Bà Huôi và quán chè Campuchia độc hiếm giữa Sài Gòn

Sài Gòn ti tỉ quán chè lớn nhỏ, hàng rong có, cố định có, miền nào cũng có, chè ngoại cũng có nốt. Chẳng hạn, muốn kiếm quán chè Thái ở thành phố này không khó, thậm chí món này còn vào tận siêu thị. Nhưng quán chè Campuchia thì khó mà tìm ra cái nào khác ngoài quán chè cô Huôi.

Nguyên cái chợ Cam ở phường 1, quận 10, Sài Gòn, kề bên chợ hoa Hồ Thị Kỷ này chỉ tiệm chè cô Huôi là lâu đời nhất, “thuần Cam” nhất.

ba-huoi-va-quan-che-campuchia
“Mặt tiền” nhỏ của quán chè Campuchia trong con hẻm 57 Hồ Thị Kỷ, cạnh ngôi chợ hoa nổi tiếng của Sài Gòn.

Kỳ công món chè hột me

Quán chè Campuchia cô Huôi, của bà Huỳnh Thị Huôi không nhiều món lắm, tầm 5 – 7 món trở lại: chè thập cẩm, chè hột me, xôi xiêm, chè bí chưng (bí trứng sữa), chè thốt nốt… Sau này chị Hà, con gái bà còn bày bán thêm món chuối nướng kiểu Campuchia.

ba-huoi-va-quan-che-campuchia
Cái bảng hiệu cũ nằm lẩn khuất bên hông quán, với từ “chánh gốc”.

Thực khách thì tỏ ra rất thích thú với món chè bí chưng, tiếng Campuchia gọi là num-à-pơi. Khách ăn không nhớ tên thì cứ gọi nôm na theo kiểu thành phần có gì thì kêu y vậy: bí trứng sữa. Đó là sự kết hợp của bí ngô nhỏ, nạo ruột, thay vào đó là một hỗn hợp sữa bột, sữa đặc, lòng đỏ trứng, nước cốt dừa, đem hấp cách thủy. Hấp xong trái bí vẫn còn nguyên, mềm mà không nhão.

ba-huoi-va-quan-che-campuchia
Num-à-pơi, hay còn gọi là bí chưng, flan bí hay bí trứng sữa tùy theo ý khách.

Một món nữa mà khách ưa gọi khi đến đây là xôi xiêm. Vị dẻo mềm của nếp, không quá khô hay nhão; nhân xôi là sầu riêng được làm cô đặc như bánh flan có vị thơm ngậy, phủ lên là nước cốt dừa sền sệt, vị beo béo đang lan khắp dĩa và tìm cách xâm lấn vào từng miếng xôi tùy theo cách múc của thực khách.

ba-huoi-va-quan-che-campuchia
Dĩa xôi xiêm trong quầy chè trước khi được múc ra cho khách, trộn thêm nước dừa và sầu riêng.

Nhưng với tôi, ấn tượng nhất là chè hột me. Có lẽ, chưa có món chè nào mà quá trình chế biến, thực hiện lại tỉ mỉ tốn rất nhiều thời gian như thế. Có lẽ nói không ngoa đây là món chè hàng độc, hiếm thấy ai bán ở Sài Gòn này.

ba-huoi-va-quan-che-campuchia
Sầu riêng được làm thành nhưn của món xôi xiêm.

Bà Huôi kể, loại me dùng làm chè là loại người ta hay mua nấu canh chua. Nhưng bà không có nhu cầu lấy “thịt”, tách ra bỏ hết, chỉ lấy hột bên trong, đem rang lên. “Rang cho đen xong thì đập, làm trò Tấm Cám chọn lúa với đậu vậy đó.” Bà Huôi hài hước. “Vỏ đen bỏ, hột già giữ lại. Rồi đem ngâm nước hết mấy ngày, mềm vừa tay mình lột, hoặc lột không được thì lấy dao cạy ra. Xong phải hầm, hầm xong phải rửa vì hột me này nhựa như hột ô môi vậy. Rửa sạch sẽ rồi mới đi nấu nước đường. Mà phải nấu bằng đường thốt nốt mới ngon.”

ba-huoi-va-quan-che-campuchia
Món chè hột me trứ danh của quán chè cô Huôi.

