Bài học từ 33.000 doanh nghiệp Nhật Bản có tuổi đời hàng thế kỷ

Nhật Bản có 33.000 doanh nghiệp với tuổi đời ít nhất một thế kỷ. Làm thế nào để nhiều công ty lâu năm như vậy sống sót qua thời gian.

Nhà Trà 900 năm tuổi Tsuen Tea ở Kyoto, Nhật Bản.

‘Nhà Trà Tsuen Tea’ nhìn ra một dòng sông lớn uốn lượn qua vùng ngoại ô ngủ yên của cố đô Kyoto. Trong phối cảnh thành phố nổi tiếng với những ngôi đền chùa đẹp cổ kính này, đó là một kiến trúc không mấy ấn tượng, chỉ là một nơi yên tĩnh để thưởng trà hoặc ăn kem.

Nhưng vẫn có một điều đặc biệt về Tsuen Tea: Nơi này đã được mở cửa từ năm 1160 và được tuyên bố là quán trà còn hoạt động cổ xưa nhất thế giới. Nơi đây đang được điều hành bởi anh Yusuke Tsuen, 38 tuổi. ‘Chúng tôi tập trung vào chè và không mở rộng kinh doanh quá nhiều. Đó là lý do tại sao chúng tôi vẫn đang sống sót’, Yusuke cho biết.

Có thể không quá ngạc nhiên khi Nhà Trà 900 tuổi này vẫn tồn tại ở một thành phố nổi tiếng với văn hóa truyền thống Nhật Bản. Nhưng điều ngạc nhiên nằm ở chỗ Tsuen không phải là trường hợp cá biệt. Năm 2008, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc từng công bố báo cáo về 5.586 công ty hơn 200 năm tuổi tại 41 quốc gia, thì có tới 56% là doanh nghiệp Nhật Bản. Năm 2019, có trên 33.000 doanh nghiệp Nhật có tuổi đời hơn một thế kỷ, theo công ty nghiên cứu Teikoku Data Bank.

Khách sạn cổ xưa nhất thế giới đã được khai trương từ năm 705 tại Yamanashi và cửa hàng bánh kẹo Ichimonjiya Wasuke bán đồ ăn ngọt ở Kyoto từ năm 1000. Người khổng lồ ngành xây dựng Takenaka có trụ sở ở Osaka được thành lập từ năm 1610, trong khi một số thương hiệu toàn cầu của Nhật Bản như Suntory và Nintendo có lịch sử thành lập từ những năm 1800.

Nhưng điều gì ở nước Nhật đã giúp duy trì những doanh nghiệp có tuổi đời lâu như vậy? Và trong một kỷ nguyên toàn cầu được định nghĩa bởi những start-up (công ty khởi nghiệp) đang vượt qua các biên giới với tốc độ ánh sáng, thì những kinh nghiệm của họ cho chúng ta bài học gì?

Tôn trọng truyền thống

Yoshinori Hara, Phó giáo sư tại Trường Quản lý kinh doanh thuộc Đại học Kyoto, cho biết những doanh nghiệp lâu đời, ít nhất 100 năm tuổi, được gọi là ‘shinise’ trong tiếng Nhật, có nghĩa là ‘cửa hàng cổ xưa’.

Vị giáo sư đã làm việc tại Thung lũng Silicon trong một thập kỷ nhận xét rằng việc các công ty Nhật Bản nhấn mạnh vào tính bền vững, thay vì chỉ nhanh chóng tối đa hóa lợi nhuận, là lý do chính tại sao có nhiều doanh nghiệp duy trì được sức mạnh qua thời gian. ‘Tại Nhật Bản, điều quan trọng hơn là cách chúng tôi để lại công ty cho hậu duệ của chúng tôi, cho các con, các cháu của chúng tôi’, ông Hara giải thích.

Các thành phố, thị trấn ở Nhật Bản đã tồn tại trong nhiều thế kỷ, vì thế không quá bất ngờ khi có nhiều công ty lâu đời còn tồn tại. Nhưng theo Giáo sư Innan Sasaki tại Đại học Warwick (Anh) thì còn có những lý do khác.

‘Nhìn rộng hơn, chúng ta có thể nói rằng do nền văn hóa tôn trọng truyền thống và tổ tiên, kết hợp với thực tế Nhật Bản là một đảo quốc, tương đối ít tương tác với các quốc gia khác, khiến người dân có xu hướng duy trì lâu dài những sản phẩm dịch vụ truyền thống ở địa phương’.

Năng lực cốt lõi và dịch vụ khách hàng

Cũng ở Kyoto có một công ty shinise khác tuổi đời gần bằng Tsuen Tea, nhưng lớn hơn nhiều. Đó là công ty trò chơi điện tử Nintendo – cái tên nổi tiếng toàn cầu nhờ cuộc cách mạng hóa nền giải trí tại gia đình với hệ thống chơi game điện tử ra đời từ năm 1985.

Nhưng hầu hết mọi người không biết rằng Nintendo đã ra đời từ rất lâu trước khi đạt được thành công thương mại toàn cầu. Mặc dù nổi tiếng là một công ty công nghệ, Nintendo được thành lập vào năm 1889, với tư cách là một nhà sản xuất thẻ bài cho trò chơi hanafuda của Nhật Bản. Trò chơi du nhập vào Nhật Bản qua người Bồ Đào Nha vào thế kỷ 16 này liên quan đến việc thu thập các tấm thẻ với nhiều loại hoa được in trên đó, mỗi hoa có số điểm khác nhau.

