Lạm bàn về số phận của ngôi đình Nam bộ nay mai
Vướng đề này đã có nhiều người nói rồi, nay nói thêm nên hô “lạm bàn”.
Tôi đã đi coi cỡ 80 ngôi đình ở Nam bộ rồi, tôi thấy như vầy: Hầu hết các cụ trong ban khánh tiết đều cao tuổi và có ý trách lớp trẻ không ngó ngàng tới đình. Nhiều cụ cũng trách chiến tranh tàn phá, nhà nước thời bao cấp làm khó làm hư hại đình.
Có cụ còn trách thời gian, thiên tai nhơn họa hại đình. Có cụ còn trách các vị trong ban khánh tiết lớp trước giấu tư liệu nghi văn, hổng truyền lại cho các cụ, v.v. và v.v. Nói chung gặp là các cụ ta thán triền miên.
Ta là ta người khác, còn về bổn thân thời các cụ chỉ nói lo sức khỏe yếu, hổng có tiền nên đành lực bất tòng tâm…
Nhưng tìm hiểu kĩ thời tôi được biết: Thủ phạm chánh làm cho ngôi đình đi xuống một cách hiệu quả nhứt chánh là… các cụ. Trong 80 đình mà tôi coi chỉ phát giác ra 5 vị biết chữ Nho. Như vậy thời các cụ quyết tâm noi dấu người xưa thể hiện ở chỗ nào? Nếu các cụ lớp trước có truyền nghi văn chữ Nho lại thời các cụ có xài đặng hôn?
Các cụ thường trách lớp trẻ không ngó ngàng, nhưng chánh các cụ là thủ phạm ngăn chặn người trẻ tham gia vô ban khánh tiết, vì các cụ sợ tuổi trẻ tài cao làm các cụ mất ngôi.
Chiến tranh, thời gian và địch họa phá hại nhưng có hạn, còn sự thiếu trách nhiệm của các cụ là vô hạn và có tánh di truyền.
Dẫn chứng?
Hôm nay là lần thứ 3 tôi gặp tình trạng chứng tỏ điều trên: Hôm qua tôi đương đi đàng thời có cụ phó ban khánh tiết đình Bình Thành (thị trấn Thủ Thừa, Long An) gọi mời tôi hôm nay tới đình để hướng dẫn các cụ bố trí lại các bàn thờ cho trúng với bổn khai thần tích thần sắc năm 1938 mà tôi đã đem tới đình biếu các cụ mấy tháng trước. Tôi nói để tôi gọi lại sau.
7h sáng nay tôi gọi lại, tính báo trưa tôi tới, thời cụ còn… ngủ, sau đó nghe máy và nói “không biết gì hết”. Tôi kể lại sự tình, thời cụ nói lát cụ gọi lại. Chờ tới xế vẫn không thấy cụ gọi lại, tới 14h40 tôi gọi cho cụ trưởng ban, thời sự việc cũng y như cụ kia.
Tôi nghĩ, thiệt quái đản: Sau trước đó gọi mời mà giờ nói không biết? Tìm hiểu được biết: do ma men. Cứ tưởng gọi cụ trưởng để mắng vốn về cụ phó, hổng ngờ gặp ma men lần nữa.
Ngoài ra, tôi cũng còn gặp nhiều trường hợp cũng gần như vậy. Nói chung là các cụ hầu hết đều thiếu trách nhiệm, mù kiến thức về chính công việc của mình nhưng lại rất cao ngạo về tuổi tác và chức vụ. Điều đó dẫn tới tham quyền cố vị và dĩ công vi tư, ít nhứt là về danh.
Mà như vậy thời có người trẻ nào có năng lực và quyết tâm cứu chữa cho ngôi đình cũng đành phải bó tay, chớ không đợi tới thời gian, chiến tranh và địch họa.
Do đó, tôi dự báo, ngôi đình ở Nam bộ sẽ ngày càng xuống cấp và hoang phế về tinh thần, và truyền thống văn hóa Nam bộ cũng theo đó mai một theo.
Về sau, ngôi đình Nam bộ sẽ chỉ con trong bảo tàng thôi.
Lê Công Lý