Liệu có cần ví đây đổi phận làm trai được?
Trong bài thơ Miếu Sầm thái thú, Hồ Xuân Hương (1772 – 1822) viết: “… Ví đây đổi phận làm trai được/ Thì sự anh hùng há bấy nhiêu”. Với bối cảnh thời ngày ấy, nữ sĩ này là một cá tính tiền phong và nổi loạn, rất đáng hoan nghênh. Nhưng xét thực tế văn bản chữ Nôm thời bấy giờ, văn học cổ điển Việt Nam gần như không bị mắc kẹt vào vấn đề nữ quyền hoặc giới tính như rất nhiều nền văn học khác. Thế mới lạ và hay.
Kiệt tác Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, với 356 câu thơ chữ Nôm viết theo thể song thất lục bát, gần như không có chủ ngữ, chứ đừng nói đến giới tính của các chủ ngữ đó. Kiệt tác Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn cũng vậy, với 476 câu thơ chữ Hán dài ngắn khác nhau, viết theo lối tập cổ. Khi so sánh nguyên tác chữ Hán với bản dịch 412 câu song thất lục bát chữ Nôm của Đoàn Thị Điểm, ta phát hiện ra “một điều động trời”, đó là nếu chữ Hán còn nhiều chỗ mắc kẹt vào giới tính chủ ngữ, thì chữ Nôm tuy có một số câu dùng chủ ngữ, nhưng lại khá thong dong, đối đãi bình đẳng. Ví dụ: “Thiếp chẳng tưởng ra người chinh phụ/ Chàng há từng học lũ vương tôn/ Cớ sao cách trở nước non/ Khiến người thôi sớm thôi hôm những sầu”.
Điều này cũng đúng với nhiều tác phẩm chữ Nôm khác như Hoa tiên của Nguyễn Huy Tự, Ai tư vãn của Lê Ngọc Hân, Sơ kính tân trang của Phạm Thái… Và cũng khá phù hợp với các truyện Nôm bình dân như Phạm Tải – Ngọc Hoa, Tống Trân – Cúc Hoa, Thạch Sanh…, các truyện Nôm giàu hư cấu lịch sử như Phan Trần, Nhị độ mai, Hoàng Trừu…
Dường như phải đến Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, ra đời giữa thế kỷ 19, thì tâm thế nam quyền mới bắt đầu lộ diện. Chúng ta có thể thấy qua ví dụ: “Khoan khoan ngồi đó chớ ra/ Nàng là phận gái, ta là phận trai/ Tiểu thư con gái nhà ai/ Đi đâu nên nỗi mang tai bất kỳ/ Chẳng hay tên họ là chi?/ Khuê môn phận gái việc gì đến đây?”. Dù tâm thế phân biệt nam nữ là vậy, nhưng về mặt văn bản thì Lục Vân Tiên cũng như nhiều truyện thơ trước đó, vẫn ít hoặc không câu nệ vào chủ từ, chủ ngữ và giới.
Kiệt tác Truyện Kiều thì càng xuất thần trong việc khước từ giới tính chủ ngữ, khi mà trong 3.254 câu, chỉ có vài chục câu có chủ ngữ theo dạng đối thoại và đối đãi tình huống, chứ không nhằm khẳng định giới tính của nhân vật. Ví dụ: “Quan rằng: Chị nói hay sao/ Một lời là một vận vào khó nghe”. “Kiều rằng: Những đấng tài hoa/ Thác là thể phách, còn là tinh anh”. Rõ ràng chủ thể và chủ ngữ ở đây chỉ có giá trị xác định nhân vật đối thoại, chứ không có giá trị khẳng định về giới tính.
Tuy danh xưng trong gia đình rất đa dạng và khoa học, “thím” rõ ràng khác với “mợ”, “chú” khác với “dượng”, nhưng trong quá khứ, dường như chủ thể khá giản dị, hoàn toàn không bị lệ thuộc vào giới tính, dù bấy giờ là xã hội nam quyền, được cho là trọng nam khinh nữ. Trong sách An Nam cung dịch kỷ sự ra đời hồi thế kỷ 17, Chu Thuấn Thủy (1600 – 1682) nhận xét đại từ nhân xưng của Quảng Nam rất thú vị. Ông viết: tiếng An Nam có âm giống như chữ “đảo” (hòn đảo) trong chữ Hán, đọc theo giọng ký âm địa phương là “tảu”, chú thích là “đại vương cập tôn giả tự xưng chi từ”, tức từ tự xưng của đại vương với cấp dưới và người khác là “tau”. Còn “mi”, ký tự là “mê”, đọc theo ký âm địa phương là “mi”/ “mí”, nên chú thích là “hô tối tiện giả chi từ”, tức đại từ chỉ những người thấp nhất trong xã hội. Thử hình dung nhé, vua/quan xưng “tau” với cấp dưới, còn xưng “tau-mi” với thứ dân, thì đủ thấy chủ từ và đại từ danh xưng thời bấy giờ giản đơn, gần gũi biết bao.
Nói tóm lại, với hầu khắp kiệt tác chữ Nôm thời bấy giờ, rồi thậm chí nhiều văn bản chữ quốc ngữ thời kỳ đầu – như Gia Định báo (ra mắt ngày 15/4/1865) chẳng hạn, chủ thể và chủ ngữ/vị ngữ trong một câu viết thường không có, hoặc không quan trọng, hoặc rất mờ nhạt.
