Bùi Giáng: Đưa văn nói vào thi ca
Em chẳng cùng tôi ngó nữa trăng/ Thì thôi, đuôi đứt con thằn lằn/ Mần răng mà ngủ đêm nay được/ Rệp đốt không bằng nhớ đốt gan (và tim)
Sinh thời, Bùi Giáng khiêm tốn tự nhận mình là người làm thơ dở.
Người ta từng khen Bùi Giáng là một tài hoa thi ca Quảng Nam nhưng ông vẫn viết một cách ngược đời:
Thơ hay thiên hạ làm rồi
Chỉ còn thơ dở cuộc đời cho tôi.
Dụm dành dở ẹc rã rời
Dồn trăm năm lệ điệu cười vu vơ.
Bùi Giáng đi xa Quảng Nam rất lâu nhưng từ Mưa nguồn, Lá hoa cồn, Ngàn thu rớt hột, Màu hoa trên ngàn cho đến những tác phẩm về sau này, ông vẫn dùng ngôn ngữ bình dân của quê nhà. Đó lại là một âm vang cố quận khác trong thơ Bùi Giáng, dù chỉ là âm vang về hình thức diễn đạt. Thơ của ông phong phú những phương ngữ đất Quảng Nam:
Dở òm, dở ẹc, dở om
Dở bùng ra dở sớm hôm sụt sùi.
… Sài Gòn, Chợ Lớn rong chơi,
Đi lên đi xuống đã đời du côn.
Ngay trong tựa đề Ngàn thu rớt hột, Bùi Giáng cũng dùng âm Ngàn chứ không dùng âm Nghìn, dùng âm hột chứ không dùng âm hạt. Nghìn hay hạt là cách phát âm ở phía Bắc; người Quảng Nam chỉ phát âm là Ngàn hay hột. Hỏi: Ngàn thu rớt hột là gì, Bùi Giáng đáp: Hột ở đây là phân dê! Phân dê vón từng cục (hột) nhỏ; đi đến đâu chúng cũng… bậy ra đến đó. Ông giữ dê 2 năm, thấy bầy dê bậy ra mọi nơi cho nên gọi là Ngàn thu rớt hột.
Bùi Giáng tác chiến thơ là có thật. Ông làm thơ như phóng viên nhà nghề viết báo; viết tại chỗ như một nhà báo viết bài, đưa tin. Hình như thơ đã được “lập trình” sẵn trong đầu ông, nằm ở đâu đó trong miền tư duy của ông. Chỉ cần một chỗ nào đó như quán chợ, lề đường cho ông ngồi xuống; chỉ cần một chút gây men xúc tác như ly rượu đế hay ly cà phê đen và mấy điếu thuốc lá, ông đã có tứ. Ông mở quyển tập ra, cầm cây bút lên viết thong thả. Thơ tuôn ra như nước, như suối, liên miên bất tuyệt.
Ông viết nhiều, trong vô thức có thể ẩn chứa những câu thơ quen thuộc mà ý thức của ông không kiểm soát được. Vì vậy khi tác chiến thơ, những câu ấy có thể hiện ra trong những bài khác nhau. Thí dụ “Em về giũ mộng phù sa” có ít nhất trong ba bài khác nhau. Nhưng đó là tiểu tiết. Đại để, Bùi Giáng ngồi xuống và viết thì thơ đã có thể thành hình từng câu, từng bài.
Trí liên tưởng nơi Bùi Giáng rất hay. Từ một chữ này, ông liên tưởng ra ngay một chữ khác. Viết tới mình, ông nghĩ ra mẩy; viết tới gan, ông nghĩ ra tim; viết tới mai, ông nghĩ ra mốt; viết tới cây, ông nghĩ ra cối… Văn chương, ngữ nghĩa cứ vậy mà đi, thoải mái trong trạng thái liên tưởng không có điểm dừng:
Em tận hưởng phù sinh mai ra mốt
Từ hy hư hô hấp tốt ra tươi…
Cây và cối, bầu trời và mặt đất,
Đã nhìn tôi dưới sương sớm trăng khuya.