Nintendo được thành lập vào năm 1889.

Giáo sư Lara Hara thuộc Đại học Kyoto cho biết Nintendo là ví dụ tuyệt vời về một công ty gắn với ‘năng lực cốt lõi’. Đó là khái niệm cơ bản đằng sau những gì một công ty tạo ra, giúp công ty tồn tại ngay cả khi công nghệ hoặc thế giới xung quanh thay đổi. Trong trường hợp của Nintendo, mọi người hâm mộ cách họ tạo ra những trò chơi vui nhộn – Giáo sư Hara nói.

Ông Hara cũng lấy ví dụ về các công ty may kimono đang cố gắng duy trì hoạt động kinh doanh trong bối cảnh còn rất ít phụ nữ Nhật Bản mặc trang phục truyền thống. Hosoo, một nhà sản xuất kimono có trụ sở tại Kyoto từ năm 1688, đã mở rộng sang sản xuất sợi carbon cho các công ty vật liệu. Năng lực cốt lõi vẫn như nhau, đó là dệt 3D.

Ở Kyoto, nhiều doanh nghiệp lâu đời đã cống hiến những dịch vụ khách hàng tốt, một yếu tố giúp họ phát triển mạnh. Điều này đặc biệt đúng với hoạt động kinh doanh nhà trọ. Các nhà trọ truyền thống của Nhật Bản đối xử với khách hàng như gia đình. Họ luôn cố gắng dự đoán những gì khách hàng cần vì điều đó thúc đẩy kinh doanh bền vững.

Gia đình Akemi Nishimura đã điều hành nhà trọ Kyoto Hiiragiya trong 6 thế hệ. Hiiragiya mới kỷ niệm 200 năm thành lập vào năm 2018 và họ đã từng chào đón những vị khách đặc biệt như Charlie Chaplin và Louis Vuitton. “Kết nối từ trái tim đến trái tim – đó là điều hay nhất của nhà trọ”, bà Akemi nói. Tại Kyoto Hiiragiya, một cuốn cẩm nang có từ 80 năm trước đã trình bày chi tiết về cách vận hành nhà trọ, đề cập đến những việc cần làm với một chiếc khăn tay của khách: Cách giặt, gấp đúng cách và trả lại…

Hiiragiya mới kỷ niệm 200 năm thành lập vào năm 2018.

Truyền thống có ảnh hưởng tới đổi mới?

Tuy nhiên, sự ‘trường tồn’ của các doanh nghiệp Nhật Bản cũng có một nhược điểm, đặc biệt là khi đặt vào bức tranh khởi nghiệp của đất nước, vốn bị chỉ trích là chậm chạp so với những nơi khác.

Thế giới start-up không được công nhận danh tiếng như một shinise. ‘Tôi đã có lúc khó khăn khi giải thích và chia sẻ với bố mẹ, bạn bè về những gì tôi làm và nơi làm việc của mình’, Mari Matsuzaki, 27 tuổi nói. Cô làm việc tại Queue, một công ty giáo dục khởi nghiệp ở Tokyo. ‘Sau khi tốt nghiệp, có lẽ tôi là người duy nhất quyết định khởi nghiệp’, Mari nói. Trong khi ở những quốc gia khác, những người khởi nghiệp được ca ngợi thì thế giới start-up ở Nhật Bản lại không được đánh giá cao như các công ty shinise.

Đóng cửa một công ty hoặc bán lại nó cũng được coi là một điều thất bại và xấu hổ ở Nhật Bản, và cảm giác này đã tồn tại từ hàng thế kỷ. ‘Xã hội và nền kinh tế Nhật Bản không linh hoạt như Mỹ, và vì vậy Nhật Bản không tạo ra các công ty lớn mới dễ dàng như vậy. Xu hướng là bảo tồn những gì họ có’, Michael Cusumano – Giáo sư tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), người đã khởi xướng các sáng kiến ​​khởi nghiệp và đổi mới tại Đại học Khoa học Tokyo, đã sống và làm việc tại Nhật Bản trong 8 năm, nhận xét.

Tuy vậy, các công ty shinise không phải được miễn trừ khỏi khó khăn. Kongo Gumi, một công ty xây dựng được thành lập từ năm 578, đã tồn tại một cách kinh ngạc qua 1.400 năm trước khi bị phá sản vào năm 2006.

Trong tương lai, Matsuzaki tin rằng sẽ có những lợi ích trong việc kết hợp thế mạnh của hai mô hình kinh doanh tại Nhật Bản. Chìa khóa là thúc đẩy sức mạnh tổng hợp giữa các công ty shinise và start-up. Sức mạnh của các shinise là nguồn lực, danh tiếng trong ngành và một mạng lưới mạnh mẽ. Bằng cách pha trộn công nghệ mới và ra quyết định nhanh chóng với shinise, Matsuzaki tin rằng các công ty khởi nghiệp có thể trở thành vũ khí lợi hại cho tương lai của Nhật Bản.

Vinh Nguyen

Theo DoanhNhân+

 

Link nguồn: https://doanhnhanplus.vn/bai-hoc-tu-33-000-doanh-nghiep-nhat-ban-co-tuoi-doi-hang-the-ky-498499.html?fbclid=IwAR0M-1nis5VoXpm9FivO1IGzrAXqHDGUHI8gzBTDeZOeOhV2WhgGqrpo4OY

Cùng chuyên mục