Cung Tích Biền – ngày tháng phiêu bồng

Cung Tích Biền là nhà văn thuộc loại “hàng độc, hàng hiếm”, thành danh trong làng văn chương miền Nam Sài Gòn khoảng thập niên 1960-1970. Tên thật là Trần Ngọc Thao, sinh năm 1937 tại Thăng Bình, Quảng Nam. Theo như hồi ức của nhiều nhà văn trước 1975 thì lão đã từng là một trong vài ba cây bút viết truyện ngắn và feuilleton ăn khách trên các báo của Sài Gòn cũ. Một trang viết của lão các chủ báo phải trả cao ngất ngưởng, theo thời giá hồi ấy là một đến hai ngàn đồng – trong khi vàng có mấy trăm đồng một chỉ. Nhưng trong bài này, chỉ xin nói về một hai chuyện phiêu bồng đời sống, để qua đó gần gũi hơn về tính cách, về văn giới riêng biệt của ông.

Nhà văn Cung Tích Biền
Nhà văn Cung Tích Biền

1.

Cung Tích Biền nói chuyện rất có duyên và lôi cuốn, anh em trong nghề nể lão ở sự uyên bác, thông kim bác cổ. Những khi thù tạc ít khi nào thấy lão khoe khoang văn chương chữ nghĩa, nhưng đụng trận lão nói đâu ra đó, khúc chiết rành mạch. Mấy tay phê bình, Hán học, Tây học và cả Phật học lỡ gặp Biền thì hãy coi chừng, “ăn nói cho cẩn thận,” coi chừng lão “bắt giò” như không. Có lần một tay ngôn ngữ học ở hải ngoại về, khi nói về ý nghĩa của cái tràng hạt mà Cung Tích Biền đang đeo trên tay, ăn nói không biết sao bị lão cật vấn lại đến nỗi tay này phải chịu thua, đề nghị lão lý giải về ý nghĩa của cái tràng hạt ấy là như thế nào. Và Cung Tích Biền đã trình bày thật tường tận, đến nỗi bây giờ tôi cũng không nhớ nổi nó là cái gì. Vì nó bát nhã, mông lung chi địa quá.

Nhà văn Cung Tích Biền

Ngồi nhậu chơi với lão có cái hay là học được nhiều điều, vì cái gì Cung Tích Biền cũng thích nói cho cạn nguồn cơn cuộc, rõ ràng hết nghĩa, và thường là không trật vào đâu được. Vậy mà đọc văn của Cung Tích Biền người ta không thấy đâu là bóng dáng bí hiểm chập chùng, đâu là chữ nghĩa triết thuyết của những điều lão đã từng nói cho nghe. Vì như lão nói: “Cái này không thể áp dụng vào sáng tạo văn chương được”. Lão định nghĩa: “Văn chương là cái sáng tạo, vì nhà văn thì làm chữ, nó sáng lập ra một đời sống mới, nó không phải như nhà viết sử, là thư ký ghi chép sử lịch, càng không giống các nhà phê bình, báo chí”.

Văn chương quán xá rong chơi phiêu bồng là cuộc lữ không bao giờ dừng lại của Cung Tích Biền. Và hình như là của phần đông bọn văn nghệ, nên viết về những kẻ “ngoài vòng gia giáo” ấy, không thể thiếu Cung Tích Biền. Nhưng có một điều lạ, họ vẫn có một gia đình đàng hoàng, và hình bóng trụ cột không thể thiếu đó là những người vợ luôn đứng sau lưng mấy tay “gươm đàn nửa gánh, văn chương một bồ” này. Những người phụ nữ mà nhà văn cung kính gọi là “Mẹ Quan thế âm bồ tát”. Thiếu họ chắc chắn mấy “ông thần” này đã hết linh và xuống “địa ngục” từ lâu rồi.

Nhà văn Cung Tích Biền

Hãy tưởng tượng bạn đang chạy trên đường tấp nập, tự nhiên có một thằng cha nào đó lái xe chạy vèo vèo trước mặt, hắn chạy một chiếc xe màu đỏ thắm, đã vậy hắn còn “đánh võng” trước đầu xe bạn nữa, thấy ngứa mắt quá. Điên tiết, tôi phóng xe theo định nạt một trận, nhưng trời đất ơi, trước mặt tôi là ông bạn già Cung Tích Biền. Lão rũ rũ cái đầu bạc phơ cười he he bảo: “Đi đâu vậy chú em, muốn đi nhậu không, theo qua?” Đến nước này thì tôi không biết như thế nào là lễ độ nữa. “Ừ, thì chơi với ông anh luôn, sợ gì”. Chưa dứt lời lão đã phóng xe tới luôn bác tài, tôi chạy theo muốn hụt hơi trong khi lão vẫn “lăng ba vi bộ” dzòng dzòng. Bãi đáp là một phòng trà giữa trưa ở đường Lê Lợi, quận 1, Sài Gòn. Lão dựng xe điệu nghệ, kéo tôi chui tọt vào trong cái mê cung mù mịt chớp sáng khói ảo kia. Vừa đi lão vừa giới thiệu: “Đây là nơi nhảy nhót của quý bà U40, U50 trở lên, chỉ có vào buổi trưa thôi, chú em vào đây vui lắm”.

