Bia trùng tu Lai Viễn Kiều ký

Chùa Cầu ở Hội An (được chúa Nguyễn Phúc Chu ban tên Lai Viễn Kiều vào năm 1719) là một di tích độc đáo, là chứng tích cho thời kỳ phát triển thịnh vượng của cảng thị Hội An cũng như mối giao lưu văn hóa giữa nước ta và các nước Trung Hoa, Nhật Bản và phương Tây một thời. Chùa Cầu đã được công nhận là Di tích Lịch sử – văn hóa quốc gia và Di sản văn hóa thế giới..

Văn khắc bia Trùng tu Lai Viễn Kiều ký.
Văn khắc bia Trùng tu Lai Viễn Kiều ký.

Cho đến nay chùa Cầu đã trải qua khoảng 400 năm và có ít nhất là 7 lần trùng tu vào các năm 1763, 1817, 1875, 1917, 1962, 1986, 1996… Trước đây, mỗi lần trùng tu đều để lại “dấu tích” cho đời sau được rõ. Trong 7 lần trùng tu thì lần diễn ra năm 1817 có lẽ là lần để lại dấu ấn đậm nhất với một xà gồ trên nóc và một tấm bia dựng phía đông cầu mà hiện nay vẫn còn.

Bia Chùa Cầu (bia trùng tu Lai Viễn Kiều)

Cây xà gồ trên nóc nói về lần trùng tu này có ghi: “Gia Long thập lục niên tuế thứ Đinh Sửu Ất Tỵ nguyệt Mậu Tý nhật Bính Thìn thời Minh Hương xã hương quan hương lão hương trưởng toàn xã đẳng đồng trùng tu” (Dịch: Năm Ất Sửu, Gia Long năm thứ 16, tháng Mậu Tý, ngày Bính Thìn, hương trưởng, hương lão và toàn dân xã Minh Hương cùng trùng tu).

Còn tấm bia có tên Trùng tu Lai Viễn Kiều ký (bài ký trùng tu cầu Lai Viễn), được dựng năm 1817, ở phía đông của cầu phía làng Minh Hương. Tác giả của bài ký được ghi ở dưới là Khê Đình Bá Đinh Tường, Chánh đốc học dinh Quảng Nam.

Bài ký đã được hai người phiên âm lại là Dương Đức Nhự và Hồ Ngận. Bản phiên âm của Dương Đức Nhự được đăng lần đầu tiên trên Đặc san của trường Trần Quý Cáp năm 1999, được in lại trong sách Hội An, thị xã anh hùng (Nxb Trẻ, năm 2002). Bản của Hồ Ngận in trong Quảng Nam Xưa và Nay (Nxb Thanh Niên, năm 2004). Bản của hai ông có khác một chữ ở dòng thứ hai. Bản của Dương Đức Nhự ghi là “tiểu khê” (Minh Hương Hội An phố giới ư Cẩm Phô hữu tiểu khê…), bản của Hồ Ngận lại ghi là “nhứt khê”. Khi kiểm tra lại để xem ai đã nhầm chỗ này thì người ta phát hiện chỗ chữ đó đã bị xóa bởi một vết đạn nên được trám lại bằng… xi măng!

Tác giả Nguyễn Sinh Duy trong tác phẩm Quảng Nam và những vấn đề sử học (Nxb VHTT, năm 2006) đã có ý kiến: “Chúng tôi phân vân và bắt buộc phải tiếp cận văn khắc bia ký. Cứ như sự quan sát thực trạng văn bia qua khoảng cách phân bố các dòng cũng như các chữ, thì chỗ đạn được trám xi măng ấy phải là diện tích của hai chữ, chứ không phải là một chữ như nhà giáo Dương Đức Nhự đã chép và nếu là hai chữ thì hai chữ “nhứt khê” của cụ Hồ Ngận có thể là thích đáng…” (trang 182,183).

Gần đây vào năm 1989, Ngô Trí Long dựa vào tập thủ bút của cụ cử nhân Trương Đồng Hiệp (1857 – 1926, đỗ cử nhân khoa Giáp Ngọ, 1894, vốn là hậu duệ của tiền hiền làng Minh Hương; hiện còn lưu trữ tại Viện Hán Nôm) thì cho biết đó là chữ “khê yên” chứ không phải là “nhứt khê” hay “tiểu khê”. Đây là một thông tin thú vị và khả tín nhất.

Bia Trùng tu Lai Viễn Kiều ký được Nguyễn Sinh Duy đánh giá: “Nếu Chùa Cầu là biểu trưng phố cổ Hội An thì, có thể nói, Trùng tu Lai Viễn Kiều ký là văn vật khảo cổ học sáng giá trong số các di tích hiện còn tại chùa Cầu vì nó hội đủ ba yếu tố văn sử địa…” (sđd trang 181).

