Làng nơi ngã ba sông

Lững lờ dưới chân cầu Tam Kỳ, con sông cùng tên tình cờ phân chia đôi bờ một nhánh đất xứ Quảng. Dải đất bên bờ hữu ngạn là xã Tam Xuân 1 của huyện Núi Thành, bên ni tả ngạn là làng Hương Trà của thành phố Tam Kỳ. Nơi ấy, cứ độ tháng Tư về, lại có một mùa hoa nở vàng bên sông.

lang-noi-nga-ba-song
Vườn Cừa, làng Hương Trà, phường Hòa Hương, thành phố Tam Kỳ – nơi có hàng sưa cổ thụ soi bóng.

Những mùa vàng bên sông

Suốt những năm tháng học trò cho đến ngày trở thành sinh viên rồi tốt nghiệp theo nghề viết lách, người viết đã từng lang thang ngắm cây sưa vàng trổ hoa giữa một góc cánh đồng Tiên Phước, nhìn hàng sưa đều tăm tắp ở vùng trung du Nông Sơn hay đâu đó ở thị trấn Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc).

Thế nhưng… vì có lẽ ưu ái quê nhà hay trân quý những điều thân quen, mà chưa thấy nơi đâu có sưa nở nhiều và đẹp như ở Tam Kỳ. Ở thành phố ngã ba sông này, sưa vàng được trồng dọc các tuyến phố, sân trường, khuôn viên các cơ quan Nhà nước, công viên… và đẹp nhất là ở khu Vườn Cừa thuộc làng Hương Trà (phường Hòa Hương).

Vào mùa sưa nở, chừng tháng Tư dương lịch, chỉ cần đứng trên cầu Tam Kỳ, phóng tầm mắt về phía Hương Trà, đã thấy màu vàng rực rỡ từ những cây sưa cổ thụ có tuổi đời xấp xỉ 300 năm phủ nguyên một khúc sông, bên dưới là mấy con thuyền dọc ngang giữa một dải hoa vàng.

Khung cảnh đó từng lọt vào nhiều thước phim, khung hình của các tay máy. Vẻ đẹp của hoa sưa góp phần tạo nên hình ảnh đặc trưng cho Tam Kỳ – thành phố từng hai lần được Tổ chức Định cư con người Liên Hợp Quốc tại châu Á (UN Habitat châu Á) bình chọn là “Thành phố Cảnh quan châu Á” vào các năm 2015 và 2017.

Trung tuần tháng 4/2021, Vườn Cừa tấp nập người dân và du khách gần xa tìm về khi UBND thành phố Tam Kỳ tổ chức chuỗi hoạt động du lịch trong khuôn khổ chương trình “Mùa hoa sưa 2021” như ngắm hoa, chụp ảnh, thưởng thức sản vật địa phương, triển lãm ảnh đẹp…

Phó Chủ tịch UBND thành phố Tam Kỳ Nguyễn Hồng Lai cho biết: “Năm 2019, thành phố đã tổ chức thành công lễ hội Mùa hoa sưa lần thứ nhất. Tuy nhiên trong năm 2020 và 2021 này, vì lý do dịch bệnh mà địa phương không làm lễ hội, thay vào đó là tổ chức các hoạt động quảng bá về đất và người Tam Kỳ cũng như đưa Hương Trà trở thành địa chỉ du lịch của tỉnh Quảng Nam”.

“Những ngày này, làng mình rộn ràng hẳn”, ông Ngô Ngoan (65 tuổi), người làng Hương Trà chia sẻ. Gia đình ông có 4 thế hệ, sống trong mái nhà ven sông nhìn ra Vườn Cừa. Mỗi ngày, tròm trèm mấy chục lượt khách ghé nghỉ chân nơi quán nước nhà ông, bẻ bánh tráng rôm rốp xúc mít trộn, ăn đĩa bánh bèo quê, hớp ly nước mía ngọt lành rồi ngả lưng dưới cánh võng bên hàng sưa lâu năm rợp mát.

“Thế hệ chúng tôi ngày còn trẻ đã thấy hàng sưa trên đường làng, trong vườn nhà. Người làng tôi, ai đi đâu cũng tự hào về những hàng sưa quê nhà, càng phấn khởi hơn khi được đón khách khứa gần xa tìm về trong những ngày hoa nở”, ông Ngoan nói.

Ông kể, mùa hoa sưa ngắn ngủi, hoa sưa thơm nhè nhẹ, một đợt hoa chỉ độ 3-4 ngày, mau nở mà cũng mau rụng. Như chứng minh lời ông Ngoan, anh Lê Võ Hiệp, một người mê chụp ảnh từ Đà Nẵng vào Hương Trà ngồi bên chặc lưỡi: “Đúng rồi, như sáng hôm qua, tôi thấy người ta quay phim đăng trên Facebook, hoa vàng thành tán rợp trời mà trưa nay vào đây chỉ còn thảm hoa vàng rụng dưới đất. Cái giống này chỉ cần một đợt gió to, mưa lớn là rụng sau một đêm. Ai không may là coi như lỡ hẹn”.

