Bất cập cây xanh đô thị

Những năm gần đây, cùng với quá trình chỉnh trang đô thị, công tác phát triển cây xanh đô thị, nhất là cây xanh công cộng trên địa bàn Đà Nẵng, luôn được quan tâm. Số lượng cây xanh đường phố tăng, chủng loài ngày càng đa dạng, đồng đều về kích thước, độ cao, được chăm sóc, bảo vệ chuyên nghiệp hơn. Nhưng thực tế, mật độ phủ xanh vẫn quá ít nếu so với tiêu chuẩn của một đô thị loại I.

Đường Ông Ích Đường là một trong những tuyến đường đẹp nhất quận Cẩm Lệ, được hình thành theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Ảnh: Q.T

Thực trạng trên một phần do nguyên nhân khách quan của quá trình đô thị hóa, nhưng nguyên nhân chủ quan là do chưa chú trọng về công tác quản lý cũng như thiếu sự hoạch định mang tính chiến lược về phát triển cây xanh đô thị.

Quy hoạch cây xanh gặp nhiều khó khăn

Công tác quy hoạch cây xanh thời gian qua gặp không ít khó khăn do vỉa hè đường phố không đồng bộ, rộng – hẹp khác nhau và ảnh hưởng bởi hệ thống cáp quang, đường dây điện thoại, cấp thoát nước, mạng lưới điện chằng chịt.

Trong khi đó, cây xanh đường phố lại có yêu cầu cao như màu xanh tươi tốt, ít rụng lá, có trái nhỏ, lá nhiều, cho tán rộng, rễ cọc, rễ trụ để chống chọi gió bão… Đó là chưa kể sự bất cập của những kiểu bồn cây xanh, nơi thì hình vuông, nơi tròn, nơi có trồng hoa, cỏ, nơi thì không; chỗ có “hàng rào” ngăn lại, chỗ thì không…

Nếu đồng bộ, cùng loại lá hoa như nhau trong các bồn cây ở mọi tuyến đường thì có thể chấp nhận được. Song, thực tế là với diện tích “khiêm tốn” dành cho người đi bộ, cho việc để xe trước mỗi nhà hoặc các điểm dịch vụ như hiện nay, các bồn cây dù được trang trí đẹp vẫn cản trở đáng kể việc đi lại trên vỉa hè, thậm chí chiếm diện tích không đáng có. Ngoài ra, còn có tình trạng rễ cây ăn lên, làm phá hỏng hè phố, ảnh hưởng đến việc đi lại…

Ông Diệp Dân Hùng (Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND thành phố Đà Nẵng) – người từng tham gia nhiều đoàn công tác của thành phố Đà Nẵng nghiên cứu việc quy hoạch cây xanh đô thị ở nước ngoài – cho rằng bố trí cây trong đô thị có thể xem là một nghệ thuật, cần nghiên cứu tạo cảnh trong toàn khu vực để đáp ứng về mỹ quan.

Chẳng hạn, hai bên đường phố có những hàng cây tạo nên những vòm lá che nắng cho người đi đường, có nơi lại trồng thưa để lọt từng vệt nắng xuống mặt đường; nơi trồng từng cây riêng rẽ, nơi trồng thành khóm vài cây; nơi chỉ cần trồng cây thấp; nơi lại trồng toàn cây cao hay xen kẽ cây cao cây thấp; nơi cây trồng có hoa đẹp, nơi chỉ có cây xanh cao tạo bóng mát…

Ngoài ra, vấn đề chọn giống cây trồng trong đô thị cũng cần được quan tâm nghiêm túc, đòi hỏi các nhà chuyên môn phải có kiến thức vững vàng về đô thị và mỹ thuật. Đô thị cần những giống cây khỏe, khó bị gãy bất thường. Đặc biệt, ở Đà Nẵng, cây phải chịu được gió bão nên bộ rễ ăn sâu.

Về quy định chung, cây xanh trên các tuyến đường lớn do các ban quản lý dự án hoặc các công ty quản lý hạ tầng chịu trách nhiệm, nhưng thực tế vẫn còn khá nhiều đoạn đường do người dân trồng cây tự phát.

Tại nhiều khu dân cư mới, người dân tự ý trồng một số cây tạp (trên 40%), cho bóng mát nhanh nhưng không phù hợp với cảnh quan đường phố. Mặt khác, trong những năm qua, do tập trung công tác chỉnh trang đô thị, cộng với thiên tai, mưa bão thường xuyên tàn phá nên mật độ che phủ mới chỉ đạt 0,69m2/người, trong khi theo tiêu chuẩn xây dựng tại Việt Nam, mật độ cây xanh đường phố đô thị loại 1 phải đạt tỷ lệ từ 1,9 – 2,2m2.

Huy động sức mạnh của cộng đồng

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tăng mật độ cây xanh tính trên đầu người cũng như trồng loại cây nào thích hợp cho mỗi tuyến đường, thích hợp với đặc điểm gió bão thường xuyên của Đà Nẵng… Để đáp ứng nhu cầu về mật độ cây xanh đô thị theo chuẩn của một đô thị hiện đại không phải là chuyện ngày một ngày hai.

Không thể thực hiện theo kiểu “đường đến đâu, cây đến đó”, chưa nói là phải đồng thời đáp ứng yêu cầu về cây cùng chủng loại, cùng kích cỡ, độ tuổi…, trong khi tất cả điều này trông chờ gần như hoàn toàn vào một đơn vị chuyên môn là Công ty Công viên – Cây xanh Đà Nẵng.

Ông Diệp Dân Hùng cho rằng, để đẩy nhanh tốc độ phủ xanh đô thị, phải huy động sức mạnh của cộng đồng, thực hiện “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, huy động cả các doanh nghiệp có đủ năng lực kỹ thuật và tài chính để trồng cây xanh; đồng thời, cần tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như thông qua UBND phường/xã và tổ dân phố… để phổ biến các quy định về chủng loại cây được phép trồng, kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh đô thị và các chế tài xử phạt cụ thể.

Thực tế, chủ trương xã hội hóa phát triển cây xanh đô thị đã được thể hiện trong Kế hoạch quản lý và phát triển hệ thống cây xanh đô thị giai đoạn 2016-2020 của Sở Xây dựng. Trong đó, Sở Xây dựng tham mưu và UBND thành phố thống nhất việc phân cấp cho UBND các quận, huyện quản lý đối với cây xanh trên vỉa hè các tuyến đường có bề rộng mặt đường ≤ 7,5m và các công viên, vườn hoa có quy mô diện tích ≤ 6ha.

Đối với việc xã hội hóa công tác dịch vụ chăm sóc, duy tu bảo dưỡng cây xanh công cộng, Sở Xây dựng tổ chức đấu thầu để các đơn vị tư nhân tham gia thực hiện dịch vụ chăm sóc, duy trì thường xuyên. Bên cạnh đó, sau khi tiếp nhận cây xanh theo phân cấp, UBND các quận, huyện chủ động lập kinh phí và liên hệ với các đơn vị chuyên ngành cây xanh tư nhân để thực hiện chăm sóc, duy trì thường xuyên.

Theo ông Võ Tấn Hà, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, mặc dù một số hoạt động xã hội hóa được triển khai nhưng ngoài tác dụng tuyên truyền, huy động cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường thì hiệu quả tăng cường mảng xanh chưa rõ ràng như việc trồng cây phi lao ven biển đường Võ Nguyên Giáp (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) vào năm 2016 dở dang do công tác chăm sóc, duy trì chưa được thực hiện. Thêm vào đó, việc huy động xã hội hóa đầu tư công viên, vườn dạo quanh các hồ điều tiết gặp nhiều khó khăn do vướng mắc các quy định về đầu tư, khai thác quỹ đất đô thị.

Để thực hiện hiệu quả chủ trương xã hội hóa phát triển cây xanh trong thời gian đến, phải tiếp tục phát huy hiệu quả các giải pháp tuyên truyền, vận động người dân tham gia phát triển, bảo vệ hệ thống cây xanh đô thị; xây dựng cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, trồng, chăm sóc duy trì cây xanh, vườn hoa, vườn dạo trên các khu đất quy hoạch công viên, cây xanh, vườn dạo, kết hợp với quảng cáo thương mại, kinh doanh, dịch vụ… phù hợp.

