Víp của làng
… Ở cái làng này, dễ ai víp như hắn. Một bữa, đang lang thang “công vụ” ở tận Nam Phước (cách làng tới trên bốn chục cây số) giữa trưa nắng đổ lửa, hắn được một anh công an giao thông xuất 70 ngàn tiền túi thuê xe ôm chở về tận làng. “Công vụ” của hắn thường là hai việc chính: bắt gỗ lậu và đi dự… đám ma! Đám lâm tặc, buôn gỗ vùng thượng nguồn Thu Bồn (Quảng Nam) này mỗi lần thấy Nhi khùng là sốt vó. Còn đám tang nào mà thiếu mặt hắn là cảm thấy “thiếu” một cái gì …
Trưa nắng chang, tôi xe máy chở hắn lên rừng Khe Diên. Hắn, đầu phơi trần, vai vác cây đờn ghita, cười ngơ ngơ. Cả làng nhìn theo, cười, ơ kìa thằng Nhi “khùng”, bữa ni lại vác … đờn đi công vụ, oách chưa. Tôi cũng ngơ ngơ cười, có lẽ nhiều người tưởng tôi cũng bị “khùng” như hắn !
Đường từ làng Trung Phước lên Khe Diên hơn hai chục cây số đi trên đầu mỏ than Nông Sơn, loang lổ nham nhở như vừa qua trận bom, dốc heo hút thăm thẳm lơi tay lái một chút là gieo xuống vực. Thì như anh bạn đồng nghiệp cùng đi với tôi đấy thôi, xui rủi thế nào cả người lẫn xe nhào bên mép vực, cả lũ xanh mắt. Tôi đã lạ đường, lại thêm hắn ngồi sau không chịu yên, cứ chồm lắc dữ dội. Đó là khi hắn thấy từng đoàn lâm tặc ngược xuôi trên đường như trẩy hội. Từng đàn trâu mộng, số kéo gỗ về thì khật khừ mệt mỏi, số đi lên thì hào hứng, rồi xe chở gỗ, kèm theo là những tốp người vai balô giắt bên cây rựa, có cả những thanh niên dẫn theo chó săn … Hắn hết quay sang bên này lại ngoắt sang bên kia, miệng la rần trời : “Lâm tặc, trời ơi, còn chi là rừng nữa hở trời ?! Ông đưa máy điện thoại đây, để tui báo kiểm lâm bợ hết tụi nó đi cho rồi …”. Rồi hắn chỉ mặt từng người đang đi, kêu vanh vách họ tên, làng xóm nhà cửa, kêu cả tên cha mẹ họ ra mà réo, mà “kể tội”. Đám người chẳng ai lạ gì Nhi khùng, chỉ nhe răng cười, nhưng cũng có mấy thanh niên trừng mắt rút ra cây rựa sáng loáng. Tôi phải hạ giọng năn nỉ hắn tạm yên đi tôi còn đi xe, mãi hắn mới chịu ngậm miệng, nhưng ấm ức lắm.
