Tạp chí Đất Quảng và duyên nợ văn chương
Tháng 5.1978, tạp chí chuyên ngành văn học nghệ thuật Đất Quảng ra đời, phát hành số đầu tiên. Đến năm 1997, khi chia tách tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng, tạp chí Đất Quảng cũng được chia thành hai, cái tên tạp chí Đất Quảng (bộ mới) theo về Quảng Nam, còn Đà Nẵng là tạp chí Non Nước.
Truyện ngắn đầu tay của tôi – Những người đo nước in trên tạp chí Đất Quảng số 48 tháng 9 – 10 năm 1987, thời Tổng Biên tập Thanh Quế, các Phó Tổng biên tập Thái Bá Lợi và Đoàn Xoa, là kết quả của cả một tuổi trẻ đam mê và vất vả để đến được với văn học. Hình như anh Vĩnh Quyền (hay chị Ngô Thị Kim Cúc?) biên tập truyện này thì phải. Hồi ấy, không chỉ tôi mà có khá nhiều người “ngưỡng mộ” các nhà văn trẻ xuất hiện trên “văn đàn xứ Quảng” như Hồ Trung Tú với “Búp bê cho người lớn”, Nguyễn Lộc An với “Màu lá dâu non”… Tất cả đều “xuất thân” từ tạp chí Đất Quảng.
Được in truyện đầu tiên với sa-pô giới thiệu tác giả vô cùng hoành tráng cứ như một liều thuốc ma mị làm mê hoặc tôi. Phải nói hồi ấy in được cái truyện trên tạp chí Đất Quảng thì không có gì sướng bằng. Tôi đã từng sướng như thế, cho đến tận bây giờ! Mới đó đã ba chục năm. Nhờ cái sự mở đầu êm ái đó giúp tôi nuôi dưỡng niềm đam mê sáng tác, túc tắc viết, đủ các thể loại, đủ các đề tài. Cho người lớn và cho cả trẻ con. Và rồi cứ tiếp tục “gắn” với Đất Quảng mãi đến tận sau này, cho đến khi Đất Quảng tách về Quảng Nam.
Qua mấy chục năm, tạp chí Đất Quảng từng thay đổi cả khuôn khổ lẫn cách trình bày nhiều lần. Khâu mỹ thuật được chăm chút rất kỹ lưỡng. Cả phần biên dịch văn học nước ngoài và nghiên cứu – lý luận – phê bình là những phần nổi trội của tạp chí trong một thời gian dài. Cùng với việc không ngừng nâng cao chất lượng các sáng tác văn học, Đất Quảng từng nổi lên như một hiện tượng lạ của một tạp chí văn nghệ địa phương, nhất là trong những năm 1990. Với tôi, hầu hết truyện in trong tập Lai lịch một thành hoàng (Hội VHNT Quảng Nam – Đà Nẵng, 1992) đều được in lần đầu ở đây (Chỉ vài truyện in trên báo Quảng Nam – Đà Nẵng cuối tuần). Sách được chăm sóc bản thảo kỹ lưỡng nhờ nhà thơ Thanh Quế và nhà thơ Hoàng Minh Nhân.
Từ Đất Quảng, tôi được nhà thơ Thanh Quế giới thiệu đi học Trường viết văn Nguyễn Du (nhưng cuối cùng đã hủy ý định), được giới thiệu tham gia trại sáng tác văn học dành cho thiếu nhi do Ban Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Hà Nội hè 1994. Đã từng được giới thiệu ba chương tiểu thuyết trên tạp chí (Bản nhạc buồn của Sô panh – gọi là trích tiểu thuyết Ảo ảnh người đàn bà bên hồ, sau này hoàn chỉnh và in thành tiểu thuyết Bến cạn). Nghĩa là mọi thứ dành cho một tác giả văn học, tôi đều được tạp chí Đất Quảng ưu ái! Có thể nói tôi là một trong số rất ít cộng tác viên được tạp chí quan tâm và giúp đỡ như vậy. Trong tình hình các tạp chí văn nghệ không nhiều, việc in được một tác phẩm trên báo, tạp chí là rất may mắn.
Ngày ấy, cũng không dễ gì in một cuốn sách, chính nhờ các “thao tác” in tác phẩm trên tạp chí Đất Quảng đã giúp tôi có đủ tự tin và “sức lan tỏa cần thiết” để dễ dàng in tập truyện đầu tay của mình. (Hình như tập truyện ngắn Búp bê cho người lớn của Hồ Trung Tú, Màu lá dâu non của Nguyễn Lộc An cũng ra đời tương tự như vậy, trong đó có sự giúp đỡ nhiệt thành của nhà thơ Hoàng Minh Nhân). Tôi đã có duyên với Đất Quảng đến thế là cùng. Năm 1998, tạp chí Đất Quảng (bộ mới) in ở Quảng Nam, tôi về biên tập văn xuôi. Trầy trật mãi cũng đã trôi qua hai mươi năm. Cái đoạn sau này, chắc là nợ, một kiểu nợ êm ái mà người mắc phải luôn được ưu ái(?). Mấy mươi năm gắn bó với tạp chí Đất Quảng – Non Nước quả vừa là duyên vừa là… nợ – duyên nợ văn chương!
Lê Trâm
Theo Báo Quảng Nam