Độc đáo Trà Kiệu!
Trà Kiệu là một di tích độc đáo: nơi mang dấu tích kinh đô cổ nhất của nước Lâm Ấp, một ngôi làng cộng cư Chiêm – Việt đã 550 năm, một giáo xứ Thiên Chúa giáo của buổi đầu truyền giáo.
Kinh đô Shimhapura (Kinh thành Sư Tử)
Thành Trà Kiệu (nay ở làng Trà Kiệu, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên) là ngôi thành được khai quật nghiên cứu nhiều nhất trong hệ thống thành cổ của Chămpa.
Cuộc khai quật Trà Kiệu đầu tiên và quan trọng nhất diễn ra suốt 10 tháng vào các năm 1927 – 1928 do J.Y.Claeys – nhà khảo cổ học nổi tiếng người Pháp thuộc trường Viễn Đông Bác cổ (EScole Francais Extreme Orient) thực hiện.
Cuộc khai quật lần này đã tìm thấy nhiều dấu vết kiến trúc của tòa thành cổ và tòa thành này hoàn toàn phù hợp với những thông tin về thành Điền Xung mà Lý Đạo Nguyên đã viết trong Thủy Kinh chú vào thế kỷ 7: “Thành ấy ở phía tây khúc sông là kinh đô Lâm Ấp, lập ở Điền Xung, cách bờ biển 40 dặm. Về phía tây nam giáp núi, phía đông bắc trông ra sông. Nhiều lớp hào bao quanh chân thành và bên ngoài các hào về phía đông nam sông chảy men bờ thành. Bề đông tây của thành thì dài, bề nam bắc thì hẹp. Phía bắc, sông uốn khúc chảy từ đông tây vào thành. Chu vi 8 lý 120 bộ. Thành xây gạch cao 2 trượng, trên thành có tường gạch cao 1 trượng, trổ lỗ vuông, trên dựng ván, trên ván có gác cất lên, trên gác có mái, trên mái có lầu, lầu cao thì sáu, bảy trượng; lầu thấp thì bốn, năm trượng… Cách kiến trúc mạnh nhưng vụng… Trong thành lại có thành nhỏ chu vi 230 bộ. Nhà họp và điện ngồi đều không trổ cửa về phương nam…”.
Ngoài ra cũng khai quật được nhiều tác phẩm điêu khắc quan trọng gồm đài thờ, tượng thờ, các tượng người, tượng thú như chim thần Garuda, rắn thần Naga, voi, sư tử. Nổi bật trong số đó là đài thờ Linga – Yoni có phần đế được chạm khắc cả 4 mặt với những biểu tượng về Vishnu và đài thờ “Vũ nữ Trà Kiệu”. Tất cả hiện vật này được trưng bày trong gian Trà Kiệu hoặc để trong kho lưu trữ của Bảo tàng Điêu khắc Chăm tại Đà Nẵng. Có thể nói gian Trà Kiệu là gian độc đáo hàng đầu trong tổng thể không gian trưng bày của bảo tàng này.
Một số hiện vật từ khai quật Trà Kiệu đợt này đã bị “lưu tán”. Nổi tiếng nhất có lẽ là những pho tượng lưu lạc, được trưng bày tại bảo tàng Guimet (Paris) và bảo tàng George Labit (Toulouse). Tại Bảo tàng Guimet có những pho tượng vũ nữ với dải băng (có kích thước 75 x 28 x 25cm). Các dãy vải dài và mỏng trên các pho tượng vũ nữ trông tương tự các hình trong giới thiên thần chạm trên đá ở Orissa, Ấn Độ vào thế kỷ 7; cũng rất giống những băng vải được các quý tộc và quyền chức dùng trong triều nhà Đường những thế kỷ 7 – 10 bên Trung Quốc. Ngoài các pho tượng vũ nữ còn có các tượng sư tử bằng sa thạch (với kích thước 145 x 140 x 40cm) trông rất hung dữ và một tượng voi rất dịu dàng, hồn nhiên gần như ngây thơ, đúng với bản chất hiền lành của voi Á Đông. Còn tại bảo tàng George Labit, hiện trưng bày 5 pho tượng Trà Kiệụ gồm: một con voi, một con sư tử, một đầu môn thần Dvârapâla, một nữ vũ công và một người trong tư thế cầu nguyện.
Hai lần khai quật gần đây vào các năm 1994 và 2013 tuy không có nhiều thông tin mới nhưng đã cũng cố thêm nhận định của lần khai quật năm 1927.
Độc đáo Trà Kiệu
Đến nay chưa đủ chứng cứ để xác định thành nhà Ngo (Quảng Bình) và thành Lồi (Huế) đã từng là kinh đô của nhà nước Lâm Ấp cổ thì Trà Kiệu chắc chắn là kinh đô cổ nhất của vương quốc này, từ thế kỷ thứ 3 đến thế kỷ thứ 8, được tìm thấy và vẫn còn dấu tích! Kinh đô Shimhapura có trước cả Virapura (Phan Rang, Ninh Thuận), Indrapura (Đồng Dương, Thăng Bình) và Vijaya (Đồ Bàn, Bình Định).
