Buồn vui với làng chiếu trứ danh đất Quảng
Làng chiếu Bàn Thạch là làng dệt chiếu nổi tiếng nhất nhì xứ Quảng Nam. Sau 400 năm, danh vẫn còn, tiếng vẫn có, nhưng không còn bao nhiêu người theo cái nghề truyền thống từng là niềm tự hào xứ sở.
Làng chiếu Bàn Thạch nằm bên sông nên rất thuận tiện về mặt giao thông, cả đường thủy lẫn đường bộ. Xưa kia, với ưu thế này, khi đường thủy trên sông Thu Bồn, Trường Giang, Li Li thông với thương cảng Hội An xuôi về cửa Đại, chiếu Bàn Thạch theo thương lái định danh khắp nơi.
Danh tiếng thuở xưa và mức sống hiện tại
Giao thông thuận tiện, chiếu dệt đẹp, bền màu, tỉ mỉ từng nút thắt biên chiếu, nằm mát… những ưu điểm như thế đã khiến chiếu Bàn Thạch từng xuất ngoại chu du đến tận xứ Nam Vang. Người làng khoe những năm 80, chiếu còn sang tận Liên Xô (cũ) và các nước Đông Âu. Vào cái thuở nhà nhà người người dùng chiếu, thì chiếu Bàn Thạch làm ra không kịp bán. Không chỉ bạn hàng ưa chuộng mà cả nhiều hoàng thân quốc thích, quan lại trong triều đình Huế cũng tín nhiệm chọn nằm.
Chiếu Bàn Thạch, cùng với chiếu Cẩm Nê, là những làng chiếu nổi tiếng nhất xứ Quảng. Người dân kể rằng, xưa ở làng này, trẻ em sáu bảy tuổi đã biết dệt chiếu. Khi còn nhỏ, các bé gái đã được bà và mẹ dạy dệt chiếu làm của hồi môn. Thậm chí có lúc, nhiều nhà đã xem chiếu chọn dâu, những bà mẹ chồng luôn kín đáo quan sát các cô gái dệt chiếu như thế nào, thành phẩm ra làm sao để kỳ vọng về một cô dâu đảm đang khéo léo từ bàn tay dệt chiếu khéo ra.
Đã hơn 400 năm, bây giờ, đến với làng chiếu Bàn Thạch, chúng tôi vẫn nghe lọc cọc tiếng khung cửi chậm rãi làm việc mỗi ngày với những con người đang miệt mài giữ lửa cho nghề. Nhưng không nhiều. Đi qua các thôn, xóm, chỉ thấy những ông già bà cả, trẻ lắm cũng trên 50 ngồi lúi cúi nhẫn nại một cách lặng lẽ bên khung dệt.
Bà Trần Thị Minh, người có hơn 30 năm theo nghề dệt chiếu kể: Người làm chiếu phải trải qua rất nhiều công đoạn. Hái lác về, phải chẻ khi còn tươi rồi phơi 4-5 nắng cho lác ngả vàng. Năm bó lác tươi mới được một bó lác khô. Tiếp đó, nhuộm màu cho lác, bằng cách cho lác vào nồi nước có phẩm màu đun sôi. Đây là một đặc trưng rất riêng của làng chiếu Bàn Thạch, màu được chọn sẵn, phối sẵn trước khi tiến hành dệt chứ không phải dệt xong mới nhuộm hoa văn như nhiều nơi khác. Tất cả đều làm thủ công.
Nhiều công đoạn, vất vả mất thời gian và không được lượt bỏ bất cứ một công đoạn nào, nhưng số tiền kiếm được từ một chiếc chiếu thành phẩm thì rất khiêm tốn. Giá thành sản phẩm không cao nên hiệu quả kinh tế mang lại thấp. Một bó lác khô dệt được 2 đôi chiếu. Mỗi đôi chiếu bán khoảng từ 80-150 ngàn đồng tùy khổ chiếu. Một ngày, hai người dệt được trung bình 1,2 đôi chiếu. Tay nghề giỏi, phối hợp nhịp nhàng giữa cả hai người dệt và đưa thoi, thì cũng được tối đa là 3 cái, làm từ sáng đến tối. Trừ tiền xăng, phẩm màu, tiền thuê chẻ lác, tiền công một người dệt cùng với mình, trung bình người dệt chiếu thủ công một ngày kiếm được khoảng từ 50 ngàn đến trên dưới 100 ngàn.
Cách đây hơn 10 năm, Bàn Thạch cũng từng có kha khá những cơ sở sản xuất dệt chiếu máy bên cạnh dệt chiếu thủ công. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn nhộn nhịp, phần lớn những chiếc máy dệt chiếu phải… đắp chiếu bỏ không. Mà lý do, như nhiều người ở đây cho biết, cũng lại cái làng này (xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên) chỉ cách Hội An khoảng 5km. Hầu hết lực lượng lao động ở xã Duy Vinh nếu không vào nhà máy cũng qua Hội An làm dịch vụ. So với làm chiếu thủ công thì làm chiếu máy cho thu nhập cao hơn nhưng nghề này vẫn còn thấp so với những ngành nghề lao động phổ thông khác, nên chiếu máy thất sủng.
