Dấu ấn âm nhạc của Vân Quang Long

Nụ cười răng khểnh cùng những bản nhạc trẻ về tình yêu tan vỡ giúp Vân Quang Long chinh phục khán giả thập niên 2000.

Sau khi ca sĩ qua đời hôm 29/12, trên mạng xã hội, nhiều khán giả chia sẻ lại các ca khúc của anh. Khán giả Trần Duy viết trên Facebook: “Một thời tuổi trẻ để dành tiền mua CD, miệng lúc nào cũng nghêu ngao các bài hát của Vân Quang Long. Tôi thích nhiều ca khúc như Thư cuối, Nợ duyên, Chiếc lá mùa đông, Cơn mưa đêm, Loài hoa trên thiên đường… Đến bây giờ vẫn còn nghe, mỗi khi hát karaoke vẫn tự động bấm chọn. Vĩnh biệt anh – thần tượng và một phần trong ký ức tuổi trẻ của tôi”.

Thập niên 2000, anh ghi dấu ấn trong làng nhạc Việt ở cả hoạt động nhóm và sự nghiệp solo. Sinh ra trong một gia đình nhà giáo nhưng ngay từ nhỏ, Vân Quang Long đã bộc lộ niềm yêu thích với âm nhạc khi thường nghêu ngao hát những ca khúc thiếu nhi. Năm lớp 5, anh đại diện cho lớp biểu diễn bài Bụi phấn (Vũ Hoàng – Lê Văn Lộc) tặng thầy cô nhân ngày 20/11, từ đó trở thành gương mặt quen thuộc trong các phòng trào văn nghệ của trường, lớp.

dau-an-am-nhac-cua-van-quang-long
Ca sĩ Vân Quang Long.

Yêu thích giọng hát của cậu học trò, nhiều thầy cô khuyên Vân Quang Long theo đuổi con đường chuyên nghiệp và giới thiệu anh tới một số tụ điểm ca nhạc. Từ đây, anh gặp nhạc sĩ Đỗ Quang và được mời tham gia nhóm nhạc 1088, cùng Ưng Hoàng Phúc, Nhật Tinh Anh, Nhất Thiên Bảo, Đình Thái Toàn. Ra mắt năm 2000, chỉ hoạt động hai năm nhưng 1088 trở thành một trong những ban nhạc nổi tiếng nhất thập niên. Năm chàng trai với ngoại hình bảnh bao, trang phục đồng nhất, vũ đạo tốt và phong cách trình diễn đa dạng chinh phục khán giả.

1088 hát những bản nhạc tình yêu giai điệu nhẹ nhàng, dễ nghe như Gửi tình theo gió (Anh Hoàng), Muộn màng khi em ra đi (Nhạc ngoại, lời Việt: Đỗ Quang), Anh nhớ em nhiều (Đỗ Đình Phúc). Riêng Vân Quang Long “hút fan” nhờ giọng hát trầm ấm, nụ cười hiền với chiếc răng khểnh. Năm 2002, nhóm tan rã, anh ký hợp đồng độc quyền với công ty Kim Lợi.

Sự nghiệp Vân Quang Long bước lên đỉnh cao khi tách ra solo, với loạt nhạc phẩm về tình yêu. Lúc chưa hết hạn hợp đồng với 1088, Vân Quang Long đã bỏ tiền làm CD riêng. Album đầu tay Xót xa, do chính anh sáng tác, không thành công vì thiếu hấp dẫn, quảng bá kém. Khi chuyển sang solo, anh có cơ hội được hát, sáng tác nhiều hơn. Sửa sai ở lần đầu, anh vùi mình sáu tháng trong phòng thu để chuẩn bị cho CD Thư cuối – Thôi ta chia tay, gồm tám bài. CD bán được hơn 5.000 bản – trở thành hiện tượng của làng nhạc Việt lúc bấy giờ.

Các ca khúc của Vân Quang Long chủ yếu khai thác chủ đề tình yêu tan vỡ với giai điệu nhẹ nhàng, phần điệp khúc “gây nghiện”. Thư cuối (Hồng Xương Long), Chiếc lá mùa đông (Thái Khang) khoắc họa nỗi đau của chàng trai hoài niệm về tình yêu đã qua. Bởi tin lời thề (Thái Khang) là tiếng lòng chua chát của người đàn ông khi trót tin vào lời hẹn ước trong tình yêu… Nhiều khán giả nói họ đồng cảm, nhìn thấy mình trong những lời ca của ca sĩ. Những câu hát trong phần điệp khúc được chia sẻ nhiều như: “Ngày xưa em thề làm gì/ Ngày xưa không yêu người tôi đâu phải đâu như ngày nay”…

Khi kết hợp Cẩm Ly, Vân Quang Long vẫn duy trì phong cách âm nhạc quen thuộc bằng cách tự viết lời cho nhiều bản nhạc Hoa. Tình ngàn năm thể hiện tình cảm sâu sắc của đôi tình nhân dù cách biệt âm dương. Anh cố quên em lại là khúc ca đau đớn của đôi trai gái khi chia tay, mỗi người một nơi.

