Cửa thị trường đã mở, nhưng Việt Nam vào được không?
Trong bài này, tác giả phân tích mối nguy của sự lệ thuộc có thể khiến Việt Nam không thể tận dụng được hết những lợi ích mà các hiệp định thương mại tự do ký kết gần đây mang lại, và đề xuất giải pháp để xử lý.
Cánh cửa thị trường lớn đã mở
Mở rộng thương mại với châu Âu và các nước phát triển khác: đối với châu Âu, thương mại hai chiều đang có lợi về phía Việt Nam, với xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) gấp gần 3,5 lần xuất phía ngược lại, và do đó xuất siêu của Việt Nam lên tới 32 tỉ đô la năm 2018, bằng 13% GDP của Việt Nam.
Với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) vừa được EU thông qua, thị trường EU sẽ mở rộng thêm cho Việt Nam, nhưng điều này sẽ chỉ được hiện thực hóa nếu Việt Nam tuân thủ đúng các điều khoản cam kết, và như thế Việt Nam cần tăng cường sản xuất các mặt hàng cao cấp với nguyên liệu nội địa hay từ châu Âu.
Thực tế, xuất khẩu hiện nay của Việt Nam là hàng may mặc, giày dép, nông sản, hải sản, còn hàng máy tính hay điện thoại di động là hàng gia công cho nước khác, đặc biệt là của Hàn Quốc với ít nhất 12 tỉ đô la xuất khẩu là của Samsung. Sản phẩm Samsung ở Việt Nam, thực chất, nếu áp dụng đúng theo chuẩn mực sẵn có của thống kê thế giới, hàng hóa này đáng lẽ phải được coi là của Hàn Quốc (coi thêm phụ lục).
Hiện Samsung sử dụng 100.000 công nhân ở Việt Nam, nhưng tỷ lệ nội hóa sản phẩm điện tử của Việt Nam cũng chỉ khoảng 5-10%. Với tỷ lệ chi phí vật tư phỏng đoán là 69%, tỷ lệ chi phí lao động là 8% và thuế sản phẩm là 2,8% giá trị sản phẩm, thì tỷ lệ nội hóa toàn diện sản phẩm cao lắm là 28,3% (coi thêm phụ lục) – theo nghĩa tỷ lệ giá trị tạo ra cho nền kinh tế Việt Nam.
EVFTA sẽ xóa bỏ 99% các dòng thuế nhập khẩu hiện tại theo lộ trình xuống 0% và xóa bỏ hạn ngạch, nếu tỷ lệ nội địa hóa được tôn trọng, do đó về lâu dài điều này có lợi cho cả hai bên nhưng những đòi hỏi của EU sẽ tạo một số bất lợi trước mắt cho Việt Nam như sau:
– Thuế suất nhập khẩu ô tô vào Việt Nam sẽ giảm ngay xuống 0%, như thế có lợi cho EU, nhưng các công ty lắp ráp xe hơi hiện nay ở Việt Nam được bảo vệ bằng thuế nhập khẩu có thể phải đóng cửa.
– Thuế nhập hàng may mặc vào EU sẽ giảm ngay xuống 0%, có lợi cho Việt Nam, nhưng Việt Nam phải đạt ít nhất 45% tỷ lệ nội hóa – theo nghĩa từ các nước tham gia hiệp định. Điều này có lẽ không dễ dàng vì gần như 100% nguyên liệu Việt Nam nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc… Ngoài ra, với nhiều loại hàng hóa khác, để không bị đánh thuế nhập khẩuViệt Nam phải đạt tỷ lệ nội hóa 30%.
– Việt Nam cũng phải xóa bỏ thuế xuất nhập khẩu, nên tiền thuế thu được sẽ giảm.
– Việt Nam sẽ phải mở cửa cho các doanh nghiệp EU cạnh tranh cung cấp hàng hóa cho dự án chính phủ. Ngoài ra Việt Nam cũng phải xóa bỏ trợ cấp (nếu có) cho các doanh nghiệp nhà nước.
– Việt Nam và EU mở cửa thị trường thương mại dịch vụ, và do đó phải mở cửa có mức độ đầu tư trực tiếp vào một số hoạt động như dịch vụ máy tính, ngân hàng, tài chính, giáo dục, vận tải, thông tin, viễn thông, thương mại điện tử, v.v. nhưng với các đòi hỏi chặt chẽ như hạn chế ở mức 49% phần sở hữu nước ngoài trong đầu tư trực tiếp vào dịch vụ tài chính.
