Mưu cầu hạnh phúc

Đó là một mục tiêu tất yếu mà nhân loại hướng đến, từ xưa nay, bất kể chủng tộc và biên giới; bất kể giới tính hoặc địa vị xã hội… Giữa hoang mang lo sợ về một tương lai không thấy lối thoát trong những ngày cách ly xã hội vì dịch bệnh thì một bộ phim cũ – Mưu cầu hạnh phúc lại có thể tiếp thêm cho bạn một động lực giá trị để bước tiếp…

Mưu cầu hạnh phúc (tên gốc: The Pursuit of Happyness), thuộc thể loại bi kịch, dòng phim gia đình, từ đạo diễn Gabriele Muccino gốc Ý. Phim dựa trên cảm hứng từ một câu chuyện có thật, về cuộc – đời – vô – gia – cư của Chris Gardner – nhân viên chào hàng, về sau trở thành nhà môi giới chứng khoán thành đạt trong xuyên suốt gần một năm tranh đấu tưởng chừng như vô vọng. Kịch bản phim đã được viết dựa trên cuốn hồi ký bán chạy nhất của chính Chris Gardner.

phim-muu-cau-hanh-phuc

Tính cách làm nên số phận

Đó là vào năm 1981, nơi San Francisco, người chào hàng thiết bị y tế là Chris Gardner đã quyết định đầu tư toàn bộ tiền tiết kiệm của mình vào những cái máy “quét mật độ xương” lưu động, để chào bán cho các bác sĩ, bằng cách chứng minh rằng đó là một phát minh có ưu thế vượt bậc so với tia X. Tuy nhiên, thực tế là Chris Gardner đã phải cực kỳ khó khăn để bán được những chiếc máy bị coi là có phần dị hợm và lại khá đắt đỏ này, trong khi gia đình anh luôn gặp túng thiếu cho nhiều nhu cầu thiết yếu thường ngày. Sau nhiều lần mâu thuẫn gia đình, cuối cùng vợ anh – một nữ công nhân luôn phải làm tăng ca để kiếm thêm thu nhập, trang trải cho gia đình đã buộc phải rời bỏ Chris Gardner để đến New York tìm kiếm công việc mới, thay đổi số phận. Đứa con trai 5 tuổi (thực ra trong đời thật, con của Chris Gardner lúc đó chỉ mới vừa biết đi) ở với Chris Gardner. Và từ đó là những chuỗi ngày bắt đầu sống đời vô gia cư của cả hai cha con, sau khi họ bị chủ nhà cho thuê lấy lại nhà vì mất khả năng chi trả. Trong một lần gặp gỡ tình cờ của số mệnh, cùng với sự chủ động đầy tính nỗ lực tự thân của Chris Gardner, anh đã gặp được một người đàn ông giàu có làm nghề môi giới chứng khoán. Được tạo cơ hội thực tập ở hãng chứng khoán Dean Witter, người chào hàng vô gia cư Chris Gardner đã ra sức kiếm tìm con đường đổi đời cho chính mình, dù lúc nào cũng gặp phải những bất trắc khó lường trong cuộc sống vốn dĩ đã lắm khốn khó, theo kiểu dân gian hay ví von rằng “đã nghèo còn hay mắc cái eo”!

phim-muu-cau-hanh-phuc
Cảnh trong phim Mưu cầu hạnh phúc

Rất nhiều lần những người làm phim đã dùng ngôn ngữ nghệ thuật thứ 7 theo lối kể chuyện thực tế mà vẫn đầy tính ẩn dụ với hoàn cảnh, về những cánh cửa luôn đóng – mở trước mặt nhân vật chính, từ cửa văn phòng công ty cho đến cửa xe điện ngầm hoặc cửa nhà cho thuê; cũng như với cửa xe taxi – trong một lần vì không còn đủ tiền trả cho chuyến xe taxi ngoài dự liệu mà nhân vật buộc phải bỏ chạy trong cái thế như “ăn giựt” rất bẽ bàng, vô cùng cám cảnh với người xem! Thậm chí, với cảnh nhân vật dắt con trai nhỏ trú tránh qua đêm trong một nhà vệ sinh công cộng, rồi buộc phải chốt chặt cánh cửa nhà vệ sinh trong tâm trạng dằn vặt bất an, sao có thể không khiến cho người xem cảm thấy ngậm ngùi xót xa cho một hoàn cảnh sống thuộc loại “tận cùng bằng số” ở đời – thân phận người vô gia cư, trong lòng một nước Mỹ thuộc hàng cường quốc trên thế giới thời đương đại.

Mưu cầu hạnh phúc đã được kết bằng những dòng phụ chú thêm, theo một cách “happy ending” (kết thúc có hậu) đặc trưng của Hollywood về giấc mơ Mỹ trong đời thật đời thường, rằng: “Sau khi bắt đầu sự nghiệp tại Dean Witter, Chris Gardner tiếp tục thành lập công ty đầu tư Gardner Rich vào năm 1987. Năm 2006, Chris Gardner đã bán một cổ phần thiểu số từ công ty môi giới của mình, trong một thỏa thuận trị giá hàng triệu USD…”.

phim-muu-cau-hanh-phuc
Cảnh trong phim Mưu cầu hạnh phúc

Nguyên mẫu nhân vật Chris Gardner năm ấy ở San Francisco (Mỹ) là người đàn ông vừa ly thân vợ, 27 tuổi, “một nách nuôi con” vừa mới biết đi chập chững. Ngày nay, ở độ tuổi U70, người đàn ông sinh ra ở Milwaukee (bang Wisconsin, Mỹ), từng có thời là người vô gia cư này đã có một gia tài khoảng trên dưới 60 triệu USD, tự tay tạo lập từ công ty của mình trong ngành ngân hàng đầu tư. Hiện tại, Chris Gardner đã quyết định rời bỏ công việc thường thức này, sau 3 thập kỷ khá thành công trong ngành tài chính, dành toàn bộ thời gian cùng tâm trí để đi vòng quanh thế giới, diễn thuyết ở hơn 50 quốc gia. Bởi ông muốn truyền bá quan điểm sống lạc quan từ chính cuộc đời ông, rằng con người có thể thay đổi vận mệnh bởi các quyết định tích cực, từ nhiều nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân…