Bà Đỗ Thị Thiền, người dệt chiếu lớn tuổi nhất của Bàn Thạch, nay ở tuổi 95, ngậm ngùi nói: Xưa 10 nhà làm thì bây chừ chỉ còn khoảng 5 nhà thôi. Tiếng khung cửi chầm chậm quen thuộc, cách quãng, bây giờ xem ra chậm chạp và nhiều mỏi mệt hơn.
Cứ nhìn quang cảnh chợ chiếu Bàn Thạch, vốn họp từ tờ mờ sáng đến 7h mỗi ngày, bán duy nhất mặt hàng chiếu Bàn Thạch thì biết. Sức mua mỗi lúc một ít đi. Một tiểu thương ở đây cho biết, chiếu Bàn Thạch bán cạnh tranh không lại với nơi khác về giá thành. Chiếu dệt bằng máy nhanh gọn, giá thành rẻ hơn, đặc biệt là với các loại chiếu ni lông.
Người Bàn Thạch và đốm sáng cuối làng
Khi chúng tôi ghé làng, thăm viếng nhiều ngôi nhà của người làm chiếu, đều gặp một mẫu số chung, phần lớn là những người lớn tuổi, mất sức hoặc nếu không làm, thì cũng không biết làm gì để ăn, để có thêm thu nhập nên còn gắn bó với chiếu. Nghe thật nao lòng. Nhưng vẫn còn đó những người một lòng một dạ đi theo cái nghề cha truyền con nối đến mấy đời.
Không còn sầm uất và hưng thịnh như xưa, làng chiếu Bàn Thạch vẫn sống âm thầm và bền bỉ. Nghề ni không khiến người ta làm giàu, nhưng cũng chẳng bao giờ lo đói nếu chịu khó tảo tần lấy công làm lời, sống tiện tặn một chút cũng không sao. Chị Trần Thị Minh đúc kết sau hơn 20 năm lấy chồng và phụ mẹ chồng cùng làm nghề dệt chiếu.
Ông Nguyễn Văn Lắm, nay đã ngoài 60, con trai của bà cụ dệt chiếu cao niên nhất Bàn Thạch, vừa ngồi cắt đống lác mới đem từ ngoài đồng về, vừa nói chắc như đinh đóng cột: Thanh niên chừ có ai chịu làm mô. Người già như tui không làm thì ai làm nữa. Xưa ông bà làm răng thì chừ làm y rứa. Nhà tui 4 đời làm rồi. Làm sao mà bỏ được. Ngày kiếm cũng được 150-200 ngàn. Nhiều khi dệt chiếu khó khăn quá thì mình làm thêm việc phơi lác, phơi đay bán kiếm thêm. Tui nhứt định theo nghề ni tới khi không còn sức thì thôi, quyết không bỏ.
Làng chiếu Bàn Thạch nằm ở trung tâm phía Đông của huyện, gần cầu Trường Giang, cầu Cửa Đại nối liền từ Duy Vinh đi Duy Nghĩa, Duy Hải và Hội An. Hiện nay, đã có một số tuyến du lịch Hội An – Bàn Thạch – Mỹ Sơn giúp Bàn Thạch trở thành địa chỉ du lịch làng nghề khá hấp dẫn đối với du khách. Vân Nguyễn, một hướng dẫn viên du lịch thường xuyên đưa khách nước ngoài tham quan các điểm du lịch đồng quê xứ Quảng cho biết, du khách, nhất là khách châu Âu rất thích thú khi được tham quan các làng nghề truyền thống nói chung và làng chiếu Bàn Thạch nói riêng. Khách có thể đến đây bằng đường sông theo ghe thuyền, hoặc đi xe đạp thăm làng quê và ghé các ngôi nhà nhỏ nép mình dưới những hàng cau có những nghệ nhân cao tuổi đang cặm cụi dệt chiếu sớm hôm.
Chưa nhiều, nhưng một số hộ dân ở đây đã có thêm đồng ra đồng vào từ du lịch cho đời sống đỡ vất vả hơn.
Thôi thì, đó cũng là một lối ra cho người làm nghề thủ công truyền thống. Để mai sau, lớp trẻ không phải ngơ ngác hỏi nhau đây là đâu khi nghe câu ca cũ:
Anh về Bàn Thạch em trải chiếu cho anh nằm
Tình sâu nghĩa nặng mấy con trăng rằm không phai…
Bài và ảnh: Lê Minh Hạ