Lắng nghe đất để trưởng thành

Từ một nhân viên ở tập đoàn lớn tại Sài Gòn, Tính trở về nhà, xắn tay áo lên để bắt đầu học về chú sâu, mảnh đất, vườn sầu riêng, mùi của đất và gió mà cha mẹ đã nuôi cậu trưởng thành.

Khởi nghiệp lắng nghe thiên nhiên

Lương Văn Tính, đồng sáng lập và điều hành chuỗi nước ép, sinh tố và trang trại trồng với thương hiệu trái cây tên NKN, đã được hai năm xây dựng và bắt đầu mở rộng chuỗi cửa hàng trong năm 2021.

Tính thường kể chuyện gắn bó với đất quê nhà bắt đầu từ cha mẹ. Dù sau khi tốt nghiệp đại học Ngoại thương TP.HCM, Tính trở thành nhân viên làm việc ở tập đoàn Unilever, nhưng “cái gốc” nông dân của cậu bắt nguồn từ vựa trái cây của cha mẹ từ hơn 20 năm trước. Tính kể lại: “Em sống và trồng cây từ nhỏ trong vườn nhà. Nhưng đến khoảng hơn hai năm gần đây em mới tìm hiểu bài bản, tham gia các nhóm chuyên về nông nghiệp sạch, khởi nghiệp nông nghiệp để học và tự bản thân trải nghiệm, làm thử trên cây trái vườn nhà.”

lang-nghe-dat-de-truong-thanh
Doanh nhân Lương Văn Tính.

Ban đầu, Tính thử nghiệm trên chính mảnh đất mà gia đình đang ở rộng khoảng 2.000 m2, trồng đủ loại trái cây nhiệt đới bản địa của miền Tây như sầu riêng, măng cụt, bưởi, cam, mít, xoài,… những loại cây ăn trái này rất hạp với thổ nhưỡng ở vùng Cái Mơn, Bến Tre. Đến nay, trang trại NKN đã mở rộng khoảng 40.000 m2 ở những nơi cặp các nhánh sông lớn có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp sạch lẫn du lịch sinh thái, miệt vườn sau này. Làm doanh nhân, nhưng Tính tự mình mày mò thử nghiệm những sáng kiến nông nghiệp sạch, như học sử dụng thiên địch để chống sâu bệnh, không dùng đến hóa chất, thuốc trừ sâu. Nhật ký làm vườn của Tính có đoạn viết: “Người nông dân nếu làm đúng thì phải quản lý cả mấy chục triệu “nhân sự” để có được trái ngọt. Mấy con giun, con vi sinh vật, thiên địch,… ôi thôi quá trời trong đất mà mắt ta không nhìn thấy được để quản lý nhưng không sợ bị “công ty khác” tuyển đi mất hay các bạn ấy không chịu làm việc mà bản thân người nông dân phải tạo ra môi trường tốt để các bạn ở lại cộng tác và các bạn khác ở vườn bên bò đến cùng làm việc cho mình. Các bạn không cần trả lương nhưng cần ăn để sống và làm việc như là phân chuồng, rác hữu cơ. Các bạn không cần máy lạnh nhưng cần độ ẩm, độ phủ nhất định để sinh sôi, nảy nở”.

Và khi mọi thứ diễn ra dưới lòng đất tốt đẹp theo kiểu “hòa khí sinh tài” thì cây cũng khỏe mạnh để đủ khả năng chống chọi lại sâu bệnh và cho quả ngọt thật sự. Còn nhìn thấy biểu hiện bất thường như vàng lá, chết nhánh hay sâu bệnh thì có thể là “nhân sự” đang đình công hay thiếu đói gì đó cần phải điều chỉnh lại cho hợp lý.

Hơn nữa, làm vậy người nông dân còn có thêm một tài sản quý không gì có thể so sánh được là sức khỏe cả về tinh thần và thể chất. Sản phẩm được làm ra cũng giúp cho khách hàng có thêm sức khỏe thế là cả nhà cùng vui và bền vững. Nông nghiệp vì sự sống là thế… cộng tác, cùng sống và phát triển”.

lang-nghe-dat-de-truong-thanh
Tính tại cửa hàng nước ép trái cây sạch.

Trong vườn trái cây khởi nghiệp NKN, các loại quả đều được nuôi dưỡng từ tự nhiên dưới ánh nắng của thiên nhiên và trong bầu không khí trong lành của miền quê Bến Tre. Vườn không phun thuốc, không hóa chất, quả chín cũng không cần phải bọc ny lông kín bưng hay che đậy bằng đủ loại xốp, túi. Tính kể: “Như nhiều nhà vườn “bảo bọc” trái cây hết cỡ, hết phun xịt sâu bọ lại đến bao bọc kín mít tất cả trái từ lúc còn non để côn trùng không thể tiếp cận, cây hết “đồ ăn” lại quăng phân, quăng thuốc chớ không lo cải tạo đất, nước, ánh sáng lẫn cắt tỉa cho phù hợp.”

