Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp vượt đại dịch
Tối ưu vận hành để tiết kiệm chi phí, tận dụng tối đa nguồn lực và đẩy mạnh hiệu quả hoạt động, gia tăng năng suất, quản trị rủi ro… là những chìa khóa quan trọng giúp doanh nghiệp (DN) đảm bảo sự tồn tại trong điều kiện khó khăn hiện nay, đồng thời tạo nền tảng để bứt phá vươn lên trong tương lai.
Thay đổi tư duy
Làn sóng Covid-19 thứ hai đang quay trở lại với mức độ phức tạp, khó dự đoán hơn nhiều so với lần trước đó. Bài toán đặt ra cho các DN là phải bảo đảm hoạt động vận hành kinh doanh, tăng cường quản trị nội bộ, cải tiến hoạt động bán hàng cũng như tài chính, để có thể tối ưu nguồn lực, tiết kiệm chi phí cũng như nâng cao hiệu suất, từ đó tạo nền tảng để bản thân các DN bứt phá thành công.
Bà Hà Thị Thu Thanh – Chủ tịch Hội đồng Thành viên Deloitte Việt Nam cho rằng, hoạt động bán hàng chính là ưu tiên số một mà DN cần tập trung tháo gỡ trong bối cảnh Covid-19 quay trở lại. Khi tư duy tiêu dùng thay đổi, DN phải thay đổi tư duy bán hàng theo hướng thận trọng hơn, sản xuất bao nhiêu, bán cho ai, bán như thế nào, làm sao bán ít hơn nhưng thu tiền tốt hơn. Theo đó, cần thay đổi tư duy lãnh đạo để ứng phó nhanh nhạy hơn trước biến động thị trường. “Covid-19 cũng là cơ hội rà soát hệ thống, đánh giá hiệu quả quản trị, đưa ra những chiến lược tinh gọn để tiết kiệm chi phí cũng như phù hợp với xu hướng thị trường”, bà Hà Thị thu Thanh nhận định.
Cùng nhận định này, ông Lê Văn Thành – Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Động Lực Group chia sẻ: “Covid-19 khiến chúng tôi nhận ra đã đến lúc phải thay đổi sau hơn 30 năm phát triển. Tiềm năng của ngành thể thao là rất lớn, nếu không thay đổi cách thức quản trị kinh doanh theo xu thế mới thì sẽ không thể tạo được đột phá trong bối cảnh kinh doanh mới”.
Chuyển đổi số đang được xem là một trong những giải pháp quan trọng để DN có thể tồn tại trong điều kiện khó khăn hiện nay và tạo đà bứt phá trong tương lai. Theo đó, giá trị của chuyển đổi số dễ nhận thấy ở những yếu tố như nâng cao hiệu suất công việc, tối ưu thời gian và quy trình, giảm thiểu chi phí. Với những DN tiên phong số hóa, mọi giấy tờ, thủ tục, các hoạt động ra quyết định đều thực hiện trên nền tảng số. DN tìm mọi cách để tạo ra sự trơn tru trong vận hành, làm sao rút ngắn thời gian nhất có thể và chuyển đổi số sẽ thay đổi toàn diện văn hóa làm việc, văn hóa sáng tạo trong mỗi công ty.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT cho rằng, Việt Nam đang đối diện những thách thức chưa từng có. Và ngay khi Covid-19 diễn ra, FPT đã kích hoạt hệ quản trị “thời chiến”, thành lập “biệt đội phản ứng nhanh” đưa ra những quyết sách kịp thời. Từ những kinh nghiệm quản trị DN, nhiều năm tư vấn và triển khai chuyển đổi số cho các DN Việt Nam cũng như bộ sản phẩm giải pháp do chính FPT nghiên cứu phát triển, FPT sẵn sàng chia sẻ với cộng đồng DN Việt, cùng kết “liên minh” để vượt bão khủng hoảng thời Covid-19.
Đột phá với chuyển đổi số
Ông Nguyễn Xuân Việt – Giám đốc Công nghệ FPT IS cho biết, trước đây thời gian trung bình để xử lý một vấn đề ở DN là khoảng 40 giờ, nhưng hiện nay, số hóa đã rút ngắn giai đoạn này xuống còn 3 giờ đồng hồ. Nếu đem con số này ứng vào các DN lớn, quy mô vận hành hàng nghìn nhân viên thì hiệu quả có thể đong đếm rất rõ ràng.
Hay như việc sử dụng robot để xử lý các tác vụ ở những đơn vị như ngân hàng cũng rất nhanh, chỉ khoảng 11 giây. Robot có thể giảm tới 98% số công việc có tính đơn giản con người đang thực hiện. Cụ thể hơn, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) chỉ ứng dụng chuyển đổi số đã thiết lập nền tảng Hope giúp DN nội thất, gỗ chuyển sản phẩm lên mô hình 3D, mở triển lãm online. Nhiều DN của HAWA đã bán được hàng qua kênh này.
Theo các chuyên gia, số hóa hay chuyển đổi số hiện nay không còn là bài toán khó với hầu hết DN. Bởi công nghệ đã rẻ, cách thức triển khai cũng dễ dàng hơn rất nhiều. Và giải pháp để tự động hóa, chuẩn hóa quy trình ngày nay có nhiều hệ thống hỗ trợ như công nghệ API, AI, robot… để nâng cao năng suất. Nhưng trước hết, các DN cần tự hỏi mình muốn gì, cần cải thiện chỗ nào, sau đó mới tìm giải pháp công nghệ phù hợp.
Có điều đáng lo là nhiều DN vẫn chưa nhận rõ về các xu thế về công nghệ, phương pháp phù hợp và chọn “chiếc áo” quá to hay quá chật dẫn đến không hiệu quả. Thường thì các DN hoạt động theo lề lối truyền thống, ít tiếp cận với các mô hình vận hành chuyên nghiệp. Nhiều DN chưa quan tâm và đầu tư cho công nghệ thông tin. Hơn nữa, con người có tâm lý ngại thay đổi, nhiều nhân viên không nhìn nhận giá trị, cảm thấy không thoải mái khi có các công cụ tự động thay thế, khiến họ muốn nghỉ việc hoặc không thực hiện đúng.
Theo các chuyên gia, muốn thực hiện được chuyển đổi số phải bắt đầu từ tư duy chuyển đổi số, mà quan trọng nhất là người làm chủ. Và các DN càng nhỏ, mô hình đơn giản càng dễ áp dụng chuyển đổi số. Vì các DN có thể làm thử và khi sai có thể làm lại mà không mất gì nhiều.
Trong điều kiện hiện nay, ngoài chuyển đổi số, bà Trần Thị Thúy Ngọc – Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam cho rằng, các DN cần xem lại cách tiếp cận khách hàng, thay vì các showroom offline, có thể phát triển kênh online. Một số giải pháp số DN có thể ứng dụng vào sản phẩm như công nghệ 3D, real-time, cho phép trình chiếu, mang đến trải nghiệm online cho khách hàng, thử các sản phẩm sofa, giường đệm… qua màn hình máy tính, mobile… Hiện nay, kênh mobile ngày càng thu hút lượng người dùng lớn, đặc biệt là ngành e-commerce. Vì vậy, các DN có thể tập trung phát triển kênh bán hàng này.
Thanh Ngân
Theo doanhnhansaigon.vn
Link nguồn: https://doanhnhansaigon.vn/kinh-doanh/chuyen-doi-so-giup-doanh-nghiep-vuot-dai-dich-1099987.html