Tình yêu vĩnh cửu

Điều đáng yêu đáng nể trong hành trình đấu tranh với tận cùng số phận ấy, Chris Gardner vẫn luôn bằng mọi giá tìm cách chăm sóc tốt nhất cho đứa con trai nhỏ của mình, không phải chỉ bằng vật chất trong mọi khả năng có thể mà còn ở lĩnh vực tinh thần. Chris Gardner luôn dạy con mình rằng “Sống là phải để người ta thương!”, bất kể đứa con trai nhỏ có lần phải thắc mắc “Có tuyệt đối vậy không?”. Dù có đôi lúc Chris Gardner cũng buộc phải có thái độ gắt gỏng với thế giới xung quanh, như một con gà mái mẹ xù lông sẵn sàng bảo vệ con trước bất kỳ hiểm họa rình rập nào; hoặc cũng không chiều con bất biết mà thẳng thắn chia sẻ khi dạy con “Vì cha yêu con. Bây giờ con đang còn nhỏ, cha phải quản lý con. Khi nào con lớn lên, nếu con làm sai, cha sẽ không nói nữa!”…

phim-muu-cau-hanh-phuc
Diễn viên Will Smith và Jaden Smith

Phương cách tranh đấu không mệt mỏi trong cuộc sống nhưng luôn bằng cách cố gắng dung hòa của Chris Gardner với thế giới và với gia đình cũng là một điều đặc biệt. Tính cách làm nên số phận của anh. Những người làm phim đã bám sát hiện thực ấy khi mô tả cuộc đời nhân vật của mình. Chẳng hạn, ngay từ cái gọi là lỗi chính tả trong tiêu đề bộ phim và trong cảnh phim với hình ảnh bức tường bên ngoài nhà trẻ của con trai nhân vật chính, từ “happiness” đúng ngữ pháp văn phạm đã bị viết sai thành “happyness”, là bởi trong đời thật vào lúc Chris Gardner phải sống trong tình trạng vô gia cư thì ông cũng đã thấy như thế. Không ngừng đấu tranh với số phận nhưng cũng sẵn lòng chấp nhận cuộc sống vốn dĩ, đó dường như cũng là “công thức” đã giúp cho Chris Gardner từ một người chào hàng từng có quãng đời vô gia cư thay đổi được số mệnh, trở thành một triệu phú về sau này.

Và bất kể bản thân Chris Gardner đã từng có một tuổi thơ sinh ra và lớn lên trong sự nghèo khó, bên cạnh mẹ ruột và người cha dượng nghiện rượu thích bạo hành. Hoặc đã từng ít nhiều thất bại trong mối quan hệ hôn nhân gia đình thì với ông, tình yêu gia đình vẫn luôn là tình yêu vĩnh cửu!

Ngoài chủ đề cốt lõi về tình cảm gia đình (giữa cha và con trai), phim còn đặc biệt bởi “cặp đôi” diễn viên lại cũng là 2 cha con ở đời thật: nam diễn viên lừng danh Will Smith (sinh năm 1968, tại Philadelphia, bang Pennsylvania, Mỹ) và con trai ruột là Jaden Smith (sinh năm 1998, tại Malibu, bang California, Mỹ).

Có thể thấy rõ, Will Smith ngoài việc hướng nghiệp kiểu “cha truyền con nối” cho con trai mình theo nghiệp diễn xuất, định hướng chọn lựa dự án phim cũng chính là một cách hướng đạo mang tính kim chỉ nam về nhân sinh quan và thế giới quan, với thế hệ tiếp nối. Bởi, trước khi tái xuất cùng Jaden Smith trong phim Trở về Trái Đất năm 2013 (kể từ lần đầu tiên “hợp tác” giữa hai cha con nhà này trong Mưu cầu hạnh phúc, ra mắt trên toàn thế giới vào năm 2006), Will Smith cũng từng tạo điều kiện cho con trai Jaden Smith tham gia dự án phim có cùng chủ đề liên quan sự sống còn của Trái Đất – hành tinh xanh, đó là bộ phim Ngày Trái Đất vẫn còn (tên gốc: The Day the Earth Stood Still), phát hành năm 2008, thuộc thể loại khoa học viễn tưởng (Sci-Fi). Phim này là câu chuyện về sự kiện người ngoài hành tinh đến New York (Mỹ), với các phản ứng tiếp nhận trái chiều giữa giới khoa học và giới chính trị – quân sự xứ Trái Đất. Tầm nhìn viễn tưởng này của Will Smith cũng chính là thái độ và quan điểm sống của người diễn viên tài danh này, với môi trường đang ngày càng biến đổi theo chiều hướng xấu của “hành tinh xanh” đang dần mất xanh – từ các hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu hiện có, phần lớn là do chính con người trên khắp thế giới này đã vô thức góp phần phá hủy. Cuộc viễn du viễn kiến “Trở về Trái Đất”, nói cho cùng đó cũng chính là hành trình tâm tưởng của mỗi bước “về nhà”, là “Mưu cầu hạnh phúc” thiết thân thiết yếu với mỗi con người thời đương đại trong khi “Ngày Trái Đất vẫn còn”!

Châu Quang Phước

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục