Bà Bang Nhãn – Nữ sĩ tài hoa

Có một câu chuyện xảy ra từ rất lâu. Tại làng Phụng Trì ( nay là thôn Lam Phụng, xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam). Câu chuyện kể về một người phụ nữ goá chồng, sinh đến năm người con nhưng còn nhan sắc và đặc biệt rất tài hoa văn hay, ứng đối giỏi.

Một hôm có người đàn ông tên Bốn Kế, một nho sinh cũng thuộc hạng học rộng, biết nhiều từ Điện Bàn lên Đại Lộc “tầm sư học đạo”. Nghe tiếng người phụ nữ giỏi giang bèn tìm đến để thử tài. Họ gặp nhau trong một đêm hát hò khoan, sau vài câu hát chào xã giao thăm dò đối thủ, Bốn Kế bèn ứng khẩu:

Trên sơn dưới thuỷ em bậu giữ kỹ làm gì

Tiền thân hậu phúc, kiếm chút ấu nhi mà bồng?

Người phụ nữ kia không cần suy nghĩ, đáp lại ngay:

Trên sơn dưới thuỷ đây ta có giữ kỹ cũng ra đám đất bằng

Ngày sau bạn có chết thì lập cái lăng mà thờ!

Người đàn bà đối đáp trí tuệ đó có tên thường gọi là Bà Bang Nhãn, một văn sĩ của đất Đại Lộc vào những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.

Bà Bang Nhãn tên thật là Lê Thị Liễu, sinh năm Quý Sửu (1853), tại làng Phụng Trì. Chồng bà, ông Phan Hữu Quỳ làm chức Bang Tá, quê làng Gia Cốc, Đại Minh. Vì có con đầu lòng tên là Nhãn, nên người ta thường gọi bà là Bà Bang Nhãn.

Thuở sinh thời, bà tỏ ra là người có tư chất thông minh khác thường. Được dạy dỗ chu đáo. Lớn lên đi lấy chồng, được làm dâu trong gia đình khoa cử. Môi trường ấy đã tạo cho bà thành một phụ nữ thông thạo tri thức Nho học, có phong cách hào hoa và quan hệ rộng rãi, thường xuyên gặp gỡ, giao lưu thơ văn với tầng lớp tú, cử, nho sinh trong vùng. Bà rất yêu thơ Đường, mê Kiều và hát bội. Bà cũng nổi tiếng về tài nội trợ, nấu ăn, làm bánh, chăm sóc chồng con. Nói chung là một phụ nữ công,dung, ngôn, hạnh, tài đức vẹn toàn. Chồng mất sớm lúc bà mới ba mươi tư tuổi. Bà một mình nuôi nấng dạy dỗ năm người con khôn lớn. Sống đức độ, thuỷ chung, bà luôn được mọi người quý mến, nể trọng.

Cuộc đời Bà Bang Nhãn đã chứng kiến nhiều biến cố lịch sử quan trọng của xã hội: Năm 1858, lúc bà năm tuổi, giặc Pháp tấn công Đà Nẵng mở đầu cuộc xâm lược thực dân trên đất nước ta. Năm 1883, khi bà ba mươi tuổi thì Nguyễn Duy Hiệu hưởng ứng phong trào Cần Vương, lập Nghĩa Hội Quảng Nam, xây dựng căn cứ ở Trung Lộc ( Quế Sơn) và 9 xã Sông Con, lấy Đồng Hà Sống (Đại Lộc) làm tiền đồn án ngữ để kháng chiến chống Pháp. Năm 1908, ở tuổi năm mươi, bà lại được chứng kiến một sự kiện lịch sử ngay tại nơi bà sống là cuộc chống sưu thuế nổ ra tại Đại Lộc và lan đi cả tỉnh, cả nước. Cuộc đấu tranh ấy bị giặc Pháp và triều đình Huế đàn áp đẫm máu.

Là người phụ nữ có tri thức, có tài năng; đã sống và chứng kiến cảnh nước mất nhà tan, lòng người ly tán. Bà Bang Nhãn có tham gia tích cực các phong trào đấu tranh yêu nước đầu thế kỷ 20. Bà vừa là cô giáo, vừa là người cổ động nhiệt tình cho phụ nữ đi học trong phong trào Duy Tân. Là người vận động tài chính đắc lực cho phong trào Đông du. Là một trong những sáng lập viên Hội Hiệp thương nông lâm sản Hội An.

Tâm trạng bà bấy giờ thể hiện rõ trong thơ văn, một nỗi thương cảm quê hương, căm thù uất hận khôn cùng lũ giặc ngoại bang đang giày xéo trên Tổ quốc bà và mỉa mai, khinh thường bọn quan lại bù nhìn dốt nát, chỉ biết làm tay sai cho kẻ thù, phản bội lại dân tộc, dựa thế thực dân Pháp ra sức vơ vét, bóc lột, đàn áp nhân dân. Đối với bọn này, dưới mắt Bà Bang Nhãn chỉ là một lũ sâu mọt bất tài vô dụng. Xin được trích dẫn dưới đây những giai thoại về bà khi gặp tri huyện Hồ Thiều và chánh tổng Đức Hoà:

 Hồ Thiều là người Huế, vào làm tri huyện Đại Lộc. Biết Bà Bang Nhãn làm thơ, một hôm cưỡi ngựa đến nhà ra đề thơ cho bà với phong cách cao ngạo, xem thường phụ nữ:

Mâm thau nhịp, mâm nan cũng nhịp

Phượng hoàng đua, bìm bịp cũng đua!