Mặt khác, giữa Mỹ Sơn và Trà Kiệu có mối quan hệ chặt chẽ với nhau: “Cùng với việc xây dựng kinh đô (Shimhapura), vị vua này đã hiến một vùng đất cho thần linh, hình thành nên trung tâm tôn giáo của vương triều, đó là khu di tích thánh địa Mỹ Sơn ngày nay. Tại Mỹ Sơn cũng xuất hiện những công trình kiến trúc tôn giáo mà di vật để lại có các đầu ngói ống có niên đại tương đương tìm được ở Trà Kiệu. Chắc chắn kinh đô Shimhapura đã tồn tại vào thời gian này với hai trung tâm lớn: kinh tế, chính trị và văn hóa là Trà Kiệu và tôn giáo là Mỹ Sơn..” (Lê Đình Phụng, Đối thoại với nền văn minh cổ Chămpa, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2015, trang 110).
Chính vì vậy khai thác du lịch ở Mỹ Sơn không thể tách rời Trà Kiệu. Du khách sau khi đến Mỹ Sơn phải được đến thăm Trà Kiệu để biết được một cách toàn diện lịch sử và văn hóa của người Chăm. Họ sẽ nắm được quan niệm “phong thủy” của người Chăm khi xây dựng kinh đô. Kinh đô luôn nằm bên một dòng sông vừa là hào lũy phòng thủ vừa là tuyến giao thông huyết mạch nối với Biển Đông. Trên một trục thẳng hàng dọc theo dòng sông có cung điện ở giữa, thánh địa ở phía sau, cảng thị ở phía trước. Không chỉ kết nối Mỹ Sơn với Trà Kiệu mà còn phải kết nối hai địa điểm này với Bảo tàng Guimet và George Labit, nơi có những bức tượng Chăm nổi tiếng.
Ngoài yếu tố Chăm độc đáo, Trà Kiệu cũng gắn liền với cuộc di dân mở cõi và việc cộng cư Chăm – Việt trên vùng đất này. Sau thời kỳ là kinh đô của Lâm Ấp, Trà Kiệu trở thành cựu đô. Giai đoạn 1471 – 1479, 13 chiến binh trong đội quân của Lê Thánh Tông đã ở lại xứ Đàng Trong, chọn vùng đất thiêng Simhapura ngày xưa làm quê hương mới của mình và thành lập nên xã Trà Kiệu.
Địa danh Trà Kiệu có lẽ ra đời vào thời kỳ lập làng. Theo các nhà nghiên cứu thì địa danh Trà Kiệu xuất phát từ cách gọi Chùm Chà trước đó, của những người Chăm. Chữ Chà có nghĩa là Chăm, đọc trại thành Trà còn chữ Kiệu có nghĩa là người ở nơi xa đến, Trà Kiệu dùng để chỉ những người từ Đàng Ngoài vào lập nghiệp tại vùng đất vốn là của người Chăm này. Kỷ niệm 550 năm danh xưng Quảng Nam (1471 – 2021) cũng là kỷ niệm một ngôi làng “cộng cư Chăm – Việt” tiêu biểu của Xứ Quảng!
Hiện nay Trà Kiệu là nơi mang nhiều dấu tích một cố đô của người Chăm, một làng định cư của những người “ở xa đến” mà còn là nơi có nhiều di tích của một giáo xứ Thiên Chúa giáo với nhiều kiến trúc cổ cách đây hơn 200 năm. Nhà thờ Trà Kiệu được xây dựng trên khuôn viên của thành cổ Shimhapura có lẽ vào năm 1772; tu viện được xây dựng năm 1867; nhà trưng bày truyền thống và nhà thờ Đức Mẹ được xây dựng năm 1898 trên ngọn đồi cao 60m. Gian giữa của giáo đường được xây dựng năm 1971 nhưng theo lối kiến trúc châu Âu thế kỷ 17. Trầm tích văn hóa Trà Kiệu vì thế vừa độc đáo lại vừa hết sức đa dạng!
Có một điều lý thú khi nghiên cứu về Trà Kiệu không thể không nhắc đến, đó là việc kinh đô này đã hai lần bị xâm lăng bởi người Trung Hoa. Lần thứ nhất do Đàn Hòa Chi, lần thứ hai do Lưu Phương chỉ huy vào các năm 446 và 605. Đặc biệt cả hai chỉ huy quân xâm lăng đều “trả giá” một cách thích đáng: Đàn Hòa Chi chết vì “trông thấy thần man di ám ảnh ông ta” còn Lưu Phương chết “vì bệnh chân voi khi rút quân khỏi kinh đô của người Chăm”.
Lê Thí
Theo Quảng Nam Online
Link nguồn: http://baoquangnam.vn/dat-va-nguoi-xu-quang/doc-dao-tra-kieu-107044.html