Chè hột me ăn giòn giòn sực sực lại mềm mềm. Hột me trong chè hơi lạt, thoảng chút xíu nhân nhẫn rất nhẹ, một chút bùi, quyện với vị ngọt thanh mà không gắt của đường thốt nốt. Vị giác thực khách vốn được mặc định thành phản xạ có điều kiện quen vị ngọt chua của trái me, nay ăn chè hột me sẽ dễ có cảm giác như cái vị quen ấy còn lẩn quẩn đâu đây trong từng muỗng chè, vừa có cảm giác tươi mới để vừa nhai vừa thú vị: ô đây là hột me sao.

ba-huoi-va-quan-che-campuchia
Chè ở đây ăn bằng dĩa chứ không phải bằng ly. Trong ảnh là dĩa chè thập cẩm và chè xôi xiêm.

Bà Huôi khoe, quán chè của mình, trừ trái thốt nốt ra, còn lại đều tự làm. Nhiều nguyên liệu làm nên món chè này chủ yếu được chuyển về từ Campuchia. Làm cực, mất thời gian. Bà Huôi không quen được kiểu mua mỗi nơi một ít về gom lại chung một chỗ gọi là chè để bán. Tự tay làm mới ngon, mới thích. Mà giờ có không làm cũng không biết đặt đâu làm cho như ý.

Nồi chè của người chạy loạn

Khi lần đầu tìm tới quán chè nho nhỏ bình dân gần đầu hẻm nằm lọt thỏm giữa những nhộn nhịp các hàng ăn của hẻm chợ Campuchia, bà Huôi cười như hiểu được cái nhìn của tôi: “Nhiều người nghe tên tui thì tò mò lắm, tưởng là người Campuchia gốc, nước da đen sậm, tóc xoăn. Nhưng thực ra tui  là con lai Việt mà.”

ba-huoi-va-quan-che-campuchia
Bà Huỳnh Thị Huôi, chủ quán chè đã 3 đời, 40 năm tồn tại ở Sài Gòn.

Bà Huôi có cha là người Cam, mẹ người Việt qua xứ Chùa Tháp làm ăn rồi ngụ cư tại xứ này, bà ngoại người Hoa gốc Tiều. Bà Huôi đẻ ở Nam Vang, đang tuổi lớn thì dở dang việc học, theo gia đình chạy loạn về cố xứ của mẹ khi Campuchia đang có biến cố “cáp duồn” (tìm và tiêu diệt Việt kiều) những năm 1970 dưới thời chính quyền Lon Non. Lúc đó, người thân bên ngoại của bà vẫn còn ở Campuchia, sau này mới về Việt Nam dần dần.

Bà Huôi, nay đã ngoài 60, giọng Sài Gòn rặt, chỉ có thể “soi” được đó là một Việt kiều hồi hương quá lâu thông qua giọng nói có đôi chữ phát âm hơi nhíu một chút. Khi khăn gói theo gia đình về Sài Gòn, bà chỉ mới hơn 10 tuổi. Mẹ bà mua được căn nhà nhỏ trong con hẻm nhỏ thông ra các con đường Lê Hồng Phong, Lý Thái Tổ, Hùng Vương, nhưng chính danh thì nó thuộc về hẻm 57 đường Hồ Thị Kỷ. Một con hẻm mà sau này chết danh hẻm Campuchia vì tập trung nhiều người Campuchia gốc Việt chạy loạn về cố hương cùng sống quây quần lại. Mẹ bà Huôi chọn kế mưu sinh với mấy nồi chè đặc thù nơi mình từng sống, bán loanh quanh trong hẻm gần nhà, như một trong vô vàn minh họa cho làn sóng di cư của các kiều bào Campuchia về lại Sài Gòn, đem theo những món ăn ngon từ nước bạn. Và gánh luôn những lời đồn thổi. Chị Hà, con gái bà Huôi, người đang thay mẹ đứng bán kể: “Khi xưa về đây người ta hay đồn là người Campuchia về Việt Nam đem theo nhiều vàng lắm. Mà chạy loạn, lấy đâu ra nhiều tài sản để mang theo. Nếu có nhiều vàng thì bây giờ sống phải dư dả lắm, đâu phải bán chè mỗi ngày làm chi.”

