Chuyện của Nét Quảng

Với các bậc đàn anh đàn chị trong giới doanh nhân Sài Gòn, Mỹ Nguyễn luôn là một cô em xinh đẹp, giỏi giang và ngoan hiền. Không nhiều người biết, ẩn sau vẻ ngoài luôn rạng rỡ và khiêm tốn đó là một cô gái xứ Quảng cá tính đang “dành tất cả thanh xuân” cho những dự án cộng đồng dài hơi…

28 tuổi, Mỹ vẫn tự cho mình cái quyền được nũng nịu, nhõng nhẽo với các anh chị doanh nhân thân quen nên lắm lúc trông cô cứ như một thiếu nữ chưa rời khỏi khuê phòng. Nhưng thử làm việc và trở thành đối tác của cô ấy bạn sẽ gặp ngay một nữ doanh nhân thẳng thắn, quyết liệt và rất thông minh.

Nói Mỹ thông minh cũng đúng, như thật ra từ “khôn” có vẻ hợp với Mỹ hơn, dù cô vẫn luôn tự hào về  bảng thành tích học tập của mình. “Thông minh vốn sẵn tính trời”, khôn là phải biết sử dụng cái thông minh của mình, khôn như đẻ bọc điều vẫn phải được dạy và tự học lấy ở trường đời. Mỹ khôn từ lúc còn là một đứa bé 5, 7 tuổi khi biết tự nói lên suy nghĩ và đưa ra quyết định của mình. Đi học mẫu giáo được vài ngày về “méc” với ba mẹ “ở trường cô không dạy gì chỉ toàn cho chơi”, rồi xin ba mẹ cho học lớp 1 (giờ kể lại chuyện này Mỹ vẫn còn lo cô giáo mà biết sẽ  lại “cốc đầu” vì cái tội bướng bỉnh). Trên đường đi học về đói bụng biết đàng hoàng bước vào một ngôi nhà bên đường xin “cho con chén cơm ăn để con có sức đi tiếp về nhà…”. Những câu chuyện trẻ con thú vị ấy định hình trong cô tư duy dám nghĩ, dám làm và “trầy vi tróc vảy” cũng làm cho bằng được. Cá tính của một cô gái xứ Quảng Mỹ mang cả vào Sài Gòn. Cái khôn của Mỹ là cô giỏi quan sát và tự gia giảm để cá tính ấy hợp vị với vùng đất phương Nam – cũng toàn dân tứ xứ gặp nhau trong cuộc mưu sinh và lập thân bất tận. Những bộc trực ban đầu dần lặn vào trong, Mỹ học cách giấu mình đi rất nhiều – để được học hỏi nhiều nhất, để ứng biến với hoàn cảnh và trưởng thành. Những gai góc, bản lĩnh của một nữ doanh nhân hay những lúc yếu mềm của cô gái trẻ, của đứa con xa nhà Mỹ hiếm khi bày tỏ cho người đối diện. Trong khi người ta thường khoe cả những mối quan hệ không có thật để tìm  lợi ích cho việc làm ăn thì hầu như không ai biết hết những mối quan hệ của Mỹ. Sự kín đáo và biết tách bạch cũng là một thứ bản lĩnh khiến người khác tin cậy.

Mỹ và người chị thân thiết trong giới doanh nhân – Lâm Thúy Ái

Sau những năm vừa kiếm tiền vừa học đại học ở Sài Gòn như bao nhiêu bạn trẻ khác, Mỹ chọn con đường khởi nghiệp. Vốn là một cán bộ đoàn hội tích cực trong các phong trào xung kích, là hạt nhân trong hoạt động nghiên cứu khoa học của trường (ĐH Tài chính – Marketing),  nhưng 5 năm cho một hành trình khởi động nhiều gian nan, Mỹ nói, lắm lúc cô thấy mình như một kẻ độc hành. Có khi nhân viên nghỉ việc cả loạt vì không đủ niềm tin để đồng hành với cô chủ nhỏ. Có khi 28 Tết không thu hồi được công nợ phải âm thầm mượn tiền bạn thân để thưởng cho nhân viên và về quê vẫn kiêu hãnh, xênh xang để ba mẹ yên lòng…  Làm giám khảo của nhiều chương trình khởi nghiệp dành cho sinh viên, Mỹ vẫn thường nói đừng coi khởi nghiệp là xu hướng, là phong trào, đừng thấy nhà nhà khởi nghiệp, người người khởi nghiệp như hiện nay mà không chuẩn bị đầy đủ các điều kiện và cả tâm thế. Khởi nghiệp không có chỗ cho những mộng mơ, ảo tưởng. Chỉ nên khởi nghiệp khi bạn đã sẵn sàng làm một chiến binh và tự đứng lên được sau những lần bại trận. Mỹ không nói suông, cô đã kiên trì đặt nền móng cho FSmart ngày hôm nay bước tiếp một chặng đường mới, minh định hơn, vững chắc hơn.