Về tác giả của văn bia

Lâu nay người ta chỉ biết tác giả của văn bia là Chánh đốc học dinh Quảng Nam tên Đinh Tường nhưng ít người biết rõ hành trạng của ông. Thực ra các tài liệu chính thống gọi ông là Đinh Phiên. Trên văn bia ghi Đinh Tường là tên tự của ông.

Đinh Phiên làm Đốc học Quảng Nam từ tháng 6 năm 1815 đến tháng 4 năm 1819. Sách Đại Nam thực lục viết: “Lấy Hương cống đời Lê là Đinh Phiên làm Đốc học Quảng Nam”… “Lấy Ký lục Quảng Nam là Nguyễn Xuân Tình làm Cần chánh đại học sĩ sung Chánh sứ đi cống nước Thanh. Đốc học Quảng Nam là Đinh Phiên làm Đông các học sĩ; tri phủ Nam Sách là Nguyễn Hữu Bình làm Hàn lâm thị độc sung Giáp, Ất phó sứ” (Quốc sử quán triều Nguyễn, bản dịch của Viện Sử học, Nxb Giáo Dục, 2004, các trang 901, 986).

Đinh Phiên (Đinh Tường), Chánh đốc học dinh Quảng Nam, tác giả Trùng tu Lai Viễn Kiều ký là một người tài hoa nhưng lận đận. Ông sinh năm 1764 tại làng La Giáp, tổng Kim Nguyên, huyện Chân Lộc, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay là xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Lúc đầu ông có tên là Giáp, sau đổi là Nguyễn Phiên, sau nữa đổi là Hồng Phiên, tự là Trọng Tường, hiệu là Chỉ Hiên, bút hiệu Tường Phủ. Khoa thi năm Quý Mão, 1783 ông đậu Hương cống (cử nhân) tại trường thi Nghệ An (khoa này Nguyễn Du đậu Sinh đồ tức tú tài). Năm 1787, ông đi thi Hội chỉ đỗ Tam trường. Sau ông được bổ Toản tu Quốc sử quán triều Lê. Thời Tây Sơn, ông không ra làm quan mà về quê mở trường dạy học.

Khi Gia Long lên ngôi ông được mời ra làm quan. Tháng 6 năm 1815 ông được bổ Đốc học Quảng Nam. Tháng 4 năm 1819 ông được rút về kinh cử làm Phó sứ sang nhà Thanh.

Sang thời Minh Mạng ông làm việc ở kinh tại bộ Lại rồi bộ Lễ. Ông cũng trải qua chức Toản tu ở Quốc sử quán, tiếp sứ thần nhà Thanh, làm giám thí và Tri cống cử các khoa thi Hương ở trường thi Nghệ An, Quảng Đức, Gia Định, Hà Nội và khoa thi Hội đầu tiên năm 1822. Thời kỳ làm việc ở kinh đô, Đinh Phiên được xem là đồng tác giả của bài Đế hệ thi và mười bài Phiên hệ thi, mà lâu nay vẫn cứ tưởng của chỉ một mình vua Minh Mạng!

Năm 1823, vì cấp dưới phạm lỗi, ông bị bãi chức sai đi phát chẩn cứu đói ở Quảng Nam sau đó phát phối đi Hà Tiên. Năm 1828, ông được phục chức được cử làm Huấn đạo Bình Dương.

Năm 1833 ông tham gia cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi – con nuôi của Tả quân Lê Văn Duyệt chống lại triều đình, được phong làm Lễ bộ Thái khanh. Ông thay Lê Văn Khôi thảo hịch kêu gọi dân chúng nổi dậy, đánh đổ nhà Nguyễn, khôi phục nhà Lê được nhiều người hưởng ứng. Quân triều đình phản công, cuộc khởi nghĩa thất bại, giữa tháng 8 năm 1833, Đinh Phiên ra đầu thú. Ông bị chết trên đường áp giải về kinh đô, bị phanh thây, bêu đầu ở Gia Định và Nghệ An rồi vứt xuống sông. Vợ và bốn con trai của ông trong đó có tiến sĩ Đinh Văn Phác (đỗ khoa 1822) cũng bị hành hình tại chợ Nghệ An. Nhiều học trò của ông cũng bị bãi chức.

Đinh Phiên cũng là sui gia với Nguyễn Du (con trai ông là tiến sĩ Đinh Văn Phát cưới bà Nguyễn Thị Tiềm là con gái Nguyễn Du). Cháu nội ông (cũng là cháu ngoại Nguyễn Du) là Đinh Văn Chất, sinh 1847, đỗ tiến sĩ năm 1875, tham gia phong trào Cần vương bị Pháp giết năm 1887.

Điều lý thú là chắt nội của Đinh Phiên là Đinh văn Chấp (1893 – 1953) cũng đỗ tiến sĩ (1913) và cũng là Đốc học cuối cùng của đất học Quảng Nam, đúng 100 năm sau, từ 1915 đến 1919!

Lê Thí

Theo Báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục