Bằng Am qua vết thời gian

Bằng Am cùng với di tích Am Thông – nơi cụ Tùng Sơn quy ẩn, thuộc địa phận xã Đại Hồng (Đại Lộc) là thắng cảnh mang trong mình những truyền thuyết, giai thoại dân gian hấp dẫn đến nay vẫn còn lưu truyền.

Thắng cảnh Bằng Am - Đại Lộc. Ảnh: T.N
Thắng cảnh Bằng Am – Đại Lộc. Ảnh: T.N

Địa điểm du lịch hấp dẫn

Sau chặng đường gần 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi đã có mặt tại đỉnh Bằng Am ở dãy núi Đông Tây, có độ cao trung bình  750m so với mực nước biển. Dọc chân Bằng Am là tuyến xuyên Á, quốc lộ 14B nối đường Hồ Chí Minh. Dường như đỉnh Bằng Am chưa hề bị can thiệp bởi bàn tay của con người nên vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên thủy. Nơi đây có những tảng đá khổng lồ được xếp chồng lên nhau, nhô ra, tạo nên hình thù kỳ quái, dân gian gọi là đá mặt quỷ.

Bằng Am rộng khoảng 300ha, lưng dựa vào 3 quả đồi nhỏ và 4 khe suối gồm khe Liêm, khe Hóc, khe Hung và khe Nước Đỏ. Từ trên đỉnh Bằng Am nhìn xuống, một vùng Đại Lộc hiện ra tuyệt đẹp với những cánh đồng, dòng sông Vu Gia uốn lượn, những căn nhà nhỏ trong những vườn cây. Ngày nắng, từ đây có thể nhìn thấy rõ năm ngọn Ngũ Hành Sơn ở TP.Đà Nẵng. Bằng Am còn là đầu nguồn của con suối khe Lim, từ trên đỉnh đổ xuống thành những thác nước trắng xóa. Bằng Am còn nguyên sơ với những thảm cỏ xanh mướt, cát và đá cuội nơi đây xếp trắng phau dọc các triền suối, rừng trùng điệp, núi nhấp nhô, tồn tại nhiều loài địa lan, phong lan và dương xỉ. Đẹp nhất có lẽ là vào mùa sim nở hoa, cả một vùng mênh mang tím…

Dấu vết người xưa

Trên đỉnh Bằng Am còn có ngôi mộ của cụ Tùng Sơn nằm ngay trước chùa Am. Nơi đây còn có  hang động nằm sâu trong lòng đất vẫn còn lưu những dấu tích của những bức tượng phật, lư hương. Đỉnh Bằng Am bằng phẳng dường như vẫn còn lưu  giữ dấu tích của một căn cứ quân sự trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ… Ông Nguyễn An, người dân địa phương cho hay, giai thoại dân gian kể lại rằng, Bằng Am từng là nơi ẩn cư của một chí sĩ yêu nước thời Cần vương với câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn. Ẩn sĩ ấy tên Bùi Ngọc Châu, đạo hiệu Thiền Định, sinh năm Kỷ Mão triều Gia Long, quê làng Bát Vọng, phủ Thừa Thiên. Làm quan thời vua Tự Đức, từng được cử theo phái bộ Nguyễn Thành Ý sang Pháp nghiên cứu công nghệ máy móc Tây dương nhằm canh tân, mở mang công nghệ nước nhà. Nhờ tư chất thông minh, sáng dạ ông đã nghiên cứu học tập được cách chế tạo nhiều loại máy móc tân kỳ của người Âu thời bấy giờ.

Pháp xâm lược đất nước ta, triều Nguyễn nhu nhược nên ông rũ áo từ quan, cất bước Nam du qua đèo Hải Vân rồi đến Đại Lộc, tá túc tại chùa Cổ Lâm (Đại Đồng). Tại đây ông gặp gỡ và kết giao cùng nhiều người trong đó có Trình Hiền Đỗ Đăng Tuyển… là những yếu nhân của phong trào Nghĩa hội Quảng Nam sau thất bại năm 1886 sống ẩn mình qua lại nơi đây chờ thời cơ mới. Năm 1897, chùa Cổ Lâm bị đốt phá, ông lánh cư tu ẩn tại vùng núi Hữu Trinh – Hòa Hữu (Bằng Am ngày nay). Tại đây, ông hành nghề y, nấu thuốc luyện đơn chữa bệnh cho dân nghèo vùng chín xã Sông Con, cứu giúp kẻ cô thế nên được tôn vinh như bậc tiên thánh.

Cuối mùa xuân năm Thành Thái thứ nhất (1900), một buổi sáng thầy Tùng Sơn xuống làng gặp người đệ tử của mình và căn dặn rằng: “Khi nào thấy cửa động có khói là ta đã tịch. Con nhờ mọi người lên đậy giúp nắp thạch quan cho ta!”. Đêm ấy, vào tiết Trung nguyên (Rằm tháng Bảy), trăng sáng vằng vặc, người dân nhìn lên phía Am Thông thấy một vầng khói quyện lờ mờ, sáng hôm sau, dân làng kéo lên am thực hiện lời di huấn của thầy thì thấy mối đã đùn lấp kín miệng hang thạch táng. Trong Am Thông hiện vẫn còn một bài kệ và một bài thơ thất ngôn bát cú tựa đề “Cảnh thế”. Những câu chuyện về người ẩn sĩ trên núi Bằng Am vẫn còn lưu truyền trong dân gian, dù là giai thoại hay huyền tích thì cũng mang đậm tính nhân văn về vùng đất, con người Đại Lộc.

Bích Liễu – Triêu Nhan

Theo báo Quảng Nam

 

Cùng chuyên mục