– Việt Nam cam kết thực hiện các nguyên tắc về lao động của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).
Tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP): Hiệp định này cũng thiết lập tỷ lệ nội hóa và bao gồm các điều khoản như sau:
– Xóa bỏ mọi thuế nhập khẩu trước đó ở mức cao (25-30% hay hơn), và giảm các hạn chế nhập khẩu với sản phẩm nông nghiệp.
– Xóa bỏ bù lỗ xuất khẩu.
– Mở cửa thị trường cho dịch vụ tài chính (như ngân hàng).
– Thực hiện các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường.
– Cam kết thực hiện các nguyên tắc về lao động của ILO cũng như EVFTA.
– Để được áp dụng thuế suất ưu đãi theo Hiệp định, hàng hóa xuất khẩu phải đạt chuẩn về tỷ lệ nội hóa (có thể từ 40% trở lên tùy mặt hàng).
Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RECEP): Hiệp định này do Trung Quốc đề xướng nhằm xây dựng vòng ảnh hưởng nhằm đối phó với Mỹ. RECEP thực chất là nhằm mở cửa thị trường toàn diện cho Trung Quốc, và có thể là mối nguy cho Việt Nam nếu tham gia, vì nó sẽ hợp pháp hóa việc sử dụng thị trường Việt Nam để xâm nhập thị trường các nước phát triển khác. Năm 2019 Ấn Độ đã quyết định rút lui và Nhật Bản cũng tuyên bố sẽ không tham gia nếu không có Ấn Độ.
Việt Nam cần xem xét lại chính sách công nghiệp hóa. Tỷ lệ công nghiệp trong GDP hiện nay là 17,8%, chỉ tương đương với nông nghiệp. Cần xem xét lại luật về đầu tư nước ngoài theo hướng khuyến khích đầu tư công nghệ cao và hạn chế đầu tư với kỹ thuật lạc hậu, dùng nhiều năng lượng, gây ô nhiễm, lệ thuộc vào vật tư của nước chủ sở hữu cung cấp, và chỉ cần “lao động cơ bắp” của Việt Nam. Trong việc điều chỉnh cần hiểu rõ phạm vi của các hiệp định thương mại, không đòi hỏi mở toang cửa cho đầu tư nước ngoài.
Hiệp định thương mại thiết lập các quy chế liên quan đến xóa bỏ và giảm thuế nhập khẩu giữa các nước tham gia, xóa bỏ hoặc giảm các hạn mức về hàng nông nghiệp với các quy định bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, như xóa bỏ bù lỗ xuất khẩu, bảo đảm tôn trọng các điều kiện y tế, môi trường và lao động theo luật quốc tế, bảo đảm sở hữu trí tuệ, và có cơ chế giải quyết tranh chấp bình đẳng, nhất là giữa doanh nghiệp và chính phủ.
Để tăng cường quan hệ thương mại giữa các nước thành viên, hiệp định nào cũng thiết lập các tỷ lệ nội địa hóa đối với hàng xuất khẩu.
Vì chỉ liên quan đến thương mại, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các hiệp định thương mại khác không có các điều khoản quản lý đầu tư nước ngoài (dù trực tiếp hay gián tiếp), trừ một số điều nhằm bảo đảm thương mại dịch vụ ở mức nhất định. Đối với tài chính, EVFTA cho phép EU đầu tư trực tiếp nhằm cung cấp dịch vụ tài chính, nhưng sở hữu của họ bị hạn chế không cao hơn 49%.
Hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia sẽ giúp mở cửa thị trường các nước đối tác cho hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, nhưng vấn đề là Việt Nam có đủ sức cung hay không, nhất là đáp ứng được tỷ lệ nội hóa. Với EVFTA, tỷ lệ nội hóa đòi hỏi Việt Nam phải tự cung hay dựa nhiều hơn vào nguồn cung đắt hơn nhưng chất lượng cũng cao hơn của EU, thay vì Trung Quốc, và do đó cách xử lý tốt nhất là đi vào sản xuất hàng hóa cao cấp.
Đầu tư nước ngoài là phạm trù nằm ngoài hiệp định thương mại và thuộc hiệp định đầu tư nước ngoài (nếu có). Đầu tư nước ngoài thường rất nhạy cảm vì liên quan đến các vấn đề an ninh quốc gia, kể cả mặt kinh tế lẫn chính trị, cho nên nó là phạm trù của luật về đầu tư nước ngoài của mỗi nước.
