Hội An – Trầm mặc phố cổ ngàn năm

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Hội An – dải lụa đào xinh đẹp của mảnh đất Quảng Nam “địa linh nhân kiệt”, với sự bảo tồn gần như nguyên vẹn những đường nét kiến trúc và nếp sống đô thị cổ xưa không chỉ tái hiện, mà đã trở thành một biểu tượng của quá khứ vẫn đang song hành cùng hiện tại.

Theo các nhà khảo cổ học, cách nay khoảng 2.000 năm đã có một cảng thị sơ khai ở vùng đất Hội An. Nhiều di vật được tìm thấy trong các mộ chum và khu cư trú cổ của người Sa Huỳnh, cho thấy dân cư ở đây đã có quan hệ mua bán trao đổi với các nơi khác trong vùng Đông Nam Á từ lâu đời. Dần dần, cảng thị này phát triển thành Đại Chiêm Hải Khẩu dưới thời vương quốc Champa. Kết quả khảo sát, khai quật khảo cổ học cho thấy dấu vết các bến thuyền của Chiêm cảng xưa còn để lại ở hai bên bờ hạ lưu sông Thu Bồn.

Nếu căn cứ vào những đồng tiền Ngũ thù, Vương mãn và một số di vật khác mang yếu tố Trung Hoa được tìm thấy trong các mộ chum ở Hậu Xá và An Bang, thì có lẽ người Hoa đã có quan hệ mua bán với những cư dân Sa Huỳnh ở Hội An cách nay khoảng 2.000 năm. Thời kỳ vùng đất này còn thuộc vương quốc Champa, Đại Chiêm Hải Khẩu đã đón tiếp các thương thuyền Trung Hoa vào buôn bán, trao đổi các sản vật, họ thường mua tơ lụa, trầm hương, quế, tiêu…, hoặc lấy thêm lương thực, nước ngọt để đi tiếp đến các nước khác ở Nam Á. Thế nhưng vào giai đoạn trước thế kỷ XVII, người Hoa chỉ dừng chân mua bán chứ không lưu trú, lập nhà phố ở Hội An.

Hội An là một trong những trạm đỗ chính của thương thuyền vùng Viễn Ðông
Hội An là một trong những trạm đỗ chính của thương thuyền vùng Viễn Ðông

Năm 1649, ở Trung Quốc nhà Thanh lật đổ nhà Minh, lập ra triều Mãn Thanh, đã dẫn đến sự di cư ồ ạt của người Hoa xuống vùng Đông Nam Á, nhiều người đã định cư ở Hội An.

Vào khoảng cuối thế kỷ XVI – đầu thế kỷ XVII, thương truyền Nhật Bản đã đến buôn bán với Đàng Trong, nhiều thương gia Nhật mở thương quán ở Hội An để buôn bán giao dịch, một số người còn lấy vợ Việt, tuy nhiên thời gian cư trú của người Nhật ở Hội An chỉ kéo dài đến nửa cuối thế kỷ XVII, hầu hết phải trở về Nhật Bản vì chính sách đóng cửa của Nhật Hoàng thời bấy giờ.

Nhờ vị trí thuận tiện trên đường hàng hải, sự phát triển của kinh tế hàng hóa, chính sách mở cửa của các chúa Nguyễn, sự có mặt của các thương nhân ngoại quốc, nhất là những thương gia Nhật Bản và Trung Hoa định cư ở đây, khiến Hội An trở thành một đô thị – thương cảng quan trọng nhất của xứ Đàng Trong.

Đến đầu thế kỷ XIX, Hội An vẫn còn là nơi buôn bán tấp nập, sách Quốc Triều chánh biên của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi: “… Cửa Đại Chiêm thuyền bè sum họp, chợ phố Hội An hàng hóa nhóm đầy, thực là nơi đô hội lớn…”.

Tuy nhiên, đến cuối thế kỷ XIX, sông Thu Bồn đổi dòng ở vùng cửa sông, Cửa Đại bị phù sa bồi lấp, làm cho thuyền bè đi lại khó khăn, trong khi đó Đà Nẵng trở thành nhượng địa của Pháp, thương thuyền nước ngoài chỉ vào cửa Hàn, từ đó công việc buôn bán ở Hội An dần dần sa sút.

Nếu so sánh với một số đô thị và thương cảng cổ của Việt Nam, thì Hội An không phải là cổ xưa nhất, về quy mô cũng không phải là lớn nhất, thời gian thịnh đạt của nó chỉ khoảng hơn 2 thế kỷ. Nhưng trong quá trình giao lưu và hội nhập văn hóa, Hội An đã hình thành một sắc thái riêng: vừa có những nét chung của một đô thị – thương cảng cổ Việt Nam, vừa có những nét riêng biệt độc đáo, thể hiện qua phong tục tập quán, kiến trúc điêu khắc. Đặc biệt, dù trải qua bao biến đổi của lịch sử, sự tàn phá của thiên nhiên và chiến tranh, vẫn không làm mất đi dáng vẻ của một đô thị – thương cảng cổ, vẫn còn đó những bến tàu, đình, chùa, hội quán, nhà ở… hợp thành một quần thể kiến trúc cổ tương đối nguyên vẹn ở Hội An.