Nợ duyên (Thái Khang), ra mắt năm 2004, là ca khúc hiếm hoi về tình yêu mang giai điệu tươi vui trong sự nghiệp của Vân Quang Long. Bài hát là lời đối đáp tinh nghịch của chàng trai, cô gái tuổi học trò. Chất giọng trong trẻo của Cẩm Ly hòa quyện nét ấm áp của Vân Quang Long khiến cả hai trở thành trở thành cặp song ca được khán giả yêu mến. Cẩm Ly cho biết ban đầu, cô e ngại vì cho rằng khán giả đã quá quen với việc cô hát cặp Đan Trường. “Dần dần, chị em kết hợp ăn ý, ra nhiều album và nhận được sự ủng hộ của khán giả, Tôi thương Long ở tính tình hiền lành, chăm chỉ làm việc, tuân thủ kế hoạch của công ty”, cô nói.

Sau này, dù không hát chung, cả hai giữ quan hệ thân thiết, luôn ủng hộ nhau. Trong liveshow Hắc – bạch công tử năm 2012 của Vân Quang Long, Cẩm Ly tới ủng hộ. Năm 2015, Cẩm Ly tổ chức liveshow Tự tình quê hương 5, Vân Quang Long góp mặt và song ca Anh cố quên em (Vân Quang Long), Lời cuối tình yêu (Nguyễn Vũ). Tối 29/12, khi đang ghi hình, Cẩm Ly bật khóc khi hay tin đồng nghiệp mất, phải dừng chương trình.

dau-an-am-nhac-cua-van-quang-long
Vân Quang Long là thành viên nhóm nhạc 1088 cùng Ưng Hoàng Phúc, Nhật Tinh Anh.

Ngoài nhạc trẻ, Vân Quang Long thử sức ở thể loại nhạc trữ tình, dân ca như: Gà trống nuôi con (Phi Bằng), Đời bắt tép nuôi cò (Phi Bằng), Bạc bẽo tình đời (Võ Quang Hân)… Trong bài phỏng vấn năm 2012, anh nói: “Tôi thích dòng nhạc dân ca từ bé. Dòng nhạc này có đủ cung bậc trầm lắng và lên cao, có thể tả được những tình cảm sâu đậm của người hát đến với người nghe”.

Bệnh giãn dây thanh quản ảnh hưởng giọng hát của Vân Quang Long. Từ năm 2010, do giọng bị khàn, khó hát nốt cao, anh hạn chế đi diễn. Năm 2012, trong liveshow kỷ niệm 15 năm tình bạn với Lâm Vũ, phần hát của anh được sắp xếp ít hơn. Dù vậy, anh vẫn thể hiện hết mình, biến hóa với nhiều phong cách. Bên dưới video biểu diễn của Vân Quang Long trên Youtube, khán giả Hữu Vi viết: “Phần trình diễn của anh ấy ít, giọng hát cũng không còn ấm áp như trước mà pha chút khàn khàn. Tuy nhiên, vẫn luôn yêu quý năng lượng, sự tỏa sáng của anh trên sân khấu”.

Năm 2016, tham gia cuộc thi Ngôi sao phương Nam, Vân Quang Long gặp tai nạn giao thông khi xe đâm vào dải phân cách. Bác sĩ yêu cầu băng cố định phần cổ và hạn chế ca hát trong một tháng. Tới ngày thi, anh đến trường quay, tháo nẹp cổ để biểu diễn. Đêm đó, anh thăng hoa với ca khúc Bản hùng ca chim lạc (Lê Quang) dưới sự hỗ trợ của ca sĩ Khánh Hoàng.

Ngồi ghế khách mời show Ca sĩ giấu mặt năm 2017, Vân Quang Long cho biết anh được mời làm ca sĩ chính của chương trình nhưng phải từ chối bởi giọng hát không còn được như trước. Cuối năm, anh cùng gia đình sang Mỹ định cư. Ca sĩ tập trung vào công việc kinh doanh nhà hàng, bất động sản. Thi thoảng, anh đi hát để vơi nỗi nhớ nghề. Năm nay vì dịch, anh phải làm lụng nhiều việc chân tay, phần để mưu sinh, phần để tích cóp thực hiện ước mơ đón vợ con sang Mỹ. Anh mất khuya 28/12 (giờ địa phương) vì đột quỵ, sau khi từ New York bay sang Missouri thăm cậu ruột.

Hiểu Nhân

Theo VnExpress

 

Link nguồn: https://vnexpress.net/dau-an-am-nhac-cua-van-quang-long-4213808.html

Cùng chuyên mục