Vườn cây trái sạch giờ đây được Tính tính toán kỹ, từ tận dụng thiên địch, trồng xen kẽ các loại cây mà sâu bọ không ưa, tưới nước đầy đủ, không phun xịt hóa chất. Từng ngày trôi qua, mùa nào thức nấy, các loại quả chất đầy sạp vườn đem phục vụ cho khách ăn tận Sài Gòn và tiệm nước ép trái cây NKN.

Khởi nghiệp làm nông dân, Tính dần cảm nhận được giá trị của những loại trái cây ngon lành đơm quả ở miệt vườn nhà. Nơi sầu riêng thơm phức, múi dày, ngọt lịm; măng cụt chắc nịch quả, nước mát lịm tan dần trong miệng. Tính nói, cậu muốn hoa trái ngon nhất mà vườn NKN trồng phải đến được tay khách hàng là người Việt Nam mình để còn thưởng thức đồ ngon và tự hào, chứ vườn nào cũng chăm chăm đi xuất khẩu thì bao loại trái cây thơm ngon hạng nhất chắc người Việt sẽ dần quên mất.

lang-nghe-dat-de-truong-thanh
Vườn cây nhà Tính.

Xoay trở cùng hạn mặn

Hạn mặn từ năm 2015 đến nay đã trở thành ám ảnh của người dân miền Tây. Nhiều thanh niên ở những vùng quê nông nghiệp rời mái nhà để đến Sài Gòn, Cần Thơ làm công nhân, đi lao động kiếm sống nuôi gia đình. Ngồi trong cao ốc văn phòng ở Sài Gòn, Tính suy nghĩ rồi quyết định… lội ngược dòng về quê – thay đổi để thích ứng với hạn mặn.

Tính kể lại: “Hạn mặn năm 2015-2016 qua đi mọi người còn bỡ ngỡ vì chưa từng gặp đợt nào hạn mặn khắc nghiệt và kinh khủng như vậy. Nhưng từ cuối năm 2019 đến hạn mặn 2020, thì người dân ở quê tôi mới hiểu đây là những dấu hiện trực quan nhất do biến đổi khí hậu và do những khai thác thiên nhiên quá mức mà con người gây ra. Những thuận lợi ở quê tôi rồi sẽ không còn nữa. Nếu mọi người không thay đổi cách làm ăn và tiếp cận đúng đắn với thay đổi này thì sẽ khó thích nghi, sẽ nghèo khổ khốn khó, sẽ chịu phận chặc lưỡi “người tính không bằng trời tính”.

lang-nghe-dat-de-truong-thanh
Farm nhà Tính nhìn từ trên cao.

Nhưng thay vì đợi nước rút trơ đồng, nước mặn tràn vào, Tính và gia đình cậu trang bị thiết bị đo độ mặn từ sớm, thường xuyên cập nhật tình hình hạn mặn trên Zalo chung của huyện để canh lịch tưới tiêu. Vườn trái cây của Tính đã có thêm mương rãnh để trữ nước ngọt đủ tưới từ 7-10 ngày. Khi độ mặn trong nước tăng cao, Tính sử dụng đến phần nước ngọt trữ sẵn này, thay vì tưới nhầm nước mặn có thể gây chết cây ăn trái trong vườn. “Hồi xưa người ta hay tiết kiệm tiền, thì giờ mình tập thói tiết kiệm nước, chứ không phung phí được,” Tính giải thích chọn lựa của cậu để thích ứng với hoàn cảnh nông nghiệp ngày càng vất vả ở miền Tây. Mùa khô năm 2020, miền Tây khô hạn nặng nề, nhưng vườn nhà Tính nhờ chủ động từ trước đã vượt qua giai đoạn khó khăn mà không bị nhiều thiệt hại.

Mỗi năm tháng đổ mồ hôi trong vườn để khởi nghiệp, Tính càng gắn bó với nhịp sống và vòng quay mà trang trại trái cây đem lại. Đó là buổi sáng ngồi làm việc có chú chim bìm bịp đậu ngay cửa sổ nhìn ngơ ngác, là “thiên đàng” cậu tự tay chăm sóc mỗi ngày, từ vườn quả, ao cá, từ những loại cây bản địa, tôn trọng không gian tự nhiên, từ bài học làm giàu cho đất để cây trái tự nhiên sinh sôi, không cưỡng ép đất đến kiệt cùng sức lực. Hơn nữa, Tính cảm thấy rất vui vì nông trại NKN có thể tạo thêm công ăn, việc làm cho người dân ở quê vốn có sức khỏe và cần cù, chịu khó. Một số hộ dân cũng thay đổi phương thức canh tác không bền vững khi họ thấy vườn nhà Tính làm có hiệu quả nên học theo, chịu khó làm cỏ chớ không sử dụng thuốc trừ cỏ khi biết rằng thuốc rất độc hại và cỏ cũng có thể giúp ích rất nhiều cho đất.

Khởi nghiệp như Lương Văn Tính, là để mỗi người Việt cậu phục vụ cây trái tận nhà đều ngạc nhiên xứ Cái Mơn miệt vườn Bến Tre kề bên đó mà thức quà nào cũng ngon lành nhất hạng đến vậy…

Bài: Khải Đơn. Ảnh: NVCC

Theo Ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục