Kể từ khi đầu tư vào Hàn Quốc từ năm 2016, Netflix đã chi 700 triệu USD, tạo ra 80 phim và loạt phim gốc ở Hàn Quốc. Tính đến cuối năm 2020, Netflix có khoảng 3,8 triệu tài khoản đăng ký thuộc phạm vi Hàn Quốc đăng ký nền tảng thu phí này.

“Trong 2 năm qua, Hàn Quốc được xác định là một trong những chìa khóa thành công của Netflix ở châu Á, một khu vực rộng lớn với hơn một nửa dân số thế giới. Những tác phẩm sản xuất tại Hàn Quốc và được cả thế giới xem trên Netflix” – Ted Sarandos, Giám đốc nội dung của Netflix, cho biết.

Hãng tư vấn Media Partners Asia nhận định Hàn Quốc là thị trường lớn thứ ba ở châu Á của Netflix, sau Úc và Nhật Bản. Nước này chiếm 15% doanh thu của Netflix từ châu Á – Thái Bình Dương vào năm 2020, dự đoán sẽ tăng lên 17% trong năm nay.

phim-viet-co-du-hap-dan-de-netflix-dau-tu
Kho phim Việt trên Netflix dần mở rộng. Ảnh chụp từ màn hình

Những phim Netflix đầu tư cho các hãng sản xuất Hàn Quốc thực hiện, chiếu trên nền tảng này có “Kingdom” lấy chủ đề xác sống của đạo diễn Kim Eun Hee, phim “Love Alarm – Chuông báo tình yêu” nói về cuộc sống con người khi bị công nghệ chi phối đến mức cao nhất… Nội dung mới lạ, câu chuyện đủ sức hấp dẫn, diễn viên diễn xuất tốt, đầu tư chỉn chu được xem là thế mạnh giúp những phim này tạo sức hút với khán giả đăng ký nền tảng Netflix.

Nhờ sự giúp sức của Netflix, thị trường phim Hàn Quốc vươn xa hơn, vượt tầm châu Á và dần tạo được tiếng vang tốt hơn ở tầm quốc tế. Những loạt phim được đổ vốn đầu tư nhiều hơn cũng mang đến những hiệu ứng cao hơn ở nhiều mặt.

Trong giai đoạn phim ảnh thế giới chịu tổn thất lớn bởi đại dịch Covid-19, các nền tảng phim thu phí như Netflix nhiều lợi thế khi vừa giúp phim có được cơ hội đến với khán giả vừa mở thêm kênh phát hành để nhà sản xuất thu lại vốn thông qua việc bán bản quyền.

Nếu có được nguồn đầu tư lớn như Hàn Quốc, thị trường phim Việt cũng sẽ tạo bứt phá. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam có đủ hấp dẫn để những nền tảng thu phí như Netflix đầu tư?

Hiện tại, phim truyền hình Việt đang phát triển trở lại với những tác phẩm có nội dung, diễn viên diễn xuất tốt hơn, vốn đầu tư cũng nâng cao. Một số phim tạo được sức hấp dẫn lớn với công chúng như “Về nhà đi con”, “Người phán xử”, “Hướng dương ngược nắng”, “Gạo nếp gạo tẻ”… Thị trường điện ảnh dù gặp khó khăn chung do dịch Covid-19 nhưng cũng nỗ lực để trở lại.

Netflix đang tăng dần sự quan tâm với thị trường phim Việt thông qua các hoạt động mua bản quyền làm đầy thêm kho phim Việt trên nền tảng này. Bà Trịnh Lê Minh Hằng, Tổng Giám đốc Công ty Skyline Media, cho rằng việc Netflix bỏ vốn đầu tư cùng nhà sản xuất Việt là xu hướng phải tới nhưng chưa thể nói trước là khi nào.

Khâu kịch bản Việt hiện vẫn chưa đủ sức thuyết phục nhà đầu tư. Nhà làm phim Việt cần phải sớm lên kế hoạch nâng chất từ khâu kịch bản cho đến kỹ thuật làm phim, chứ không thể thụ động chờ đạt thỏa thuận, được đầu tư rồi mới bắt đầu nâng chất.

Minh Khuê

Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

 

Link nguồn: https://nld.com.vn/van-nghe/phim-viet-co-du-hap-dan-de-netflix-dau-tu-20210314202523654.htm