“Cũng cần cho phép các doanh nghiệp chuyên ngành cây xanh sử dụng tạm, khai thác quỹ đất dự phòng phát triển đô thị để xây dựng hệ thống vườn ươm vệ tinh và quản lý mặt bằng, khai thác bảo đảm mỹ quan, trật tự đô thị, đồng thời góp phần đa dạng hóa nguồn cung cấp cây giống cho nhu cầu phát triển cây xanh trên địa bàn thành phố; tăng cường tìm kiếm các ý tưởng về bảo vệ môi trường, nguồn lực tài chính trong và ngoài nước cho công tác đầu tư phát triển cây xanh đô thị”, ông Hà nói.

Nhiều năm nay, UBND các quận/huyện đều thực hiện hiệu quả phong trào “Tết trồng cây”. Thông qua việc tổ chức trồng cây xanh bóng mát, dọn vệ sinh các tuyến đường chưa có cây xanh, khu đất trống nơi công cộng…, góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức công dân trong việc tăng cường mảng xanh và cải thiện môi trường nơi cư trú.
Năm 2017, UBND quận Ngũ Hành Sơn tổ chức thành công cuộc thi “Mô hình tiêu biểu phát triển cây xanh đô thị quận Ngũ Hành Sơn”. Qua đó, giới thiệu các mô hình cây xanh đơn giản, đẹp, dễ thực hiện, dễ duy trì đến cộng đồng tham khảo để nhân rộng, áp dụng hiệu quả tại nơi mình đang cư trú, làm việc, nhằm cải thiện môi trường và tăng cường mỹ quan đô thị.

Trong Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, UBND quận Hải Châu vận động nhân dân trang trí các mô hình hoa trên cây xanh trước mặt tiền nhà ở, trụ sở, góp phần tăng thêm sắc hoa cho đường phố. Nhiều tổ chức, cá nhân (nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, trường học…) đã đầu tư cây xanh cảnh quan trên vỉa hè, mặt tiền các công trình văn phòng, nhà ở trên nhiều tuyến đường (thiết kế mảng xanh lớn, thẩm mỹ bằng các chủng loài cây xanh có giá trị cao, phù hợp với danh mục cây xanh khuyến khích trồng và quy hoạch chung), góp phần quan trọng trong việc cải tạo, nâng cấp mỹ quan đô thị.

Một trong những dự án về cây xanh tạo được hiệu ứng trong cộng đồng là Công viên cà phê sách Info (Khu dân cư An Hòa 4, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà). Mô hình này được áp dụng theo hình thức và kinh nghiệm quy hoạch, xây dựng của Hàn Quốc, có tính bền vững, thời gian sử dụng lâu dài. Hiện nay, công viên được khai thác hiệu quả; hệ thống cây xanh, vật kiến trúc được chăm sóc thường xuyên nên sạch, đẹp, gọn gàng.

 

“Chúng ta có thể thực hiện xã hội hóa theo kiểu giao khoán việc quản lý cây xanh đường phố cho người dân, cụ thể là cây xanh trước nhà ai thì nhà đó có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ; hằng năm thành phố hỗ trợ 50.000 đồng/cây/hộ để chăm sóc, bảo vệ.

Công ty Công viên – Cây xanh Đà Nẵng chỉ làm nhiệm vụ quy hoạch về cây xanh trên các tuyến đường lớn để chủ động đưa ra trồng đồng loạt loại cây, bảo đảm chất lượng. Sau khi trồng, giao cho các hộ dân chăm sóc, có hợp đồng cam kết giữa công ty và từng hộ dân nhận quản lý cây. Công ty chịu trách nhiệm về mặt kỹ thuật, người dân chịu trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ; nếu để cây chết, cây đổ ngã, cây bị mất thì người dân phải chịu”

Ông Diệp Dân Hùng, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND thành phố Đà Nẵng

 

Quỳnh Trang

 Theo Đà Nẵng Online

 

Link nguồn: https://www.baodanang.vn/channel/5433/202006/bat-cap-cay-xanh-do-thi-3456883/

Cùng chuyên mục