Vượt hàng rào 10 lớp, ‘đột nhập’ vườn sâm Ngọc Linh bạc tỉ

Tour du lịch tham quan vườn sâm Ngọc Linh du khách phải qua hàng rào an ninh 10 lớp. Nhưng khi dạo bước giữa vườn sâm bạc tỉ trong giá lạnh, mây trắng xóa, du khách cảm nhận nhiều điều thú vị.

Vườn sâm bạc tỉ trên đỉnh Ngọc Linh - Ảnh: LÊ TRUNG
Vườn sâm bạc tỉ trên đỉnh Ngọc Linh – Ảnh: LÊ TRUNG

Vườn sâm gốc Tăk Ngo trên đỉnh núi Ngọc Linh, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My vừa được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận là điểm du lịch và đây được xem là điểm đến thú vị, mới lạ đối với du khách khi đến thủ phủ sâm Ngọc Linh.

Vượt qua 10 hàng rào an ninh

Từ tuyến đường giao thông xã Trà Linh, chỉ mất chừng 30 phút đi bộ, du khách sẽ đến vườn sâm gốc Tăk Ngo.

Vườn sâm nằm cheo leo trên triền núi Ngọc Linh ở độ cao gần 2.000m so với mặt nước biển. Con đường mòn dẫn vào vườn sâm chừng 1m nằm giữa những tán cây cổ thụ, mùa này tiết trời khá lạnh.

Để vào được vườn sâm, du khách sẽ phải đi qua hệ thống gần 10 hàng rào an ninh bảo vệ vườn sâm bằng lưới thép B40, trên mỗi cổng là hệ thống cảm ứng báo động bằng nhiệt, khi có người lạ vào thì chuông báo động sẽ kêu. Bởi vườn sâm gốc này là tài sản quý giá, cung cấp giống sâm Ngọc Linh của toàn tỉnh Quảng Nam nên được bảo vệ nghiêm ngặt.

Đến với vườn sâm Tăk Ngo, du khách sẽ được ngắm nhìn những cây sâm Ngọc Linh cho quả đỏ chót giữa tán lá xanh ngắt.

Ở đây có khu trồng sâm giống, có đội ngũ nhân viên chốt trực 24/24 giờ. Đêm giữa rừng già chỉ nghe tiếng côn trùng kêu ra rả và cái lạnh giá của miền sơn cước.

Anh Dũng, một du khách ở TP Đà Nẵng, chia sẻ rằng anh đã có dịp đến và ở lại vườn sâm qua đêm. “Đêm ở lại vườn sâm rất thú vị, cảm nhận tiết trời dễ chịu.

Sáng sớm ngồi giữa rừng già uống ấm trà, ngắm nhìn mây bay lãng đãng trên ngọn cây cảm thấy thích thú” – anh Dũng nói.

Anh Hồ Văn Rủi – nhân viên bảo vệ vườn sâm Tăk Ngo – kể thời gian qua có rất nhiều đoàn du khách, chuyên gia đến vườn sâm để tham quan và họ cảm thấy thật thích thú với điểm du lịch này.

Ngoài tận mắt nhìn thấy vườn sâm rộng bao la, những cây sâm Ngọc Linh cho quả đỏ chót, du khách còn tham quan khu nghiên cứu, trồng giống sâm, được trải nghiệm những nét văn hóa của đồng bào Xê Đăng trên đỉnh Ngọc Linh.

Cây sâm Ngọc Linh được đem bán tại phiên chợ sâm huyện Nam Trà My - Ảnh: LÊ TRUNG
Cây sâm Ngọc Linh được đem bán tại phiên chợ sâm huyện Nam Trà My – Ảnh: LÊ TRUNG

Điểm đến mới lạ

Ông Trịnh Minh Quý – giám đốc Trung tâm sâm Ngọc Linh huyện Nam Trà My, đơn vị quản lý vườn sâm Tăk Ngo – cho biết lần đầu tiên ở nước ta có một điểm du lịch vùng sâm để du khách tham quan, ở các nước khác như Hàn Quốc đã có từ lâu. Khi đến với vườn sâm, điều du khách cảm nhận được là sự hoang sơ bởi nơi đây được bao bọc bởi hệ thống rừng nguyên sinh dày đặc.

Điều đặc biệt, khách sẽ được tận mắt nhìn thấy cây sâm Ngọc Linh sinh trưởng, phát triển, tận mắt thấy nhân viên trồng và chăm sóc sâm. Đây chắc chắn là điểm du lịch mới lạ đối với du khách ở vùng xuôi. “Du khách muốn ở lại qua đêm tại vườn sâm thì vẫn có điểm dừng chân và hệ thống homestay của đồng bào dân tộc Xê Đăng” – ông Quý nói.

Theo ông Hồ Quang Bửu – chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, định hướng phát triển của địa phương trong năm nay là phát triển dược liệu và du lịch. Hiện nay địa phương đã nhìn thấy được tiềm năng du lịch tại vùng sâm Ngọc Linh.

Năm 2019 huyện dự kiến đón 45.000 – 50.000 lượt du khách đến đây để tham quan” – ông Bửu nói.

Theo ông Bửu, huyện muốn đây là điểm nhấn về du lịch, việc đầu tư du lịch ở đây không lớn, toàn bộ dựa vào thiên nhiên là chính.

Việc mở điểm du lịch sẽ liên kết với phiên chợ sâm Ngọc Linh, với văn hóa, phong tục các dân tộc Xê Đăng, Mơ Nông… và liên kết du lịch vùng miền núi của tỉnh Quảng Nam.

Cây sâm Ngọc Linh cho quả đỏ mọng - Ảnh: H.T.
Cây sâm Ngọc Linh cho quả đỏ mọng – Ảnh: H.T.

Ngoài ra, địa phương cũng dự kiến đầu tư phát triển du lịch cộng đồng để người dân trong vùng tăng thêm thu nhập, dần thoát nghèo.

Theo đó, địa phương sẽ hỗ trợ người dân vùng sâm làm homestay đón khách du lịch, để du khách vừa tham quan vườn sâm, vừa trải nghiệm văn hóa, ẩm thực của người Xê Đăng.

Cũng có nhiều doanh nghiệp lớn đến đây đầu tư phát triển về du lịch vùng sâm, hi vọng sắp tới đây sẽ là điểm đến thu hút nhiều du khách hơn nữa” – ông Bửu chia sẻ.

Thu hút du khách đến vườn sâm

Tổng diện tích của vườn sâm này khoảng 85ha, được chia làm ba vùng gồm: vùng để du khách tham quan rộng khoảng 10ha, vùng nghiên cứu khoa học khoảng 5ha và còn lại 70ha là vùng trồng sâm để cung cấp giống.

Theo ông Nguyễn Thanh Hồng – giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam, việc đưa điểm du lịch vườn sâm Ngọc Linh vào bản đồ du lịch của tỉnh sẽ tạo thêm một địa điểm du lịch thú vị, mới lạ cho du khách khi đến với miền núi Quảng Nam, đồng thời tạo cú hích phát triển du lịch vùng phía nam, miền núi của tỉnh Quảng Nam trong tương lai.

Lê Trung

Theo Tuổi trẻ 

Cùng chuyên mục