Băng qua ‘cung đường muối’ Tây Giang ngắm cây pơ mu canh cửa núi rừng
Nếu du khách có máu mạo hiểm, thích khí sắc độ cao, hẳn không thể thờ ơ với các điểm sinh thái Tây Giang.
Tây Giang là một huyện vùng cao, thuộc miền biên viễn của tỉnh Quảng Nam. Địa giới phía tây của huyện là đường biên với Lào. Cách đây chỉ hơn thập niên, người ở miền xuôi Quảng Nam còn gọi nơi này là “chốn thâm sơn cùng cốc”, nhưng bây giờ đã hoàn toàn khác.
Không phải do bà con đổi mới tư duy, mà thực tế Tây Giang đã khoác lên mình tấm áo mới.
Trên Google Maps, đường lên Tây Giang được thể hiện bằng nhiều con đường nhựa dọc – ngang chạy về đến trung tâm huyện lỵ. Không chỉ đường, cả điện chiếu sáng cũng lung linh đến các buôn, nóc người Cơ-tu, và vào tận cửa khẩu Việt – Lào.
Đừng vội nghĩ chuyện điện, đường bây giờ đã “xưa như trái đất”! Xin thưa: Đây là huyện vùng biên của Quảng Nam; nơi phát tích huyền sử “Cung đường muối ” trong thời ác liệt chiến tranh.
Những con đường mới thực sự đã khai mở nhiều tiềm năng của vùng sơn dã. Riêng về phát triển du lịch, trên bản đồ Tây Giang đã phát lộ nhiều điểm đến lý thú, mà chẳng nơi nào có được.
Ban ngày, bạn tha hồ hòa điệu hồn với cảnh sắc núi rừng. Nếu sớm mai nắng ấm, hãy tranh thủ leo đèo, lên đỉnh Chơlang ở độ cao 1.500 m. Nơi đây vừa phát lộ rừng đỗ quyên đại thụ, rộng hơn 50 ha.
Lúc chiều muộn, bạn đừng quên đi ngắm hoàng hôn trên đỉnh Quế. Đây là đỉnh núi cao gần 1.400m, nơi thuở xưa có cây quế rừng cổ thụ. Gốc quế xưa, nay dành chỗ cho khu du lịch cộng đồng. Khách mãn nhãn với cảnh tà dương huyền ảo và được tái hiện không gian “đồi gió hú”.
Đã đến Tây Giang, bạn đừng bỏ lỡ cơ hội thám hiểm vùng biên, chiêm ngưỡng rừng cây di sản pơ mu. Trải dọc theo biên giới, có hơn 2.000 cây pơ mu canh cửa núi rừng, trong đó có nhiều gốc đại thụ, xác định tuổi đời hơn 700 năm.
Tối đến, khách có dịp tụ hội ở nhà Gươl, ngay trung tâm huyện lỵ. Nhà Gươl là điểm nhấn văn hóa, trong không gian nhà cổ của tộc người Cơ-tu. Tại đây, bạn sẽ cảm nhận đầy đủ sắc thái văn hóa vùng cao, như vũ điệu cồng chiêng; rượu Ta-vak; cơm lam – muối ớt…
Cảnh và người vùng cao Tây Giang đang rộng cửa mời khách!
Nếu chọn tuyến đường ngắn nhất tên Tây Giang, bạn hãy khởi hành từ thành phố Đà Nẵng. Từ cuối đường Hoàng Văn Thái – Đà Nẵng theo QL.14G, “Tây tiến” lên thị trấn Prao – Đông Giang, đúng 80 km. Đến ngã ba thị trấn (đi Nam Giang – Tây Giang), bạn sẽ thấy biển chỉ đường đi Tây Giang, với hơn 40 km nữa sẽ về đến huyện lỵ Tây Giang.