Nhà văn Cung Tích Biền

Suốt buổi trưa tôi chỉ ngồi lai rai, nhìn lão dìu từng em lịch sự, đi những bước lả lướt. Lúc này trông lão như một chàng thanh niên đôi mươi. Lão nhảy đẹp và chuyên nghiệp đến nỗi em nào cũng muốn lướt đi trong vòng tay của lão. Lợi dụng lúc nghỉ giải lao, chung quanh là các em, tôi khều khều: “Rồi có… thơ mộng không?” Lão cười cười: “Qua cũng không biết nữa, nhưng chị em ở đây dễ thương, chịu chơi lắm, em muốn thì ở lại chơi tiếp, còn qua phải về với bà nhà nữa…, hề hề”. Nói xong lão biến mất, như chưa từng bao giờ biết đến cái cõi ta bà này.

Nhà văn Cung Tích Biền

2. Cung Tích Biền là một nhà văn đúng chữ của nó, nghĩa là lao động cật lực, cô độc đến cùng, buồn thảm mơ mộng với tác phẩm của mình cho đến rách gáy, mà không cần biết nó sẽ ra sao. Sau 1975, anh em tưởng lão tắt tiếng sau những thị phi, ngộ nhận, trời ơi dập dày trầy trật, buồn khủng khiếp, nhưng càng buồn lão càng lao vào trang viết như cơn bão ngầm. Lão vẫn âm thầm đều đều sáng tác.

Thập niên 1990 ở Việt Nam với làn gió của thời kỳ Đổi mới, những cây bút như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Dương Thu Hương… xuất hiện, lúc ấy người ta bỗng thấy hai cuốn sách của lão chễm chệ trên thị trường, như một dạng tác phẩm… có vấn đề. Hai tác phẩm có tên là Chim cánh cụtNhững ngày lưu lạc, cùng với vài truyện ngắn trên tạp chí Sông Hương, Văn Nghệ… Xuất hiện chưa được bao lâu, không hiểu sao lão bị cả hai phe nội ngoại quy chụp, bắn phá đủ thứ. Tự nhiên phải đứng giữa hai lằn đạn, ngại quá, lão trốn biệt trên văn đàn.

Nhà văn Cung Tích Biền

Cung Tích Biền giờ lui về ẩn dật, mở nhà xuất bản “một mình”, tự viết tự phát hành cho bạn bè đọc chơi. Lão bây giờ làm việc khủng khiếp, từ sáng tinh mơ cho tới chiều tà. Lão chỉ xê dịch từ nhà ra quán gần gần, khi cần phải hẹn với vài anh em văn nghệ lai rai, còn không lão rất ngại đi xa. Có lần lão đã bị tụi quái xế tung cho một phát “bán mạng”, phải nằm viện gần cả tháng. Lão cười khà khà cảm thán: “Chưa xong việc nên ông trời chưa cho qua đi được đâu!”.

Nhà văn Cung Tích Biền

Nhưng mà viết gì nữa bây giờ anh Biền ơi, khi mà nắng ngoài hiên đang liếm dần lên thềm nhà, khi ngoài kia cuộc đời vẫn đang ồn ào trôi theo những buổi chiều hiu hắt… Tôi biết rằng anh vẫn ngồi xoay về hướng đó, dù đang ở bất cứ nơi đâu, khi mà cuộc đời vẫn dài ra thăm thẳm. Quán ngày xưa giờ đã thành phế tích, nếu có cũng không còn ai đến nữa, vì bạn bè giờ cũng không còn ai nữa. Nhưng với Cung Tích Biền thì: “Mình bây giờ chỉ muốn nhìn mặt trời lặn. Tau phải nhìn thấy nó lặn lần cuối cùng!”. Lão nói chắc nịch. Vâng hãy nhìn nó một lần nữa cho đến khi tắt bóng – bóng ấy là bóng tà ác – bóng của những kỷ niệm hoang vu và khói của một thời rong chơi lưu lạc ngay trên xứ sở thân yêu này.

Nhà văn Cung Tích Biền

Viết về một người văn chương như Cung Tích Biền cực kì khó, vì phải đụng vào rất nhiều thứ, nhất là những vấn nạn từ cuộc chiến, nó đã để lại cho những người còn sống, cho những thế hệ tiếp theo những hiểu lầm. Văn chương Cung Tích Biền thì đã có nhiều người viết, nhiều người luận bàn. Nhưng viết về một con người thật, đời thật, nhưng cũng cực kì tự trọng, đúng như con người của Cung Tích Biền, thì ít người viết quá. Văn đàn và lịch sử văn chương Việt Nam chắc chắn sẽ còn phải nhiều lần trở lại với Cung Tích Biền, một tính cách phiêu bồng, một ngòi bút cẩn trọng trong sáng tạo.

 

NGUYỄN TẤN CỨ

Cùng chuyên mục