[Cá tính Quảng] Cô gái có thi là có giải
Không phải là gương mặt dễ gây chú ý trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội như nhiều vận động viên các môn thể thao thời thượng khác, nhưng Thanh Phúc là cái tên được mặc định hễ có thi là có giải của bộ môn đi bộ trong làng điền kinh Việt Nam.
Khác với hình dung của tôi, Phúc đi vespa đỏ, tóc nhuộm màu, trông trẻ trung, xinh xắn và nữ tính hơn rất nhiều so với tuổi 30 (Phúc sinh năm 1988, chứ không phải 1990 như báo chí lâu nay vẫn đưa tin) và lối hình dung cũ của tôi về các nữ vận động viên thể thao. Nếu không nói, chắc không ai biết cô được giới phóng viên thể thao mệnh danh là “Nữ hoàng đi bộ Việt Nam”
Lì lợm lãnh ấn mở đường
Xuất phát ban đầu là điền kinh, nhưng Phúc sớm rẽ hướng riêng ngay khi được phát hiện khả năng của mình. Dù những năm 2000, các VĐV trẻ khác hồi đó thường tập 100, 200m để được như Vũ Thị Hương hay 400m, 800m theo Trương Thanh Hằng, riêng Phúc lại gắn bó với “món” đi bộ mới và khó tới mức ở Việt Nam chẳng có HLV, không có bất cứ bài vở chuyên môn nào. Thanh Phúc được công nhận là VĐV đi bộ đầu tiên, với cự ly dài tới 20km, một loại hình có trong chương trình chính thức của Olympic, được gây dựng tại Việt Nam từ 2002. Đặc điểm cơ bản của kĩ thuật đi bộ thể thao là suốt quá trình thi đấu, cơ thể không được bay trên không mà luôn luôn có một hoặc cả hai chân cùng chạm đất và từ khi chân chống trước đến khi kết thúc đạp sau, chân phải luôn giữ thẳng. Đây được đánh giá là nội dung khó nhất của môn điền kinh
Cũng từ kết quả ngoạn mục của Phúc, cả một môn đi bộ đang dò dẫm tìm đường, luôn đứng trước nguy cơ “chết yểu” đã lập tức xác lập vị thế hàng đầu của điền kinh Việt Nam. Cô cũng là VĐV duy nhất đã khiến cho thể thao cả một địa phương – ở đây là Đà Nẵng, phải thay đổi chiến lược, đột phá về chế độ chính sách để đãi ngộ vận động viên tốt hơn.
Môn đi bộ rất đặc thù, quá trình thi đấu hay diễn ra nhiều điều không lường trước được. Trọng tài chấm điểm cũng dễ cảm tính, nếu anh cho đó là sai thì sẽ sai thôi. Nghe Phúc kể về những khó khăn của mình một cách nhẹ tênh.
Như rất nhiều vận động viên thể thao phải vượt khó khác ở Việt Nam, Phúc cũng nhiều lần bị sốc, phải tự động viên mình vượt qua những thiệt thòi, chuyện không lường được khi thi đấu. Từ việc bị loại HCV vì đồng đội phạm quy hay loại vào giờ chót trước khi tham dự SEA Game 26 đến gần đây nhất là SEA Game 27 ở Myanmar bị xử ép, phải 2 năm sau cô mới được phục hồi danh dự lại chiếc HCV mà mình hoàn toàn xứng đáng được nhận.
“Từ khi bước chân đi bộ đến giờ, em thi đấu chưa bao giờ mang huy chương bạc về, toàn là vàng thôi, trừ giải châu Á.” Phúc cười khoe: “Em nhuộm vàng khắp các giải rồi. Chỉ cần tham gia lần đầu tiên ở một giải nhỏ đầu tiên của sự nghiệp, có giải vàng, sau đó thầy, huấn luyện viên chỉ nói đơn giản năm sau hoặc giải tới có vàng nữa nghe. Rứa là cứ thế mà lao vô luyện tập mãi thôi.”
Con gái xứ Quảng giỏi giấu nỗi buồn
Tuổi trẻ thường hay đi chơi mà vận động viên như tụi em thì hiếm dịp và cũng hiếm có cơ hội có thêm nhiều bạn bè. Anh thấy đấy, tuổi trẻ được đi chơi, có thời gian giao lưu tìm hiểu mới có thêm quan hệ, bạn bè tốt. Vận động viên như mình thì có thiệt thòi hơn, chỉ lo trọng trách, đặt cái chung lên hết nên hiếm có cơ hội gặp gỡ tìm kiếm thêm bạn bè. Phúc tâm sự.
