Nhà tiểu thuyết Huỳnh Thị Bảo Hòa

Trong đội hình khoảng 30 nhà tiểu thuyết thế hệ thứ hai, những người được xem là đặt nền móng chuẩn bị cho giai đoạn tăng tốc của văn xuôi Việt Nam vào những năm ba mươi trở về sau, chúng ta mới thấy thấp thoáng chỉ có 2 gương mặt đại diện cho Trung Kỳ: Lê Dư và Phan Khôi, song dường như mục tiêu sự nghiêp của họ không dành cho văn xuôi. Tuyệt nhiên không thấy một bóng hồng nào “hành nghề” văn xuôi. 

Chân dung nhà tiểu thuyết Huỳnh Thị Bảo Hòa

Trong khi đó, tiểu thuyết Tây phương mỹ nhơn đã được ấn hành từ năm 1927. Đây là cuốn “luân lý tiểu thuyết” của nữ tác giả Huỳnh Thị Bảo Hòa, người làng Đa Phước, Hòa Minh, Hòa Vang (nay là Liên Chiểu, Đà Nẵng) viết ở Đà Thành mùa thu Bính Dần 1926, được in thành 2 tập (tổng cộng 76 trang khổ 14x20cm) tại nhà in Bảo Tồn, 36 bis phố Bonnard, Saigòn 1927. Cuốn tiểu thuyết này đã vinh dự được cụ Huỳnh Thúc Kháng viết lời tựa, nhà thơ Tản Đà viết lời đề tặng, nhà báo Bùi Thế Mỹ viết lời bạt. Và cuốn sách cũng được ông Diệp Văn Kỳ, chủ bút tờ Đông Pháp thời báo giới thiệu ở mục điểm sách ngay số ra đầu tiên của trang Phụ trương văn chương trên tờ Đông Pháp thời báo số 635, ra ngày 14-10-1927. Đấy là tất cả vinh dự ngay lúc sinh thời của tác phẩm. Nhưng éo le thay, hơn 70 năm qua cuốn tiểu thuyết đã rơi vào quên lãng, và vị trí tiên phong của một nhà tiểu thuyết phụ nữ như tác giả đã bị bỏ qua.

Gần đây, nhờ vào công phu khảo cứu của nhiều nhà nghiên cứu, đặc biệt là ông Thy Hảo Trương Duy Hy, chúng ta được tận mắt có trên tay cuốn tiểu thuyết Tây phương mỹ nhơn của Huỳnh Thị Bảo Hòa in cùng các tác phẩm khác của bà trong cuốn Nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa, Người phụ nữ viết tiểu thuyết đầu tiên (NXB Văn học, Hà Nội, 2003).

Trên góc độ của người đọc tiểu thuyết, tôi xin đưa ra một số ý kiến tham khảo sau:

  1. Tây phương mỹ nhơn là cuốn tiểu thuyết đầu tiên được một người phụ nữ Việt Nam viết ra, và tác giả cuốn sách này không ai khác chính là bà Huỳnh Thị Bảo Hòa, nữ sĩ người Đà Nẵng. Điều này bác bỏ một ngộ nhận trước đây cho rằng Anh Thơ với tác phẩm Răng đen (in năm 1944) là người viết tiểu thuyết đầu tiên.
  2. Tây phương mỹ nhơn là một cuốn tiểu thuyết chứa đựng trong nó tất cả những nhược điểm cơ bản của một cuốn tiểu thuyết ở thời kỳ chuyển giao văn học: Nhân vật nguyên phiến theo mô hình đạo đức truyền thống trọng nghĩa khinh tài, đại diện cho một phẩm hạnh nào đấy không đổi thay, bất chấp hoàn cảnh; Hình thức nghệ thuật chưa thoát khỏi nghệ thuật “tiểu thuyết” cổ (cốt truyện được coi trọng hơn vấn đề, hành động được chú ý hơn tâm lý,…); Sử dụng nhiều chi tiết mang tính công thức, điển cố; Kết cấu chương hồi theo bố cục cổ điển: Gặp gỡ – Lưu lạc – Đoàn viên với kết thúc có hậu; Sự phát triển chuỗi sự kiện trong tác phẩm theo chiều tuyến tính; Ngôn ngữ còn đậm chất biền ngẫu, nhiều Hán ngữ, chưa có tính cá thể hóa; Nhân vật có ít nhiều tính cách “duy ý chí”; Điểm nhìn trần thuật của người kể chuyện đơn giản ở ngôi thứ ba theo kiểu “thượng đế biết tuốt”; Ở nhiều đoạn, tác giả còn “xông vào” diễn giải bình luận các sự kiện, hiện thực được phản ánh một cách lộ liễu,…
  3. Dù tác phẩm còn nhiều mặt hạn chế về mặt hình thức nghệ thuật như vậy song những đóng góp của tiểu thuyết Tây phương mỹ nhơn là rất lớn và cần thiết phải được nhận thức rõ trên nhiều phương diện.

Điều đáng nói đầu tiên về mặt nội dung tư tưởng của tác phẩm là đột phá vào đề tài thế sự – đời tư. Đề tài, cốt truyện, nhân vật theo như cả ba danh gia nói trên đều khẳng định là lấy từ nguyên mẫu có thật của vùng đất Tam Kỳ Quảng Nam. Tác phẩm được xem là tiểu thuyết đạo lý, nhưng tác giả không thông qua những gương đạo đức tiết nghĩa của người xưa mà lấy một sự kiện có thực ở vùng đất Quảng Nam để làm cơ sở cho sự hư cấu.

