Lê Văn Lộc, người đạp xích lô ra thế giới…
Ngót 20 năm trời sau khi hoàn tất vai chính trong bộ phim danh giá Xích Lô (Cyclo), Lê Văn Lộc biến mất một cách bí ẩn. Thế rồi như sự sắp đặt của số phận, cậu thanh niên còm nhom 20 tuổi suốt bộ phim chỉ mặc cái áo thun màu cháo lòng đi đôi dép tông cũ chạy xích lô, suýt trở thành giang hồ máu lạnh ở Sài Gòn ngày nào, giờ đã là người đàn ông 40 tuổi, vóc dáng gày gò se sắt ngồi trước mặt tôi nơi quán cà phê vắng một ngày cuối năm …
Đến bây giờ, trên mạng, ngoài chính xác cái tên Lê Văn Lộc đứng hàng đầu trong những poster phim Xích Lô, thì dường như ít ai biết về con người ấy ngoài đời. Có vài mẩu thông tin về Lộc, nơi thì cho rằng Lộc là “một tay lơ xe sống ở Quảng Ngãi”. Chỗ thì viết “vốn là một lái xe người Hà Tĩnh” (?!), thậm chí “không biết chữ” khi đóng phim ?!
Tôi kín đáo quan sát gương mặt Lộc ngoài đời. Lộc im lặng rít thuốc, nhìn ra đường phố xe cộ xô lệch buổi chiều. Gương mặt, như nhận xét của đạo diễn Trần Anh Hùng “lúc thì dữ dằn nhưng cũng có lúc thật nhân hậu”.
Lộc kể, khi nhận lời đóng phim, dù chưa hề biết hai chữ “đóng phim” là gì, đã nói với đạo diễn Trần Anh Hùng “Họ sao không biết, còn em khẳng định cảnh khó đến mấy cũng làm được, làm hết sức. Khó khổ với em quá quen rồi”. Có lẽ với Lộc khi ấy, đứng trước máy quay cũng chỉ là một công việc như mọi thứ việc khác, bằng những từng trải ngoài đời.
Tôi chợt hình dung cận cảnh những con dòi ngoe nguẩy bò trên khuôn mặt bê bết sình lầy của Xích Lô (tên nhân vật chính trong phim do Lộc thủ vai), sau khi hắn ném xăng đốt cháy kẻ cướp chiếc xích lô của mình rồi ngụp lặn qua cống rãnh trốn thoát mọi sự truy đuổi. Nở một nụ cười khó hiểu, không rõ buồn hay vui sau lần đầu bước qua lằn ranh tội lỗi, hắn ụp mặt sâu xuống bể cá. Con cá vàng sau mấy giây lảng ra, liền quay lại rỉa vào mặt hắn để ăn mồi, như một sự gột rửa…
Làm sao để con cá vàng chịu sà đến rỉa vào khuôn mặt người đang mở trừng mắt mà không lủi đi như thói thường, chỉ có kẻ từng lăn lộn trường đời như Lộc mới nghĩ ra. Đó là cho cá nhịn đói và nhốt vào bóng tối. Bóng tối mà Lộc nghĩ ra là bóng tối trong chính miệng mình. Ngậm đầu con cá vào miệng một lúc, quả nhiên khi nhả ra nó vội vàng bơi đến phía có ánh sáng. Hay như cảnh Xích Lô cầm chai xăng cháy đùng đùng trên tay lao qua đường hành sự giang hồ, “em chơi như cascadeur, dù biết cầm cái chai đầy xăng nhét giẻ cháy phừng phực, nổ tung trên tay như chơi”. Chỉ đạo diễn xuất của Hùng với Lộc, luôn chỉ là “Cái gì giống thực ở ngoài đời thế nào thì em cứ thế mà làm”.*
Một buổi sáng cuối năm 1994, Lê Văn Lộc đang chạy xe máy ngang qua dốc Cầu Vồng cũ trên đường Lê Duẩn, Đà Nẵng thì chợt nghe có tiếng gọi í ới phía sau. Quày xe lại thấy một đám lố nhố cả Tây lẫn ta đang vẫy vẫy. Đó là giây phút số phận “đẩy” anh chàng làm nghề lơ xe 20 tuổi Lê Văn Lộc đến với điện ảnh. Cũng chính là khoảnh khắc đạo diễn trẻ Trần Anh Hùng từ trong quán nước bất chợt lia mắt ra đường, trong tích tắc phát hiện ra gương mặt bấy lâu đang tìm kiếm là như vậy. Sau này, trả lời về việc tìm Lộc, đạo diễn thừa nhận: “Khó ghê lắm. Tôi đã mất ba tháng để tìm kiếm nhân vật này, và bản chất anh ta mang đến cả hai: kinh nghiệm và cá tính”.
