Bà nội, bà ngoại thời hiện đại

Trước đây, nhiều người nghĩ “nghề” của người già khi về hưu là giữ cháu giúp con cái đi làm. Nhưng hiện nay, nhiều ông bà nội, ngoại nghĩ “thoáng” hơn rằng họ chỉ hỗ trợ con cháu khi cần thiết và vẫn giữ cho mình một nhịp sống tự do, thoải mái.

Tập thể dục, uống cà-phê, đi chơi cùng nhau là điều nhóm bạn của bà Nhung (giữa), bà Lê (trái) làm cùng nhau để tạo niềm vui mỗi ngày. Ảnh: Q.T

Từng là nhân viên một công ty xây dựng, bà Tuyết Lê (sinh năm 1968, trú phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) về hưu đã 5 năm. Suốt 5 năm nay, cuộc sống của bà và chồng là những chuyến đi thiện nguyện, du lịch trong và ngoài nước.

Năm 2019, con trai bà cưới vợ, hiện tại gia đình có thêm thành viên nhí hơn 1 tuổi. Bà bảo, mặc dù đang là những “tỷ phú thời gian” nhưng bà không dành toàn bộ thời gian để chăm cháu mà chỉ hỗ trợ các con khi cần thiết.

Trong ngày, bà vẫn có thời gian riêng để theo đuổi những sở thích cá nhân. “Tôi rất thích khiêu vũ. Đó là sở thích, là đam mê cháy bỏng từ khi tôi còn trẻ nhưng vì cơm áo gạo tiền, vì con cái, gia đình, công việc và trăm ngàn mối lo của cuộc sống nên tôi không thể thỏa mãn ước mơ của mình. Vì thế, khi các con đã trưởng thành, có gia đình riêng, tôi cũng đã đến tuổi nghỉ hưu nên tôi nhất định phải thực hiện ước mơ từ thời trẻ”, bà Lê bày tỏ.

Một ngày của bà Lê bắt đầu bằng việc tập thể dục ở bãi biển cùng hội bạn thân. Sau đó, nhóm bạn của bà cùng ăn sáng, uống cà-phê. Đến 9 giờ, bà mới đi chợ rồi về nhà. Đó cũng là lúc con dâu chở cháu nội qua gửi. Bà nói rằng, quan điểm của bà từ đầu; ông bà chỉ có trách nhiệm nuôi dạy con, còn việc nuôi dạy cháu là trách nhiệm của bố mẹ chúng nó.

Trường hợp bố mẹ chúng khó khăn, bà sẽ hỗ trợ trong điều kiện có thể để giúp con nhưng không làm “vú nuôi” 24/24 giờ cho con cháu. Bà cũng đưa ra “quy định” với các con, ông bà chỉ giữ cháu vào các ngày trong tuần, không giữ thứ bảy, chủ nhật và tuyệt đối không giữ buổi tối. Trừ những trường hợp bất khả kháng như các con có đám hội của công ty hay bạn bè thân thiết thì ba mẹ… du di.

Bà Lê kể, mặc dù chỉ có 1 đứa con trai nhưng từ khi con cưới vợ, bà đã sắp xếp cho con ở riêng. Theo bà, khi con cái ở cùng ba mẹ, chúng sẽ cứ mãi nhỏ bé. Mục đích của bà là để con tự lo, tự có trách nhiệm với bản thân, với gia đình nhỏ của mình.

Quan điểm của tôi là gia đình trên hết. Bất cứ khi nào các con gặp khó khăn về tư tưởng hay phương hướng làm ăn, đều có thể chia sẻ với ba mẹ. Ba mẹ sẽ luôn dang rộng vòng tay giúp đỡ con, nhưng trong cái chung thì phải có cái riêng. Ba mẹ lao động cả đời rồi, bây giờ là lúc ông bà phải được nghỉ ngơi và thực hiện những ước mơ của mình”, bà Lê nói. Thực tế, tâm lý “trẻ chăm con, già chăm cháu” đã là nếp nghĩ bao đời vận vào phụ nữ Việt.