Với giá trị lịch sử – văn hóa nổi bật, Hội An đã được Bộ Văn hóa – Thông tin ra quyết định số 506-VH/QĐ, ngày 19/3/1985 công nhận di tích văn hóa cấp Quốc gia . Từ đó đến nay đã có nhiều cuộc hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế về Đô thị cổ Hội An. Nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước liên tục đến Hội An để nghiên cứu về các lĩnh vực kiến trúc, lịch sử, khảo cổ học, nghệ thuật… Sự giao thoa văn hóa đã làm nên một Hội An được UNESCO ghi tên vào danh mục Di sản Văn hóa thế giới vào ngày 04/12/1999.

Được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới vào năm 1999, Phố cổ Hội An đã chứng tỏ một sức sống mãnh liệt của những giá trị cổ xưa cùng năm tháng. Với hơn 1.390 di tích cùng tồn tại giữa muôn vàn công trình kiến trúc hiện đại, Hội An nổi lên như một nốt lặng mộc mạc nối liền với những nốt nhạc văn hóa thế giới. Ở đây, người dân và du khách được thụ hưởng sự hòa quyện không gian châu Á qua các thế kỷ XVI, XVII và XVIII.

Từng là thương cảng sầm uất, là trung tâm thương mại lớn nhất vùng Đông Nam Á từ thế kỷ XV – XIX, Hội An ngày nay vẫn là nơi buôn bán tấp nập với những cửa hàng may mặc, đồ thủ công và tác phẩm nghệ thuật…

Hội An là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử cách mạng và văn hóa, từng được biết đến trên thương trường quốc tế với nhiều tên gọi khác nhau như Lâm Ấp, Faifo Hoài Phố, Hội An… Do có đặc điểm địa lý thuận lợi nên từ hơn 2.000 năm trước, mảnh đất này đã tồn tại và phát triển nền văn hóa Sa Huỳnh muộn.

Từ thế kỷ II – XIV, Hội An thuộc đất Champa, với tên gọi Lâm Ấp Phố, là cảng thị phát triển, thu hút nhiều thương gia Ả Rập, Ba Tư, Trung Quốc đến buôn bán, trao đổi vật phẩm. Nhiều thư tịch cổ ghi nhận đã có một thời gian khá dài, Chiêm cảng – Lâm Ấp Phố đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo nên sự hưng thịnh của kinh thành Trà Kiệu và khu di tích đền tháp Mỹ Sơn. Những dấu tích nền tháp Chăm, giếng nước Chăm và những pho tượng Chăm còn lại cùng những mảnh gốm sứ Trung Quốc, Ðại Việt, Trung Ðông thế kỷ II – XIV được lấy lên từ lòng đất càng làm sáng tỏ một giả thiết từng có một Lâm Ấp Phố (thời Chăm Pa) trước Hội An (thời Ðại Việt), từng tồn tại một Chiêm cảng với sự phát triển phồn thịnh.

Do những biến động của lịch sử, trong khoảng thời gian vài thế kỷ, vùng đất này cũng đã bị lãng quên. Nhờ môi trường sông nước thuận lợi, cộng với nhiều yếu tố nội, ngoại sinh khác, từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, đô thị – thương cảng Hội An lại được tái sinh và phát triển thịnh vượng. Từ năm 1585 khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa và Quảng Nam (năm 1570) cùng con trai là chúa Nguyễn Phúc Nguyên mở mang đất đai, phát triển kinh tế Đàng Trong thì Hội An trở thành một thương cảng quốc tế sầm uất của cả nước và cả khu vực Ðông Nam Á thời đó.

Từ nửa cuối thế kỷ XIX, do đoạn sông Thu Bồn nối với biển bị bồi cạn dần, tàu bè ra vào khó khăn, thương cảng bị suy thoái dần và mất hẳn, nhường lại cho Đà Nẵng, cảng mới được người Pháp mở. Những thương gia giàu có Hoa, Việt chuyển nơi định cư và lập nghiệp đến Sài Gòn hoặc Đà Nẵng, để lại Hội An yên tĩnh với những ngôi nhà cổ kính rêu phong.

Qua nhiều thế kỷ, người dân nơi đây vẫn quyết tâm giữ gìn những vốn quí của cha ông để lại bao đời nay để giữ lấy một từ “Cổ”. Hội An rất tự hào với danh hiệu cao quý “Di sản Văn hóa thế giới”. Trước vinh dự lớn đó, Hội An đã, đang và sẽ vẫn là một quần thể kiến trúc cổ, một đô thị cổ của Việt Nam và thế giới.

Phạm Phú Thiên Minh

Theo Người Quảng xa quê

 

 

 

 

 

 

Cùng chuyên mục