Một trong những điều cần thiết để quản lý vai trò của pháp nhân nước ngoài trong luật về đầu tư nước ngoài là: (a) xác định các hoạt động mà người nước ngoài có thể đầu tư, (b) quy định sở hữu tối đa, và (3) thiết lập tỷ lệ nội địa hóa để hạn chế vai trò của người nước ngoài, thúc đẩy vai trò của doanh nghiệp nội địa. Chính sở hữu song phương mới tạo tiềm năng đưa đến chuyển giao công nghệ.
Vấn đề hàng hóa quốc gia và quy ước xuất nhập khẩu
Quy ước được Ủy ban Thống kê Liên hiệp quốc và các nước, các tổ chức quốc tế chấp nhận là ghi xuất hay nhập khẩu khi có sự chuyển quyền sở hữu giữa một đơn vị pháp lý của một quốc gia và một đơn vị pháp lý của một quốc gia khác. Một du khách sang Việt Nam mua hàng thì đó là hàng xuất khẩu của Việt Nam và nhập khẩu của quốc gia mà du khách cư trú thường xuyên. Có hai ngoại lệ mà các nước thường làm:
a) Thiết lập khu vực chế biến gia công quốc tế mà nước sở tại không kiểm soát hải quan: Nước ngoài đưa hàng vào khu vực, gia công rồi đưa ra. Hàng hóa đó hoàn toàn thuộc sở hữu nước ngoài và được ghi vào xuất nhập khẩu của nước ngoài. Chỉ có dịch vụ gia công là được ghi vào xuất khẩu của nước sở hữu khu vực gia công.
b) Mượn tên để xuất khẩu: Trung Quốc trước đây chỉ mượn Hồng Kông làm nơi đăng ký, hàng đưa vào và xuất ngay ra nước khác với danh nghĩa Hồng Kông. Mỹ coi hàng hóa này là hàng Trung Quốc khi nhập vào Mỹ. Hiện nay, hàng Trung Quốc qua Việt Nam mượn tên rồi chuyển sang Mỹ cũng bị coi như thế.
Có lẽ lúc nào đó cần có quy ước quốc tế quy định thế nào là hàng của một quốc gia, dựa vào tỷ lệ nội địa hóa.
Phụ lục: Tỷ lệ nội địa hóa Có nhiều cách nhìn về tỷ lệ nội địa hóa Tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu: Trong các văn kiện về hiệp định thương mại hay văn kiện của nhà nước nhằm mục đích tăng việc tham gia sản xuất của các doanh nghiệp trong nước, thường chỉ áp dụng cho linh kiện hay nói rộng ra là chi phí nguyên liệu. Ô tô sản xuất ở Việt Nam chỉ có khoảng 10-15% tỷ lệ nội địa, Việt Nam lại đưa ra cách tính tỷ lệ nội địa hóa linh kiện cho ô tô rất chi tiết, có thể vượt mức cần thiết, nhưng lại dựa vào các hệ số một cách máy móc, không tính đến sự thay đổi của giá cả. Đối với hàng hóa chính phủ Mỹ mua, tỷ lệ nội hóa nguyên liệu (kể cả giá trị xây dựng) phải cao hơn 50% nhưng một số nguyên liệu phải hoàn toàn sản xuất ở Mỹ. Tỷ lệ nội địa hóa toàn diện: Là xem xét toàn diện tỷ lệ nội hóa sản phẩm, tức là tính đầu vào trực tiếp trong sản xuất từ các nguồn nội địa như nguyên liệu, dịch vụ, lao động, vốn. Tỷ lệ nội địa hóa toàn diện là nhằm định vị sản phẩm là của quốc gia mình hay của nước ngoài. Có mấy loại đặc thù sau: a) Sản phẩm gia công thuộc sở hữu nước ngoài: Một sản phẩm khi đem vào trong nước gia công mà chủ sở hữu là đơn vị nước ngoài thì theo nguyên tắc thống kê quốc tế, sẽ coi là sản phẩm và nguyên liệu/linh kiện đem vào để sản xuất là của nước chủ sở hữu. Nguyên liệu/linh kiện đem vào không được ghi là nhập khẩu và sản phẩm làm ra đem đi không được ghi là xuất khẩu. Giá trị sản xuất và xuất khẩu của nước sở tại chỉ là chi phí gia công. Việc ghi là xuất