Khi tiếng Pháp du nhập vào Việt Nam đủ lâu và chữ quốc ngữ phát triển đủ sự độc lập, cái ta và cái tôi mới dần phổ biến hơn. Bây giờ đọc lại những câu như: “Tri huyện lâu nay giá rẻ mà/ Ví vào tay tớ quyết không tha” (Trần Tế Xương), hoặc: “Ngồi buồn ta nhớ ông Lư Thoa/ Dân ước nhân quyền ông xướng ra” (Tản Đà)…, thấy chữ tớ, ta là khá bình thường. Nhưng phải đến bối cảnh cận đại, giao lưu/đối chọi với Tây phương đủ lâu, thì những chủ thể này mới xuất hiện chễm chệ, thường xuyên như vậy.
Chuyển hẳn từ cái ta sang cái tôi là một bước chuyển chỉ thấy rõ từ Thơ mới, Tự lực văn đoàn và báo chí đương thời. Xét về mặt báo chí, nghĩa là sau khoảng 50-70 năm báo chí chữ quốc ngữ hình thành, chủ thể và chủ ngữ mới xuất hiện phổ biến hơn. Ví dụ như ở Xuân Diệu, từ: “Ta là một, là riêng, là thứ nhất/ Không có chi bè bạn nổi cùng ta”, đến những câu như: “Tôi sung sướng, nhưng vội vàng một nửa”, “Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”, “Tôi muốn tắt nắng đi/ Tôi muốn buộc gió lại”… là cả một hành trình nhận thức về cái tôi, tức nhận thức về chủ thể và chủ ngữ/vị ngữ.
Cái tôi và chủ thể/chủ ngữ còn sớm được củng cố khi ngữ pháp tiếng Pháp, sau này là tiếng Nga, tiếng Anh… trở thành một dòng chảy lớn tại Việt Nam. Việc bê nguyên xi, áp đặt, hoặc cóp nhặt lề luật từ ngữ pháp, từ quan niệm về giới, về giống… trong các ngôn ngữ này đã làm cho tiếng Việt có ám ảnh, rồi quy định về giới, về chủ thể/chủ ngữ/vị ngữ. Những câu đầy nam quyền, đầy phân biệt về giới như “là nhà văn thì anh ta nên…”, “là đại biểu quốc hội thì ông ta có quyền…”, “là nhà báo thì anh ta phải…” vẫn phổ biến đến tận ngày nay. Trong khi tiếng Việt hoàn toàn có thể nói/viết một câu chẳng cần câu nệ vào giới, ví dụ “là nhà văn thì nên chăm chút vào tác phẩm, đừng quá chú tâm vào chức tước hoặc các giải thưởng”.
Sự diệu kỳ của tiếng Việt suốt một thời kỳ dài – có thể xét qua văn bản các kiệt tác văn chương chẳng hạn – là gần như không cần dùng chủ thể và chủ ngữ/vị ngữ. Tất nhiên, chủ thể và chủ ngữ giúp ích khá nhiều trong việc giảng dạy, truyền bá chữ quốc ngữ, nhưng cũng kéo theo nhiều hệ lụy không cần thiết, trong đó có việc dùng ngôn ngữ để phân biệt giới, lấn lướt nữ quyền.
Y như rằng, không có gì là một mặt, ngay khi chủ thể và giới xuất hiện rầm rộ trong tiếng Việt/chữ Quốc ngữ, thì tinh thần “ví đây đổi phận làm trai được” lại trỗi dậy mạnh mẽ. Năm 1907, phong trào Đông Kinh nghĩa thục kêu gọi phụ nữ tham gia vào văn học, chính trị, xã hội. Năm 1917, nhà nước thuộc địa ban hành quy chế về giáo dục Đông Dương, bênh vực nữ học, nữ quyền. Năm 1926, Trịnh Đình Rư xuất bản Nữ sinh độc bản tại Hải Phòng, với tư tưởng rằng muốn đất nước nhanh thoát cảnh ngu dốt thì con gái cũng phải đi học. Năm 1928 tại Huế, hội phụ nữ đầu tiên xuất hiện với tên gọi Nữ công học hội. Năm 1929, Phụ nữ tân văn phát hành tại Sài Gòn, thành một trong những tờ báo của và về phụ nữ sớm trên toàn thế giới. Đặc biệt, cuốn Nam nữ bình quyền của Đặng Văn Bảy (1903 – 1983, hiệu Hoành Sơn) ấn bản lần đầu năm 1928 tại Sài Gòn, trở thành một trong những sách lý thuyết về nữ quyền sớm trên thế giới, trước cuốn kinh điển về nữ quyền Le Deuxieme Sexe (Giới tính thứ hai) của Simone de Beauvoir vài chục năm.
Về vấn đề “ví đây đổi phận làm trai được” của phụ nữ Việt Nam ở thập niên 1920, trong sách Essays Into Vietnamese Pasts (Luận về Việt Nam một thời, New York, 1995), nhà Việt Nam học David G. Marr nhận định: “Phụ nữ và xã hội đã trở thành điểm tập trung chú ý mà các vấn đề khác thường xoay quanh nó. Hàng trăm cuốn sách, tập sách nhỏ và bài báo đã được xuất bản về mọi mặt. Phụ nữ trở nên có ý thức rằng họ là một nhóm người trong xã hội với các nỗi bất bình và yêu cầu riêng”.
Rõ ràng, chỉ từ một chuyện rất nhỏ là sự xuất hiện của chủ thể và chủ ngữ/vị ngữ trong văn bản chữ quốc ngữ, vậy mà như một hiệu ứng cánh bướm, đã kéo theo vô số làn sóng lớn trong nhận thức về xã hội, về dân trí và dân sinh. Mâu thuẫn về chủ thể và chủ ngữ/vị ngữ trong văn bản – “Bút sa gà chết” – đã nhanh chóng dẫn đến cuộc “ví đây đổi phận làm trai được” ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20.
Lý Đợi