An – thư viện hạnh phúc

Ánh mắt trong veo của trẻ thơ. Giọng cười khúc khích vang lên khi đến một đoạn văn hóm hỉnh. Ở An’s book garden – nơi chúng tôi gọi là “Thư viện hạnh phúc”, bao giờ cũng tràn ngập không khí tươi tắn…

an-thu-vien-hanh-phuc
Nguyễn Thị Thanh Hoàng – chủ nhân An’s book Garden.

Không phải ở một không gian thật rộng lớn, “Thư viện hạnh phúc” của Nguyễn Thị Thanh Hoàng (sinh năm 1991) nép trong một ngõ nhỏ của thành La Qua cũ (phường Vĩnh Điện, Điện Bàn). Hẳn ở đó, xứ đất với dày dặn vốn liếng về lịch sử và văn hóa, phần nào thôi thúc để có một cô gái trẻ khác biệt, giàu tri thức, giỏi ngôn ngữ và sống vì cộng đồng.

Hành trình

Nhìn Nguyễn Thị Thanh Hoàng, rồi nghe cô kể chuyện, gương mặt lúc nào cũng lấp lánh. Đó có phải là sự thuần khiết của một người đang sống trong thế giới mình mơ ước? Tôi nghĩ hẳn như thế. Vì cô chủ của Thư viện hạnh phúc này, đôi khi phải “bù lỗ” cho những mê say của mình.

Hơn 6 năm, mỗi ngày trở về với không gian xanh này, nhìn thấy những bậc cha mẹ đọc sách cho con mình nghe, nhìn những em nhỏ quê mình thích thú lật giở từng trang sách, những nhọc mệt của ngày làm việc như vơi hẳn đi.

Thanh Hoàng là giáo viên dạy ngoại ngữ tại một trường quốc tế. Cách tiếp cận với trẻ em, như lời người phụ nữ trẻ này nói, giống như mỗi ngày đang đối thoại với những trang sách đầy lời hay ý đẹp.

Mỗi em nhỏ là một cuốn sách mà mỗi ngày lại nhiều hơn những bất ngờ tươi mới. Sâu thẳm trong lòng, hẳn Hoàng đeo đuổi việc thành lập một thư viện miễn phí không chỉ để lan tỏa niềm mê sách với cộng đồng.

an-thu-vien-hanh-phuc
Một giờ đọc sách cùng tình nguyện viên nước ngoài tại An’s book Garden. Ảnh: NVCC

Mỗi đứa trẻ lớn lên, nhìn người xung quanh mình để trưởng thành. Và nếu trên tay mỗi người lớn là một cuốn sách, thì hẳn nhiên, sẽ đưa trí tưởng của trẻ con đến mong muốn được khám phá. Và Hoàng muốn trẻ con quê xứ mình được lớn lên trong những dòng văn đẹp, những tư duy mở.

Năm 2015, An – “Thư viện hạnh phúc” theo cách Hoàng mong mỏi, ra đời. Từ đó đến nay, cô gom góp lương hằng tháng, trang trí không gian ngày một xanh hơn. Những kệ sách cũng dày dặn lên.

Và nhiều hơn những góc tương tác cùng sách giữa cha mẹ và con nhỏ. Dắt một cậu con trai lên 4 bước vào An’s book garden, chị Nguyễn Thị Kim Thoa (phường Vĩnh Điện) nói, mỗi đứa trẻ được vào không gian này là một đứa trẻ may mắn.

Thư viện của Hoàng nằm trên một con ngõ thanh bình, ít xe cộ. Tôi cứ hình dung con đường này lưu giữ trong nó vẻ đẹp cũ kỹ, lãng mạn của một Vĩnh Điện từng là nơi dừng chân của rất nhiều trí thức tài hoa.

Có lẽ, phải nói lại lần nữa, chính ở trong không gian với nội tại mạnh mẽ, phong phú như vậy, Hoàng mới được là mình, mới đủ cơ hội để đưa giấc mơ ấp ủ thuở nhỏ trở thành hiện thực.

Tôi khá tâm đắc với một hoạt động được duy trì suốt nhiều năm liền trong hệ thống trường học ở Pháp. Đó là chương trình “Im lặng đọc sách” trong vòng 15 phút trước khi giờ học bắt đầu.

Trong 15 phút đó, cả học sinh và giáo viên ngồi tại chỗ của mình, đọc sách trong im lặng. Với thiếu nhi, có thể chúng sẽ bắt đầu bằng tâm thế bị buộc phải ngồi yên. Nhưng 15 phút “im lặng đọc sách” hằng ngày trở thành một thói quen đầu ngày của trẻ.

Từ thói quen, thiết lập thành hành vi.  Đây cũng chính là tư duy của Thanh Hoàng khi bắt tay xây dựng thư viện cộng đồng tại nơi mình sống.

Nhưng Hoàng nói, mình cũng duy mỹ lắm. Thế nên thư viện không chỉ có mỗi sách dành cho mọi người. Nó còn là không gian mở ra với cây xanh, với những vật dụng tái chế để mỗi người tự dung dưỡng niềm yêu quý cỏ cây, trân trọng những giá trị của tự nhiên.

