Trước giờ G của những người bán vé số dạo – Kỳ 1: Về hay ở?
Ngày 31/3/2020 là ngày mà nhiều sự quan tâm đổ dồn vào những người bán vé số, khi từ 1/4/2020, dừng tất cả các hoạt động xổ số kiến thiết trên cả nước trong 15 ngày, nhằm hạn chế sự lây lan dịch bệnh Covid-19.
Chị Liên kéo nhanh cái khẩu trang lên mặt sau khi bước ra từ đại lý vé số trên đường Hoàng Văn Thụ, Phú Nhuận, Sài Gòn, bước vội về hướng nhà trọ trong tâm trạng buồn vui lẫn lộn. Hôm nay là một ngày hiếm hoi từ tết Canh Tý đến nay chị mới bán hết vé sớm như vậy. Đồng hồ chỉ đúng 2 giờ chiều. Chị bán được 200 tờ, mà như chị kể: “Người ta thương nên mua giúp cho, chắc họ cũng biết hôm nay là ngày cuối cùng người bán vé số dạo được phép đi bán trước khi tạm ngưng vào ngày mai.”
Chuyện người ở lại
Theo chân chị Liên, tôi lần theo những con hẻm nhỏ vòng vèo để đến căn nhà trọ của chị ở đường Phan Tây Hồ, quận Phú Nhuận, Sài Gòn. Đúng hơn, đây là căn nhà của chủ đại lý vé số cho những người đi bán như chị ở trọ, tiền thuê được cấn trừ dần vào lượng vé bán ra. Căn nhà nhỏ của những người bán vé số dạo rộng chừng 50m vuông, một trệt 1 lầu này bình thường chật chội có đến mười mấy người ở, nhưng nay chỉ còn 5 vì mọi người đã vội vã về quê trước đó một ngày.
Chị Liên quê ở Mộ Đức, Quảng Ngãi, vào Sài Gòn mười mấy năm rồi, sống duy nhất bằng nghề bán vé số. Chị có 2 đứa con, trong đó một đứa con gái lớn bị câm điếc, đã 18 tuổi, không đi học mà đi bán phụ mẹ được 10 năm nay. Mỗi ngày, con gái chị bán được 100 tờ, chị bán được lúc cao điểm là 300 tờ, khi nào ế thì 100 hay 150 tờ. Hai mẹ con bán tầm 300 tờ, kiếm một ngày khoảng 300 ngàn đồng, cũng đủ sống cho gia đình 3 người. Chị Liên tâm sự: “Từ Tết cho đến nay là mùa ế ẩm nhất, người ta lo chuyện dịch nên không bụng dạ đâu để mua. Rồi hàng quán lần lượt đóng cửa hết, mình bán cho ai. Mà có muốn mua người ta cũng ngại, vì họ sợ tiếp xúc gần với mình, dễ nguy cơ mang bệnh. Nhưng về quê thì chắc chắn không. Mình không sống nổi ở quê, vô Sài Gòn kiếm sống và đã sống được, thì cách gì cũng phải bám trụ ở đây thôi”. Chị Hằng, đồng hương chị Liên, ngồi kề bên góp chuyện: “Nhiều người bán vé số như tụi tôi đã lo lắng, vội vàng về ngay khi có thông tin ngưng bán vé số. Nhưng về quê, rồi làm gì ăn, lại tốn tiền xe ra vô khi không có thu nhập nữa. Chưa kể, về quê mà bị cách ly 14 ngày thì cũng như không.”
Phận kẻ về
Mà thật, những người bán vé số dạo đang ở hai tình cảnh, hoặc về vội vàng ngay lập tức khi có tin ngưng phát hành vé số, hoặc chịu ở lại, dù không phải giải pháp nào cũng tối ưu cho người chọn lựa.
Bà Hai, ở trọ cùng nhà chị Liên, được xem người bán vé số dạo già nhất nhà và theo các chị cùng nghề với bà nói, là có lẽ già nhất quận Phú Nhuận khi năm nay đã ở tuổi 85. Cách vấn khăn cho biết đây là một phụ nữ của những ngày xưa ở đất Bắc. Bà quê Hà Tĩnh, vào Vũng Tàu sống từ lâu rồi. Và lên Sài Gòn đi bán vé số cũng lâu lắm rồi. Tuổi già sức yếu, nên bà chỉ đi bán được từ buổi chiều tới tối, loanh quanh khu vực quanh cây xăng ở gần Coop mart Rạch Miễu. Vì giờ bán của bà như thế, nên hôm nay khi mọi người trong nhà tranh thủ đi bán nốt ngày cuối thì bà xem như được nghỉ ngơi, ngày nghỉ duy nhất trong suốt hơn 20 năm qua ở Sài Gòn. Bà khoe mình lãng tai, mà nhiều người thương, bán được tầm 200 vé mỗi ngày, kiếm cũng được tầm 200 ngàn đồng. “Nhưng đó là thời “hoàng kim”, từ Tết đến nay bà cũng ế như ai thôi “. Bà Hai cười móm mém. Các chị ở cùng cho biết bà cứ lủi thủi một mình như thế, không thấy con cháu nào tới thăm hỏi nhiều năm rồi. Có lúc bà về quê mất biệt, mọi người tưởng bà đã mất, ngờ đâu bà quay lại, đi bán tiếp. Chiều nay tôi gặp là lúc bà Hai đang lụi cụi thu xếp mớ hành lý để ngày mai đón xe về Vũng Tàu. Mấy người ở trọ chung ái ngại không biết là bà có leo lên xe đò nổi ở cái tuổi ấy không, rồi khi họ biết được việc đi lại bằng xe khách giữa Sài Gòn và các tỉnh là việc không thể, thì xúm lại cản bà. Mà bà thì chỉ ngồi bên cây gậy, ngó ra cửa mà nói chầm chậm từng câu, mà như không nói với ai: “Tôi già rồi, sống nay chết mai ai biết được, về quê mới yên cái dạ”.
Không đợi đến ngày mai, chị Loan, người Gò Công Đông, Tiền Giang bán vé số quanh khu Hoàng Hoa Thám, Bình Thạnh thì kiên quyết về ngay trong tối 31/3. Chị nói, so với mọi người cùng trọ ở đường Phan Xích Long, Phú Nhuận, quê chị là gần nhất, nên càng muốn về. “Hai ngày trước tui đặt xe đò vẫn được, nay mới biết là các nhà xe không chạy nữa. Mấy người ở xa thì đành, chớ tui ở gần, mà con lại đang bệnh nặng ở quê, nửa tháng ngồi không ở đây thì sốt ruột lắm chịu không nổi. Mình làm bữa nào đủ ăn bữa đó. Về quê chăm con, có rau ăn rau có cháo ăn cháo chứ ở nhà trọ muốn gì cũng phải có tiền mới trụ được”. Chị Loan kể, mắt rưng rưng. Có lẽ vì vậy mà chị bóp bụng thỏa thuận thuê xe ôm đi về quê với giá 350.000 đồng. Miễn sao kịp tới nhà trước 0h…
Bài & ảnh: L.M.Hạ
Theo 24hsongxanh.vn
Link nguồn: https://24hsongxanh.vn/truoc-gio-g-cua-nhung-nguoi-ban-ve-dao-ky-1-ve-hay-o/