‘Họa mi’ Khánh Linh: Khán giả của tôi không có thói quen ‘cày view’
Đây là một album ca nhạc mà Khánh Linh dùng từ “tiến hóa” để nói về bản thân mình.
Tại sao chị lại dùng từ “tiến hoá” để nói về âm nhạc của mình trong album “Khánh Linh’s Journey” lần này?
Tôi nghĩ, đây là sự tiến hoá về tư duy, về cách xử lý tác phẩm, còn hơn cả tiến bộ. Tiến bộ chỉ là người ta cảm thấy mình hát hay hơn còn tiến hoá là cách con người phát triển hoàn hảo hơn, tốt hơn và còn tiếp tục đi lên nữa. Ví dụ, con người từ chỗ không có tiếng nói thì bắt đầu hình thành ngôn ngữ, đó không chỉ là cột mốc mà còn là bước đi thể hiện trình độ vượt trội hơn trước.
Tôi dùng từ “tiến hoá” để nói về âm nhạc của tôi và Võ Thiện Thanh lần này là bởi chính bản thân anh Thanh cũng nhận thấy anh có tiến bộ hơn cả về lượng lẫn chất.
Bạn cứ thử tưởng tượng xem, khi ngoài 50 tuổi, thuộc về thế hệ vàng 6x, 7x, không phải ai cũng như anh Thanh – còn nhiều năng lượng đến như thế. Tư duy của anh rất mới so với những gì hiện có ở âm nhạc Việt Nam – khi mà mọi người còn đang ngủ quên, bị thói quen cũ, nghe gì đơn giản giải trí, nhẹ nhàng.
Chúng tôi luôn luôn cố gắng làm những gì tốt nhất để phục vụ cho sở thích của mình. Sở dĩ tôi nhấn mạnh chữ “sở thích của mình” là bởi âm nhạc trước hết phải phục vụ, thoả mãn nhu cầu cá nhân trước. Nghe thì tưởng chúng tôi rất ích kỉ, nhưng bạn phải hiểu khán giả luôn đặt sức ép lên những người nghệ sĩ phải sáng tạo. Và tôi chỉ mong mọi người hãy lắng nghe tác phẩm lần này thật kĩ rồi mới đưa ra phán xét nó hay hay dở, đó là điều tôi rất cần, thậm chí là mong mỏi.
Nhấn mạnh chữ “sở thích của bản thân”, liệu chị có cảm thấy mình quá ích kỉ trong âm nhạc và dần quên đi những chất liệu âm nhạc vốn làm nên “thương hiệu” cá nhân trong lòng khán giả như “Hoạ mi hót trong mưa”, “Giấc mơ trưa”…?
Gần gũi với khán giả là điều không khó với tôi nhưng đây không phải điều tôi muốn làm lúc này, tôi muốn làm những gì vượt hết khả năng của mình.
Bởi nếu tôi cứ làm những gì bản thân mình đã có, mọi người vẫn chỉ thấy một màu âm nhạc đẹp đẹp, bình thường, vẻ đẹp đó ai cũng làm được. Tôi thích làm những gì khó, càng khó càng ham mê, càng muốn bước vào thử sức. Đó mới là điều cần làm của một nghệ sĩ còn yêu nghề và còn nhiều lửa.
Chị ít tương tác với khán giả trẻ vì mặc định mình chỉ cần một lớp khán giả riêng sẵn có? Thậm chí thế hệ trẻ 2000 trở đi khi search tên “Khánh Linh” chỉ ra Khánh Linh The Face trên Google.
Tôi nghĩ khán giả của tôi ở độ tuổi trưởng thành trở lên, chứ rất ít khán giả trẻ, nếu trẻ nhất cũng phải độ tuổi từ 25. Trẻ quá thậm chí còn không biết tôi là ai luôn, điều đó là chuyện bình thường. Tôi hiểu sâu sắc vị trí của mình trong thị trường âm nhạc cũng như đối tượng khán giả của mình là ai. Tôi không thể một bàn tay với cả, ôm tất thị trường được, dù có muốn cũng không thể và cũng không có khả năng làm được điều đó.
Thực sự, thế hệ của chúng tôi đã khác rồi. Gọi từ thế hệ cũ là không hề nói quá, bởi thị trường âm nhạc đã có vô vàn điều khác biệt rồi, cũng văn minh hơn rất nhiều so với những màu sắc đã có trước đây. Nghệ sĩ ai cũng đã có cho mình thị trường của họ rồi, nếu tôi lại theo xu hướng ấy thì tôi sẽ không còn là mình nữa.
Khán giả của tôi chưa chắc đã muốn nghe tôi hát những màu sắc âm nhạc như thế. Tôi cũng có một lớp khán giả riêng – lớp khán giả không ồn ào, không “vote”, không “cày view” – họ không có thói quen đó.
Chị có thấy mình đang tách biệt với khán giả không? Có bao giờ chị thấy chạnh lòng vì thế hệ đồng trang lứa và sau này được khán giả tung hô, còn mình từng rơi vào lãng quên?
Không vấn đề gì, tôi thích như vậy, chọn con đường ít người đi và khẳng định luôn bản thân đang đi ngược chiều. Nhưng bạn thấy đó, ngược gió thì diều mới lên. Đi theo số đông thì phải đi theo xu hướng, cứ như thế thì mệt lắm, tôi không giỏi chạy nhanh, chỉ có thể bền vững, từ từ mà đi thôi.
Tôi nhận mình là người làm nghề chứ không làm showbiz, nghe thì tưởng khó nhưng tôi không giỏi làm giải trí, tạo scandal để đánh bóng bản thân.
Tôi không thể và mãi mãi cách làm nghệ thuật cũng không giống như chị Mỹ Linh, chị Mỹ Tâm hay Sơn Tùng,… Lâu lâu rồi tôi mới nghe được một câu nói rất hay là “Sinh ra là bản gốc nhưng đừng chết như một bản sao”, tôi cũng không có nhu cầu làm bản sao của ai nên không bao giờ ép buộc bản thân phải cố để được như họ.
Thêm vào đó, thực tế tôi là một người rất sợ đám đông. Biết với một nghệ sĩ, sợ đám đông chắc chắn sẽ có thiệt thòi nhưng điều đó với tôi chẳng có vấn đề gì bởi tôi rất yêu nghề.
Tôi sợ ồn ào vô cùng, sợ người nói to và chuông điện thoại lúc nào cũng tắt. Tai tôi cực kì thính nên vô cùng sợ tạp âm, nhiều thứ âm thanh vào tai tôi nên tôi hoảng vô cùng, thứ mà tôi nghe được nhiều nhất chỉ có thể là âm nhạc.
Chính vì thế, điều này cũng ảnh hưởng ít nhiều tới cách tôi chọn môi trường sống. Tôi có xu hướng chọn những nơi vắng vẻ, ít người, về với thiên nhiên, có con đường rộng rãi để mình đi dạo, suy nghĩ về cuộc sống. Thực ra, ở thành phố đông đúc, nhịp sống ồn ào này có khi mọi người rất thích, còn tôi thì không. Kể cả con cái, tôi cũng muốn chúng ở đâu nhẹ nhàng, yên tĩnh để nghĩ được nhiều điều, thoải mái về tinh thần mở lòng với thiên nhiên nhiều hơn.
Phạm Vi (thực hiện) – Ảnh: NVCC
Theo nguoidothi.net.vn
Link nguồn: https://nguoidothi.net.vn/hoa-mi-khanh-linh-khan-gia-cua-toi-khong-co-thoi-quen-cay-view-25978.html