Khoảng sân của người già
Mấy hôm nay, nhà hàng xóm cửa đóng im ỉm. Chợt nhớ hình ảnh hai ông bà già hay bắc ghế ra ngồi trước sân, giữa mùa cây thay lá…
1. Ông bà là những người lớn tuổi nhất trong một khu phố tái định cư. Nhưng họ lại không phải những cư dân xa lạ với ngay vùng đất đã từng là ruộng đồng bao la này. Họ là chủ nhân của những cánh đồng – bây giờ đã mọc lên rất nhiều nhà cao tầng. Nhưng cái cảm giác họ lạc lõng giữa hàng chục người đã từng là hàng xóm lâu năm, là bạn vong niên, là thân thuộc họ hàng… trong cái bối cảnh ngột ngạt bê tông này, thì vẫn thường xuất hiện trong tôi. Bởi tôi có lần thấy ông lão cầm xẻng vun cho một gốc cây đầu phố đã bự bằng thằng nhóc nhà mình. Ông bảo, làm cho đỡ nhớ vườn. Cả gần hec ta đất ở cái nơi bây giờ là nhà mình, nhà con cái mình, ông bà lão đã chăm trồng ra bao nhiêu cây trái. Anh con trai sợ ba mẹ ở không quen, mở một hàng xén nhỏ. Ở đó, hằng ngày có những người phụ nữ cũng “di cư” lên từ xóm cũ, chạy qua mua chai dầu ăn, nước mắm, tranh thủ ngồi lại nói dăm ba câu chuyện để ông bà có chút hơi hướm nhà quê. Chiều, có mấy đứa trẻ mua thêm ít cây kẹo, gói bánh. Vậy thôi, khách hàng chỉ chừng đó. Nhưng cũng bớt đi phần nào cái “buồn tay buồn chân” mà mấy ngày đầu ông bà hay than thở.
Sáng sớm, nghe tiếng chổi tre loẹt quẹt đoạn vỉa hè ngang qua nhà mình, tôi ngái ngủ dòm ra phía cổng. Thấy bà lão tuổi đã chừng 80, vóc người gầy, lưng còng, tỉ mẩn quét hết cả vỉa hè của con phố. “Kệ con, làm cho dzui”, nghe bà nói với anh con trai. Vậy là tự nhiên, đội ngũ vệ sinh của công ty môi trường đô thị lại ít hẳn xuất hiện ở khu phố mình. Bởi bà lão tự nhận phần mình quét tươm tất một đoạn đường – vốn dĩ xưa nó là ruộng, là vườn của mình. Hình như ít nhiều trong đó chứa chất những niềm rất khó thành tên. Buổi đầu ngày tôi bước ra đóng cổng nhà mình đi làm, chợt thấy bà nhìn trân vào cánh cổng, hình như có đôi chút khác lạ.
Con phố toàn người quen của ông bà. Họ phần lớn là cư dân cũ, tái định cư ở ngay đất của mình. Và toàn nhà mới làm ba bốn tầng, với những cánh cổng sắt rất bự và dày. Một ông lão khác, có vẻ ít tuổi hơn ông lão sát cạnh nhà tôi, ngày mới dọn về nhà, mắt đầy niềm vui, đi quanh xóm làng mời về tân gia nhà mình, không quen chêm thêm một câu đầy hào hứng: thiệt, cả đời mình chưa nghĩ ở được cái nhà bề thế, to bự vậy! Nhưng được hơn tháng, lại thấy sáng chiều bắc ghế qua sân nhà ông bà lão có tiệm hàng xén, mắt đăm chiêu như chừng đang đếm từng vòng xe chạy ngang qua trước mặt. Cái cảnh mà muốn nói họ buồn cũng không đúng nhưng vui càng là không thể.
2. Nhà ông bà lão hàng xén đóng cửa đã mấy ngày. Khoảng vỉa hè được mặc nhiên như khoảng sân của người già trên con phố, tự nhiên vắng bặt. Tôi lân la tìm hiểu những người hàng xóm khác. Họ nói, hai ông bà già dắt nhau về cái xóm cũ – cách không xa xóm mới tái định cư, ở đó họ cũng còn một ngôi nhà dù hơi xập xệ. Hỏi vì sao họ lại đi về, bà hàng xóm tuổi chừng 60 khi xưa nghe nói thu hoạch một mùa lúa phải tính từ 5 tạ trở lên, thở hắt rằng: hai vợ chồng thằng con gây gổ, bà dắt ông về ở lại nhà cũ. Tự nhiên nghe lòng mình nặng trịch. Việc nhà người ta, tự nhiên lại lẩn thẩn nghĩ tới bản thân nhiều ngày sau. Phải chăng, thích nghi với đô thị phát triển, thì buộc người già cũng phải quen với chuyện cả ngày ở trong nhà, nhìn nhau – nếu còn ông còn bà, hoặc nhìn tivi, hoặc bắc ghế ra trước sân, ngồi đếm xe chạy… như những người trên con phố mình ở?
Bất chợt nghĩ, liệu cha mẹ mình có hạnh phúc hơn những người già nơi này – khi còn ở một làng quê, còn cánh đồng, chỏm đồi, con suối, dòng sông, để không tức mắt nhìn những khối bê tông sừng sững, không nhớ đến độ phải kiếm cái xẻng vun đại một gốc cây to? Đưa một người già ra khỏi mảnh đất ngôi nhà đã cũ, gần như chuyện đã bứng đi một gốc cổ thụ ngay ở con đất nó lớn lên từ một hạt mầm. Hẳn sẽ có tàn mục từ từng tế bào. Sẽ có gốc cổ thụ giữ mình yên được, nhưng phần nhiều đều ruỗng từ trong thân, từ từ. Đó phải chăng là chuyện tất yếu phải mất mát trong quá trình phát triển đô thị?
Mình nhớ má mình, một người đàn bà chạy chợ ở vùng thượng nguồn, ngoa ngôn và sắc sảo để nuôi mình ra phố ở, rằng thôi con, nhớ má thì về, nhà mình vẫn ở đó, xưa giờ, má phải ở đây, vì nơi chôn nhau của con, của má… “Tại con đi xa quá, chứ nhà mình nào có xa!”.
Song Anh
Theo Báo Quảng Nam