“Báu vật sống” của bài Chòi
Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng hàng ngày, cụ Lê Thị Đào, nghệ danh Minh Trạng (sinh năm 1925) ngụ thôn Mỹ Thạnh, xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định vẫn hát bài chòi bởi… nhớ nghề. Các nhà nghiên cứu gọi cụ là “báu vật nhân văn sống” của bài chòi miền Trung.
Trốn nhà theo gánh hát
Thói quen hàng ngày của cụ Đào là nằm võng đong đưa hay ngồi trên chiếc giường nhỏ, trên tay cầm song loan gõ nhịp không ngơi, rồi khẽ khàng hát theo.
“Lúc nào tôi cũng thèm hô hát nhưng hơi hám chẳng còn bao nhiêu nên cứ lên giọng là bị ho sặc sụa. Bài chòi đã ăn vào máu thịt của tôi rồi, giờ bỏ đâu có được”, cụ Đào tâm sự.
Ngay từ nhỏ, cụ đã được trời ban cho chất giọng ngọt ngào. Một ông bầu gánh hát lúc bấy giờ vô tình nghe cô bé Đào hát cùng lũ trẻ ở quê giữa trưa đồng nắng cháy đã hết lời ngợi khen.
Năm cụ lên 10 tuổi, những gia đình khá giả trong vùng góp tiền mời thầy Bảy Xiêm – một ông thầy giỏi hát bài chòi – về dạy cho con em họ. Vì nhà nghèo không được vào học nên cụ Đào đứng ngoài học lỏm.
Thầy dạy bằng chữ Hán, chữ Nôm, cụ không biết chữ, không thể nhìn chữ mà đọc, càng không thể viết ra giấy mà chỉ học thuộc lòng. Đêm đêm, cụ ngồi nhẩm đọc, thuộc nhuyễn và đã theo kịp được chúng bạn.
Năm 14 tuổi, vì đam mê bài chòi, cụ Đào trốn nhà theo các gánh hát. Sau năm lần bảy lượt năn nỉ ỉ ôi, cụ được các ông bầu cho lên sân khấu sắm đào. Nhờ giọng hát mùi mẫn của cụ mà các gánh bài chòi kéo được quan khách.
Những lần theo gánh hát, cụ bị anh trai cấm cản quyết liệt với lý lẽ “con gái mà theo nghiệp hát xướng rồi hư”. Nhiều lần đi hát về, bị anh trai rượt đánh nhưng cuối cùng cũng không thể ngăn cụ đến với hội chín chòi.
Trong số các ông bầu của những gánh hát này, cụ Đào mê mẩn giọng hát của ông bầu Trạng (tên thật là Nguyễn Trác, sinh năm 1911) kiêm kép chính. Mỗi lần ông bầu lên sân khấu hát là cụ lại ngẩn người ra, bởi “chưa nghe được giọng hát nam nào hay đến vậy”.
Còn ông bầu Trạng cũng bảo: “Nghe giọng hát cô Đào là sướng lỗ tai. Ngọt ngào lắm!”.
Như trời xe duyên, họ nên vợ thành chồng. Tuy nhiên, khi đã thành vợ ông bầu, cụ Đào không được đi hát nữa mà phải ở nhà chăm con. Hàng đêm nghe tiếng trống tiếng đàn văng vẳng bên tai, cụ cứ ôm con khóc thầm.
“Một hôm tôi rút ruột rút gan nói với chồng trong nước mắt rằng, tôi theo gánh hát là để được hát, chứ không phải để làm bà chủ gánh hát. Nếu ổng không cho hát thì tôi sẽ đi hát cho gánh hát của bạn, chứ nhất quyết không bỏ nghiệp đờn ca. Tôi nói xong, ổng hiểu được tâm ý nên để tôi đi hát. Từ đó, tôi lấy nghệ danh Minh Trạng, sắm đào nhứt (đào chính) còn ổng kép chính, trở thành một đôi chạy hiệu rất ăn ý”, cụ Đào kể.
Ngồi kể chuyện nghề, cụ Đào bảo, hồi ấy gọi là gánh hát, chứ thật ra ngoài vợ chồng cụ thì chỉ thêm vài chàng kép, cô đào, một tay trống, một tay đàn nữa là đủ.