… Em chẳng cùng tôi ngó nữa trăng,
Thì thôi, đuôi đứt con thằn lằn.
Mần răng mà ngủ đêm nay được,
Rệp đốt không bằng nhớ đốt gan (và tim).
Khi bắt gặp một phụ âm đầu nào đó, ông láy lại phụ âm đầu, dẫn người đọc đi vào một thế giới dài dằng dặc. Nhiều khi, người đọc phải nín thở đọc cho hết hệ thống ngôn ngữ dài ấy. Nụ cười (thầm) từ đó mà ra:
Thưa em, lời lẽ lạc lầm
Lưu ly lung lạc sưu tầm lem nhem.
Lý ôi! Có lẽ mỏi mềm
Toàn nhiên mỏi mệt êm đềm ra đi.
… Anh chạy về Nam Mỹ để nhìn em nằm dưới bóng cây đi bên lá nhánh suối nước sầu em lội xuống sóng vui. Chân em trắng (không thấy bàn chân ở dưới nước) đầu gối tròn như măng ngọt mía mưng con chuồn chuồn đậu ngọn.
Ông rất thích phụ âm đầu L. Có lẽ phụ âm này êm đềm về mặt phát âm, gợi ra một cái gì đó thân mật hồn nhiên. Gặp một chữ phụ âm đầu L, ông kéo ra trong câu thơ cả lò, cả dọc:
Lời lau lách làn luân lưu sương đượm…
Liễu hoa lai láng lẫy lừng
Tuyệt nhiên huyết lệ tưng bừng tuôn ra.
Người Quảng Nam hay dùng chữ ba rơi, ba trợn để chỉ những ai không đáng tin cậy, đặc biệt trong lối ăn nói và giao tiếp. Thơ Bùi Giáng cũng khá nhiều thuật ngữ bình dân này:
Em cười rộ: – Anh ba rơi số dách.
Anh tận cùng là ba trợn trơ trơ.
Em mở miệng nhe răng cười não nuột.
Anh nhìn em như nhìn thấy đất trời.Phương ngữ Quảng Nam đi vào trong thơ Bùi Giáng một cách tự nhiên, trở thành máu thịt của thơ ông. Quả thật không hề cường điệu khi nói Bùi Giáng có công nâng tầm ngôn ngữ bình dân Quảng Nam lên thành ngôn ngữ thi ca nghệ thuật. Ông làm thơ bằng ngôn ngữ của bà con quê nhà và chứng minh được rằng những câu thơ hay nhất và đẹp nhất vẫn có thể toát ra từ phương ngữ bình thường dân dã nhất:
…Tôi leo mãi những ngọn đồi xa ngọn.
Về xa xuôi những thung lũng xa nguồn…
Ta hãy đọc một đoạn thơ xuôi của Bùi Giáng:
Ôi buổi chợ miền thượng du trời mai sương lận đận non xanh đất đỏ hồn em lạc mất đường về phương mô biển cạn bàn chân từ thuở tản cư. Ở trong vườn ngày nọ đêm khuya chừ đây phố thị một mình đếm bước lung lay.
…Trái tim em như trái cây rừng chưa đợi nắng ửng vàng đã chín ngọt cắn vào hàm răng nghe lạnh niềm vui lạnh tràn vào dạ ôi em ngực nóng khít vào ấm lại quê hương.
Ở trong vườn ngày nọ trăng khuya chừ đây phố thị.
Thơ Bùi Giáng chỉ có xa xuôi mà không có xa xôi, chỉ có ôi mà không có ơi, chỉ có thiên thâu mà không có thiên thu, chỉ có hường mà không có hồng. Đó là cách nói thông thường trong văn nói của người Quảng Nam.
Chào em, tiếng nói thiên thâu
Tận cùng gác gió trăng lầu tái sinh.
…Trần gian ôi, cánh dế cánh chuồn chuồn,
Con kiến bé cùng hoa hoang, cỏ dại,
Con vi trùng và sâu bọ cũng yêu luôn.
Vũ Đức Sao Biển
Theo Người Lao Động Online