Lên tới thuỷ điện Khe Diên, hắn lại phát khùng khi thấy cây, gỗ ngổn ngang. Đây vốn là cửa rừng nơi tập kết gỗ để chở về xuôi. Hắn chắp tay sau lưng, ầm ầm quát tháo đám người đang kéo gỗ. Anh Tám Độ, nguyên là công an xã Quế Phước, giờ về làm dân, đứng gần đấy, cười : “Hắn là Lê Phước Nhi kêu tui bằng cậu đó, nhà ở thôn 4 Quế Ninh, năm ni cũng hơn bốn chục tuổi rồi. Từ cách đây gần 2 chục năm hắn đã chuyên lùng sục tìm gỗ lậu, rồi số khai thác trầm, vàng để báo công an kiểm lâm tới bắt. Cả vùng ni ai chẳng biết chuyện có lần hắn báo kiểm lâm bắt chính ông già của hắn khi đang phá rừng. Từ đó ông già hắn tởn luôn, bỏ không dám hành nghề nữa. Giờ hắn vẫn vậy, kiểm lâm, công an từ xã tới huyện, rồi tới tỉnh hắn đều vanh vách”. Vì sự “quen biết” rộng khắp ấy, mà ở cái làng dễ ai víp như hắn. Đang lang thang cuốc bộ giữa trưa nắng nhễ nhại, ô tô của công an huyện ngang qua, đỗ xịch rước hắn lên cho đỡ … mỏi chân ! Một bữa, đang lang thang “công tác” ở tận Nam Phước (cách làng tới trên 4 chục cây số) giữa trưa nắng đổ lửa, hắn được một anh công an giao thông xuất 70 ngàn tiền túi thuê xe ôm chở về tận làng. Bởi ai cũng thương hắn, cái thằng khùng rất tốt tính, và có ý thức chống cái xấu cái ác đến cùng. Trong đó là lâm tặc, thứ mà hắn ghét từ trong xương cốt, mà chẳng rõ vì sao. Sau này, trò chuyện với ông Trương Đức Mười – Hạt trưởng kiểm lâm huyện Quế Sơn, rồi ông Nguyễn Hồng Sơn – Trạm trưởng kiểm lâm Trung Phước, cả hai bật cười khà khà khi nghe tôi hỏi về Nhi khùng: “Cái thằng đó hả, tội lắm, ghét lâm tặc số một. Mà cũng lạ, mù chữ, chỉ đi bộ thôi nhưng cái gì cũng biết, đến chỗ nào cũng thấy mặt hắn. Tuy tin tức của hắn nhiều lúc trật vuột, nhưng anh em chúng tôi cũng nhiều lần theo hắn đi bắt gỗ có kết quả. Thưởng tiền hắn không chịu lấy. Dân buôn gỗ thấy hắn là sợ sốt vó”. Quả vậy, nghe dân làng kể, sau chuyến hắn lên Khe Diên, đám lâm tặc vội “sơ tán” gỗ đem giấu biệt, mấy ngày sau mới dám thò mặt …
Bữa về lại làng, mấy anh bạn đồng nghiệp của tôi xúm lại hỏi đùa hắn “nếu được làm chủ tịch xã, thì chọn xã nào ?”. “Quế Lâm – hắn đáp dứt dạc – vì Quế Lâm phá rừng như tinh, tôi phải trị bằng hết”. “Còn nếu được làm chủ tịch huyện, thì sẽ làm gì trước ?”. “Thì lập tức cấm phá đốt rừng, cấm tiệt. Làm thuỷ điện gì mà phá rừng kiểu nớ, thuỷ điện cái gì !”.
Dự 365 đám tang mỗi năm!
Ông Nguyễn Văn Thức trong đội trợ tang của Trung Phước: “Hầu như tất cả tang ma của cả mấy xã miền Tây Quế Sơn này hắn đều có mặt, có ngày tới vài ba đám, tính sơ sơ mỗi ngày một đám. Cũng lạ là cả vùng núi non rộng mênh mông thế này, không hiểu sao ngồi một chỗ mà hắn biết nhà họ ở cách đó cả chục cây số có đám để đến ? Mà toàn đi bộ, chẳng ai theo kịp. Có lẽ là thiên tư, chịu không hiểu nổi”. Cái lạ nữa của Nhi khùng là không đi đám cưới, đám giỗ, mà chỉ đi đám ma. Hôm về Trung Phước dự đám tang cha của một đồng nghiệp, tôi tận mắt chứng kiến điều này. Hắn xăn quần gánh nước, rồi lăng xăng