Bất lực hàng rong
Đã gần 2 năm kể từ khi TP.Hội An chính thức triển khai xây dựng và thực hiện đề án bố trí sắp xếp hàng rong cũng như ra quân đẩy đuổi hàng rong ra ngoài phố cổ, tuy nhiên hiệu quả xem ra vẫn chưa như mong muốn, thậm chí tình hình còn bát nháo hơn.
Tràn ngập hàng rong
Khu vực Chùa Cầu đã trở thành “tâm điểm” của tình trạng bát nháo khi hàng rong xuất hiện dày đặc. Đó không chỉ là các gánh trái cây, xe đạp chở bắp, đậu hủ, bán kem, mỳ Quảng mà còn có các dịch vụ lưu động như bấm lỗ tai, bán kính, bán quạt giấy, bán chổi lông gà, bán mũ, chim nhựa, kể cả bán rau quả… nhộn nhịp như một khu chợ. Đi cùng là tình trạng chèo kéo níu mời khách mua hàng, chụp ảnh tràn ra đường. Thậm chí, ngồi vắt vẻo trên cầu gỗ (nơi dành cho khách đứng chụp ảnh Chùa Cầu) để chào mời bán hàng.
Ông Võ Phùng – Giám đốc Trung tâm VH-TT TP.Hội An cho rằng, phải dùng từ “tràn ngập” để mô tả tình trạng buôn bán hàng rong trong phố cổ hiện nay; hầu hết lòng lề đường đã bị chiếm dụng không còn lối đi cho khách. “Trong cuộc họp giao ban mới đây, Chủ tịch UBND thành phố đã giao nhiệm vụ cho các phường Minh An, Cẩm Phô và các phường trọng điểm đến ngày 1.1.2019 phải kẻ vạch sơn đỏ dành cho người đi bộ. Chứ như bây giờ hàng hóa bày bán rất lộn xộn, bàn ghế đặt tràn ra cả lối đi, rất mất mỹ quan và phản cảm” – ông Phùng nói.
Theo ông Võ Phùng, nguyên nhân của tình trạng trên là do bán hàng rong trong phố được xem như kinh doanh “siêu lợi nhuận” nên người dân bất chấp, nhất là những người nơi khác đến. “Chỉ cần một gánh trái cây cho khách đứng chụp hình cũng được vài chục nghìn, một ngày bán lời vài trăm nghìn, quá dễ dàng. Nên nói vì mưu sinh cũng không đúng mà chính xác là vì lợi nhuận, đây là điều không thể tồn tại ở Hội An. Không thể chỉ vì cuộc sống mưu sinh của vài người mà làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín cả một di sản” – ông Phùng bức xúc.
Không phủ nhận, việc tuần tra, kiểm tra hàng rong vẫn được các lực lượng chức năng thành phố duy trì. Nhưng do không thường xuyên, liên tục, nhất là ngưng nghỉ sau giờ hành chính nên đã tạo kẽ hở cho các hoạt động buôn bán hàng rong “tràn” vào phố. Có ý kiến cho rằng, hàng rong bây giờ thậm chí còn nhiều và dạn dĩ hơn trước khi có đề án, kiểu giống như lờn thuốc do đã nắm được quy luật và cách thức hoạt động của các cơ quan chức năng, dẫn đến khả năng thích ứng của người bán hàng rong cao hơn.
Khó dẹp hàng rong nơi khác đến
Đầu năm 2017, đề án “Bố trí buôn bán hàng rong, vỉa hè trong khu phố cổ Hội An” do Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An xây dựng với những quy định, tiêu chí nội dung cụ thể như khu vực được bán, mặt hàng được bán kể cả trang phục, vật liệu bàn ghế, chứa đựng hàng rong… đã chính thức được thành phố triển khai vào thực tế nhằm xây dựng hình ảnh văn minh, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, tạo thương hiệu cho một sản phẩm du lịch đặc trưng của khu phố cổ Hội An.
Lúc đó, ông Nguyễn Chí Trung – Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An khẳng định, việc bố trí lại hoạt động kinh doanh hàng rong, vỉa hè trong khu vực I khu phố cổ là cấp thiết và phù hợp với Luật Di sản. Vì quy định của Luật Di sản là không bán hàng rong trong di sản nhưng vì Hội An là một di tích sống nên thời gian qua vẫn để hoạt động này diễn ra, hậu quả là tình trạng bát nháo đã xảy ra nên cần phải sắp xếp, bố trí lại. Dù vậy, thực tế từ khi đề án ra đời, tình trạng buôn bán hàng rong vẫn không giảm.
Theo ông Lê Quang Trung – Chủ tịch UBND phường Minh An, hiện tại việc sắp xếp các hộ kinh doanh hàng rong trong phố đã cơ bản ổn định, tuy nhiên với hàng rong cơ động từ nơi khác đến thì khá khó khăn dù việc tuần tra, đẩy đuổi được phường thực hiện thường xuyên. “Phố cổ có nhiều kiệt hẻm, nên hàng rong nơi khác đến thường xâm nhập qua các lối này. Vì vậy mình cũng chỉ giải quyết được phần ngọn là đẩy đuổi ra ngoài, cùng lắm là lập biên bản xử lý hành chính tịch thu hàng bán thôi, chứ căn cơ lâu dài thì khó thể dẹp hết ngay được” – ông Trung thừa nhận.
Ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho rằng, nói hàng rong tái diễn nhiều hơn trước là không đúng, vì thực tế việc sắp xếp các hộ hàng rong đã phát huy hiệu quả. Cụ thể, từ 180 điểm buôn bán trên vỉa hè nay chỉ còn 42 điểm. Dù vậy, ông Sơn cũng đồng ý tình trạng người buôn bán hàng rong từ nơi khác đến là có, nguyên nhân do công tác kiểm tra không thể thường xuyên, nhất là thời điểm nghỉ trưa và không thực hiện phố đi bộ.
“Nhức nhối nhất hiện nay là tình trạng buôn bán một số mặt hàng không được phép như chim tre, hình 3D… tiếp tục tái diễn ở những khu vực nhạy cảm như xung quanh Chùa Cầu, các hội quán… Nhưng anh em không thể túc trực thường xuyên, nếu có cũng chỉ trong giờ thực hiện phố đi bộ còn thời gian thả xe thì cũng để cho người dân buôn bán chứ cấm tiệt thì cũng ngặt nghèo cho họ. Sắp tới thành phố sẽ giao cho phường Minh An tiếp tục thực hiện việc kiểm tra quản lý tình trạng bán hàng rong triệt để hơn” – ông Sơn cho biết.
Theo Báo Quảng Nam