“Bông hồng cài áo” được tái dựng
Vở kịch “Bông hồng cài áo” bản mới sẽ ra mắt khán giả vào ngày 3-8 trên Sân khấu Kịch Hoàng Thái Thanh sau khi đạo diễn Ái Như được sự tín nhiệm cao từ NSND Kim Cương.
Những ngày qua, sàn tập Sân khấu Hoàng Thái Thanh nóng lên với kịch phẩm Bông hồng cài áo (kịch bản: Kim Cương – Hoàng Khâm), do đạo diễn Ái Như dàn dựng với sự tín nhiệm cao của NSND Kim Cương khi giao kịch bản mình rất tâm đắc cho đạo diễn Ái Như dựng mới.
Đủ duyên thì làm
Câu chuyện kịch tôn vinh sự hy sinh cao đẹp của người mẹ này, theo NSND Kim Cương, nhiều đạo diễn đã ngỏ ý xin kịch bản của bà để tái dựng trên một số sân khấu kịch và cải lương, nhiều hãng phim cũng đặt vấn đề mua lại để phát triển thành phim nhiều tập nhưng bà đều từ chối.
“Đạo diễn Ái Như lên nhà tôi bày tỏ tình thương yêu, trân trọng dành cho vở kịch này. Chúng tôi đều nhớ đến mẹ của mình, nên tôi quyết định cho phép Sân khấu Hoàng Thái Thanh dàn dựng. Tuy nhiên, phần quan trọng nhất là phải có sự tham gia của tôi trong các công đoạn chế tác, tôi mới yên tâm. Tôi không muốn đứa con tinh thần của mình bị “đẻ” thêm vai, nhào nặn thêm nhiều tình tiết không hợp lý. Sân khấu Hoàng Thái Thanh lâu nay làm nghề nghiêm túc, tôi tin họ có cách kể riêng về câu chuyện Bông hồng cài áo nhưng vẫn giữ tư tưởng cao đẹp của kịch bản” – NSND Kim Cương bày tỏ.
Đạo diễn Ái Như tâm sự mình yêu thích kịch bản này từ lúc còn nhỏ. Khi lớn lên theo nghệ thuật, chị đã ao ước được dựng vở Bông hồng cài áo. Lần này đã đủ duyên để đưa vở kịch tên tuổi của Sân khấu Kịch Kim Cương lên sàn diễn Sân khấu Hoàng Thái Thanh.
Trung thành “bổn cũ”
NSND Kim Cương vốn nổi tiếng khó tính trong lĩnh vực sáng tác và dàn dựng, kể cả những vai diễn của mình, bà cũng không muốn bị thay đổi.
“Tôi rất sợ nghệ sĩ ngày nay không làm đúng tinh thần má tôi là NSND Bảy Nam và tôi đã dành bao nhiêu tâm huyết gầy dựng nên thương hiệu Kịch Kim Cương, cũng như rất sợ tác phẩm của mình bị biến dạng. Ái Như sẽ là thế hệ sau tôi diễn vai bà Tư – người mẹ bất hạnh trong câu chuyện kịch này” – NSND Kim Cương cho biết.
“Về đề tài người mẹ, kịch bản này mang tính văn học sâu sắc. Những tình huống được thể hiện rõ nét qua những đối thoại, độc thoại về tình mẫu tử, tạo nên dòng chảy cảm xúc đôn hậu và riêng biệt khiến người xem ở thời đại nào cũng cảm động. Tôi dựng mới nhưng vẫn giữ chất hồn hậu, mộc mạc vốn có của nó. Có NSND Kim Cương bên cạnh trên sàn tập là sự đồng hành đáng quý để chúng tôi đưa được vở diễn này đến với công chúng ngay trong mùa Vu Lan năm nay” – đạo diễn Ái Như bày tỏ.
