Bình minh trên cảng cá An Lương
Khoảng 4 rưỡi đến 7 giờ sáng hằng ngày, cảng cá An Lương (xã Duy Hải, Duy Xuyên) lại ồn ã, tấp nập trong khung cảnh “trên bến dưới thuyền”. Nhịp điệu ấy cứ lặp đi lặp lại quanh năm nhưng không hề nhàm cũ, bởi ở đó, hàng trăm con người được giao hòa trong cuộc mưu sinh nhiều hy vọng…
Sáng nào cũng vậy, cứ tầm 4 giờ 30 phút trở đi, đoạn đường ngang nối từ đầu phía nam cầu Cửa Đại xuống tuyến đường thanh niên ven biển lại trở nên ồn ào, tấp nập bởi những chiếc xe máy và xe thùng đông lạnh nối đuôi nhau hướng về phía cảng cá An Lương.
Bên cạnh lượng lớn xe cộ mang biển số Duy Xuyên còn có khá nhiều xe mang biển số Tam Kỳ, Thăng Bình, Hội An, Quế Sơn, Đại Lộc. Khi vào đến khi vực cảng cá, mỗi người tự tìm cho mình một chỗ thích hợp để đỗ xe, thẳng hàng và trật tự.
Chị Ngô Thị Lệ, buôn bán hải sản ở chợ Vĩnh Điện (Điện Bàn) cho biết, chị lấy hàng ở cảng cá này từ 2 năm nay. Trừ những hôm có việc đột xuất, còn lại ngày nào chị cũng có mặt ở đây trước 5 giờ, để xe vào chỗ gần nơi các tàu thường chuyển cá lên bờ, đi ăn điểm tâm và chờ tàu cập bến.
“Trước đây tôi lấy cá ở Đà Nẵng, chen lấn tranh giành cực lắm. Còn ở đây thì trật tự hơn, mối hàng của ai người đó lấy. Chỉ khi nào hàng ít quá hoặc có hàng ngon đặc biệt thì chị em buôn hải sản tụi tôi mới hội ý nhau để chia…” – chị Lệ kể.
Trong khi xe cộ được xếp gọn ghẽ, ngay hàng thẳng lối ở gần các cầu cảng thì ở cách đó không xa, mấy quán cà phê, điểm tâm chỗ nào cũng đông người. Chị Lệ Oanh, chủ quán cà phê – điểm tâm Oanh, cho biết ngày thường mỗi buổi sáng ở cảng này có khoảng vài trăm người từ các nơi về chờ mua cá tôm. Những hôm có nhiều tàu lớn, tàu đánh bắt xa bờ về cảng thì số người đến chờ mua cá lên đến 300 – 400 người; trong đó có những chủ vựa cá từ Đà Nẵng đánh xe thùng đông lạnh vào lấy hàng.
Cánh phụ nữ thì hầu như không uống cà phê, chỉ ăn với khá nhiều món để lựa chọn: trứng ốp la, bánh bèo, mỳ Quảng, bún, bánh mỳ… Vừa ăn, họ vừa chuyện trò, phỏng đoán lượng cá về bến nhiều hay ít rồi dự báo tình hình giá cả.
Cánh đàn ông thì ít thấy người ăn điểm tâm mà chủ yếu là uống cà phê. Thậm chí, có người còn… uống rượu. Anh Ngô Bảy (42 tuổi) phân trần: “Việc của tôi là chuyển cá từ tàu vô bờ, sáng sớm mùa này mà phải dầm mình trong nước thì lạnh lắm, nên uống vài ly cho ấm thôi”.
Dọc theo chiều dài bờ kè cảng cá, ngoài các quán cà phê, quán ăn sáng đèn và người đứng kẻ ngồi lô nhô, các điểm cung ứng nước biển và nước đá xay cũng lên đèn, mở cửa phục vụ khách. Từ nhiều năm nay, giá một lít nước biển ở đây vẫn được giữ giá là 500 đồng.
Vừa sang nước biển từ mấy chiếc thùng phuy to qua mấy chiếc can nhựa đủ các kích cỡ, chị Lê Thị Nguyên vừa cho biết, có một “thủ tục” mà người buôn bán hải sản nào cũng phải làm trước khi đưa hàng lên xe về bán ở các chợ, đó là “tắm cá”. Chị Nguyên giảng giải: “Hải sản ở cảng này chủ yếu được đánh bắt qua đêm ở biển ngang, gần bờ nên ít khi được ướp đá. Muốn tôm cá tươi lâu và ngon thì phải “tắm” bằng nước biển”.
Khoảng hơn 5 giờ, tàu cá bắt đầu nối nhau vào cảng, mà tín hiệu rõ nhất là những chiếc đèn pha sáng rực, cùng với đó là tiếng còi ting… ting… rộn rã. Như chỉ chờ có vậy, hàng trăm con người nhất loạt ùa hết ra mạn ngoài bờ kè và các cầu cảng, nhìn ngó, chỉ trỏ, chờ đợi… Và không khí trở nên hết sức náo nhiệt khi cá được chuyển từ tàu vào bờ thông qua phương tiện trung chuyển là những chiếc thuyền thúng, được điều khiển bởi những thanh niên lực lưỡng, vạm vỡ. Những tàu cá vào cảng sớm hơn thì cập vào cầu cảng, bạn hàng ra tận mạn tàu để nhận hàng.
Theo các ngư dân ở đây, các chuyến biển từ sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi đến nay chủ yếu bắt được cá cơm bạc, cá cơm mờm, cá hố, cách trích, cá phèn đổng… và nhiều nhất là cá sòng. Ngư dân Phan Văn Thanh, hành nghề lưới lồng biển ngang cho biết, lượng cá đánh bắt được tuy không nhiều bằng thời điểm này các năm trước, nhưng nhờ giá cả ổn định ở mức tương đối cao nên thu nhập nhìn chung cũng khá. Có hôm, chỉ trong một đêm đi biển, thuyền của anh đánh bắt được gần 3 tạ cá sòng, bán sỉ tại cảng cũng thu được hơn 5 triệu đồng.
Bảy giờ, những chiếc máy chở từng cặp giỏ lặc lè, những chiếc xe thùng đông lạnh nhận hàng muộn… rời cảng, ngược lên phía đầu cầu Cửa Đại và tỏa đi các hướng. Không khí cảng cá bắt đầu vắng lặng trong giấc ngủ bù của hàng trăm ngư dân sau một đêm ngược xuôi trên biển…
Bảo Anh
Theo báo Quảng Nam