nhập khi có sự chuyển đổi về sở hữu sản phẩm. Do đó một sản phẩm được đơn vị nước ngoài (người lao động nước ngoài ở ngắn hạn dưới 1 năm) sản xuất và bán ở trong nước thì đó là sản phẩm của nước ngoài. Nguyên tắc thống kê quốc tế thì như thế nhưng cho đến nay khi áp dụng thực tế thì lại khác. Chỉ có sản phẩm sản xuất ở các khu chế xuất tự do, xuất không qua kiểm soát hải quan, thì mới không ghi là xuất của trong nước. Khi doanh nghiệp 100% sở hữu nước ngoài đăng ký về mặt pháp lý là doanh nghiệp trong nước thì xuất lại được ghi là xuất khẩu của trong nước. Thực tế “đội tên” này cần được các tổ chức quốc tế xem xét lại. b) Sản phẩm đội tên nước sở tại để xuất: Hiện nay thống kê quốc tế chưa đưa ra nguyên tắc rõ ràng, nhưng hàng Trung Quốc chuyển cảng qua Hồng Kông rồi vào Mỹ (dù có thay đổi theo pháp lý chủ sở hữu doanh nghiệp Trung Quốc sang chủ sở hữu doanh nghiệp Hồng Kông) thì Mỹ sẽ tính lại để ghi đó là hàng Trung Quốc xuất sang Mỹ. c) Sản phẩm thuộc sở hữu nước ngoài có tỷ lệ nội hóa toàn diện thấp: Cũng giống như trường hợp 2, một vấn đề đề tương tự mà hiện nay các tổ chức quốc tế về thống kê chưa đưa ra nguyên tắc xử lý trong thống kê xuất nhập khẩu (nếu có sẽ giúp giảm các tranh chấp không đáng có hiện nay, đặc biệt liên quan đến Việt Nam và Mỹ). Có thể một sản phẩm hoàn toàn mang tính gia công như trường hợp (a), nhưng người đầu tư nước ngoài đăng ký doanh nghiệp ở Việt Nam (tức là về mặt pháp lý là doanh nghiệp Việt Nam nhưng nắm 100% sở hữu nên về mặt sở hữu là doanh nghiệp nước ngoài), nếu chi phí gia công ở Việt Nam chỉ khoảng 10% thì doanh nghiệp đó có nên coi là doanh nghiệp Việt Nam không? Và nếu không thì sản phẩm được sản xuất ở Việt Nam chỉ là dịch vụ gia công, còn sản phẩm chính khi xuất ra nước khác sẽ phải ghi là sản phẩm của nước sở hữu sản phẩm. Có cần có nguyên tắc quốc tế để xử lý vấn đề này nhằm phù hợp với nguyên tắc chỉ ghi là xuất nhập khẩu trên cơ sở sở hữu và chuyển đổi sở hữu không? Ví dụ về cách tính qua hàng hóa của Samsung Thông tin ở đây thuần túy mang tính phỏng đoán. Nhưng cũng cho thấy là tỷ lệ nội địa hóa với nguyên liệu cao sẽ làm tăng tỷ lệ hóa nội địa toàn diện sản phẩm. Với sản phẩm của Samsung, tỷ lệ nguyên liệu nội địa (hay linh kiện) có thể là 8%; tỷ lệ nội địa hóa toàn diện cao hơn, nhưng cũng là 28,3%. Nếu như dịch vụ phí và chi lương cho chuyên gia và lao động Hàn Quốc là đáng kể thì tỷ lệ nội địa hóa toàn diện sản phẩm sẽ thấp xuống. Một sản phẩm như của Samsung mà tỷ lệ nội địa hóa toàn diện chỉ có 28% như trên thì khó có thể coi là sản phẩm Việt Nam. Nguyên tắc thông thường để quyết định về sở hữu là 50% trở lên. Vậy thì đâu là tỷ lệ hợp lý để xét vấn đề sở hữu? Có thể cách tốt nhất là lấy tỷ lệ bình quân tỷ lệ gia công trong sản phẩm hiện được coi là gia công trong khu vực chế xuất để làm chuẩn. Đây là vấn đề Tổng cục Thống kê Việt Nam có thể nêu lên thảo luận trong cộng đồng thống kê thế giới. |
Vũ Quang Việt
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Link nguồn: https://www.thesaigontimes.vn/303244/cua-thi-truong-da-mo-nhung-viet-nam-vao-duoc-khong.html