Mặt khác, trong lịch sử văn học kể từ trước 1930, bạn đọc chỉ chứng kiến 2 nhân vật là người nước ngoài xuất hiện trong tác phẩm văn chương Việt Nam, một đó là người thiếu phụ Tây phương trong bài thơ Dương phụ hành của danh sĩ Cao Bá Quát, người thứ hai chính là nhân vật Bạch-Lan trong Tây phương mỹ nhơn. Gương mặt người thiếu phụ Tây phương trong thơ Cao Bá Quát xuất hiện một cách lờ mờ qua cái nhìn lơ đễnh của nhà thơ chỉ đủ để gợi cho ông những suy ngẫm về hạnh phúc gia đình trên đường tha hương mà thôi. Trong khi đó Bạch-Lan của nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa hiện lên tương đối đầy đặn với số phận riêng, cá tính riêng trong tư cách là nhân vật trung tâm của cuốn tiểu thuyết. Đấy là cả một bước đột phá của bà so với nền tiểu thuyết Việt Nam nửa đầu thế kỷ. Đấy là chưa nói, bà đã xây dựng một hệ thống đông đảo nhiều nhân vật là người nước ngoài như ông bà Đạt-Văn, tay cự phú Mĩ-Sen, công tử Sĩ-Vinh. Bối cảnh diễn ra câu chuyện là trước và sau Đệ nhất thế chiến, rất gần với thời điểm tác phẩm ra đời. Do chọn lựa một hệ thống nhân vật như vậy nên không gian câu chuyện được mở rộng hơn bao giờ hết. Người đọc thấy trong truyện đan xen nhiều không gian: làng quê, thành thị, công đường, khách sạn của Việt Nam, rồi nước Pháp, chiến tranh,… giữa thời hiện tại. Rõ ràng đây đúng là hành động của nhà tiểu thuyết khi tác giả đã hướng thẳng ngòi bút của mình về cái đang diễn ra hàng ngày trong sinh hoạt xã hội, mở rộng phạm vi phản ánh theo quy mô rộng lớn hơn, gần với sự thực hơn.

Trong Tây phương mỹ nhơn, người đọc không tìm thấy một nha lại quan viên nào tốt đẹp cả. Tinh thần phê phán triệt để như vậy thể hiện rất rõ ý thức xã hội sâu sắc của một nhà văn. Ở đó nữ sĩ đã đứng về phía con người, không chỉ đơn giản theo tinh thần khuyến thiện trừng ác vốn có trong cảm quan văn học truyền thống, hay theo mô hình một tiểu thuyết đạo lý như bà từng ghi đầu sách mà với một ý thức phê phán đậm màu sắc hiện thực. Vươn xa hơn, cái nhìn dân chủ của một trí thức thị dân ở một thành phố nhượng địa đã giúp bà có một quan niêm tự do rộng mở hơn với những gì là ngoại lai. Dù trong tác phẩm, đôi lúc bà có những lời ca ngợi nước Pháp và văn hóa Pháp, đôi lúc bà còn nhìn một cách hời hợt những vấn đề chính trị diễn ra trong quan hệ Pháp – Việt đầu thế kỷ, nhưng trên hết vẫn là cảm quan nhận thấy những ngọn gió bình đẳng tự do thông thoáng đã bay qua trên xã hội mới mà bất kỳ sinh mạng nào trên mặt đất cũng cần có nó.

Rõ ràng với những điều dễ diện kiến qua tác phẩm độc đáo này, một lần nữa có thể khẳng định rằng, trong những trang lịch sử Duy Tân vang dội của xứ Quảng, trong những dòng lịch sử văn học mỏng tang của Thành Đà, chúng ta thấy cần phải dành cho nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa những dòng chữ khẳng định xác đáng trên các phương diện như: tư tưởng duy tân trong xã hội; tư cách mở đường cho văn xuôi tự sự (không chỉ của văn chương xứ Quảng mà của cả văn chương Việt Nam); tư cách khai phá đề tài về người phụ nữ chống lễ giáo và định kiến xã hội để bình đẳng, tự do; cả tư cách khai phá đề tài người ngoại quốc trong văn học nữa,…

Việc NXB Văn học tái bản tiểu thuyết Tây phương mỹ nhơn của nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa sau hơn 70 năm bị lãng quên là một sự kiện văn hóa của xứ Quảng, bởi nó không chỉ bồi đắp mạnh hơn cho vốn văn hóa còn ít ỏi của xứ Quảng – Thành Đà mà đặc biệt đã trả lại cho nhà văn một chỗ đứng xứng đáng trong lịch sử văn học và Duy tân của Thành phố, thay đổi một vài định đề thiếu chính xác đã trú ngụ xưa nay trong lịch sử văn học, đồng thời làm sáng tỏ một vài giả thuyết quan trọng khác về văn chương xứ Quảng. 

Nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa (1896-1982) là người làng Đa Phước, Hòa Minh, Hòa Vang (Đà Nẵng). Bà tinh thông chữ Hán, chữ Quốc ngữ và Pháp văn, đã từng tham gia các hoạt động duy tân xã hội và là Hội trưởng Nữ công Học hội Tourane từ đầu thế kỷ 20. Nữ sĩ còn là thông tín viên cho các báo: Thực nghiệp dân báo, Nam Phong (Hà Nội), Tiếng dân (Huế), Đông Pháp thời báo, Phụ nữ tân văn (Sài Gòn), viết văn và biên khảo. Các tác phẩm nổi tiếng của Bà như: Chiêm Thành lược khảo (1936, nghiên cứu), Tây phương mỹ nhân (1927, tiểu thuyết), Bà Nà du ký (1931),… Đặc biệt, với tiểu thuyết Tây phương mỹ nhơn, nữ sĩ được xem là người phụ nữ đầu tiên viết tiểu thuyết của văn học Việt Nam. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài nghiên cứu mới nhất về cuốn tiểu thuyết này.

Lê Quang Đức

 

Cùng chuyên mục