Nếu bạn là khách từ phía Nam ra, có thể chọn lựa hai địa điểm trên QL.1A hướng về Tây Giang: Ngã ba Cây Cốc – huyện Thăng Bình và ngã tư “đường lên cao tốc” ở thị xã Điện Bàn. Để tránh nhầm đường, bạn nên chọn tuyến theo đường cao tốc – Điện Bàn, rẽ sang QL.14B về hướng Tây.
Con đường 14B ngoằn ngoèo, chạy lên kết nối với tuyến 14G – cạnh cổng khu du lịch Núi Thần Tài – ước chừng 40 km. Từ đây, chỉ còn con đường độc đạo 14G thẳng tiến Tây Giang. Đến ngã ba xã Tr’Tiêng, bạn dừng nghỉ ở trạm đón tiếp – du lịch cộng đồng của huyện Tây Giang. Nơi đây, luôn có những chàng trai Cơ-tu sẵn lòng hướng dẫn khách chọn các điểm thăm quan, trải nghiệm.
Nhưng nếu bạn đi du lịch theo tour (không quá 20 người), mọi việc trở nên đơn giản. Anh chàng hướng dẫn viên người Cơ-tu đẹp trai, năng động của du lịch cộng đồng Tây Giang (có tài khoản Facebook cá nhân) Pơloong Plênh sẽ nhanh chóng biết bạn cần gì, đi đâu. Ngoài những vật bất ly thân như chai nước, thuốc chống muỗi, vắt khách tự trang bị; còn muốn thưởng thức các món ăn, hay việc ngủ, nghỉ… đã có Pơloong lo… Chúc quý khách giữ cái chân cho khỏe, để vào ăn trong rừng pơ mu.
Huyền sử “cung đường muối” giờ đây nhiều người Cơ-tu kể và hiểu không đồng nhất. Theo già làng Bh’Riu Pok, “chuyện nớ do cán bộ Kinh nói, từ dạo còn thằng giặc Tây kia…”. Đại thể là, dưới thời thuộc Pháp, bà con dân bản vùng này lúc nào cũng “đói muối”. Muối ở vùng cao còn quý hơn vàng với người Kinh. Để bà con Cơ-tu không bị “trương cái bụng”, bộ đội cụ Hồ phải lặn lội xuống miền xuôi cõng hạt muối lên. Bộ đội bỏ muối trong gùi, cõng vào được xã Tr’Hy này, phải vượt qua rừng rậm nhiều nhiều “cái khoen rựa”. Chưa kịp vào nóc thì muối đã thấm hết trên lưng áo rồi (mồ hôi muối)”! Thì ra, nghĩa ẩn dụ của “cung đường muối” là lột tả nỗi gian truân, khó nhọc của con đường cõng muối thuở xưa. Sau chiến tranh, cung đường này lại lập thêm một kỳ tích. Đó là việc lão làng Blâu Bhlao, ở thôn Vòng cầm rựa đi phóng tuyến mở đường lên Khu 7. Giữa rừng núi trùng điệp, già Blâu phải trèo lên ngọn cây cao nhất, chặt ngọn làm dấu. Cả năm trời, già phóng tuyến để làm con đường quanh núi, dài gần 30km. Trước khi có đường này, dân bản phải đi mất 3 ngày mới đến xã, nhưng có đường mới chỉ còn 1 ngày thôi! Năm 2011 Nhà nước cho khảo sát, mở đường nhựa lên biên giới, lại hoàn toàn khớp với phát tuyến của già Blâu. Vì vậy, con đường nhựa uốn lượn như con lươn, vượt qua đỉnh Quế bây giờ vẫn được mang tên đường Blâu Bhlao… |
Bài & ảnh: Ngô Đăng Khoa
Theo Tuổi Trẻ Online
Link nguồn: https://dulich.tuoitre.vn/bang-qua-cung-duong-muoi-tay-giang-ngam-cay-po-mu-canh-cua-nui-rung-20200707142346182.htm