Lễ hội bạo lực: chấn chỉnh được không?
Lễ hội dân gian là một nét đẹp thuộc về bản sắc văn hóa rất cần được bảo tồn và phát huy một cách hiệu quả. Thế nhưng, vẫn tái diễn cảnh lợn bị chém, bị vặt lông lấy hên và hàng trăm thanh niên náo loạn sân đình đòi ”cướp” phết…
Theo thống kê của cơ quan chức năng, hằng năm trên cả nước diễn ra hơn 8.000 lễ hội. Trong đó chỉ có 322 lễ hội lịch sử (4,5%), 544 lễ hội tôn giáo (6,8%), còn lại hơn 7.000 lễ hội dân gian (87,5%). Đó là chưa kể đến hàng ngàn hoạt động khác gần giống như lễ hội nhưng về bản chất thì hoàn toàn khác.
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế, khắp nơi đua nhau phục hồi và phát triển thêm hàng trăm lễ hội khác nhau mà đa phần vì mục đích lợi nhuận, thiếu chiều sâu văn hóa. Trong xu thế đó, có không ít lễ hội đang ít nhiều cổ vũ cho hành vi bạo lực, sự cuồng tín…
Sau những phản ứng quyết liệt của dư luận, việc chém lợn ở làng Ném Thượng đã được thực hiện ở nơi kín đáo. Tuy nhiên, con vật vẫn bị giết một cách dã man và hàng trăm con người vẫn hồ hởi lấy tiền thấm cho đẫm máu lợn, hông khô rồi mang về đặt trên đầu giường để cầu mong… được sự may mắn, sung túc trong cả năm.
Có gì hay ho hoặc gọi là tinh thần thượng võ khi hành hạ những con vật đang bị trói chặt, bị cắt gân chân rồi sau cùng là đâm với chém?
Không thể vì lý do truyền thống hay phong tục để ngụy biện cho hành vi đâm trâu, chém lợn máu me vẫn đang tiếp diễn một cách hết sức phản cảm. Bởi lẽ, sát tế con vật là một hình thức thay thế việc hiến tế mạng sống con người trong những giai đoạn nhất định của thời kỳ lịch sử.
Lễ vật cúng bái trong các lễ hội cũng chỉ mang tính biểu tượng, hoàn toàn có thể thay thế vẫn không hề mất đi ý nghĩa.
Đâu nhất thiết phải đâm chém con vật thật mới là lễ hội, mới thể hiện được sự tôn kính với thần, thánh. Chẳng may mắn nào có thể đến được với người ta từ những sợi lông lợn hay cảnh tượng máu chảy, đầu rơi như vậy mỗi dịp đầu năm.
Bất cập còn có thể thấy do tính chất lẫn quy mô tổ chức của các kỳ lễ hội. Ngày xưa đến với các cuộc hội hè, đa phần là người trong cùng thôn xóm hoặc một làng, xã nào đó. Dân làng đến để tôn kính vị thành hoàng của làng mình hoặc vị anh hung dân tộc nào đó đồng thời thăm hỏi, chuyện trò với những người thân quen, chòm xóm.
Ngày nay mỗi lễ hội có hàng nghìn người khắp nơi đổ về, không ai biết ai nên người ta cứ tha hồ tranh cướp, chen lấn, xô đẩy… Họ hào hứng trẩy hội nhưng lại hoàn toàn không biết đình, chùa, lễ hội mà mình tham gia tên gì và trong đó thờ ai. Điều để thể hiện sự thiếu hiểu biết về tín ngưỡng, tâm lý chạy theo đám đông, rập khuôn bắt chước. |
Nên cứ thi nhau làm những chuyện khó coi như tranh cướp lộc đầu năm, giẫm đạp lên bệ thờ, nhét tiền lẻ vào tay thần thánh, xả rác khắp nơi… Đó là chưa kể đến nạn buôn thần bán thánh, xung quanh đình, chùa chẳng khác gì những cái chợ trời, đủ loại tệ nạn được dịp phát sinh.
Tại sao cứ nhất định phải tranh với cướp mà không là xếp hàng theo thứ tự khi những cái được gọi là “lộc thánh” ấy cũng chỉ mang giá trị biểu tượng, cái nào cũng như cái nấy, chẳng khác biệt là bao.
Câu hỏi đặt ra là vì sao không ít người chấp nhận mất tiền bạc, thời gian để đổi lấy những điều mà họ cũng chẳng thể kiểm chứng được trong các lễ hội bát nháo và hỗn tạp như vậy?
Theo tôi, thực trạng đó đang nói lên sự khủng hoảng niềm tin trong cuộc sống hôm nay. Không biết tin ai, tin vào điều gì, không còn phân biệt được chuyện đúng – sai. Cho nên việc cậy dựa vào thần thánh, tìm sự chở che của những thế lực siêu nhiên là điều tất yếu.
Và cứ thế, không ít người cứ hồn nhiên làm những việc hết sức phản cảm, dã man để cầu mong tìm kiếm tài lộc, sự bình an hay may mắn cho chính mình.
Theo các tổ chức bảo vệ động vật, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người chứng kiến hay trực tiếp thực hiện hành động tàn ác với động vật cũng có xu hướng bạo lực hơn đối với người khác trong cộng đồng.
Đăc biệt càng nguy hiểm hơn với trẻ nhỏ khi chúng chưa thể phân biệt đâu là thật hay giả của một hành vi chém giết trong một lễ hội hay giữa đời thường. Đó là chưa nói đến thời đại công nghệ này càng khiến những hình ảnh phản cảm ấy có thể lan truyền khủng khiếp qua những chiếc smartphone có mặt khắp nơi.
Trong thực tế, có những lễ hội quy mô lớn, thu hút hàng triệu lượt người tham gia như lễ hội Chùa Bà Thiên Hậu (Thủ Dầu Một), lễ hội Bà Chúa Xứ (Châu Đốc), lễ hội Núi Bà Đen (Tây Ninh), lễ giỗ Thiên Hộ Vương (Tháp Mười) được tổ chức khá bài bản, trật tự. Có nơi còn phục vụ miễn phí cơm chay nên hạn chế được nạn buôn bán xô bồ, “chặt chém” người tham dự.
Chính sự phối hợp tổ chức, quản lý hiệu quả từ ban tổ chức đến chính quyền địa phương đã ít nhiều tác động, làm thay đổi ý thức người tham gia, hạn chế được hành vi lệch chuẩn của họ.
Năm 2019 là năm đầu tiên Nghị định 110 về quản lý và tổ chức lễ hội có hiệu lực, trong đó quy định rất rõ về chức năng và nhiệm vụ của các địa phương. Đã đến lúc những hành vi phản cảm, dã man, cổ võ bạo lực, không phù hợp với cuộc sông văn minh cần được mạnh dạn loại bỏ.
Tuy nhiên, để có được sự thay đổi từ nhận thức đến hành vi ứng xử của mỗi người khi tham gia lễ hội là một quá trình cần có thời gian. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng, ban tổ chức cùng các địa phương cần thực hiện hiệu quả vai trò giáo dục, định hướng lẫn giám sát, kiểm tra của mình nhằm góp phần lành mạnh hóa các kỳ lễ hội.
CHUNG THANH HUY
Theo Tuoitre.vn