Người giữ nghề gánh nước ở Hội An
Phố cổ Hội An có câu chuyện một người gánh nước thuê trong thời gian dài nhất Việt Nam được xác lập Kỷ lục Việt Nam vào năm 2014. Cứ ngỡ rằng cái nghề đầy thân phận ấy sẽ chẳng có ai nối nghiệp, nhưng nay lại có một truyền nhân.
Hằng ngày cứ vừa ửng sáng, tiếng dép loẹt quẹt của ông Nguyễn Quốc (62 tuổi) trên con hẻm và tiếng cót két của đôi thùng nước đã thành quen tai với những người dân ở đầu đường Trần Hưng Đạo. Ông đi đến giếng cổ Bá Lễ cách đường khoảng 200m.
Giếng cổ này từ lâu đã trở thành điểm tham quan ở Hội An, cũng là nơi cung cấp nguồn nước ngọt nấu các món ăn nổi tiếng ở Hội An như cao lầu, mì Quảng cho các nhà hàng, hộ gia đình.
Giếng này cũng từng đưa cụ Nguyễn Đường trước đây được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục về “người gánh nước thuê trong thời gian dài nhất Việt Nam”.
Ông Quốc “khùng” ra phố
Hàng chục năm nay, cụ Nguyễn Đường gánh nước từ giếng cổ đổ tận từng nhà dân mỗi sáng sớm. Nhưng bước chân ấy đã dừng lại vào năm 2019, khi cụ Đường qua đời.
Nhiều người dân ở Hội An cho biết dù chỉ là một con người nghèo khổ, sống bằng nghề gánh nước mưu sinh nhưng hôm cụ Đường mất, hàng ngàn người phố cổ đã kéo hàng dài đưa tiễn. Lý do thật đơn giản: cụ Đường và đôi quang gánh là một phần của hồn phố Hội An, một người mang thân phận và cuộc đời nghèo khổ với đôi gánh mưu sinh đặc biệt.
Ông Nguyễn Bi – anh họ của ông Quốc – cho biết hiện tại ông Quốc và mẹ là cụ Nguyễn Thị Mỹ (92 tuổi) sống trong túp lều rộng khoảng 8m2 trong con hẻm 47/22 Trần Hưng Đạo. “Anh Quốc tính khí thất thường, còn mẹ anh thì quá già rồi nên hằng ngày cứ sáng, trưa và tối tui nấu đồ ăn rồi mang qua cho hai mẹ con ăn” – ông Bi nói.
Theo ông Bi, những năm tháng cụ Đường gánh nước thuê ở phố cổ thì cậu con trai Quốc hay chạy theo phụ việc. Ai cũng biết ông Quốc tâm tính không bình thường nên khi cụ Đường qua đời, không ai nghĩ rằng ông Quốc sẽ thay cha gánh nước nữa.
Điều đáng kinh ngạc là không chỉ rành rọt công việc y hệt như người cha của mình mà ông Quốc còn rất khéo léo, chăm chút công việc như chính mình được cha “truyền nghề” lại.
Thoạt đầu người ta thấy ông Quốc quang gánh thủng thẳng ra phố, thỉnh thoảng lại ngửa mặt lên trời huýt sáo, rồi bất ngờ cười khằng khặc như chơi một trò chơi của trẻ con. Nhưng sau đó khi thấy hai chiếc thùng được đổ đầy nước đã qua màng lọc, nặng cả đòn vai thì người ta mới tin Quốc đi gánh nước thật.
Ban đầu chẳng ai thuê ông Quốc gánh nước, nhưng ông cứ gánh miệt mài từ giếng cổ Bá Lễ rồi đi thẳng, im lặng vào nhà và trút đầy chum vại tới từng nhà như cách cha của ông đã làm hàng chục năm. Vài lần như thế, thấy chum vại của mình luôn đầy những mẻ nước sạch, bà con ở phố cổ đã “chấp nhận” ông Quốc và thuê ông gánh hằng ngày như từng làm với cụ Đường.