Nó trùng với lời kể của nhà thơ Nguyễn Trung Bình, người bạn thân thiết học sau tôi một khoá ở đại học, sau là thành viên trong đoàn làm phim Xích Lô. Năm 1993, tại Đà Nẵng, Bình gặp phỏng vấn Trần Anh Hùng cho một bài báo về bộ phim “Mùi đu đủ xanh” vừa đoạt giải Caméra Vàng tại Liên hoan điện ảnh Canes (Pháp) – ứng cử viên giải Oscar thể loại phim nước ngoài hay nhất năm đó. “Bị” phỏng vấn, vị đạo diễn tranh thủ “phỏng vấn” ngược, để rồi nhanh chóng mời tay nhà báo, nhà thơ trẻ 25 tuổi có cá tính “bụi bặm” rặt chất Quảng Nam về làm trợ lý và đồng tác giả lời thoại kịch bản phim Xích Lô của mình. Những bài thơ “bụi đời” nhưng day dứt một nỗi niềm trong sáng của nhân vật nhà thơ – tướng cướp (Lương Triều Vỹ đóng) xuất hiện trong phim đều là thơ của Bình.
Bốn năm trước, Nguyễn Trung Bình mất khi tuổi đời mới tròn 41. Nhân giỗ đầu, tôi cùng anh em làm tuyển tập thơ văn cho bạn. Trong sách, đạo diễn Trần Anh Hùng viết: “…Nếu muốn tìm một người có tài vững vàng, có một giá trị chắc chắn, thì tôi đã tìm một cộng sự khác…Rất hiếm khi tôi nhớ lại một cách sâu sắc về gương mặt của một người, thế nhưng tôi đã nhớ lại một cách hoàn hảo nụ cười của Bình cũng như cử chỉ và cách đi đứng của anh. Vì khả năng đặc thù của Bình, anh chỉ làm việc một lần duy nhất với tôi mà thôi…”. Kể chi tiết này, để thấy chàng đạo diễn quá tài trong việc phát hiện và làm toả sáng cái khả năng đặc thù “độc nhất” và chỉ dùng “một lần duy nhất” của những Bình, Lộc… Dù tôi biết nhiều phen Hùng phải “khổ” vì cái chất “nghệ” đầy lang bạt, bất cần đời của họ.
Trở lại buổi sáng hôm ấy. Sau ít phút chuyện trò, Trần Anh Hùng xin Lộc một cuộc hẹn. Anh chàng lơ xe cho địa chỉ nhà, khi ấy ở con hẻm trên đường Huỳnh Thúc Kháng – Đà Nẵng, tưng tửng: “Chiều mời mấy anh đến, trễ là tui đi xe, chưa biết khi mô về đó nghe”. Thế là ngay đầu giờ chiều, cả đoàn lục tục kéo đến nhà, chụp ảnh casting tại chỗ.
Mười ngày sau, Lộc nhận được vé máy bay cùng cú điện thoại của Hùng mời vào Sài Gòn. Người của hãng phim Giải phóng – đơn vị hợp tác sản xuất và Nguyễn Trung Bình đón tiếp, bố trí ăn ở. Đạo diễn Hùng thì về Pháp liên tục. Lê Văn Lộc phải ở Sài Gòn suốt gần một năm trời, quanh quẩn tập đạp xích lô, đo thử áo quần, rồi giao du… Nhưng khi chính thức quay, những cảnh do chàng lơ xe diễn xuất ít khi phải quay tới quay lui như những diễn viên chuyên nghiệp khác. “Tuy không có kinh nghiệm, nhưng Lộc là một diễn viên có tài bẩm sinh. Rất dễ trong chuyện đạo diễn Lộc”, Trần Anh Hùng thừa nhận.
“Đạo diễn có cái hay, là nhiều lúc ổng ấy hứng lên thêm vào những chi tiết mới, và hay hỏi từ ngữ, hành động này kia có đúng với ngoài xã hội không”. Phim không lồng tiếng, ai nguyên chất giọng người ấy. Lộc được nhận từng đoạn lời thoại trước khi quay, khoảng 15-20 câu để học thuộc. Lộc diễn mà không hình dung được câu chuyện phim kết cục rồi sẽ dẫn đến đâu. “Cảnh người khác diễn mình cũng ít khi xem. Bởi thường quay đến 1-2 giờ sáng, chỉ trông được nghỉ. Cũng chẳng tò mò, phần ai nấy biết”. Đến giờ, sau gần 20 năm, Lê Văn Lộc vẫn cứ bần thần: “Đến giờ mình vẫn chưa hiểu hết phim Xích Lô nói gì”. Ngay giới chuyên môn, “đụng” tới phim của Hùng nhiều lúc còn thấy mơ hồ nữa là…
Khép lại cảnh quay cuối cùng, Lê Văn Lộc khăn gói về lại Đà Nẵng với nghề lái, phụ xe du lịch đường dài các nước Đông Dương. Hỏi tiền cát-xê của phim, Lộc nói cũng “không nhớ” nữa, đâu như mua được cái xe máy và sắm sửa chút ít cho nhà. Vật kỷ niệm là chiếc vỏ hộp thiếc đựng cuốn phim quay những cảnh cuối cùng, trên đó có đủ chữ ký của cả đoàn phim.