Mỗi lần đi diễn, tất cả thành viên đều mỗi người một quang gánh. Hai đầu quang gánh là những chiếc bầu đan bằng tre trát dầu rái, bên trong đựng xiêm y, râu, mũ, son phấn, phông màn và nhạc cụ.
Nơi diễn thường là một bãi đất trống ở làng. Trước khi diễn, đàn ông của gánh hát đi mượn vài ba cây tre của người dân rồi đào lỗ dựng lên, treo vài tấm phông là thành sân khấu, thế là hát.
Còn sống còn đam mê
Những năm 90 của thế kỷ trước, cụ Đào gia nhập CLB Bài chòi cổ dân gian Bình Định do nghệ sĩ ưu tú Phan Ngạn (nay đã mất) làm chủ nhiệm. Đó là khoảng thời gian nghệ sĩ Phan Ngạn đi khắp nơi để sưu tầm con bài, trích đoạn bài chòi cổ, tìm kiếm nghệ nhân để làm sống lại nghệ thuật dân gian này.
Cụ Đào còn nhớ như in lần nghệ sĩ Phan Ngạn tìm đến nhà biếu 2 hộp sữa bò, xấp lá trầu, buồng cau, rồi mời cụ tham gia vào hội bài chòi cổ dân gian do ông khởi xướng. Từ lâu đã nghe danh tiếng nghệ sĩ Phan Ngạn, tuổi tác trạc nhau nhưng cụ vẫn gọi ông là thầy và hứa “chút hiểu biết về hô hát, đánh bài chòi, tôi sẽ trao truyền hết cho lớp trẻ”. Từ đó, cụ là nhân tố quan trọng trong việc truyền dạy về hô hát, đánh bài chòi cho thế hệ trẻ.
Đến năm 80 tuổi, cụ Đào mới chính thức giải nghệ nhưng nỗi nhớ nghề vẫn đau đáu. Hàng ngày, với chiếc song loan trên tay, cụ tuôn vanh vách từng câu chữ bài chòi. Những khi trở trời, mệt trong người không hát được, cụ sai con cháu mở đĩa ghi hình các trích đoạn mà cụ và những nghệ nhân Hồ Ngọc Tùng, Nguyễn Thị Minh Liễu, Nguyễn Thị Đức… biểu diễn để xem cho đỡ nhớ.
“Hồi mẹ mới giải nghệ, mỗi dịp lễ, Tết có tổ chức hát bài chòi là Sở Văn hóa – Thể thao cho xe lên rước mẹ xuống diễn. Những lần như thế mẹ đều rất vui, về nhà tâm trạng phấn chấn hẳn lên. Nhưng những năm gần đây, vì thấy mẹ già yếu nên họ không dám mời đi hát nữa. Có lần mẹ tự ái nói: “Nẫu chê tao già hổng kêu tao đi hô bài chòi. Tao còn hô ngon chớ bộ dở na bây”, ông Nguyễn Thanh Hòa, con trai cụ Đào cho biết.
Một đời hô hát bài chòi, cụ Đào vui mừng khi biết bài chòi được thế giới vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Cụ bảo, chưa từng nghĩ có ngày bài chòi vươn ra khỏi làng quê, được thế giới biết đến, vinh danh. Đã có lần cụ nghĩ dù có luyến tiếc đến đâu thì cũng phải chấp nhận thực tế theo thời gian loại hình nghệ thuật này sẽ vĩnh viễn mất đi.
Theo các nhà nghiên cứu, cụ Đào là “hạt ngọc” của bài chòi cổ theo phương thức dân gian. Cụ nắm giữ và tích tụ những tinh hoa của loại hình nghệ thuật này. Hiện nay, cụ là nguồn tư liệu quý để khai thác, phục vụ bảo tồn bài chòi.
PGS.TS Đặng Hoành Loan – nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc, người chủ trì nhiều đợt điền dã, sưu tầm tư liệu về bài chòi dân gian Bình Định từng nhận xét: “Những nghệ nhân như cụ Đào thực sự là “báu vật nhân văn sống” mà tỉnh Bình Định cần có thái độ ứng xử hợp lí, cũng như tạo điều kiện để cụ truyền dạy thường xuyên cho lớp trẻ vì quỹ thời gian của cụ không còn bao nhiêu”.
Đình Phùng
Theo Giáo Dục và Thời Đại