Quán chè cô Huôi đã được 40 năm, đã ba đời bán, từ hồi “cô Huôi” còn con nít được mẹ truyền nghề dần dà đến nay đã lên chức bà. Bà Huôi kể: “Có thời gian em dâu đứng bán. Vì lúc đó tui tranh thủ đi bán cá, khi “nghỉ hưu” bán cá rồi tui tiếp tục việc bán chè của gia đình.

ba-huoi-va-quan-che-campuchia
Chị Hà, đời thứ 3 bán chè của quán chè cô Huôi.

Thực khách biết tiếng quán chè theo kiểu tiếng lành đồn xa. Cách đây 10 năm, chè cô Huôi lần đầu tiên được một đài truyền hình tới quay làm chương trình ẩm thực. Bà ngại ngần từ chối thẳng tui làm gì có tiền mà quảng cáo trên tivi. “Người ta nói làm miễn phí nên tui chịu. Làm xong người ta còn gửi phong bì được 300.000 đồng, vui quá trời.” Bà Huôi cười kể.

Quán dù đông khách, nhưng vẫn giữ nếp, chỉ bán từ chiều đến tối, tầm hơn 9 giờ tối là dọn. Bà Huôi cười giòn nói hài hước: “Tui chỉ bán chừng đó. Làm vừa đủ thì món mình làm mới chất lượng. Với lại, không phải là nói xấu, nhưng ham hố làm quá thì… bác sĩ ăn hết à.”  

Quán chè này khá hiếu khách. “Nhiều khi nhóm 5 người vô kêu 2 chén chè tui vẫn bán. Tui hiểu là người ta tò mò vào ăn cho biết chè Cam. Có thể ngon, người ta sẽ quay lại, nhưng chuyện đó tính sau. Còn trước mắt, hãy để họ thử, mà khi thử, không thể ép mỗi người phải thử cả chén mới được”.

ba-huoi-va-quan-che-campuchia
Món chuối nướng có thể gặp ở nhiều nơi, nhưng ở đây thì thuần theo kiểu Campuchia.

Tôi có những người bạn ghiền chè bà Huôi, không chỉ vì vị ngon, lạ hiếm giữa cái xứ chè gì cũng có như Sài Gòn, mà còn vì chè cô Huôi, từ 7 năm nay cũng từng đó giá, từ 15.000 đến 20.000 ngàn/dĩa thập cẩm. Món chè cũng không pha trộn thêm nhiều thể loại chè khác cho dễ chiều khách. “Xưa bán sao, giờ tui bán vậy hà. Sao tui phải thay đổi khi thấy khách đã quen món. Má tui nuôi cả nhà cũng bằng quán chè này mà.”

Bà Huôi lý giải rằng chợ thì chật, đường hẻm nhỏ, quán hàng san sát, xe cộ đi lại khó, kiếm chỗ để xe càng khó khăn, thực khách đều phải gửi xe ở bãi gần đó. Khách ăn vì tò mò mà cũng tốn tiền gửi xe, lên giá chi, coi không đặng. “Lên giá ly chè cũng được nhưng tui vẫn không. Mình còn nghĩ đến khách của mình nữa. Dù khách gửi xe là không phải chỉ vô quán chè. Mình mần kiếm đồng tiền cực, thì cũng nghĩ cho khách chớ”.

Chuyện tưởng như rất nhỏ này, mà không phải quán hàng ăn uống nào cũng nghĩ tới được…

Bài & ảnh: Sơn Trà

Theo 24hsongxanh.vn

 

Link nguồn: https://24hsongxanh.vn/ba-huoi-va-quan-che-campuchia-doc-hiem-giua-sai-gon/

Cùng chuyên mục