Mỹ muốn làm rất nhiều và luôn thấy bản thân còn thừa nội lực để phát triển mảng này mảng kia trong công ty. Cái thiếu với cô chỉ là không đủ thời gian. Không đủ thời gian để ăn ngủ đàng hoàng. Không đủ thời gian cho những thú vui phụ nữ thường tình. Thậm chí cô luôn ngủ khi người khác làm tóc, make-up nên có lần cũng lâm vào cảnh dở khóc dở cười khi tỉnh giấc nhìn vào gương thấy ai đó lạ hoắc! Trong công việc, Mỹ khó tính và cầu toàn. Một bức ảnh, một thiết kế hay cả chiến lược truyền thông Mỹ cũng phải thấy hài lòng mới cho chuyển đến khách hàng. Không  chỉ đặt ra yêu cầu cao với nhân viên, Mỹ vẫn luôn tự đưa bản thân mình vào kỷ luật. Cách cô nhận đơn đặt hàng cũng không giống ai. Không bỏ qua một cơ hội nhỏ nào. Có những sự kiện không ai dám nhận vì thời gian gấp rút, vì quá nhỏ, vì ít tiền… Mỹ nhận hết và hoàn thành công việc như không có những điều bất lợi đó. Cô luôn nói với mọi người, tiền cũng quan trọng nhưng cái tâm với nghề còn quan trọng hơn. Hãy hạnh phúc vì mình được làm việc mình yêu thích. Cô biết ơn những người đã tin tưởng giao việc cho mình. Có khi xong một sự kiện công ty bị lỗ, có khi biết trước không thể có lời, Mỹ vẫn tỉnh như không. Mỹ muốn làm theo cách cứ cho đi trước rồi sẽ được nhận lại. Bao nhiêu dự án, bao nhiêu mối quan hệ thân tình, bền vững đã đến với Mỹ, với công ty sau những lần “bất chấp” như thế!   “Tạo ra giá trị thật cũng là một dạng lương thiện, nên mọi thứ cứ làm tốt, người nhận hạnh phúc, đó đã là thành công lớn nhất!”

Không chỉ ở công việc, Mỹ có cái khôn bản năng của cô gái sống xa nhà. Các bà mẹ xứ Quảng không nói với con trong nhờ đục chịu mà là khôn nhờ dại chịu. Mỹ không bước vào “vùng tối” của bất kỳ ai, dù nếu cần để xử lý tiến độ hay khủng hoảng công việc cô đủ bản lĩnh bước vào và an toàn đi ra. Cô kể, có lần trong chuyến công tác về miền Trung, một đại gia có tiếng tăm muốn cô làm trợ lý cho cuộc gặp gỡ quan trọng vào buổi tối, cô đã đề nghị người ấy gọi điện xin phép mẹ cô để cô được về trễ, vì cô đang trong thời gian ở nhà cùng với gia đình. Vị đại gia cũng bật cười trước “bản năng phòng thủ” vừa khôn lanh vừa ý nhị của cô.  Họ trở thành anh em thân thiết cho đến bây giờ. Hỏi Mỹ, ở thương trường nhan sắc có là một lợi thế? Mỹ cười, nhan sắc phụ nữ là lợi thế ở bất kỳ “trường” nào, người ta vẫn thường nói đến ấn tượng đầu tiên mà. Mỹ không xuất hiện trước một sự kiện hay cuộc gặp gỡ nào khi chưa lụa là son phấn kỹ càng nên rất khó có những hình ảnh không chỉn chu của Mỹ lọt vào ống kính người khác. Chẳng biết Mỹ học từ ai cái phong cách ngôi sao đó, thường chẳng có ở dân Quảng nhưng nó không kém phần hiệu quả trên thương trường. Cô thể hiện mình là người biết tôn trọng cái nhìn của người khác hơn là chỉ thích chưng diện đơn thuần. Nhưng cô muốn được công nhận là người con gái mạnh mẽ, giỏi giang hơn là chỉ khen xinh đẹp.  “Nếu chỉ có nhan sắc thì đừng bước vào thương trường, vì chỉ có thể đánh đổi bản thân để được vài lợi ích chứ không trở thành doanh nhân. Chẳng ai là kẻ dại trong một mặt trận toàn những người bản lĩnh. Nếu có sự phân biệt về giới ở thương trường thì thường vì những tính cách đặc trưng hơn là vẻ ngoài”.  Cứ vừa làm vừa học, vừa xây dựng chiến lược vừa linh hoạt chuyển hướng, vừa khiêm tốn kết thân vừa mở rộng các mối quan hệ… từ một cô sinh viên khởi nghiệp, sau 5 năm Mỹ đã tạo cho mình một chỗ đứng đầy tự tin trong giới doanh nhân.

