Doanh nghiệp du lịch “sống chung” với dịch
Kể từ tháng 3, khi dịch Covid-19 xuất hiện ở Quảng Nam, du lịch là một trong những ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ sở lưu trú, dịch vụ đóng cửa hoặc chuyển nhượng, thì một số doanh nghiệp du lịch vẫn cố gắng chống chịu, nỗ lực vượt qua thời điểm khó khăn này.
Chuyển hướng kinh doanh
Ông Nguyễn Tuấn Liên – Giám đốc Khu du lịch sinh thái Tuấn Liên (Hội An) cho biết ngày 1.9, bắt đầu mở lại tiệm hớt tóc của mình sau khoảng thời gian đóng cửa phòng chống dịch Covid-19. Đây là công việc gắn với ông từ hơn 10 năm trước và liên tục được duy trì đến nay, kể cả khi ông chuyển sang kinh doanh du lịch. “Dịch giã bùng phát, du khách không có thì tôi quay lại với nghề này” – ông Liên nói.
Câu chuyện của ông Liên cho thấy, nhiều doanh nghiệp du lịch Hội An thấm thía bài học từ Covid-19 đem lại, là cần kinh doanh đa ngành nghề, không nên phụ thuộc quá nhiều vào du lịch. “Sắp tới tôi sẽ mở thêm vài điểm hớt tóc kết hợp với dịch vụ làm đẹp, phục vụ cà phê, đào tạo nghề nhằm đa dạng hóa hoạt động” – ông Nguyễn Tuấn Liên thông tin thêm.
Khi dịch Covid-19 tái bùng phát, hoạt động kinh doanh du lịch hầu như ngưng trệ hoàn toàn. Tất cả khách sạn, nhà hàng tại Hội An đồng loạt đóng cửa, những kỳ vọng, vui mừng về dịch Covid -19 được kiềm chế hồi đầu tháng 5 nhanh chóng tan biến.
Bà Phạm Thị Hải Nguyên – chủ khu nghỉ dưỡng Sea’lavie Boutique Resort & Spa Hội An cho biết, đang cùng một số chủ doanh nghiệp tính toán xây dựng một “siêu thị online” bán hàng nông sản sạch, đây cũng sẽ là hướng đi mới, kể cả khi khách sạn mở cửa trở lại nhằm giúp doanh nghiệp tồn tại lâu dài, bởi dịch bệnh có thể quay lại bất cứ lúc nào.
Theo ông Lê Ngọc Thuận – chủ nhà hàng The Deckhouse An Bang Beach, trong tình hình hiện nay, “sống chung” với dịch là vấn đề nên được tính tới. Do đó, doanh nghiệp phải xây dựng lại kế hoạch kinh doanh của mình cho phù hợp. Và siêu thị online sẽ là hướng đi triển vọng. Tại đây không chỉ bán hàng nông sản mà còn có sản phẩm ăn uống, túi xách, quần áo… giá cả hợp lý, phù hợp với người Việt.
“Dịch lần này sẽ là bài học cho nhiều doanh nghiệp, nhất là trong quản trị con người và xác định sản phẩm hàng hóa kinh doanh, tránh sự thụ động như hiện nay” – ông Thuận nói.
Đừng “bỏ trứng vào cùng một giỏ”
Không nên phụ thuộc hoàn toàn vào du lịch là bài học đắt giá của hầu hết doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại Hội An sau hai đợt dịch Covid-19. Việc điều chỉnh chính sách kinh doanh theo hướng đa dạng sản phẩm không chỉ giúp phát triển các dòng sản phẩm hợp lý, phù hợp khả năng chi tiêu của khách trong thời điểm khó khăn hiện nay mà còn giúp doanh nghiệp có thể sống sót qua dịch, kể cả sau này.
Ông Lê Ngọc Thuận chia sẻ, ông đang tập trung xây dựng hình ảnh quảng cáo cho các dự án kinh doanh online của mình. Đặc biệt, sau thành công của lễ hội ẩm thực và âm nhạc hồi đầu tháng 7, đã mở ra nhiều ý tưởng cho ông về việc xây dựng một không gian mua sắm vừa và nhỏ ở An Bàng (Hội An). Tại đây không chỉ có ăn uống, âm nhạc mà còn có những sản phẩm khác như áo quần, hàng lưu niệm, nông sản…, nhằm tạo ra một dòng sản phẩm mới mang tính cộng đồng cao.
Theo ông Đỗ Như Châu – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Như (đơn vị quản lý chuỗi khách sạn Le Pavillon Hoi An), bài học quan trọng doanh nghiệp rút ra từ dịch bệnh Covid-19 là không nên “bỏ tất cả trứng vào cùng một giỏ”, sự phụ thuộc quá lớn vào du lịch dễ mang lại rủi ro.
Tại Công ty Hoàng Như, từ đầu tháng 3/2020 đơn vị đã tạm đóng cửa một khách sạn trong chuỗi hệ thống khách sạn Le Pavillon Hoi An để sáp nhập nhân viên và chia sẻ công việc. Tuy nhiên, dịch Covid-19 lần thứ 2 bùng phát thì hệ thống khách sạn Le Pavillon Hoi An phải đóng cửa hoàn toàn. Hiện công ty làm thủ tục cho một số nhân viên nghỉ việc hưởng trợ cấp thất nghiệp. Với số nhân viên không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, đơn vị sẽ hỗ trợ mỗi người một tháng 20 ký gạo, một suất thực phẩm trị giá 500 nghìn đồng và 1 triệu đồng tiền mặt, thời gian thực hiện bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 12/2020 nhằm giúp gần 300 nhân viên cầm cự qua dịch. Còn trước đó, từ tháng 3 đến tháng 6, công ty đã hỗ trợ cho tất cả nhân viên nghỉ việc một tháng 2 triệu đồng.
Theo ông Châu, để có được nguồn lực trên, ngoài du lịch, công ty còn tính đến kinh doanh nhiều ngành nghề khác. Hiện tại, đơn vị tập trung hoàn thành những dự án dang dở, kịp thời đưa vào hoạt động trong năm 2021. Đặc biệt, đang gấp rút hoàn thiện các thủ tục để nhanh chóng khởi công một dự án y tế tại Hội An và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm từ Úc về Việt Nam…
Bài & ảnh: Vĩnh Lộc
Theo Quảng Nam Online
Link nguồn: http://baoquangnam.vn/du-lich/doanh-nghiep-du-lich-song-chung-voi-dich-92287.html