Thử hình dung nhé, 9h tối đã lên giường ngủ. Đi chơi thì cũng khá trái giờ mọi người . Thí dụ 7h tối tới địa điểm hẹn, nhiều khi bạn bè chưa kịp đến, vì mọi người đi làm còn về nhà sửa soạn này kia xong mới tới điểm hẹn. Mới ngồi mà tầm 8h đã xin phép về thì dễ làm mất hứng cuộc vui. Nếu uống tí bia gì đó cho vui mà từ chối, vì nghĩ đến giáo án ngày mai quá nặng thì mình sẽ không thể uống được, bạn bè hiểu ý thì không nói làm gì, không hiểu thì sẽ rất khó cho mình. Nhiều khi thấy người ta đi chơi mình đi tập cũng tủi thân. Mà muốn chơi cũng khó. Phúc kể môn của mình luôn phải tập sớm, từ 4h sáng dậy tập đến 7h. Tập xong 20km, ăn sáng nữa là khoảng 8h là mệt rã, lên giường ngủ tới trưa và nghỉ ngơi. Nếu ráng đi chơi cũng được, nhưng mai bài tập nặng tập không được sẽ bị HLV la rầy. Cứ liên tục như vậy, ngày lễ tết cũng như ngày thường, cho đến khi dừng sự nghiệp thi đấu mới không tập.
“Môn của em là môn ngoài đường, có HCB châu Á rồi mà đi tập vẫn có người còn mỉa mai: con ni hắn đi kiểu chi ngoài đường, thấy không giống ai hết. Thậm chí nhiều khi còn bị người đi đường say xỉn sàm sỡ, nhất là những lúc đi tập tầm 4h sáng, khi người ta đi chơi đêm về”.
Môn này Phúc hay gọi đùa là tự mình chiến đấu với bản thân mình. Khi tập mình cứ nghĩ là hôm nay các vận động viên đối thủ xứ khác cũng đang tập, chứ đâu có biết là họ tập hay không. Nhiều khi cũng mong biết họ có tập hay không để nghỉ một bữa!
Còn những lần thi đấu, như SEA Game chẳng hạn, môn đi bộ của mình hay được thi trước. Lúc ấy, có nhiều câu nói đùa khiến cho Phúc bị áp lực. Chỉ cần bác trưởng đoàn đi ngang qua nói “Thanh Phúc mở hàng hỉ” là bị áp lực rồi. Anh cứ hình dung, cả đoàn Việt Nam đi thi đấu mà như đi bán hàng á, mở hàng không ra gì thì còn biết ăn nói làm sao. Báo chí phê, người hâm mộ nói mình ra sao!”
Khi thắng được tung hô, khi thua thì dư luận có rất nhiều lý do để nói, để đàm tiếu. Mình mà không vững, dễ bỏ cuộc lắm.
Chị em rủ nhau đi bộ và rinh giải
Sẽ thiếu sót nếu như nói đến Thanh Phúc mà không nhắc đến cậu em thân thiết Thành Ngưng, cũng là một vận động viên điền kinh quen thuộc của thể thao nước nhà và cũng là gương mặt thường xuyên ẵm huy chương. Hai chị em đều là đại diện duy nhất của TTVN ở môn Đi bộ trong đội tuyển quốc gia.
Lý do Ngưng tham gia điền kinh, cùng bộ môn với chị rất đơn giản. Thấy bà chị một thân một mình từ Hòa Khánh xuống Đà Nẵng đi học, đi tập, nên Ngưng đi theo cho có bạn, cho chị đỡ sợ, rồi tập theo luôn và cũng gom được kha khá huy chương trong nhiều giải đấu. Nhưng không chỉ có vậy, trước đó chị gái Phúc đang tập ở đội điền kinh Đà Nẵng cũng rủ Phúc đi chung cho vui và để đối phó với sợ hãi vì quãng đường dài vắng vẻ. Quả là câu chuyện rủ rê thú vị của các chị em trong gia đình
Sau một thời gian dài gắn bó với thể thao, cả hai chị em Phúc- Ngưng đều cho biết, vẫn chưa tìm kiếm được các hậu bối tiềm năng ở môn thể thao rất kén người này. Trong thời gian tìm kiếm “hậu duệ”, hai chị em vẫn miệt mài ra đường khi đêm chưa tàn để bắt đầu một ngày mới tập luyện, tập luyện và tập luyện, miệt mài…
Sơn Trà