Bùng nổ ví điện tử, thanh toán trực tuyến: Tiền giấy thời sắp xa
Việt Nam đặt mục tiêu đạt tỉ lệ thanh toán dùng tiền về 10% vào năm 2020, từ mức 90% hiện nay. Với hơn 70 triệu người trưởng thành, phần lớn là giới trẻ yêu thích công nghệ, thu nhập và chi tiêu tăng cao trong khu vực, Việt Nam được đánh giá là thị trường thanh toán online tiềm năng. Bên cạnh đó, thương mại điện tử bùng nổ gần đây đang thúc đẩy người tiêu dùng Việt Nam chi tiêu nhiều hơn qua các hình thức thanh toán tiện lợi như thẻ tín dụng, ví điện tử, các app tích hợp Grabpay by Moca, Samsung Pay…
Cuộc đua kích cầu mua sắm không dùng tiền mặt
Chị Lê Việt Hải, nhân viên văn phòng tại Hà Nội, với tổng thu nhập hơn 20 triệu đồng mỗi tháng cho biết hai năm nay, 80% giao dịch thanh toán hàng ngày của chị đều không dùng tiền mặt, mà chủ yếu dùng thanh toán điện tử của ngân hàng. “Ngày xưa trong ví luôn trữ 3 đến 5 triệu đồng mỗi lần ra đường, giờ thì chỉ còn vài trăm nghìn đổ xăng, đỡ nặng ví mà cũng nhẹ lo bị cướp giật, mất trộm…!”, chị kể.
Theo Ngân hàng Nhà nước, hoạt động thanh toán online, điện tử năm 2018 ghi nhận những tăng trưởng ấn tượng, sau hai năm thực hiện chương trình tăng cường thanh toán không tiền mặt. Trong ba quý đầu năm 2018, có khoảng 178 triệu giao dịch tài chính online tại Việt Nam, giá trị khoảng 11 triệu tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2017, số liệu này tăng 33% về lượng giao dịch và tăng 18% về giá trị giao dịch. Trong đó, lượng giao dịch trên các thiết bị di động vào khoảng 122 triệu lượt, tổng giá trị đạt 1,1 triệu tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2017.
Các đơn vị, từ ngân hàng, nhà cung cấp giải pháp thanh toán trung gian, cho đến nhà cung cấp dịch vụ đang đua nhau kích cầu mua sắm giao dịch không dùng tiền mặt. Chị Hải cho biết, chị đã mua điện thoại iPhone “trả góp lãi 0 đồng” trong vòng 12 tháng, dùng thẻ visa thanh toán hàng tháng mà không bị tính bất cứ phần lãi nào. “Còn nhiều sản phẩm khác, tùy từng ngân hàng, tính ra thì rất có lợi cho người dùng nếu gặp tình trạng căng thẳng về tài chính, lại được khuyến mãi”, chị nhận xét.
2018 cũng là năm nở rộ xu hướng mở các ví điện tử, app thanh toán online trên các thiết bị di động. Thống kê cho biết, thanh toán bằng các hình thức này tăng 128% so với cùng kỳ năm 2017. Có khoảng 37 ngân hàng và tổ chức thẻ tín dụng đang cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán hóa đơn điện, nước, internet, truyền hình cáp, di động trả sau…; một số trang web y tế công cộng cũng triển khai thu phí điện tử dịch vụ khám và điều trị; các doanh nghiệp bảo hiểm xã hội có 21% tổng số người thụ hưởng được chi trả qua ngân hàng…
Một số bạn bè của chị Hải, cũng là nhân viên văn phòng lứa tuổi 25 – 35, đang dùng ví điện tử như Momo, Payoo, Zalopay, Airpay… để chi tiêu tại các quán cà phê, nhà hàng, giao thông đi lại, xem phim, đặt phòng du lịch, mua hàng online… “Họ khoe dùng ví điện tử có nhiều cơ hội mua được dịch vụ giá rẻ, ưu đãi hoặc khuyến mãi, nhiều khi giá chỉ còn 10% so với mua bằng tiền mặt…”, chị Hải kể.
“Hai mặt” của thanh toán điện tử
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty M-Service, đơn vị cung cấp giải pháp ví điện tử Momo, một trong những ví điện tử gây chú ý nhất trong cộng đồng công nghệ tài chính – có tên trong top 100 công ty tài chính công nghệ đột phá toàn cầu theo công bố của quỹ đầu tư H2 Ventures và KPMG cho biết, nhờ các thỏa thuận kết nối thanh toán trung gian giữa Momo và các ngân hàng, cũng như các nhà cung cấp dịch vụ, nhiều người sử dụng ví Momo đã có thể thanh toán 99% giao dịch hàng ngày qua ví điện tử “trừ thanh toán tại các cây xăng vì đó là nơi không cho phép mở điện thoại”, ông Diệp nói.
