơ bằng đồng duy nhất ở Việt Nam, không nơi đâu có được ngoài tác giả.Thư viện quốc gia tại Hà Nội đã nhiều lần mượn để trưng bày.
Vào cuối tháng 11.2009, Phạm Văn Hạng gửi thư tới Tổng thống Mỹ Barack Obama đề xuất ý tưởng xây dựng Nhà Hòa Bình: “Tôi trân trọng mời gọi Tổng Thống cùng tham gia khởi động và thể hiện một ý tưởng “Nhà Hòa Bình” – sẽ là nơi quảng bá và giao lưu văn hóa hòa bình giữa các dân tộc trên thế giới”. Có vẻ như trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống, từ tác phẩm nghệ thuật đến tất cả các sinh hoạt gắn với đời thường, Phạm Văn Hạng luôn chăm chút đến mức độc lạ, không giống ai. Điều đó khiến nhiều người cho rằng, ông thích “chơi nổi”. Nhưng theo tôi, những ai từng thân thiết với ông, đều hiểu rằng, nếu không “chơi” như thế thì không phải Phạm Văn Hạng – một nghệ sĩ luôn muốn tạo nên sự cá biệt, đặc sắc “chất Quảng”.
Chính vì vậy, mỗi lần Pham Văn Hạng đi đâu xa về, gặp lại ông giữa đàng hỏi chào vồn vã, tôi lại nhớ đến mấy câu thơ trong tập Chương Dân thi thoại mà Phan Khôi đã chọn bình từ một tác giả vô danh (bài “Tống biệt) “: “Trái mù u trên núi/ Chảy xuống cửa Phan Rang/ Anh đi về ngoài nớ/ Trong lòng tôi chẳng an/ Bao giờ anh trở vô/ Gặp tôi ở giữa đàng/ Nắm tay nói chuyện chơi/ Uống rượu cười nghênh ngang”./.
Câu chuyện “Trên chó, dưới chó, tất cả đều chó…” là giai thoại kể về bữa tiệc của Ông Ích Khiêm (1832-1884) thết đãi các quan đồng triều tại nhà. Nhân đó, nhằm mắng xéo các quan không biết lo việc nước, chỉ lo cho bản thân, ông đứng giữa tiệc nói: “Thưa các vị, các bàn từ trên xuống dưới, từ trong cho đến ngoài tất cả đều là “chó” hết”. |
.TRẦN TRUNG SÁNG