Nhưng Mỹ không chỉ là một doanh nhân. Cô là một trong số những người trẻ chọn cách sống vì những điều tử tế. Chưa đủ sức lập quỹ từ thiện, chưa tự làm một chương trình thiện nguyện lớn nào thì Mỹ chọn đi từng bước nhỏ. Cô và công ty đồng hành với những chuyến đi về vùng sâu vùng xa giúp dân của các CLB khác, tham gia vào các nhóm thiện nguyện mà cô tin tưởng, hỗ trợ/tài trợ  bằng nguồn lực công ty sẵn có… Và cô xây dựng dần một chương trình vì cộng đồng của riêng mình.

Cô vào vai MC chị Hằng chơi với trẻ em Ninh Thuận mùa Trung Thu 2018
Tặng quà cho trẻ trong một chuyến thiện nguyện

Nét Quảng là bút danh của Mỹ. Cô yêu thích nghệ thuật, văn chương và thi thoảng cũng viết lách. Ban đầu chỉ để cho riêng mình, trải lòng mình nhưng cô chọn bút danh này vì ôm ấp nhiều giấc mộng với quê hương. Mà Mỹ yêu quê hương theo cái cách cũng bảo thủ không kém bất kỳ người gốc Quảng nào. Thích ăn món Quảng, cãi nhau kiểu Quảng. Cô có thể lang thang cả buổi chiều ở chợ Bà Hoa chỉ để nghe giọng Quảng quanh mình, để mua những món quà quê gợi nhiều thương nhớ…

Khi khởi động dự án này và mời những nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo cùng đồng hành, Mỹ khiến mọi người ngạc nhiên vì độ chin chắn và dám làm của một cô gái mới tròn 28 tuổi. Mỹ không làm vì tùy hứng hay chỉ để khoe danh. Trăn trở đã lâu và nói như cô là khi duyên vừa đủ độ, cô quyết định dồn lực để làm. Mà Mỹ thì có khả năng truyền lửa cho bất kỳ ai đồng hành cùng mình.

Sau 3 tháng, trang thông tin điện tử netquang.vn và cuốn sách Cá tính Quảng đã có trên tay bạn đọc. Đây mới chỉ là bước đầu tiên trong hành trình hướng về quê hương của cô. Không biết Mỹ sẽ nói gì vào hôm ra mắt bạn đọc, nhưng tôi tin ở đó sẽ có những giọt nước mắt hạnh phúc. So với FSmart còn non trẻ, Mỹ đã đi một hành trình dài hơn 5 năm, mang giấc mộng và hoài bão từ quê nhà, viết tiếp trên xứ người bằng nỗ lực và tấm lòng của đứa con xứ Quảng.

Chẳng biết ai là người đầu tiên nói câu Chúng ta đi mang theo quê hương nhưng từ bây giờ nó trở thành phương châm hành động của cả dự án dài hơi này.

Mang theo quê hương với những dấu yêu thời thơ dại, những hương vị ký ức không thể quên, cả giọng nói chẳng êm tai với người khác xứ….

Mang theo quê hương để nhắc nhở về đạo lý uống nước nhớ nguồn, để biết ơn những gì mình được nhận và học cách/tìm cách đền đáp lại

Đọc mấy câu thơ của Nguyễn Duy:

Trọn kiếp người ta chập chờn nguồn cội

Có một miền quê trong đi, đứng, nói, cười…

Mỹ nói, bài thơ hay quá chừng. Và cô cười, cái cười trong veo của một cô bé chưa hề bước ra khỏi vùng trời thơ ấu…

Thi Ân

 

Cùng chuyên mục