Hy vọng phục hồi du lịch di sản

Du lịch di sản trải qua một năm khó khăn khi liên tiếp bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh. Trong hai ngày (3 – 4/12), nhân kỷ niệm 21 năm ngày Hội An và Mỹ Sơn được công nhận Di sản văn hóa thế giới (VHTG), tại TP.Hội An, nhiều hoạt động, tọa đàm, gặp gỡ được tổ chức với hy vọng có thêm nhiều giải pháp để phục hồi du lịch.

Khó khăn của những “di sản sống”

Làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), làng cổ Đông Hòa Hiệp (Tiền Giang) và phố cổ Hội An là 3 di sản nhận được sự hỗ trợ của tổ chức JICA (Nhật Bản) về bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch. Tại tọa đàm “Bảo tồn và phát huy du lịch di sản trong bối cảnh Covid-19 – vấn đề và giải pháp” tổ chức tại Hội An sáng 3.12, những khó khăn hiện tại của 3 vùng đất di sản được nhìn nhận.

Đều gặp tình trạng lượng khách du lịch sụt giảm nghiêm trọng, nhất là sau khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại hồi tháng 7/2020, các di sản đều phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn thu cũng như nguồn đối ứng cho công tác bảo tồn.

phuc-hoi-du-lich-di-san
Du lịch Hội An đang tìm kiếm những sản phẩm mới nhằm khôi phục sự phát triển. Ảnh: H.T

Ông Võ Phạm Tân – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Tiền Giang cho biết, lượt khách và doanh thu của ngành du lịch Tiền Giang giảm sâu trong năm 2020. “Trong 11 tháng năm 2020, toàn tỉnh Tiền Giang đón hơn 700 nghìn lượt khách, doanh thu trực tiếp từ du lịch chỉ đạt 244 tỷ đồng, giảm 77% so với cùng kỳ. Hoạt động du lịch tại các nhà cổ gần như phải tạm dừng” – ông Tân nói.

Trong khi đó, hơn 11 tháng qua, theo ước tính của Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, có đến 90% doanh nghiệp du lịch tạm ngừng hoạt động, một số doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, giải thể, hàng nghìn người lao động mất việc làm. Số lao động tạm ngừng việc, nghỉ luân phiên, nghỉ việc tại các cơ sở, đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh đến tháng 11/2020 khoảng hơn 14.000 người. Tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch năm 2020 ước đạt hơn 1,4 triệu lượt khách, giảm 81% so với cùng kỳ năm 2019.

Ông Phạm Phú Ngọc – Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản VHTG Hội An cho biết, để làm rõ hơn tác động của dịch bệnh đến tình hình cư trú và kinh doanh trong khu phố cổ Hội An, trung tâm đã thực hiện hai đợt khảo sát thực trạng việc sinh sống và buôn bán trong khu phố cổ theo phương pháp quan sát đối với các ngôi nhà mặt tiền trên những tuyến đường thuộc khu vực I. Theo đó, tại đợt khảo sát thứ hai (hồi tháng 10.2020), trong số 331 nhà mở cửa, chỉ có 133 ngôi nhà duy trì hoạt động kinh doanh, bằng 15% trong tổng số ngôi nhà được khảo sát.

“Di tích kiến trúc gỗ đóng cửa lâu ngày, không có sự cư trú của người dân sẽ nhanh bị xuống cấp. Nguy cơ cháy, nổ sẽ tăng lên. Công tác ứng cứu trong các tình huống xấu trở nên khó kịp thời và thiếu hiệu quả. Việc các hàng quán, cửa hiệu phải đóng cửa lâu ngày là một thiệt hại lớn về kinh tế, người dân thất nghiệp, mất nguồn thu nhập. Khu phố cổ không còn sự tập trung cư trú, sinh hoạt của cư dân sẽ tác động mạnh hơn đến nguy cơ mai một, biến đổi các giá trị văn hóa phi vật thể…” – ông Ngọc nói.

Lựa chọn giải pháp

Ông Nguyễn Văn Lanh – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An chia sẻ, cần phải chọn ra các giải pháp trọng tâm trong công cuộc khôi phục kinh tế – xã hội sau này. “Lấy người dân làm trung tâm, doanh nghiệp làm động lực, Nhà nước là cầu nối. Du lịch Hội An vốn dĩ dựa trên 3 thành tố là văn hóa, sinh thái và cộng đồng. Hội An đã làm tốt công tác bảo tồn văn hóa vật thể và một số ít các giá trị văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên mới chỉ ở góc độ nghiên cứu, hiệu quả xã hội của các giá trị nay vẫn còn nhiều điểm yếu. Ví dụ như nếp nhà và nếp sống của người Hội An liệu đã được nghiên cứu thấu đáo và trong thực tế đã vận hành như thế nào? Do đó, thời gian tới, Hội An cần lấy văn hóa và con người làm khâu đột phá để phát triển” – ông Lanh nói.

Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng, cứu cánh của du lịch di sản hiện tại cần bắt đầu từ sản phẩm, trong đó Hội An nên tiến đến việc phát triển du lịch xanh. Ngoài ra, Hội An là địa phương có bề dày lịch sử, nơi giao thương nhiều nền văn hóa quốc gia khác trên thế giới, là nơi có nhiều “nguyên liệu du lịch” để tạo nên các sự kiện văn hóa phục vụ du lịch, là công cụ để kích cầu du lịch trong những mùa thấp điểm, tối đa hóa công suất khai thác du lịch trong mùa cao điểm.

“Các ký ức, hồi ức của văn hóa, con người Hội An xưa đều có thể được phục hồi, xây dựng thành những câu chuyện kể bằng chuỗi sự kiện, hoặc show diễn thực cảnh trên nền phố cổ. Mọi ý tưởng, sự kiện lớn nhỏ trong bối cảnh này cần được nâng niu, phát huy, nâng tầm lên để thành các sự kiện văn hóa, du lịch đầy màu sắc, hứng khởi” – ông Nguyễn Sơn Thủy, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Quảng Nam chia sẻ.

Ở góc độ chuyên gia, bà Phan Hải Linh (Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội) cho biết, từ kinh nghiệm Nhật Bản đối với Việt Nam, thời điểm này cần xem xét lại hiện trạng di sản trên cơ sở thống nhất ý kiến cộng đồng bao gồm cư dân, nhà quản lý, doanh nghiệp, chuyên gia. Ngoài ra, về sản phẩm du lịch giúp phát huy giá trị di sản cần tìm những sản phẩm đại diện cho di sản, gắn với câu chuyện về bản sắc, phản ảnh phong cách sống của cư dân địa phương.

Ông Võ Phùng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng, khi dịch Covid-19 đi qua các di sản sẽ đón một làn sóng khách du lịch bởi sự bức bách về nhu cầu du lịch của họ trong thời gian qua. Vì vậy cần phải sớm chỉnh trang, vệ sinh lại các điểm đến bởi sạch sẽ mang lại cảm giác an toàn cho du khách. “Chúng ta cũng phải quan tâm hơn đến việc điều chỉnh chất lượng ẩm thực để hướng đến khẩu vị của khách nội địa. Việc truyền thông về điểm đến an toàn cũng vô cùng quan trọng bởi tâm lý du khách vẫn còn e ngại về tình hình dịch bệnh, thiên tai liên tục ở miền Trung thời gian qua” – ông Võ Phùng nói.

Xuân Hiền – Quốc Tuấn

Theo Quảng Nam Online

 

Link nguồn: http://baoquangnam.vn/du-lich/hy-vong-phuc-hoi-du-lich-di-san-106034.html

Cùng chuyên mục