Chị Hải chia sẻ, bên cạnh những tiện ích thì vẫn có một số bất lợi khi dùng các “sản phẩm nằm trong gói khuyến khích người dùng giảm tiền mặt”. Trong đó phiền toái nhất là đang họp mà phải nhận các tin nhắn liên tục nhắc đến hạn trả nợ. Hiện chị chủ yếu dùng online banking và thẻ ngân hàng, chưa tin dùng ví điện tử, bởi cần đợi bạn bè dùng một thời gian xem độ bảo mật và tiện lợi đến đâu. Đã có những trường hợp đang chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng vào ví điện tử để tiêu xài thì phần mềm trục trặc, muốn hủy lệnh phải gửi yêu cầu về bộ phận hỗ trợ và chờ đợi, có khi đến hai ngày…
Bảo mật thông tin cũng là nỗi lo của rất nhiều người dùng khi trải nghiệm các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Chị Hải kể: “Khi một loạt tài khoản khách hàng của Vietnam Airlines bị lộ thông tin, số thẻ visa của tôi cũng bị lộ. May là không còn nhiều tiền trong thẻ…”. Theo chị Hải, về cơ bản, thanh toán online có nhiều tiện lợi nhưng nguy cơ ngân hàng bị hacker tấn công và ăn cắp tiền trong tài khoản người dùng, hay các ví điện tử bị lỗi kỹ thuật vẫn là nỗi lo lớn hiện nay.
Ghi nhận đầu năm 2019 cho thấy đã có thêm nhiều ngân hàng thương mại triển khai các công nghệ thanh toán hiện đại tương tác với các thiết bị di động của người dùng, bảo vệ tốt hơn và hợp lý hóa sử dụng sinh trắc học, dấu vân tay, khuôn mặt, giọng nói, thẻ và công nghệ mã hóa… Nhiều dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt liên tục đưa ra các chương trình kích cầu chi tiêu, các giải pháp thanh toán online hoặc đẩy mạnh các dịch vụ tài chính hỗ trợ “từ A đến Z”. Mới đây nhất, Vietnam Airlines nâng cấp ứng dụng công nghệ thanh toán QR Code, do Công ty CP Giải pháp thanh toán Việt Nam (VNPAY) cung cấp, hứa hẹn người dùng dễ dàng đặt vé, mua các dịch vụ bổ sung, cập nhật các chương trình ưu đãi của hãng, làm thủ tục check-in… ngay trên điện thoại chỉ với một vài thao tác đơn giản, khách hàng không cần nhập thông tin tài khoản ngân hàng, số thẻ hay mật khẩu như trước đây…
2019: dự báo phát triển mạnh
Mặc dù niềm tin đối với thanh toán không dùng tiền mặt chưa đạt tuyệt đối và nền tảng thương mại điện tử còn non trẻ ở Việt Nam nhưng với mục tiêu giảm giao dịch bằng tiền mặt, đưa tỷ lệ 90% về 10% vào năm 2020, thị trường trong nước đã tạo ra một làn sóng mới về cuộc đua phát hành thẻ tín dụng, ví điện tử… Ngân hàng Nhà nước thống kê, đến cuối quý III/2018, tổng số lượng thẻ ngân hàng phát hành lũy kế cả nước là 147,3 triệu, tăng 20 triệu thẻ sau một năm. Trong đó, thẻ tín dụng tăng 50% so với cùng kỳ. Ghi nhận đến cuối năm 2018, cũng có hơn 26 đơn vị cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được cấp phép tại Việt Nam, trong đó phần lớn là ví điện tử, phổ biến như MoMo, ZaloPay, GrabPay by Moca, Viettel Pay, AirPay…
Theo nhận định của giới chuyên gia ngân hàng, các khoản thu phí từ thẻ như phí thường niên, phí rút tiền mặt, đặc biệt là phạt nợ quá hạn… đem lại nguồn thu lớn và ổn định cho nhà phát hành thẻ. Ngoài ra, ngân hàng còn đặt nhiều kỳ vọng vào phí và các dịch vụ cộng thêm bán chéo sản phẩm cho chủ thẻ. Ông Trần Thanh Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ và Dịch vụ Moca cho rằng, khi điều kiện kinh tế xã hội Việt Nam đi lên, và các thành phần trong hệ sinh thái thanh toán dần hoàn chỉnh (ngân hàng, các công ty fintech…), thì thanh toán di động (mobile payment) cũng sẽ phát triển mạnh mẽ.
Ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, cho biết trong năm 2019, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu và công bố chi tiết các giao dịch bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng. Vụ Thanh toán cũng sẽ nghiên cứu và đề xuất Chính phủ những biện pháp khuyến khích thanh toán tiền mặt trong các giao dịch bất động sản. Thêm vào đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ thúc đẩy thanh toán ngân hàng để thu phí dịch vụ công hiệu quả hơn (điện, nước, học phí, bệnh viện và thanh toán các chương trình an sinh xã hội…). Thanh toán thẻ hiện cũng đang được quảng bá thông qua các thiết bị điểm bán hàng (POS), ứng dụng thanh toán mã QR, thẻ được mã hóa, mở rộng thanh toán di động, thanh toán không tiếp xúc và các công nghệ khác…
Chuyên gia tài chính của Công ty Chứng khoán Sài Gòn – SSI nhận định: Thanh toán không dùng tiền mặt nói chung, dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong năm 2019. “Để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của thanh toán điện tử, ngoài sự tiện lợi, cần có thêm các lợi ích trực tiếp khi thanh toán điện tử, thí dụ như giảm thuế VAT. Các dịch vụ hành chính công của nhà nước cũng cần khuyến khích thanh toán điện tử thay vì bằng tiền mặt để khuyến khích người dân...”, ông Nguyễn Bá Diệp nói.
Ninh Hạ
Theo Người đô thị