phụ giúp gia đình dựng rạp, thức cả đêm đánh chiêng trống, đến khi mai táng lại khiêng cờ phướn, âm ly. Xong việc là biến mất, khi gia đình mời trả ơn, hắn không hề quay lại. Nhưng lại hì hục giữa trưa nắng lội ruộng ra mộ cách đó 3 cây số để “giám sát”, đề phòng tốp thợ xây mộ … “rút ruột công trình” ! Nhuyễn “nghề” hậu sự đến mức hắn dám “sửa lưng” ông Tổng của đội trợ tang nhiều câu khi hành lễ như “Truyền bổn đội”, chứ không phải “Hỡi bổn đội”, hay như mấy chữ “ngũ châu” chứ không phải “năm châu”, ai cũng gật gù khen phải. Đó là hắn học mót được từ các đám hậu sự khắp làng trên xóm dưới. Hắn thuộc lòng lời ông Tổng trong đám tang, hát thuộc làu cả kinh cầu siêu của mấy ông sư, với cái giọng thuốc lá khê đặc nhưng rất có hồn. Chú Lê Hai trong đội trợ tang của thôn, thường giữ vai trò ông Tổng sinh, quý hắn như con mình. Bởi hắn luôn lẽo đẽo theo chú đi khắp nơi làm việc nghĩa. Hắn kể, trong đời hắn, đám tang cùng lúc của 18 em học sinh mỏ than Nông Sơn thiệt mạng trong vụ chìm đò ở bến Cà Tang năm 2003 khiến hắn đau nhất, cả tuần sau vẫn không nuốt trôi miếng cơm, mỗi khi nhớ lại là ứa nước mắt. Những đứa nhỏ thường ngày vẫn đùa nghịch với chú Nhi bên bến sông, giờ một lượt kéo nhau đi hết. Mấy ngày liền, hắn quanh quẩn ở lại với các em và lẽo đẽo đưa những đầu xanh tuổi trẻ non nớt ấy đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Hiền lành tốt bụng, không hề tắt mắt tham gian, nhưng hắn cũng khiến người làng chưng hửng vì nhiều trò nghịch. Khai giảng, thầy cô trường làng thấy hắn hì hục bưng tới cái chậu kiểng thiệt đẹp, nói là của nhà đem tặng. Mấy bữa sau có ông cán bộ xã đến trường họp phụ huynh, mới té ngửa ra khi thấy cái chậu kiểng cưng quý của mình, giờ đang được … trưng trang trọng ở trường ! Biết ai thiếu cái gì, hắn vui vẻ đem “tặng” liền. Ở cái làng này, lâu lâu người ta lại “ớ” lên một tiếng khi phát hiện đồ của mình người khác đang dùng, bèn chửi hắn một câu, nhưng chẳng ai để bụng, lại còn thấy vui vì cái trò nghịch lạ đời của hắn. Một biệt tài rất lạ của Nhi khùng, đó là trí nhớ, dù theo y học thì hắn mắc bệnh mất trí. Ông Nguyễn Văn Thức (thôn Trung Hạ) trầm trồ: “Trí nhớ của hắn thật siêu phàm. Người bình thường như tui đây giỏi lắm chỉ bằng một phần mười của hắn. Cán bộ khắp các xã ở huyện, rồi các ban ngành của huyện, của tỉnh cho tới trung ương, hỏi ông nào đang giữ chức vụ gì, ông nào lên ông nào xuống, hắn thuộc làu làu. Mà hắn nào có một chữ bẻ đôi !”. Tôi và mấy anh bạn đồng nghiệp từng ngồi “trắc nghiệm” hắn cả buổi, hắn đáp nhanh và chính xác đến mức khó tin, với cách diễn đạt rất ngắn gọn, súc tích.
Một trái tim nhân hậu, yêu ghét rạch ròi, và một trí nhớ cùng cách nói chuyện cuốn hút, đã khiến hắn nghiễm nhiên trở thành víp của làng. Hắn tới đâu là vui tới đó. Nên cũng chẳng có gì lạ, nếu một lần lên vùng đất này, bạn được nghe ai đó mắng con, rằng “sao mày không được bằng nửa cái thằng Nhi khùng cho tao… nhờ ! ”.
Trần Tuấn