Bản dựng mới của vở Bông hồng cài áo trên sàn tập vẫn bám sát kịch bản gốc về toàn bộ nhân vật, tình huống, lời thoại… Âm nhạc: Joni Mitchell – Sơn Mạch. Ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đóng vai trò chủ đạo cho phần âm nhạc của vở kịch này. Phần trang trí sân khấu do họa sĩ KimB thiết kế. Dàn diễn viên gồm: Ái Như, Thành Hội, Xuân Hương, Bích Ngọc, Hoàng Vân Anh, Thế Hải, Võ Tấn Phát, Phương Trâm, Thái Quốc, Nguyễn Long…
Theo đạo diễn Ái Như, vở dựng mới vẫn tái hiện đúng bối cảnh câu chuyện của Sài Gòn thập niên 1970. Chị cho biết điều thuận lợi là kịch bản dù ra đời gần 40 năm nhưng vẫn giữ được tính thời sự. “Tôi tin hơi thở từ cuộc sống hôm nay sẽ tự nhiên lấp đầy câu chuyện đã quá quen thuộc với khán giả sân khấu. Và với cách kể của Sân khấu Hoàng Thái Thanh, vở kịch sẽ lấy được nước mắt người xem” – đạo diễn Ái Như tự tin.
NSND Kim Cương cho rằng sự khác biệt của vở cũ được dựng mới chính là ý thức truyền đạt thông điệp đến khán giả hôm nay từ cảm nhận của thế hệ diễn viên trẻ. Các diễn viên hôm nay có đủ chất thanh xuân để làm tươi mát vai kịch. Nhưng để cảm nhận được vai diễn cũng như câu chuyện, họ rất cần vốn sống, kinh nghiệm diễn xuất.
Vì vậy, theo đạo diễn Ái Như, yêu cầu đặt lên hàng đầu là sự tập dượt nghiêm túc của đội ngũ để có được vở kịch tử tế, đáng xem trong mùa Vu Lan năm nay.
“Tôi tin thủ pháp dàn dựng của Ái Như sẽ giản dị mà sâu lắng; đào sâu tính cách các nhân vật, tạo ra những tình huống chân thật để người xem cảm nhận hết sức nhẹ nhàng” – NSND Kim Cương bày tỏ.
Áp lực của việc dựng kịch cũ là không thể xóa mờ tất cả ký ức khán giả để dung nạp cái mới. Nhưng cũng chính điều này khiến cho phiên bản mới tạo nên sức hấp dẫn người xem, muốn đến để chiêm nghiệm, so sánh.
Chuyện ra đời của vở kịch Nói về sự ra đời của vở kịch Bông hồng cài áo, NSND Kim Cương cho biết: “Ở Việt Nam, nghi thức cài bông hồng lên ngực áo trong mùa Vu lan bắt đầu vào năm 1962, do thiền sư Thích Nhất Hạnh khuyến khích. Năm 1962, trong một lần sang Nhật, đi nhà sách với bạn vào đúng ngày của Mẹ (Mother’s day), ngày lễ truyền thống của nhiều nước phương Tây, thiền sư đã được một cô gái cài lên áo tràng bông hoa trắng mà không rõ lý do. “Sau khi hỏi rõ nguyên nhân, thiền sư được biết trong ngày này, người còn mẹ thì được cài bông hoa đỏ, người mất mẹ thì cài hoa trắng. Cũng trong năm đó, thiền sư đã viết một bài dài mang tên Bông hồng cài áo và đưa tận tay tôi. Thiền sư nói tôi đi truyền đạo thì chỉ có những người đến chùa mới được nghe, còn cô làm nghệ thuật, sân khấu có thể nhân rộng ý nghĩa hiếu đạo này trong xã hội. Chính điều đó mà tôi và tác giả Hoàng Khâm đã ngồi lại cùng bàn cách sáng tác. Ban đầu là kịch bản viết cho sân khấu cải lương, Đoàn Thanh Minh dựng, nhưng chỉ sau một tuần thì ngưng diễn vì vắng khách. Tôi đã viết lại thành kịch bản kịch nói, nhân rộng câu chuyện của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Đó là khởi điểm cho vở kịch Bông hồng cài áo ra đời, rồi tiếp sau đó là nhiều nhạc sĩ sáng tác ca khúc cho chủ đề này“. |
Thanh Hiệp
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)