Người kiến tạo

May thay, trong suốt quá trình dựng xây thư viện, Hoàng không gặp bất cứ trở ngại nào từ người nhà. Những người thân sẵn lòng vun đắp để cô gái trẻ thực hiện giấc mơ của mình.

Sáu năm – xem như An’s book garden đã đi một chặng dài. Nhưng Thanh Hoàng còn khiến nhiều người sửng sốt hơn vì lại bắt tay làm một hoạt động khác.

“Vì hầu hết học sinh chỉ được dạy tiếng Anh tối thiểu ở trường, còn các gia đình có điều kiện sẽ gửi con đến các trung tâm tiếng Anh tư nhân vào buổi tối. Thật không may, nhiều gia đình không đủ khả năng để làm như vậy.

Lớn lên ở ngôi làng này, tôi nhận ra rằng trẻ em có nguy cơ bị bỏ lại phía sau. Điều này đã thúc đẩy tôi mở Bright Futures For Kids (BFFK) – một trung tâm tiếng Anh miễn phí và giảm giá dành cho trẻ em của các gia đình thu nhập thấp.

Chúng tôi cung cấp các lớp học, hội thảo hàng tuần và một thư viện mở cho trẻ em trong độ tuổi từ 6 đến 11. Mục tiêu của chúng tôi là mang đến cho học sinh một không gian để thực hành và phát triển các kỹ năng tiếng Anh của họ, từ đó sẽ giúp họ mở ra nhiều cánh cửa cho việc làm và các mối quan hệ trong tương lai” – Hoàng nói.

Việc kết hợp giữa thư viện và khơi mở tư duy ngôn ngữ cho trẻ, là cách để Hoàng vận hành chuyên nghiệp hơn những đứa con tinh thần của mình.

Mỗi Chủ nhật, An’s Book Garden lại trở thành điểm hẹn quen thuộc của những em nhỏ để nghe các tình nguyện viên nước ngoài đọc sách tiếng Anh. Trong không gian ấm cúng ngập tràn các loại sách, khoảng cách về ngôn ngữ như được xóa nhòa bởi sự chăm chú của bọn trẻ.

Các em đều thích thú và đọc theo sự hướng dẫn của cô giáo tình nguyện viên. Buổi đọc sách thường dừng lại ở một đoạn hấp dẫn nào đó, bằng những trò kết nối để trẻ em nắm bắt được nội dung và cũng mở ra cơ hội trải nghiệm ngôn ngữ cho các em.

SueLyn Ryan – nữ tình nguyện viên người Úc có một quãng thời gian dài tại An’s book garden, nói rằng cô rất thích thú với những điều tại đây. Ở đây, với SueLyn Ryan, không chỉ có sách, có cây xanh và nhất là có trẻ con. Trẻ con là điều mà mọi người lớn đều cần phải nâng niu. Nó hệt như một cuốn sách – SueLyn Ryan hay Hoàng, và cả chúng tôi, đều nghĩ vậy.

Ở An’s Book Garden, ngoài không gian đọc sách miễn phí cùng những đầu sách hay, Thanh Hoàng còn tìm hiểu và giới thiệu hàng trăm đầu sách thiếu nhi Việt Nam, sách song ngữ, sách giáo dục theo phương pháp mới đến với đông đảo các bậc phụ huynh. Cốt yếu vẫn là để mỗi bậc cha mẹ tập cách nuôi dưỡng văn hóa đọc cho con em mình tại gia đình. Hoàng có một cô con gái nhỏ.

Cô nói, mình cứ tâm niệm triết lý “nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình”, nên cứ cố gắng từng ngày một, vun dưỡng trong mắt nhìn và tâm hồn của cô gái nhỏ một thế giới thật trong, thế giới bắt nguồn từ những cuốn sách.

Ngoài An’s book garden, Thanh Hoàng còn mở một thư viện sách mini miễn phí ngoài trời, mở cửa 24/7. Cốt để phục vụ các em nhỏ mỗi khi An’s book garden đóng cửa. Thư viện mini này cũng là một điểm đến học tập, giải trí quen thuộc của nhiều trẻ con ở Vĩnh Điện.

Cô bạn đi cùng chúng tôi trong chuyến về An’s book garden, không dưng bật thốt lên: “Trong lúc nhiều người lớn bận bịu với điện thoại thông mình thì hình ảnh ba mẹ cùng các con của mình ngồi đọc sách như thế này mới đẹp bao nhiêu”.

Thanh Hoàng nói cô muốn mọi người cảm nhận được thông điệp mà mình gửi ở An’s book garden, rằng “bạn càng đọc nhiều, bạn càng biết nhiều; bạn càng đọc nhiều, bạn càng đi đến nhiều nơi”.

Chọn tên An cho thư viện mà mình sáng lập, Thanh Hoàng nói, từng ngày một, mình đón nhận sự an nhiên, hạnh phúc. Bởi giống như việc gieo một hạt mầm, những em nhỏ biết đến An, người lớn tìm đến An, trên tay là những cuốn sách. Chồi cây mang tên niềm mê sách, đang bắt đầu lớn dần với người xứ này. Từ An…

Lê Quân – Hoàng Oanh

Theo Quảng Nam Online

 

Link nguồn: http://baoquangnam.vn/phong-su-ky-su/an-thu-vien-hanh-phuc-110901.html

Cùng chuyên mục