Gia tài lớn nhất của Lê Văn Lộc giờ đây là chiếc đĩa cũ lưu phim Xích Lô, có thuyết minh và phụ đề 4 thứ tiếng. Những chuyến rong ruổi đường dài, để khách đỡ buồn ngủ, Lộc lại mở phim. Khách trên xe ai nấy bất ngờ khi anh chàng tài xế nhỏ con, đen đúa ngồi sau vô lăng kia lại từng là “ngôi sao” thủ vai chính trong bộ phim nổi tiếng, ngang hàng với Lương Triều Vỹ. Khách, nhất là khách Pháp và các nước vỗ tay reo lên vui vẻ, chụp ảnh chung, xin chữ ký.
Tuổi Giáp Dần, sinh năm 1974, đến giờ vẫn chưa vợ con. Nhà có 9 anh chị em, thì 6 ông con trai, kể cả cậu út Lộc đều nối nghề lái xe, sửa xe của cha để lại. Sau khi xong phim Xích Lô, bố mẹ Lộc lần lượt qua đời. Anh em mỗi người một nồi gạo riêng. Lộc ở chung với một ông anh, nhưng chủ yếu vắng nhà. Hỏi, sao không chịu lấy vợ?. “Lấy làm gì cho khổ người ta. Lấy nhau phải trọn vẹn, yên ổn mới là quan trọng. Cứ nghĩ ngày mai mở mắt ra mình không kiếm được đồng bạc đưa vợ con, là không chịu được”.
Lại hỏi, sau cú ra mắt ấn tượng với Xích Lô, sao không thử “liều mình” theo điện ảnh? Như những Ngô Quang Hải, Hoàng Phúc… cũng lần đầu đến điện ảnh qua Xích Lô, lại là vai phụ. Lộc trầm tĩnh: “Bạn bè cũng bảo sao không bước theo luôn mấy ổng. Nhưng mỗi người một nghề, còn là duyên số nữa, cái duyên của mình chỉ tới đó thôi. Có thể bất ngờ chỉ một lần là được “nổi tiếng”, nhưng nếu không biết mình là ai thì sẽ té rớt không đỡ được. Giờ chứng kiến nhiều cảnh em thấy sợ”. Về với cái nghề thức khuya dậy sớm đưa đón khách. Có những sáng tôi điện rủ cà phê, mãi Lộc mới nghe máy, giọng khản đặc mệt mỏi, bảo em mới trả xong khách về nhà lúc 1 giờ sáng.
Hỏi Lộc, bây giờ ra đường có ai nhận ra Lộc-Xích Lô không?. “Khách, nhất là khách nước ngoài nhiều người nhận ra chứ anh !”
Xích Lô, cho đến nay là một trong những phim truyện do người Việt làm được giải thưởng cao nhất ở nước ngoài – giải Sư tử Vàng tại Liên hoan phim quốc tế Venice 1995. Cái mốc chưa đạo diễn người Việt nào vượt qua. Trong phim, Lê Văn Lộc vào vai nhân vật chính có tên là Xích Lô, cùng với ngôi sao điện ảnh Hồng Kông Lương Triều Vỹ, Trần Nữ Yên Khê, Như Quỳnh, Ngô Quang Hải, Hoàng Phúc, Trịnh Thịnh, Mạc Can, Lê Tuấn Anh, Lê Công Tuấn Anh…
Nhà phê bình Thụy Khuê (Pháp) nhận xét rất tinh tế: “Sự lựa chọn diễn viên Lê Văn Lộc – chưa xuất hiện trước ống kính bao giờ, chứng tỏ Trần Anh Hùng muốn đi sâu hơn nữa trong ý nghĩa ngây thơ, ngây ngô của con người vừa “nhập nghiệp” trên ba bình diện: tập sự diễn viên, tập nghề xích lô và tập tành tội ác. Lê Văn Lộc đã phản ánh được cả ba thử thách đó. Trên nét mặt của Xích Lô là một dấu hỏi khổng lồ và triền miên về các sự kiện đã xảy ra, về hành động của mình và về hậu quả mỗi hành động”. |
Trần Tuấn