Thậm chí, những cô con gái, con dâu trẻ, thân là phụ nữ nhưng vẫn có suy nghĩ “cha mẹ về hưu phải có nghĩa vụ giúp đỡ con cháu”. Một người bạn của tôi, công tác trong ngành công an, công việc làm giờ hành chính nên đẩy hết việc chăm con sang cho bà.

Ai cũng nói cô sướng, cô trả lời tỉnh queo: “Chăm cháu là trách nhiệm của ông bà, đó là “trách nhiệm lên chức”. Thứ nữa, giờ bà còn sức khỏe thì nên đỡ đần cho con cháu. Mai sau già yếu, ngã bệnh, con cái nó mới chăm lo lại cho. Trong gia đình, chia sẻ công việc là chuyện bình thường!”. Nhiều lần đi ngang nhà cô, thấy mẹ chồng đầu bù tóc rối, vừa lo nấu ăn, vừa chăm cháu mà không khỏi chạnh lòng.

Buổi chiều, chỉ cần ra các khu vui chơi công cộng, khu công viên, chúng ta có thể chứng kiến những cảnh quen thuộc, bà nội hoặc bà ngoại đưa cháu đi chơi, một tay cầm tô thức ăn, tay kia cầm theo cái quạt để quạt cho cháu, trên vai vắt chiếc khăn lau. Trẻ con cứ chạy nhảy nô đùa, bà lật đật chạy theo, dỗ dành không ngừng, mồ hôi rơi ướt áo… Dường như việc chăm cháu là chuyện đương nhiên, chẳng bà nội, bà ngoại nào kêu ca, nề hà.

Phần nhiều phụ nữ Việt khổ vì tư duy đó… Trong một buổi tọa đàm về vấn đề bạo hành đối với người cao tuổi, nhà văn Trang Hạ đã đưa ra một nhận định rất mới mẻ, đại ý rằng, đừng nghĩ, chửi bới, đánh đập, không cho ăn, đuổi ra đường… mới là bạo hành người cao tuổi, mà tước đoạt của người cao tuổi cuộc sống riêng tư, buộc họ phải có trách nhiệm trông cháu, giữ nhà, thay vì nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân, thăm thú bạn bè, đi chơi… cũng là một sự bạo hành thầm lặng.

Bà Tuyết Nhung (sinh năm 1959, trú phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà), một người bạn “cà-phê” trong nhóm của bà Tuyết Lê cũng chia sẻ, bà về hưu lúc các con chưa có gia đình.

Cuộc sống lúc ấy khá nhàn rỗi và thong thả. Hiện tại, bà có 3 đứa cháu nội, ngoại và đang nhận giữ đứa cháu mới 5 tháng tuổi. Dù vậy, mỗi ngày bà vẫn tranh thủ làm mọi thứ mình thích từ tập thể dục, uống cà-phê, đến cà kê với bạn bè… Quan điểm của bà là “thương con thương cháu nhưng không quên sở thích của bản thân”.

Thêm vào đó, bà cũng tôn trọng con cái bằng cách chăm cháu theo hướng dẫn của ba mẹ nó chứ không làm theo ý mình. “Thi thoảng, tôi cũng bày tỏ ý kiến trong cách chăm sóc đứa trẻ, nhưng con bảo lại, đó là ngày xưa, giờ phải thế này, thế kia mẹ ạ… là tôi cũng theo con. Đó là cách để con thấy mình tôn trọng chúng và ngược lại”, bà Nhung nói.

Con cái lớn lên có gia đình nhưng ở cùng bố mẹ thì phải có trách nhiệm đóng góp hằng tháng. Ngược lại, ông bà cũng xởi lởi với con cháu vào các dịp sinh nhật, thôi nôi, đầy tháng… “Ở tuổi nào cũng phải có một đời sống lành mạnh và biết yêu lấy bản thân mình, chăm sóc cho trí tuệ và có một đời sống tinh thần phong phú”, bà Nhung đúc rút.

Quỳnh Trang

Theo Đà Nẵng Online

 

Link nguồn: https://www.baodanang.vn/channel/5433/202002/ba-noi-ba-ngoai-thoi-hien-dai-3270787/

Cùng chuyên mục