“Nhưng bù lại là hoa sưa rụng vẫn có vẻ đẹp riêng của nó, hoa rụng, để lại nguyên một thảm hoa vàng dọc đường quê. Không ai mà không thích, không nhớ cái màu vàng rực rỡ của loài hoa này”, ông Ngoan nói.

lang-noi-nga-ba-song
Con đường có tuổi đời hơn trăm năm nằm dưới hàng sưa, dẫn vào làng Hương Trà. Ảnh: XUÂN SƠN

Dấu xưa “Tam Kỳ tân lập xã”

Nhiều tư liệu tộc, họ Trần và Nguyễn ở Tam Kỳ có đề cập chi tiết năm Cảnh Trị thứ 8 (1669 – đời vua Lê Huyền Tông), đất Hương Trà được khai Bộ điền và lập nên “Vi tử Tam Kỳ tân lập xã”. Sang năm Cảnh Hưng thứ 27 (1767), đời Lê Hiển Tông (1740-1786), đất này chính thức có tên làng Hương Trà. Người trấn giữ vùng đất và có công quy tụ nhân dân lập xã Tam Kỳ là tướng thần Trần Văn Túc, ông được suy tôn thành Thành hoàng làng.

Từ Vườn Cừa ngược lên, có đình Tam Kỳ mà có cái tên thân thuộc hơn là đình Hương Trà. Theo thông tin tư liệu của Phòng Văn hóa – Thông tin thành phố Tam Kỳ, đình Hương Trà là nơi sinh hoạt văn hóa truyền thống của cư dân trong vùng; là nơi tưởng niệm, thờ cúng Thành hoàng làng Trần Văn Túc cùng các vị tiền hiền, hậu hiền.

Đình cổ có ý nghĩa giáo dục cho con cháu nối nghiệp xây dựng quê hương, hướng về tổ tiên và tri ân những bậc tiền nhân trong những ngày đầu lập nghiệp. Đình Hương Trà còn ghi dấu những phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân địa phương trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trải qua năm tháng, đình xưa được nhân dân trong vùng quyên góp tiền của, công sức trùng tu tôn tạo để phù hợp với giá trị vốn có.

Ngay tại Vườn Cừa, nhìn về phía xã Tam Xuân 1 của huyện Núi Thành có một cây cầu dẫn từ bờ sông ra doi đất nổi lên giữa sông Tam Kỳ. Doi đất ấy rộng chừng 3.000m2, được chính quyền và người dân địa phương quen gọi với cái tên “Cồn Chùa”. Nơi ấy, trong ký ức những bậc cao niên trong làng là nơi người làng lội ra bắt cá, bơi thuyền. Từ Cồn Chùa, nhìn về phía bờ sông là hàng cừa lâu năm, có cây thả cành xuống dòng nước khi trong khi đục.

Ông Ngoan kể, cừa ngày xưa nhiều hơn bây giờ, mà theo thời gian, thấy cây có thế đẹp, nhiều người “đua” nhau cưa cây về chưng làm cảnh hoặc bán. Chỉ còn địa danh Vườn Cừa là còn đó như một dấu xưa truyền kỳ. Bây giờ, nơi ấy đương có hàng trăm chiếc chong chóng đủ màu khoe sắc. Ông Nguyễn Hồng Lai, Phó Chủ tịch UBND thành phố Tam Kỳ cho biết, có tất cả 550 chiếc chong chóng, tượng trưng cho 550 năm danh xưng vùng đất Quảng Nam.

Rồi mấy ai biết, con đường bê-tông rợp bóng hoa sưa chạy dọc làng Hương Trà hôm nay đã có tuổi đời áng chừng một thế kỷ. Ông Ngô Ngoan kể, từ ngày trẻ, ông đã được nghe thế hệ trước kể nhiều về con đường có tuổi đời từ thế kỷ XIX này. Đường chạy từ đường Phan Châu Trinh “xuyên” qua các khối phố Hương Trung, Hương Trà Tây và Hương Trà Đông, dẫn về bến đò Ba Bến (nơi tiếp giáp của 3 con sông Tam Kỳ, Trường Giang và Bàn Thạch – PV).

Tương truyền, đường được gọi là đường “Cái”. Đường dài chừng 3-4km, là công sức gánh đất đắp đường trong nhiều tháng trời của người làng Hòa Hương và các vùng lân cận, nhằm giúp việc đi lại được thuận tiện, tránh cảnh “lấm quần, ướt áo”. Qua năm tháng, đến năm 2004, theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, con đường mòn ven sông năm ấy nay đã khang trang với bề cao 3m so với mặt sông.

Cuối tháng Tư, những đợt sưa vàng cuối cùng sắp tàn, trả lại cho đất, cho trời màu xanh thường ngày. Người viết theo chân đoàn du khách đứng trầm ngâm dưới “cụ” sưa có tên “cây sưa ước nguyện”. Gốc bám chặt, cành cong mà vững, ngả về hướng sông như lắng nghe lời nguyện cầu của bao thế hệ người Hương Trà. Họ, bao lần đứng dưới gốc thổ lộ tâm tư như một đức tin về mảnh hồn làng.

Trong Đề án phát triển du lịch Tam Kỳ giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn đến năm 2025, làng Hương Trà và phường Hòa Hương được chọn để phát triển du lịch gắn với phát triển nông nghiệp, phát triển kinh tế vườn và hình thành làng sinh thái phát triển du lịch cộng đồng. Làng Hương Trà đang giữ được vẹn nguyên cảnh quan làng quê cổ xưa, với các di tích văn hóa – lịch sử, có không gian nên thơ trữ tình và là điểm dừng chân khá thuận lợi trên trục đường Bắc – Nam.

 

Xuân Sơn

Theo Đà Nẵng Online

 

Link nguồn: https://baodanang.vn/channel/5399/202104/lang-noi-nga-ba-song-3879913/

Cùng chuyên mục