Dòng nước nặng trĩu tình người
Ông Nguyễn Bi cho biết đến nay có cả chục hộ dân, nhà hàng ở phố cổ Hội An uống nước giếng cổ Bá Lễ từ đôi quang gánh của ông Quốc mỗi ngày. Mỗi gánh nước như vậy, bà con trả cho ông Quốc ít nhất 10.000 đồng, có khi gom lại cả tháng trả một lần nhưng không bao giờ thiếu mà chỉ có dư; ông Quốc cũng chẳng đòi hỏi, thậm chí không biết đếm tiền.
Ai đưa cho bao nhiêu thì ông Quốc gói bốn năm bì bóng rồi lấy dây thun buộc lại chằng chịt, cất kỹ trong một chiếc hộp sắt y hệt giữ một báu vật.
“Có hôm đi chợ không biết đánh rơi mất một tờ tiền chỉ 10.000 đồng mà ổng về khóc hu hu cả buổi, cả bà Mỹ và tui phải dỗ mãi mới chịu nín. Ở phố cổ này ai cũng thương ổng, ổng đi gánh nước mỗi gánh 10.000 đồng nhưng bao giờ bà con cũng cho gấp đôi, gấp ba. Nhiều khách du lịch thấy ổng gánh nước trên phố cổ thì họ xin chụp ảnh và cho thêm tiền. Ổng ra chợ mua rau, mua đồ, bà con dân Hội An biết đều không lấy tiền” – ông Bi nói.
Ông Bi đưa cho chúng tôi danh sách một số “bạn hàng” trong phố cổ mà ông Quốc gánh nước đổ tới nhà mỗi ngày, tất cả đều không có họ tên đầy đủ, không có số điện thoại lẫn số nhà. Nhưng không một lần nào Quốc gánh tới nhầm nhà và nhầm địa chỉ. Bởi trong tâm thức của người đàn ông này, cứ nhắc đến những cái tên như “cô Sáu, ông Xiềng, cô Sen… là Quốc đã biết người đó ở đâu, tính cách ra sao, vị trí đổ nước ở chỗ nào”.
Bà Ngô Thị Minh Trang, nhà cổ tại 114 Nguyễn Thái Học, thấy ông Quốc gánh nước tới thì cầm tờ 20.000 đồng bỏ vào túi trong tiếng cười hềnh hệch của người gánh nước thuê.
Bà Trang nói: “Gia đình tui uống nước giếng cổ Bá Lễ mấy chục năm nay từ đôi gánh của cha con cụ Đường. Nước chỉ dùng để nấu cơm, nấu nước uống và làm cao lầu, mì Quảng chứ không dùng để giặt giũ”. Rồi bà Trang nói một thông tin khá thú vị: “Nhu cầu dùng nước giếng cổ Bá Lễ ở phố cổ rất nhiều, đây là nguồn nước nuôi lớn nhiều thế hệ dân phố cổ nên người dân thích dùng”.
Giếng cổ “gây thương nhớ” Vì sao ở Hội An – một trung tâm du lịch tập trung khách Tây – tới nay dù đã có nước máy, nước chai, nước đóng bình tinh khiết nhưng giếng cổ Bá Lễ vẫn được bà con dùng hằng ngày và cũng vì đó mà nghề gánh nước thuê vẫn tồn tại? Nghe câu hỏi này, những người dân gốc ở Hội An đều nói rằng với họ, từ lọt lòng lớn lên đã uống nước từ giếng cổ Bá Lễ – một hố giếng của người Chăm có từ gần 1.000 năm, nên dù có nước máy thì bà con vẫn không bỏ được. “Nước giếng cổ sau khi mua về thì bà con lắng cặn, đun sôi rồi dùng để uống hằng ngày, đặc biệt là nấu mì Quảng và cao lầu rất tròn vị, nếu dùng nước khác thì không thể ra được món ăn truyền thống ngon như vậy. Người phố cổ đã ngấm nước Bá Lễ vào máu, vào tiềm thức rồi nên giờ vẫn dùng mà không thể bỏ. Bà con phần vì quen, phần vì gắn bó với câu chuyện nghèo khổ của gia đình cụ Đường, ông Quốc nên không ai muốn dứt nguồn nước” – bà Nguyễn Thị Sương, người có gánh mì Quảng trên đường Lê Lợi, nói. |
Thái Bá Dũng
Theo Tuổi Trẻ Online
Link nguồn: https://tuoitre.vn/nguoi-giu-nghe-ganh-nuoc-o-hoi-an-20201226213630202.htm