Bà đáp làm lại ngay:

Đua nhịp, răng ai cũng rứa thê

Mâm nan, bìm bịp, nguỵ chưa tề?

Chuốt trau lông cánh lên ngàn nhẫn

Chung chạ thanh âm đủ tám nghề

Sen lúc rả bằng xơ xác cũng

Bèo khi gặp nước đững đừng chê

Leo thang chớ vội chê cười cóc

Cung nguyệt cao xa cũng hẹn về!

Bài thơ đã dùng ngôn ngữ của địa phương (rứa, ngụy, tề…) và dùng hai chữ cuối của hai câu ra đề để mở đầu bài thơ, nội dung lại xem thường chức vị, học vấn của tri huyện Hồ Thiều. Nghe bài thơ, ông ta vô cùng bái phục.

Còn chánh tổng Đức Hoà nhà giàu có nhưng chữ nghĩa thì không bao nhiêu cũng bày đặt xướng hoạ văn thơ, vỗ ngực ta đây là người hay chữ, lại thêm có tính thường ưa tới lui nhà các nhà bà goá còn nhan sắc. Khi đến gặp, Bà Bang Nhãn tặng ngay một bài thơ ứng khẩu:

Chánh tổng Đức Hoà cất cớ thôi

Văn chương chữ nghĩa hỏi gì tôi

Năm vần tiện thiếp ra tay họa

Sợ nỗi anh hùng mút bút ngồi!

Những câu thơ như một cái tát vào mặt. Chánh tổng Đức Hoà chẳng dám ngồi lâu.

Trong Hợp tuyển Văn học Việt Nam 1920 – 1945, tập V, quyển 1, Nhà Xuất bản Văn học – Hà Nội năm 1997, có nói đến Bà Bang Nhãn và đã trích tuyển hai bài thơ Đường của bà:

  QUA ĐÀ NẴNG CẢM TÁC

Rầm rầm ngựa hí với xe qua

“Nhượng địa” là đây có phải a?

Liếc mắt nhìn xem phong cảnh lạ

Ôm lòng chạnh tưởng nước non nhà.

Nào tay hồ thỉ đi đâu vắng

Nỡ để giang sơn cực lắm mà

Nghĩ đến người xưa thương đất cũ

Căm gan, riêng giận bác trời già!

 

VỊNH NÚI NGŨ HÀNH

 Cảnh trí nào hơn cảnh trí nầy

Bồng lai thôi cũng hẳn là đây

Núi chen sắc đá, màu phơi gấm

Chùa nức hơi hương khói lộn mây

Ngư phủ gác cần ngơ mặt nước

Tiều phu chống búa dựa lưng cây

Nhìn xem phong cảnh ưa lòng khách

Khen bấy thợ trời khéo đắp xây!

Thơ Bà Bang Nhãn ảnh hưởng khá sâu sắc thơ của bà Huyện Thanh Quan, dù hai người ở hai thế hệ khác nhau. Có lẽ do sự đồng cảm nhất định của trái tim người phụ nữ hoài niệm về quá khứ huy hoàng của một thời vàng son: Bà Huyện Thanh Quan nhớ về một vương triều Lê hưng thịnh khi đang phải sống với một vương triều khác; còn Bà Bang Nhãn thì nhớ lại một thời lịch sử của dân tộc được độc lập tự chủ trong khi phải nhìn quê hương đang là “nhượng địa” của thực dân Pháp:

…Liếc mắt nhìn xem phong cảnh lạ

Ôm lòng chạnh tưởng nước non nhà!

Hoặc:

…Ngư phủ gác cần ngơ mặt nước

Tiều phu chống búa dựa lưng cây…

Những câu thơ của bà đã thể hiện tinh thần yêu nước, yêu dân vô bờ bến.

Ngoài những bài thơ và giai thoại về thơ của bà đã sưu tầm được, nhân dân vùng Đại Minh, Đại Đồng (Đại Lộc) còn lưu truyền nhiều câu hò khoan, câu đối của bà.

Bà Bang Nhãn mất năm 1927, thọ được 74 tuổi. Với tài năng, đức độ và tinh thần yêu nước thể hiện trong thơ văn đã sưu tầm được, bà rất xứng đáng để thế hệ hôm nay và mai sau kính trọng. Bà là một nữ sĩ tài hoa của quê hương Quảng Nam.

Nguyễn Hải Triều

Theo haitrieudl.blogspot

Cùng chuyên mục