“Ai ở đâu, ở yên đó” vẫn có thể xem tranh tưởng nhớ Trịnh Công Sơn

Triển lãm tưởng niệm 19 năm ngày mất của nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn mang tên Lời thiên thu gọi sẽ đưa người hâm mộ khắp nơi bước vào phòng trưng bày tranh để tưởng nhớ ông dù rằng đang ở nhà.

Bức tranh vẽ Trịnh Công Sơn và danh ca Khánh Ly.

Triển lãm do trang mạng xã hội Duyên dáng Việt Nam phối hợp cùng họa sĩ Lê Sa Long, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh – em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đồng tổ chức.

Bắt đầu giới thiệu đến công chúng từ ngày 1/4, triển lãm mỹ thuật sử dụng công nghệ thực tế ảo gồm 3 phòng trưng bày với 32 bức tranh, được vẽ từ các chất liệu như sơn dầu, màu nước, pastel…, sẽ điểm qua những dấu ấn âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, mang thông điệp và có tính hệ thống dựa trên những tư liệu về cố nhạc sĩ.

Chân dung cố nhạc sĩ qua phong cách Pop Art.

Bà Trịnh Vĩnh Trinh – em gái của cố nhạc sĩ – chia sẻ với Tuổi Trẻ Online: “Chúng tôi đã được xem những tranh họa sĩ Lê Sa Long vẽ để tưởng nhớ anh Sơn, chúng rất kỳ công và đặc biệt.

Tôi rất xúc động, đó là một tấm lòng đã luôn luôn nghĩ đến anh của tôi, tổ chức triển lãm để gây quỹ cho học bổng Trịnh Công Sơn và học bổng Nguyễn Thái Bình. Gia đình chúng tôi luôn ủng hộ và quý trọng những việc như vậy“.

Họa sĩ Lê Sa Long đã vẽ những bức tranh lấy cảm hứng từ âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từ những năm 1984, khi ông chuẩn bị bước chân vào giảng đường Sư phạm Quy Nhơn. Đây cũng là nơi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn theo học chuyên ngành Tâm lý giáo dục trẻ em từ 1962-1964.

Không gian triển lãm trên mạng.

Hoạ sĩ Lê Sa Long cũng trải lòng rằng vùng đất này đã cho ông sự đồng điệu hòa cùng những cảm xúc về nhạc Trịnh: “Trải qua những thăng trầm trong cuộc sống, tôi thêm đồng điệu những cảm xúc nhân văn mà nhạc Trịnh đã mang lại.

Khi vẽ tranh về Trịnh, tôi sử dụng chủ yếu bút pháp hiện thực, có lúc siêu thực với nhiều chất liệu nhằm khắc họa chân dung nhạc sĩ cùng những người bạn tri kỷ, những nàng thơ gắn liền với những ca khúc bất hủ của ông“.

Triển lãm tranh Lời thiên thu gọi có mặt trên trang Duyên dáng Việt Nam đến ngày 30/4/2020.

Phòng không gian âm nhạc là những bức tranh nhạc sĩ độc thoại nội tâm, hiện trên vùng đất ông gắn bó và viết nên những ca khúc như Biển nhớ, Biển nghìn thu ở lại, Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui.

Phòng cảm xúc âm nhạc là những sáng tác về bạn bè tâm giao (danh ca Khánh Ly), tri kỷ (nhạc sĩ Văn Cao, nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhà văn Nguyễn Tuân) hay nàng thơ (ca sĩ Thanh Thúy, Dao Ánh, cô gái Nhật Bản Michiko) – những người đã tạo nên các cung bậc cảm xúc trong sáng tác của Trịnh Công Sơn.

Phòng Lời thiên thu gọi là sự kết nối của những người đã và đang trình bày âm nhạc của cố nhạc sĩ đến khán giả như bà Trịnh Vĩnh Trinh, nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn, ca sĩ Hồng Nhung hay những gương mặt trẻ như Hà Lê, Bùi Lan Hương, Hoàng Trang. Họ thuộc thế hệ khác nhau nhưng đều có phong cách trình bày nhạc Trịnh đặc biệt.

Một số bức tranh có trong triển lãm:

Chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Trịnh Công Sơn và Dao Ánh.
Trịnh Công Sơn và cô gái Nhật Bản Michiko.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng.
Nhà văn Nguyễn Tuân.
Văn Cao.
Danh ca Nhật Bản Tokiko Kato.
Nữ ca sĩ Bùi Lan Hương và nam rapper Hà Lê.
Giọng ca trẻ Hoàng Trang và nghệ sĩ guitar Nguyễn Đông.
Nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn.
Chân dung ông Đáng – lão giang hồ hoàn lương ở Long Khánh “nặng nợ” với nhạc Trịnh.

Tiến Vũ

Theo Tuổi Trẻ Online

 

Link nguồn: https://tuoitre.vn/ai-o-dau-o-yen-do-van-co-the-xem-tranh-tuong-nho-trinh-cong-son-20200331182912402.htm

Cùng chuyên mục